Giới, Định, Tuệ
GIỚI LUẬT
Trong Đạo Phật, “Giới" có nghĩa là những điều luật để phòng ngừa và tránh cho thân thể, lời nói và tâm ý khỏi phạm điều quấy, đồng thời dứt dừng điều ác (phòng phi, chỉ ác) hoặc ngưng điều ác và làm điều thiện (chỉ ác, tác thiện).
Vậy giới là những quy luật, những quy tắc cần phải hành trì, là hàng rào phân định giữa thiện và ác, là phương pháp điều trị những tội lỗi do thân, miệng, ý phát sinh ra, hầu đem lại lợi ích cho mình và cho người. Giới là kỷ cương của Phật Pháp, là mạng sống của Tăng Già: "Giới luật còn thì Phật Pháp còn. Giới luật là thọ mạng của Phật Pháp".
Khi sắp nhập Niết Bàn, Đức Phật đã ân cần dạy các đệ tử: “Này các Tỳ kheo, sau khi ta nhập diệt, các thầy phải tôn kính, trân trọng giới luật, như người mù mà được sáng mắt, người nghèo mà được châu báu; phải biết rằng giới luật là vị đại sư cao cả của các thầy. Nếu ta còn sống ở đời thì cũng chẳng khác gì giới luật này".
Nhưng giới luật không phải là những điều răn cấm mà Ðức Phật ban hành, bắt buộc hàng tín đồ phải tuân hành, nếu không là có tội. Phật Giáo không quan niệm có sự ban thưởngđiều lành hay trừng phạt điều dữ mà chỉ truyền dạy lý nghiệp báo, tức định luật nhân quả. Gieo giống nào sẽ gặt quả nấy.
1. Thoạt tiên Đức Phật dạy con người nên cố tránh không làm các điều ác, điều bất thiện.
2. Sau khi tránh làm điều ác thời Đức Phật dạy là nên nắm ngay lấy mọi cơ hội để làm việc lành, việc thiện theo chánh hạnh vì những hành động như thế sẽ ảnh hưởng tốt đẹp đến hạnh phúc trường cửu của ta. Tâm hướng thiện là tâm hướng về các loại hành động như bố thí, trì giới, hành thiền, cung kính bậc trưởng thượng, phục vụ, hồi hướng phước báu, hoan hỉ với phước báu của người khác, nghe giáo pháp, truyền bá giáo pháp và củng cố chánh kiến v.v...:
3. Tán thán giới hạnh: Để nói lên tính chất ưu việt của giới pháp, các bản nghi thức truyền giới thường nêu ra những ví dụ như: "Giới như đám đất tốt, muôn hạt giống lành từ đất mà sinh ra, giới như thuyền bè đưa người qua bể khổ, như chuỗi ngọc anh lạc để trang nghiêm pháp thân". Hoặc nói "Giới là thuyền bè đưa qua biển khổ, là thềm thang bắc qua bờ sinh tử". Nhưng câu phổ biến nhất là: "Giới như bộ áo giáp kiên cố để bảo vệ sự tấn công của lục trần”. Trong Kinh Pháp Cú này, chúng ta được nghe những lời tán thán rất tuyệt đẹp đối với những người có giới hạnh.
THIỀN ĐỊNH
"Thiền định" là do ghép chữ Phạn "Thiền-na" (Jhana, Dhyana) với chữ Nho "Định lự”. Thiền-na hay định lự hoặc Thiền Định là tu tập bằng phương pháp tập trung tư tưởng, tâm trí vào một đối tượng duy nhất không cho tán loạn, để tâm trí được vắng lặng và mạnh mẽ, hầu quan sát và suy xét một vấn đề cho đến cùng cực và do đó nghiệm ra được chân lý.
