I. Chấp Trước(Tạp 1. Ðại 2,4b) (S.iii,73)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi (Xá-vệ), tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc).
2) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
3) Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- Lành thay, bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp tóm tắt cho con. Sau khi nghe Thế Tôn thuyết pháp, con sẽ sống một mình, tịnh cư, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.
4) -- Ai chấp trước, này Tỷ-kheo, người ấy bị Ma trói buộc. Ai không chấp trước, người ấy được giải thoát khỏi Ác ma.
-- Bạch Thế Tôn, con đã hiểu, bạch Thiện Thệ, con đã hiểu.
5) -- Như thế nào, này Tỷ-kheo, Ông hiểu một cách rộng rãi ý nghĩa lời Ta nói một cách vắn tắt?
-- Ai chấp trước sắc, bạch Thế Tôn, người ấy bị Ma trói buộc. Ai không chấp trước, người ấy được giải thoát khỏi Ác ma. Ai chấp trước thọ, người ấy bị Ma trói buộc. Ai không chấp trước, người ấy được giải thoát khỏi Ác ma. Ai chấp trước tưởng... Ai chấp trước các hành... Ai chấp trước thức, người ấy bị Ma trói buộc. Ai không chấp trước, người ấy được giải thoát khỏi Ác ma. Bạch Thế Tôn, lời nói vắn tắt này của Thế Tôn, con hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy.
6) -- Lành thay, lành thay, này Tỷ-kheo! Lành thay, này Tỷ-kheo! Như vậy Ông hiểu một cách rộng rãi ý nghĩa lời nói vắn tắt này của Ta. Ai chấp trước sắc, này Tỷ-kheo, người ấy bị Ma trói buộc. Ai không chấp trước, người ấy được giải thoát khỏi Ác ma. Ai chấp trước thọ... Ai chấp trước tưởng... Ai chấp trước các hành... Ai chấp trước thức, người ấy bị Ma trói buộc. Ai không chấp trước, người ấy được giải thoát khỏi Ác ma. Này Tỷ-kheo, lời nói vắn tắt này của Ta cần phải hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy.
7) Rồi Tỷ-kheo ấy, sau khi hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài và ra đi.
8) Rồi Tỷ-kheo ấy sống một mình, tịnh cư, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, không bao lâu, vì mục đích gì mà các thiện nam tử chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, mong cầu chính là vô thượng cứu cánh Phạm hạnh; vị ấy, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú. Vị ấy chứng tri: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa". Tỷ-kheo ấy trở thành một vị A-la-hán nữa.
II. Suy Tưởng (S.iii,74)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) Rồi một Tỷ-kheo... bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, lành thay, Thế Tôn hãy thuyết pháp tóm tắt cho con... nhiệt tâm, tinh cần.
4) -- Ai suy tưởng, này Tỷ-kheo, người ấy bị Ma trói buộc. Ai không suy tưởng, người ấy được giải thoát khỏi Ác ma.
-- Bạch Thế Tôn, con đã hiểu. Bạch Thiện Thệ, con đã hiểu.
5) -- Như thế nào, này Tỷ-kheo, Ông hiểu một cách rộng rãi ý nghĩa lời Ta nói một cách vắn tắt:
6) -- Ai suy tưởng sắc, bạch Thế Tôn, người ấy bị Ma trói buộc. Ai không suy tưởng, người ấy được giải thoát khỏi Ác ma. Ai suy tưởng thọ... tưởng... hành... thức, người ấy bị Ma trói buộc. Ai không suy tưởng, người ấy được giải thoát khỏi Ác ma. Bạch Thế Tôn, lời nói vắn tắt này của Thế Tôn, con hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy.
7) -- Lành thay, lành thay, này Tỷ-kheo! Lành thay, này Tỷ-kheo! Như vậy Ông hiểu một cách rộng rãi ý nghĩa lời nói vắn tắt này của Ta. Này Tỷ-kheo, ai suy tưởng sắc, người ấy bị Ma trói buộc. Ai không suy tưởng, người ấy được giải thoát khỏi Ác ma. Ai suy tưởng thọ... tưởng... các hành... Ai suy tưởng thức, người ấy bị Ma trói buộc. Ai không suy tưởng, người ấy được giải thoát khỏi Ác ma. Này Tỷ-kheo, lời nói vắn tắt này của Ta cần phải hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy.
