Nhân quả và Nghiệp báo
NHÂN, DUYÊN VÀ QUẢ
Kinh Pháp Cú nói đến “Luật Nhân Quả". "Nhân" nghĩa là nguyên nhân, là hạt, tức hạt giống sinh ra một vật hữu hình hay là sức mạnh sinh ra một vật vô hình. "Quả" là kết quả, là trái, tức là kết quả hữu hình hoặc vô hình của một hạt đã gieo trồng. Nhân là năng lực phát động, quả là sự hình thành của năng lực phát động ấy. Nhân và quả là hai trạng thái tiếp nối nhau mà có. Nếu không có nhân thì không có quả, nếu không có quả thì không có nhân. Định luật hiển nhiên này mọi người đều nhận thấy. Định luật nhân quả liên tục kéo dài vô cùng tận, như những lượn sóng chập chùng trên mặt đại dương. Những đặc tính của “Luật Nhân Quả” như sau đây:
1. Nhân thế nào thì quả thế ấy: Trong giới hữu hình, vật chất hay trong giới vô hình, tinh thần đều như vậy. Nếu muốn có quả cam thì ta phải ươm hạt giống cam; nếu muốn có hạtđậu thì ta phải gieo giống đậu. Cho đến quả địa cầu cũng thuộc nhân quả, như các nhà khoa học nói những đám bụi xoáy lâu ngày kết tụ thành quả địa cầu, thế nên nhiều hạt bụi là nhân, trái đất là quả v.v... Gieo việc làm tốt tất sau này sẽ thu được kết quả tốt, như chăm học thời sẽ giỏi giang và thi đậu. Gieo việc làm xấu sẽ thu được kết quả xấu, như lười biếng thời sẽ dốt nát, trộm cắp sẽ bị tù tội v.v...
2. Trong nhân có quả, trong quả có nhân: Chính trong nhân hiện tại đã có hàm chứa cái quả vị lai; cũng chính trong cái quả hiện tại, đã có hình bóng của nhân quá khứ. Mỗi vật, vì thế, đều có thể gọi là nhân hay là quả. Đối với quá khứ, thì nó là quả, nhưng đối với tương lai thì nó là nhân. Nhân và quả tiếp nối nhau quay tròn như thế mãi.
3. Một nhân không thể tự một mình sinh ra quả: Sự vật trong vũ trụ nầy đều là sự tổ hợp của nhiều nhân duyên. Không có nhân nào có thể tự tác thành kết quả nếu không có sự giúp đỡ của nhiều nhân khác. Những nhân giúp đỡ này gọi là "duyên". Thí dụ hạt lúa cần có sự giúp đỡ của các “duyên" như đất, hơi ấm, ánh sáng mặt trời, không khí, nước, phân bón, nhân công v.v... mới sinh ra cây lúa. Vậy "duyên" tức là sức mạnh, những cơ hội thuận tiện giúp cho "nhân" sinh sôi, nảy nở.
Nhân nào cũng có đủ cả hai tính cách nhân và duyên, vì nó là nhân để sinh quả của nó và đồng thời cũng là duyên để giúp đỡ các nhân khác sinh ra những quả khác. Thí dụ như ánh sáng mặt trời là nhân sinh ra hơi nóng, nhưng đồng thời cũng là duyên để giúp cho hạt cây mọc, cho hoa lá có sắc mầu, cho mắt người trông thấy cảnh vật v.v...
4. Nhân hữu hình có thể sinh ra quả vô hình và nhân vô hình có thể sinh ra quả hữu hình: Thí dụ nước hữu hình, khi "duyên" với sức nóng biến thành hơi vô hình tản mát trong không khí. Khi gặp sức lạnh, hơi nước vô hình lại biến thành mây hữu hình bay lơ lửng trên bầu trời.
Xác thân hữu hình và tâm linh vô hình của con người cũng liên can và tiếp tục theo nhau như thế. Thí dụ ý nghĩ oán giận (nhân vô hình) tạo ra ý nghĩ trả thù (quả vô hình). Quả vô hình này làm thành nhân sinh ra hành động bạo hành, giết chóc (quả hữu hình). Quả hữu hình này sẽ làm nhân cho những hình phạt tù tội, xiềng xích (quả hữu hình). Tù tội, xiềng xích hữu hình lại làm nhân cho những quả vô hình là buồn phiền, đau khổ. Buồn phiền đau khổ vô hình lại sinh ra những quả hữu hình là xác thân gầy ốm hoặc bị chết v.v...