Thiền định là sự tập trung tinh thần để thực hiện bốn bậc thiền quán, từ "sơ thiền" đến “tứ thiền”. Trong đệ nhất thiền, mọi dục vọng và tư tưởng xấu bị loại trừ, chỉ còn những tình cảm vui tươi, hạnh phúc và những hoạt động của trí tuệ tư duy. Trong đệ nhị thiền, mọi hoạt động của trí tuệ bị loại trừ, tâm hồn trở nên bình thản, hòa lẫn với tình cảm vui tươi và hạnh phúc. Trong đệ tam thiền, tình cảm vui tươi tan biến đi chỉ còn lại trạng thái bình thản hòa lẫn với hạnh phúc. Trong đệ tứ thiền, mọi ý niệm về hạnh phúc và đau khổ không còn nữa, không lạc không khổ, trạng thái bình thản an nhiên thuần túy hoàn toàn phát hiện.
Thiền định là một pháp môn nhằm điều phục tâm, huấn luyện tâm, và do vậy nhiều khi chữ "Tâm" được dùng thay cho chữ thiền định. Ở đây chúng ta chứng kiến vai trò quan trọng của sự tu tập, huấn luyện, điều phục tâm trong đời sống của người Phật tử tại gia và xuất gia. Tâm con người thường yếu đuối và vô định, tâm rất khinh động, theo các dục quay cuồng, nhưng điều phục tâm không phải là đơn giản. Ai chế ngự được tâm mình thì mới thoát khỏi vòng trói buộc của dục vọng. Một thiện tín có nhiệt tâm tu học, xuất gia theo Ðức Phật, nhưng sớm thấy rằng đời sống thiêng liêng đạo hạnh rất là khó khăn, vì giới luật quá nhiều. Thầy bất mãn và có ý muốn hoàn tục. Ðức Phật khuyên thầy không nên lo âu vì giới luật nhiều hay ít nữa mà chỉ cần lo một việc mà thôi, đó là hãy kiểm soát và canh phòng tư tưởng, canh chừng cái tâm của mình.
Thiền định là kỷ luật tâm linh cần thiết cho nên dùng thiền định để chăn giữ, gạn lọc tâm là nền tảng đạo đức, nhằm mang lại hạnh phúc an lạc cho loài người. Chính vì thế, Đức Phật dạy rằng kẻ phóng dật coi như chết, còn người chuyên niệm theo thiền định thời không chết.
Ðức Phật dạy rằng kẻ ngu dầu có hành động cuồng dại như thế nào, bậc thiện trí phải luôn luôn giữ tâm chánh niệm, canh giữ tâm niệm như kho tàng vĩ đại nhứt
Khi dùng tâm niệm đẩy lui phóng dật, người trí thoát khỏi phiền não, vượt lên tận đền đài trí tuệ và nhìn xuống đám người đau khổ, như người khéo trèo núi, lên đến đỉnh tuyệt cao, nhìn trở tạiđám vô minh còn ở dưới đất bằng. Vì hai nếp sống khác nhau nên các bậc hiền trí có cái nhìn rất đặc biệt, rất sai khác đối với những kẻ ngu si vô trí.
Trong sự thực hành thiền định cần phải áp dụng những pháp môn sau đây: Hoặc điều hòa hơi thở, y theo hơi thở ra vào, khiến tâm không loạn động; Hoặc tịnh niệm, giữ niệm cho trong sạch an tĩnh, khiến tâm an trụ vào một niệm thanh tịnh; Hoặc thiền định, dùng sự suy nghĩ mà nghiên cứu, tìm xét cho đến nhất cảnh thanh tịnh. “Định học” đem lại cho tâm trí khỏi tán loạn, tối tăm, trí tuệ được phát triển và năng lực được phát sinh, nếu biết thực hành đúng phương pháp của nó. Và Thiền Định là cơ sở cho Trí Tuệ sinh khởi.
TRÍ TUỆ
Từ thiền định, người tu tiến dần đến trí tuệ. Mục đích của Ðạo Phật là diệt khổ và đem vui cho mọi loài, nhưng phải là người có trí tuệ mới biết được con đường đưa đến an lạc và hạnh phúc, đến bờ giải thoát và giác ngộ. Do vậy vai trò của trí tuệ chiếm cứ vị trí then chốt trong mọi lời dạy của Ðức Phật. Chúng ta có thể nói Ðạo Phật là đạo của người trí, là đạo của tuệ giác.