8-9) Rồi Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy... Vị Tỷ-kheo ấy trở thành một vị A-la-hán nữa.
III. Hoan Hỷ (S.iii,75)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3). .. Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- Lành thay, bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp tóm tắt cho con... con sẽ sống một mình, tịnh cư, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.
4) -- Ai hoan hỷ, này Tỷ-kheo, người ấy bị Ma trói buộc. Ai không hoan hỷ, người ấy được giải thoát khỏi Ác ma.
-- Bạch Thế Tôn, con đã hiểu. Bạch Thiện Thệ, con đã hiểu.
5) -- Như thế nào, này Tỷ-kheo, Ông hiểu một cách rộng rãi ý nghĩa lời Ta nói một cách vắn tắt?
6) -- Ai hoan hỷ sắc, bạch Thế Tôn, người ấy bị Ma trói buộc. Ai không hoan hỷ, người ấy được giải thoát khỏi Ác ma. Ai hoan hỷ thọ... tưởng... các hành... Ai hoan hỷ thức, người ấy bị Ma trói buộc. Ai không hoan hỷ, người ấy được giải thoát khỏi Ác ma. Bạch Thế Tôn, lời nói vắn tắt này của Thế Tôn con đã hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy.
7) -- Lành thay, lành thay, này Tỷ-kheo! Lành thay, này Tỷ-kheo! Như vậy Ông đã hiểu một cách rộng rãi ý nghĩa lời Ta nói một cách vắn tắt. Ai hoan hỷ sắc, này Tỷ-kheo, người ấy bị Ma trói buộc. Ai không hoan hỷ, người ấy được giải thoát khỏi Ác ma. Ai hoan hỷ thọ... tưởng... các hành... Ai hoan hỷ thức, người ấy bị Ma trói buộc. Ai không hoan hỷ, người ấy được giải thoát khỏi Ác ma. Này Tỷ-kheo, lời nói vắn tắt này của Ta cần phải hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy.
8-9) Rồi Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy... Vị Tỷ-kheo ấy trở thành một vị A-la-hán nữa.
IV. Vô Thường (Tạp 1, Ðại 2,3b) (S.iii,76)
1-3) Nhân duyên ở Sàvatthi. Rồi một Tỷ-kheo... bạch Thế Tôn:
-- Lành thay, bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp vắn tắt cho con... con sẽ sống một mình, tịnh cư, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần...
4) -- Cái gì vô thường, này Tỷ-kheo, ở đây, Ông phải đoạn trừ lòng dục.
-- Bạch Thế Tôn, con đã hiểu. Bạch Thiện Thệ, con đã hiểu.
5) -- Lời Ta nói một cách vắn tắt, này Tỷ-kheo, Ông đã hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như thế nào?
6) -- Sắc là vô thường, bạch Thế Tôn, ở đây, con phải đoạn trừ lòng dục. Thọ... Tưởng... Các hành... Thức là vô thường, ở đây, con phải đoạn trừ lòng dục. Lời nói vắn tắt này của Thế Tôn, con đã hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy.
7) -- Lành thay, lành thay, này Tỷ-kheo! Lành thay, này Tỷ-kheo! Như vậy lời Ta nói một cách vắn tắt, Ông đã hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi. Sắc là vô thường, này Tỷ-kheo, ở đây Ông cần phải đoạn trừ lòng dục. Thọ là vô thường... Tưởng là vô thường... Các hành là vô thường... Thức là vô thường, ở đây, Ông cần phải đoạn trừ lòng dục. Lời nói vắn tắt này của Ta, này Tỷ-kheo, Ông cần phải hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy.
8-9) Rồi Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy... Tỷ-kheo ấy trở thành một vị A-la-hán nữa.
V. Khổ (S.iii,77)
1-3) Nhân duyên ở Sàvatthi. Rồi một Tỷ-kheo... bạch Thế Tôn:
-- Lành thay, bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp vắn tắt cho con... con sẽ sống một mình, tịnh cư, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.
4) -- Cái gì khổ, này các Tỷ-kheo, ở đây, Ông cần phải đoạn trừ lòng dục.