Như thế nhân quả, quả nhân trong hai giới hữu hình và vô hình, trong hai phần xác thịt và tâm linh đều “duyên" với nhau và "sinh" lẫn nhau, chẳng khác gì chỉ có một giới, một khối duy nhất mà thôi.
5. Sự phát triển từ nhân đến quả có khi nhanh khi chậm: Có khi nhân vừa phát khởi thì quả đã xuất hiện, như khi vừa đánh xuống mặt trống thì tiếng trống liền phát ra. Có khi phải đợi một thời gian ngắn hoặc dài quả mới hình thành, như từ khi gieo hạt giống cho đến khi gặt lúa, từ ngày cắp sách đi học cho đến ngày thành tài.
Vì lý do mau chậm, trong sự phát hiện cái quả, chúng ta không nên hấp tấp, mà cho rằng cái luật nhân quả không hoàn toàn đúng, khi thấy có những cái nhân chưa phát sinh ra quả. Có nhân sinh quả ngay trong đời này (hiện báo). Có nhân sinh quả trong đời sau (sinh báo). Và cũng có nhân sinh quả cách nhau nhiều đời (hậu báo). Đối với thế gian thì có ngày giờ, năm tháng và đời này kiếp nọ. Nhưng tất cả những thứ ấy chỉ là những cái "mốc" mà con người tự đặt ra để phân chia một cái gì dài vô tận, không đầu không đuôi, không hình không tướng là "thời gian" mà thôi. Vì thế những cái chết liên tiếp của con người (hay của vạn vật) không ảnh hưởng gì đến những nhân đã gieo trồng. Những nhân này vẫn cứ đeo đuổi cái sức sống của nó trên dòng thời gian vô tận, để khi nào đến lúc, gặp thời sẽ sinh ra quả.
6. Sự sinh hoạt của những nhân có thể cải biến, thay đổi bằng những nhân khác: Khi đã gieo rồi, một nhân sẽ sống theo dòng sống của nó. Nhưng con người có thể gieo nhiều thứ nhân. Nhân này duyên với nhân kia, để cản trở hoặc giúp đỡ sự tăng trưởng và sinh hoa kết quả. Thí dụ một hạt mít, nếu bị đem phơi khô ngoài nắng hoặc cất kỹ trong hộp thật kín sẽ không bao giờ mọc cây, nở hoa và kết trái ra được.
Bởi vậy người ta có thể biến cải nhân này bằng những nhân khác. Người ta có thể kìm hãm hoặc trừ diệt hẳn đời sống của một nhân bằng cách tạo những nhân khác, tức là tạo những duyên khác để giúp đỡ hoặc phá hủy.
7. Phân tích hình tướng của nhân quả: Trong thực tế ta thấy nhân quả có trong những vật vô tri giác như nước bị lửa đốt thì nóng, bị gió thổi thì thành sóng, bị hơi lạnh thì đông lại. Nhân quả trong loài thực vật như hạt ớt thì sinh ra cây ớt, cây ớt thì sinh ra trái ớt. Nhân quả trong các loài động vật như loài chim sinh ra trứng. Trứng là nhân, chờ khi ấp nở thành con là quả. Con chim ấy trở lại làm nhân, sinh ra trứng khác là quả.
Nhân quả nơi con người: Về phương diện thể chất thời thân tứ đại là do bẩm thụ huyết của cha mẹ và do hoàn cảnh nuôi dưỡng. Vậy cha mẹ và hoàn cảnh là nhân, người con trưởng thành là quả, và cứ tiếp nối như thế mãi, nhân sinh quả, quả sinh nhân, không bao giờ dứt. Về phương diện tinh thần thời tư tưởng và hành vi trong quá khứ là nhân, tạo cho ta tính tình tốt hay xấu trong nếp sống hiện tại là quả. Tính tình và nếp sống hiện tại này lại là nhân, để tạo ra những tư tưởng và hành động của ta trong tương lai là quả.
8. Lợi ích đem lại cho chúng ta do sự hiểu biết và áp dụng luật nhân quả: Luật nhân quả tránh cho ta lòng mê tín dị đoan, tin tưởng sai lầm vào thần quyền. Luật nhân quả phủ nhận cái thuyết chủ trương rằng "vạn vật do một vị thần sinh ra và uy quyền thưởng phạt muôn loài". Theo Phật Giáo thời không hề có một đấng thiêng liêng nào đứng ra thưởng phạt con người cả. Chính con người tự thưởng hay tự phạt mình bằng những hành động của chính mình. Ta gặt hái tương xứng với cái gì mà ta đã gieo. Chính con người tự tạo ra số phận của mình bằng những hành vi thiện hay ác, tự mình đưa mình lên cõi Niết Bàn hay tự mình đày mình xuống địa ngục.