Trước hết chúng ta nên phân biệt hai hạng người. Một hạng người rất uyên bác trong Ðạo Phật, hiểu biết về kinh điển rất nhiều, nhưng chỉ có nghiên cứu Đạo Phật, không có hành trì. Nói về hành thiền thời rất giỏi nhưng không hành thiền. Trình bày rất hay về diệu dụng của trí tuệ, nhưng không phát triển trí tuệ. Hạng người này chưa được gọi là có trí tuệ. Một hạng người khác, có lòng tín thành, hành trì theo những giới cấm trong Ðạo Phật, nhưng chỉ có lòng tin, chưa chuyển lòng tin thành trí, người ấy vẫn có khả năng bị tham sân si chi phối và do vậy, chưa được xem là người có trí tuệ.
"Tuệ" là phân biệt sự, lý, lựa chọn các pháp, dứt sự nghi ngờ, chứng lý chân thật. Tuệ là khả năng khai sáng của tâm trí, quán chiếu sự vật, thể nhập và chứng ngộ chân lý. Tuệ là pháp sáng suốt của tự tâm, luôn luôn thường còn và ai ai cũng sẵn có, chỉ vì mê mờ nên không tự biết, làm cho trí tuệ không được phát triển.
Trí tuệ ở đây chính là sự nhìn đúng sự thật của cuộc sống, nhìn đúng sự thật nhân sinh và vũ trụ; nó không bao giờ xem xét sự vật bằng cảm quan, bằng suy lường, bằng cảm nhận; mà nó nhìn sự vật, hiện tượng qua sự thể nghiệm thiền tập và đi vào chánh định, chánh kiến.
Trí tuệ có thể phân tích ra thành ba loại: Trí tuệ phát sinh bằng cách nghe lời dạy của người khác; trí tuệ theo lối hiểu biết phát sinh do sự suy luận; và trí tuệ có được bằng lối thiền định để được khai thông, sáng suốt. Hai loại đầu chỉ cho ta sự sáng suốt về lý luận thế gian. Do hai phương pháp ấy ta chỉ có thể hiểu biết sự vật trong phạm vi mà triết lý có thể thấu hiểu đến như phân biệt thiện, ác; những gì nên làm, những gì không nên làm. Đối với loại thứ ba, nhờ thiền định ta có thể chứng được bằng trực giác những chân lý ngoài phạm vi lý trí. Trạng thái chú tâm vào đề mục thiền định không phải là tâm trạng mơ màng, tiêu cực, mà là một sự nỗ lực, linh động, tích cực. Chính nhờ thiền định ta có thể vượt qua mọi cảnh giới vật chất, nhờ thiền định ta có thể đặt mình vào đời sống kỷ cương, tự kiểm soát thân tâm, tự mình giác ngộ và sáng suốt hoàn toàn. Thiền định là thuốc bổ cho cả tâm lẫn trí. Loại trí tuệ này được Đức Phật tán thán rất nhiều.
Như vậy, trí tuệ vô lậu khác hẳn với trí tuệ thế gian hay tri thức thế gian. Trí tuệ vô lậu là con đường giải thoát hoàn toàn, là nguồn sống an lạc, hạnh phúc chân thật, mà trí tuệ thế gian chỉ là yếu tố trợ duyên.
Ba công năng chính của trí tuệ như sau:
1. Dứt trừ phiền não: Phiền não là ngọn lửa luôn luôn ngủ ngầm và bốc cháy trong con người chúng ta bất cứ lúc nào. Nó có công năng thiêu đốt mọi hạnh lành, mọi công đức mà chúng ta đã tạo. Phiền não là do mê lầm phát sinh. Khi trí tuệ đã có thì mê lầm phải mất, như khi ánh sáng phát ra thì bóng tối tất phải tan biến. Mê lầm đã mất thì phiền não tất không còn phát sinh nữa.