-- Bạch Thế Tôn, con đã hiểu. Bạch Thiện Thệ, con đã hiểu.
5) -- Lời Ta nói một cách vắn tắt, này Tỷ-kheo, Ông đã hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như thế nào?
6) -- Sắc là khổ, bạch Thế Tôn. Ở đây, con phải đoạn trừ lòng dục. Thọ... Tưởng... Các hành... Thức là khổ, ở đây, con phải đoạn trừ lòng dục. Bạch Thế Tôn, lời nói vắn tắt này của Thế Tôn, con đã hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy.
7) -- Lành thay, lành thay, này Tỷ-kheo! Lành thay, này Tỷ-kheo! Lời Ta nói một cách vắn tắt, Ông đã hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi. Sắc là khổ, này Tỷ-kheo, ở đây, Ông cần phải đoạn trừ lòng dục... Thọ... Tưởng... Các hành... Thức là khổ, ở đây, Ông cần phải đoạn trừ lòng dục. Lời nói vắn tắt này của Ta, này Tỷ-kheo, Ông cần phải hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy.
8-9) Rồi Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy... Tỷ-kheo ấy trở thành một vị A-la-hán nữa.
VI. Vô Ngã (Tạp 1, Ðại 2,3b) (S.iii,77)
1-3) Nhân duyên ở Sàvatthi. Rồi một Tỷ-kheo... bạch Thế Tôn:
-- Lành thay, bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp vắn tắt cho con... con sẽ sống một mình, tịnh cư, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.
4) -- Cái gì vô ngã, này Tỷ-kheo, ở đây Ông cần phải đoạn trừ lòng dục.
-- Bạch Thế Tôn, con đã hiểu. Bạch Thiện Thệ, con đã hiểu.
5) -- Lời Ta nói một cách vắn tắt, này Tỷ-kheo, Ông đã hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như thế nào?
6) -- Sắc là vô ngã, bạch Thế Tôn, ở đây, con phải đoạn trừ lòng dục. Thọ... Tưởng... Các hành... Thức là vô ngã, ở đây, con phải đoạn trừ lòng dục. Bạch Thế Tôn, lời nói vắn tắt này của Thế Tôn, con đã hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy.
7) -- Lành thay, lành thay, này Tỷ-kheo! Lành thay, này Tỷ-kheo! Lời Ta nói một cách vắn tắt, Ông đã hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi. Sắc là vô ngã, này Tỷ-kheo, ở đây, Ông cần phải đoạn trừ lòng dục. Thọ... Tưởng... Các hành... Thức là vô ngã, này Tỷ-kheo, ở đây, Ông cần phải đoạn trừ lòng dục. Lời nói vắn tắt này của Ta, Ông cần phải hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy.
8-9) Rồi Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy... Tỷ-kheo ấy trở thành một vị A-la-hán nữa.
VII. Không Ðáng Thuộc Tự Ngã (Tạp 1, Ðại 2,3c) (S.iii,79)
1-3) Nhân duyên ở Sàvatthi... Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- Lành thay, bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp vắn tắt cho con....
4) -- Cái gì không đáng thuộc tự ngã, ở đây, Ông cần phải đoạn trừ lòng dục.
-- Con đã hiểu, bạch Thế Tôn! Con đã hiểu, bạch Thiện Thệ.
5) -- Lời Ta nói một cách vắn tắt, này Tỷ-kheo, Ông đã hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như thế nào?
6) -- Sắc không đáng thuộc tự ngã, bạch Thế Tôn, ở đây, con cần phải đoạn trừ lòng dục. Thọ... Tưởng... Các hành... Thức không đáng thuộc tự ngã, ở đây, con cần phải đoạn trừ lòng dục. Bạch Thế Tôn, lời dạy vắn tắt này của Thế Tôn, con hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy.
7) -- Lành thay, lành thay, này Tỷ-kheo! Lành thay, này Tỷ-kheo! Lời nói vắn tắt này của Ta, Ông đã hiểu một cách rộng rãi. Sắc không đáng thuộc tự ngã, này Tỷ-kheo, ở đây, Ông cần phải đoạn trừ lòng dục. Thọ.. Tưởng... Các hành...Thức không đáng thuộc tự ngã, ở đây, Ông cần phải đoạn trừ lòng dục. Lời nói vắn tắt này của Ta, này Tỷ-kheo, Ông cần phải hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy.