Như trên đã nói, thời gian tiến triển từ nhân đến quả, có khi nhanh khi chậm. Có cái nhân từ đời này, đến đời sau mới hình thành quả v.v... Vậy nếu có người trong đời hiện tại làm việc hung ác, mà được an lành, là do kiếp trước họ tạo nhân hiền từ. Còn cái nhân hung ác, mới tạo trong đời này, thì tương lai hay qua đời sau, họ sẽ chịu quả báo. Còn người đời nay hiền từ, làm các điều phước thiện, mà vẫn gặp tai nạn, khổ sở, là do đời trước, họ tạo những nhân không tốt. Cái nhân hiền từ đời nay, qua đời sau họ sẽ hưởng quả vui.
NGHIỆP BÁO
"Nghiệp" là những hành động, tạo tác do ba nơi “Thân, Khẩu, Ý”. Ðức Phật hướng dẫn chúng ta ý thức được sự quan trọng của nghiệp tức là "hành động” của mình làm, vì chỉ có hànhđộng mới là quan trọng, mới là chủ yếu.
Nhân quả nghiệp báo có hai thứ là "biệt nghiệp" và "cộng nghiệp". Biệt nghiệp là nghiệp báo riêng biệt của mỗi chúng sinh. Cộng nghiệp là nghiệp chung cho nhiều chúng sinh đang cùng sống trong một hoàn cảnh. Như những người sống trong chiến tranh tại một quốc gia thời đều chịu ảnh hưởng chung của chiến tranh. Như sinh ở một nước tiên tiến, thì mọi người đều tương đối được hưởng một đời sống vật chất đầy đủ. Ðã sinh chung một gia đình, một xứ sở hay một dân tộc, cố nhiên cái nghiệp quả phải có liên quan với nhau. Một người làm phúc, ngàn người đều được ảnh hưởng, một cây trổ hoa, muôn cây chung quanh đều được thơm lây.
Nghiệp có thể chia ra ba tính cách: lành là "thiện nghiệp", dữ là "ác nghiệp", hoặc không lành không dữ là "vô ký nghiệp". Lành nghĩa là có lợi ích cho chúng sinh trong hiện tại cũng như tương lai. Dữ, nghĩa là có hại cho chúng sinh trong hiện tại cũng như tương lai.
Nói suông không đủ, lời nói phải đi theo với việc làm mới mong có kết quả. Người miệng nói điều lành mà không làm điều lành thì chẳng ích lợi gì cho ai cả, giống như bông hoađẹp mà chẳng có hương thơm.
Theo Phật Giáo, pháp học sẽ không bổ ích nếu không thật sự thực hành điều đã học, Phật Giáo không phải là một triết học suông mà là con đường giác ngộ duy nhất.
Như vậy, chỉ có hành động, chỉ có nghiệp là quan trọng, vì chính nghiệp mới đem lại kết quả tốt đẹp hay không tốt đẹp cho con người và chính con người mới thật là chủ nhân của nghiệp, tác thành ra nghiệp, và khi nghiệp đã làm rồi, thời không thể nào trốn tránh kết quả của nghiệp. Tạo nghiệp ác không tránh khỏi ác báo.
Theo đúng giáo lý của Ðức Phật, ta không thể van lơn cầu cạnh, hay hối lộ, hoặc gian lận bằng cách nào mà thay đổi được định luật nhân quả. Cũng không thể lẩn trốn nơi nào trên thế gian, dầu trên trời rộng mênh mông, giữa đại dương sâu thẳm, hoặc trong thâm sơn cùng cốc mà ta tránh khỏi hậu quả của nghiệp ác đã tạo. Không có vị Trời nào, chí đến Ðức Phậtđi nữa, có thể can thiệp vào sự báo ứng của nghiệp. Ta chịu trách nhiệm về nghiệp ác của ta. Quả báo ấy có thể xảy đến tức khắc, thường gọi là quả báo nhãn tiền, hoặc một thời gian lâu sau ngày thực hiện điều ác mới xảy ra.
Kiếp tái sinh của con người tùy thuộc vào hành động. Người thời tái sinh vào bào thai. Nhưng người làm ác sinh vào khổ cảnh, địa ngục. Người phẩm hạnh tốt sinh vào nhàn cảnh, cõi trời. Bậc không ô nhiễm nhập diệt vào Niết Bàn.