2. Chiếu sáng sự vật: Sự vật bị vô minh che khuất, như màn sương sớm che phủ cảnh vật, như mây phủ che lấp mặt trăng khiến trái đất bị bao trùm trong bóng tối. Nay trí tuệ phát chiếu vào sự vật, chẳng khác gì khi ánh sáng mặt trời lên, thì màn sương ắt phải tan biến, khi mây tan đi thì trăng sáng hiện ra và trái đất lại sáng sủa, lúc bấy giờ thực tướng thực tánh của sự vật được lộ bày như thật. Phật Giáo chỉ sử dụng một lưỡi gươm, đó là gươm trí tuệ, và chỉ công nhận một kẻ thù, đó là vô minh.
3. Thể nhập chân lý: Khi bị vô minh phủ lấp, ngăn che thì ta với người, ta với vật tưởng như riêng biệt, sai khác. Nay nhờ trí tuệ soi sáng, thấy rõ được tâm cảnh đều chân không, nên thể nhập được chân lý, giác ngộ hoàn toàn. Phật Giáo xây dựng cuộc sống an lạc, hạnh phúc bằng trí tuệ chứ không phải bằng đức tin.
Trước khi nhập Niết Bàn, Đức Phật cũng đã thiết tha nhắn nhủ rằng: "Trí tuệ là chiếc thuyền kiên cố chở khỏi biển già, đau, chết; là ngọn đèn lớn chói sáng vô minh hắc ám; là liều thuốc hay chữa hết thảy bệnh tật; là chiếc búa sắt chặt gãy cây phiền não. Vậy các ngươi phải lấy sự nghe, sự suy nghĩ, sự tu tập mà tự tăng ích cho trí tuệ mình".
"Đạo Phật là đạo trí tuệ" vì vị giáo chủ đã tỏ ngộ chân lý tuyệt đối và giảng dạy cho đồ chúng những gì Ngài biết bằng trí tuệ siêu xuất của mình. Nền khoa học cách đây hơn 25 thế kỷ vẫn còn sơ khai, con người chưa có kính hiển vi hay kính viễn vọng, cũng chưa có phi thuyền không gian, thế mà Đức Phật đã biết trong ly nước có vô số vi trùng, trong vũ trụ có hằng sa thế giới. Những lời dạy của Ngài về vũ trụ nhân sinh, cho đến nay vẫn là chân lý. Và khi khoa học càng tiến bộ, càng chứng minh sự đúng đắn của mọi điều Ngài tuyên thuyết trước đây.
GIỚI, ĐỊNH, TUỆ
Giới Ðịnh Tuệ là ba môn học căn bản nhất trong hệ thống giáo dục Phật Giáo. Bởi vì toàn bộ giáo lý Phật Giáo không nằm ngoài phạm vi Giới Ðịnh Tuệ. Do vậy, nói học Phật là học Giới Ðịnh Tuệ, tu Phật là tu Giới Ðịnh Tuệ
Giới, Định và Tuệ, ba môn vô lậu học, chỉ có trong giáo lý của Đức Phật. Ba môn học này giúp cho hành giả vượt khỏi sự trói buộc của phiền não, hoàn toàn tự tại; là phương tiện giúp cho hành giả không bị rớt trong ba cõi Dục giới, Sắc giới, Vô Sắc giới, tâm không bị ràng buộc bởi mọi lậu hoặc, không dừng lại ở phước báo nhân thiên.
Trên cơ sở phân tích, có thể nói rằng, từ Giới sinh Định, từ Định phát Tuệ. Nhưng thực ra đây không phải là ba giai đoạn công phu theo thứ tự trước sau mà Giới, Định và Tuệ có mối quan hệ hỗ tương, trùng trùng nhân quả và tương quan mật thiết với nhau như một vòng tròn khép kín, không thể tách rời nhau. Cho nên, Đức Phật đã nhiều lần thuyết pháp với Giới Định Tuệ; cái mà chúng ta cần phát triển gần như đồng bộ tùy theo khả năng từng người.