8-9) Rồi Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy... Tỷ-kheo ấy trở thành một vị A-la-hán nữa.
VIII. Chỉ Trú Cho Ô Nhiễm (Tạp 1, Ðại 2,4a) (S.iii,79)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- Lành thay, bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp vắn tắt cho con....
4) -- Cái gì làm chỗ chỉ trú cho sự ô nhiễm, này Tỷ-kheo, ở đây, Ông cần phải đoạn trừ lòng dục.
-- Con đã hiểu, bạch Thế Tôn! Con đã hiểu bạch Thiện Thệ.
5) -- Lời Ta nói một cách vắn tắt, này Tỷ-kheo, Ông hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như thế nào?
6) -- Sắc làm chỗ chỉ trú cho sự ô nhiễm, bạch Thế Tôn, ở đây con cần phải đoạn trừ lòng dục. Thọ... Tưởng... Các hành... Thức làm chỗ chỉ trú cho sự ô nhiễm, ở đây, con cần phải đoạn trừ lòng dục. Bạch Thế Tôn, lời nói vắn tắt này của Thế Tôn, con hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy.
7) -- Lành thay, lành thay, này Tỷ-kheo! Lành thay, này Tỷ-kheo. Lời Ta nói một cách vắn tắt, Ông đã hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi. Sắc là chỗ chỉ trú cho sự ô nhiễm, này Tỷ-kheo, ở đây, Ông cần phải đoạn trừ lòng dục. Thọ... Tưởng.. Các hành... Thức là chỗ chỉ trú cho sự ô nhiễm, này Tỷ-kheo, ở đây, Ông cần phải đoạn trừ lòng dục. Lời nói vắn tắt này của Ta, này Tỷ-kheo, Ông cần phải hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy.
8-9) Rồi Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy... Tỷ-kheo ấy trở thành một vị A-la-hán nữa!
IX. Ràdha (Tạp 6, Ðại 2,37c) (S.iii,79)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2-3) Rồi Tôn giả Ràdha đi đến Thế Tôn sau khi đến... bạch Thế Tôn:
-- Biết như thế nào, bạch Thế Tôn, thấy như thế nào đối với thân thể có thức này, và đối với tất cả tướng ở ngoài, không có tư tưởng: "Ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tùy miên"?
4) -- Này Ràdha, phàm có sắc gì quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả sắc cần được thấy như thật với chánh trí tuệ là: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".
5) Phàm có thọ...
6) Phàm có tưởng...
7) Phàm có các hành...
8) Phàm có thức gì quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả thức cần được thấy như thật với chánh trí tuệ là: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".
9) Này Ràdha, do biết vậy, do thấy vậy, đối với thân có thức này, và đối với tất cả tướng ở ngoài, không có tư tưởng: "Ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tùy miên".
10). .. Tôn giả Ràdha trở thành một vị A-la-hán nữa.
X. Suràdha (S.iii,80)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2-3). .. Rồi Tôn giả Suràdha bạch Thế Tôn:
-- Biết như thế nào, bạch Thế Tôn, thấy như thế nào đối với thân thể có thức này, và đối với tất cả tướng ở ngoài, không có tư tưởng: "Ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn", vượt ngoài mọi phân biệt, thuần tịnh, khéo giải thoát?
4) -- Này Suràdha, phàm sắc gì quá khứ, vị lai, hiện tại... xa hay gần; sau khi thấy với chánh trí tuệ như thật tất cả các sắc là: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi", (vị ấy) được giải thoát, không có chấp thủ.
5-7) Phàm có thọ gì... có tưởng gì... có hành gì...
8) Phàm có thức gì quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; sau khi như thật thấy với chánh trí tuệ tất cả các thức là: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi", (vị ấy) được giải thoát, không có chấp thủ.
9) Này Suràdha, do biết vậy, do thấy vậy, đối với thân có thức này, và đối với tất cả tướng ở ngoài, không có tư tưởng: "Ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn", vượt ngoài mọi phân biệt, thuần tịnh, khéo giải thoát.
10) Rồi Tôn giả Suràdha... trở thành một vị A-la-hán nữa.