Kẻ làm điều ác thời sẽ gặp nhiều phiền muộn trong kiếp này và trong cả kiếp sau. Kẻ ấy sẽ sinh ưu phiền và sầu khổ khi nhìn thấy kết quả xấu của nghiệp ác do mình gây ra. Một người đồ tể, suốt đời sinh sống bằng cách giết heo, phải chịu đau khổ cùng cực trong những ngày cuối cùng của anh. Trước khi lìa trần anh phải lăn lộn trên sàn nhà, kêu la rên siết vô cùng thảm hại, giống như một con heo bị đem ra làm thịt. Đến khi chết, anh tái sinh vào khổ cảnh.
Theo luật nhân quả, những điều mình làm (thân), mình nói (khẩu), hay mình nghĩ (ý) sẽ tạo ra ảnh hưởng tốt hay xấu cho chính mình. Gieo nhân nào thì gặt quả ấy. Do vậy, conđường duy nhất là nên tránh xa điều ác. Điều ác, dù là điều ác nhỏ nhặt, cũng không nên xem thường.
Do vậy, Ðức Phật khuyên chúng ta hãy gấp làm điều lành, điều thiện và mau tránh điều ác. Hãy nắm ngay mọi cơ hội để làm điều thiện. Hãy ngăn đừng cho tâm nghĩ đến điều ác. Vì tâm của người biếng nhác trong việc làm điều thiện sẽ có khuynh hướng ưa thích làm việc ác.
Khi đã phân biệt được thiện và ác, khi đã cương quyết tránh xa không làm điều ác, thời chúng ta phải bước thêm một bước nữa. Tránh điều ác chưa đủ, cần phải làm điều lành, cần phải hành động lành, dù là những điều lành nhỏ nhoi nhất. Kẻ trí sở dĩ toàn thiện là nhờ góp nhặt và thực hành điều thiện mỗi lần một ít.
Một khi đã làm lành, đã hành động thiện, thời quả lành sẽ chờ đợi chúng ta. Khi đã làm lành, đã tạo các nghiệp hiền thiện, người ta có quyền thốt lên nỗi niềm sung sướng an vui khi nhìn thấy kết quả tốt của nghiệp thiện mà mình tạo ra.
Người làm điều thiện, điều phước được hạnh phúc trọn đời này và đời sau. Cả hai đời hạnh phúc vì đã tạo phước, và còn hạnh phúc hơn nữa khi kiếp sau được sinh vào cõi lành.
Muốn cho niềm an vui tồn tại lâu dài, muốn nuôi dưỡng thiện nghiệp, người trí cần hướng thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp về các việc lành. Người trí chẳng những lo kiểm soát Thân mà còn lo điều phục, bảo vệ Tâm và Ý nữa.
Điều ác là những điều nào bắt nguồn từ ba căn bất thiện là tham, sân, và si. Những điều nào kết hợp với ba căn thiện là lòng quảng đại hay tâm bố thí (không tham), thiện ý hay tâm từ (không sân) và trí tuệ (không si) được xem là điều thiện, là việc tạo ra nghiệp thiện. Chúng ta có thể nói, lời dạy đầu tiên của Ðức Phật là chớ có làm điều ác. Ðối với ác, đối với bất thiện, cần có một nhận định dứt khoát.
Phật Giáo giảng dạy trách nhiệm của mỗi người đối với chính mình, và tính cách dĩ nhiên phải có, không thể lẩn tránh, của định luật nhân quả. Ta phải gặt hái hậu quả của nghiệp đã tạo. Nhưng không nhất thiết bắt buộc phải gặt hái tất cả hậu quả của tất cả những hành động trong vòng luân hồi. Nếu phải vậy ắt không thể có giải thoát, không thể thoát ra khỏi vòng sinh tử.
Nếu trước kia ta dù sống buông lung, phóng dật, nhưng về sau ta biết tỉnh giác chuyên cần, biết quét dọn sạch sẽ các vọng tưởng phiền não trong tâm thời vẫn được tán dương.
Tiến xa hơn nữa nếu mà ta cố gắng tạo một nghiệp tốt thật mạnh thời đôi khi ta có thể ngăn chận được nghiệp xấu trổ quả. Nghiệp xấu đưa con người đến khổ cảnh, nhưng khổ cảnh không phải là địa ngục trường cửu mà chúng sinh bắt buộc phải ở trong đó một cách vĩnh viễn. Đến lúc trả xong nghiệp xấu, kẻ bất hạnh cũng có thể tái sinh vào một cảnh giới khác, an vui hạnh phúc, nhờ các thiện nghiệp đã tạo.