I. Vô Thường(Tạp 1.1 Vô thường, Ðại 2,1a) (S.iii,21)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Sàvathi...
2) Tại đấy...
3-6) -- Này các Tỷ-kheo, sắc là vô thường..., thọ là vô thường..., tưởng là vô thường... các hành là vô thường..., thức là vô thường.
7) Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử yếm ly đối với sắc, yếm ly đối với thọ, yếm ly đối với tưởng, yếm ly đối với các hành, yếm ly đối với thức... Do yếm ly, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên: "Ta đã được giải thoát". Vị ấy biết : "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".
II. Khổ(S.iii,21)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3-7) -- Này các Tỷ-kheo, sắc là khổ..., thọ là khổ..., tưởng là khổ..., các hành là khổ..., thức là khổ...
8) Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử... "... không còn trở lui trạng thái này nữa".
III. Vô Ngã (S.iii,21)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3-7) -- Này các Tỷ-kheo, sắc là vô ngã..., thọ là vô ngã..., tưởng là vô ngã..., các hành là vô ngã..., thức là vô ngã...
8) Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử yếm ly đối với sắc, yếm ly đối với thọ, yếm ly đối với tưởng, yếm ly đối với các hành, yếm ly đối với thức. Do yếm ly, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên: "Ta được giải thoát". Vị ấy biết: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".
IV. Cái Gì Vô Thường (Tạp 1.9, Vô Thường, Ðại 2,2a) (S.iii,22)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3)-- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô thường; cái gì vô thường là khổ; cái gì khổ là vô ngã; cái gì vô ngã, cần phải như thật quán với chánh trí tuệ: "Cái này không phải của tôi; cái này không phải là tôi; cái này không phải tự ngã của tôi".
4) Thọ, này các Tỷ-kheo, là vô thường; cái gì vô thường là khổ; cái gì khổ là vô ngã; cái gì vô ngã cần phải như thật quán với chánh trí tuệ: "Cái này không phải của tôi; cái này không phải là tôi; cái này không phải tự ngã của tôi".
5) Tưởng, này các Tỷ-kheo, là vô thường...
6) Các hành, này các Tỷ-kheo, là vô thường...
7) Thức, này các Tỷ-kheo, là vô thường; cái gì vô thường là khổ; cái gì khổ là vô ngã; cái gì vô ngã cần phải như thật quán với chánh trí tuệ: "Cái này không phải của tôi; cái này không phải là tôi; cái này không phải tự ngã của tôi".
8) Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử yếm ly đối với sắc... "... không còn trở lui trạng thái này nữa".
V. Cái Gì Khổ (Tạp 1.10 Vô Thường. Ðại 2,2a) (S.iii,22)
1-2) Nhân duyên tại Sàvatthi...
3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là khổ. Cái gì khổ là vô ngã; cái gì vô ngã cần phải như thật quán với chánh trí tuệ: "Cái này không phải của tôi; cái này không phải là tôi; cái này không phải tự ngã của tôi".
4) Thọ, này các Tỷ-kheo, là khổ...
5) Tưởng, này các Tỷ-kheo, là khổ...
6) Các hành, này các Tỷ-kheo, là khổ...
7) Thức, này các Tỷ-kheo, là khổ. Cái gì khổ là vô ngã; cái gì vô ngã cần phải như thật quán với chánh trí tuệ: "Cái này không phải của tôi; cái này không phải là tôi; cái này không phải tự ngã của tôi".
8) Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử yếm ly đối với sắc... "...không còn trở lui trạng thái này nữa".
VI. Cái Gì Vô Ngã (S.iii,22)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Cái gì vô ngã; cần phải như thật quán với chánh trí tuệ: "Cái này không phải của tôi; cái này không phải là tôi; cái này không phải tự ngã của tôi".
4-6) Thọ, này các Tỷ-kheo, là vô ngã... Tưởng, này các Tỷ-kheo, là vô ngã... Các hành, này các Tỷ-kheo, là vô ngã...
7) Thức, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Cái gì vô ngã cần phải như thật quán với chánh trí tuệ: "Cái này không phải của tôi; cái này không phải là tôi; cái này không phải tự ngã của tôi".
8) Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử yếm ly đối với sắc... "... không còn trở lui trạng thái này nữa".
VII. Có Nhân Là Vô Thường (Tạp 1.11 Nhân. Ðại 2,2a) (S.iii,23)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô thường. Cái gì là nhân, cái gì là duyên cho sắc sanh khởi; cái ấy cũng vô thường. Sắc đã được cái vô thường làm cho sanh khởi, này các Tỷ-kheo, từ đâu có thể thường được?
4) Thọ, này các Tỷ-kheo, là vô thường. Cái gì là nhân, cái gì là duyên cho thọ sanh khởi; cái ấy cũng vô thường. Thọ đã được cái vô thường làm cho sanh khởi, này các Tỷ-kheo, từ đâu có thể thường được?
5) Tưởng, này các Tỷ-kheo, là vô thường...
6) Các hành, này các Tỷ-kheo, là vô thường...
7) Thức, này các Tỷ-kheo, là vô thường. Cái gì là nhân, cái gì là duyên cho thức sanh khởi; cái ấy cũng vô thường. Thức đã được cái vô thường làm cho sanh khởi, này các Tỷ-kheo, từ đâu có thể thường được?
8) Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử yếm ly đối với sắc... "... không còn trở lui với trạng thái này nữa".
VIII. Có Nhân Là Khổ (Tạp 1.12 Nhân. Ðại 2,2b) (S.iii,23)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là khổ. Cái gì là nhân, cái gì là duyên cho sắc sanh khởi; cái ấy cũng khổ. Sắc đã được cái khổ làm cho sanh khởi, này các Tỷ-kheo, từ đâu có thể lạc được?
4) Thọ, này các Tỷ-kheo, là khổ...
5) Tưởng, này các Tỷ-kheo, là khổ...
6) Các hành, này các Tỷ-kheo, là khổ...
7) Thức, này các Tỷ-kheo, là khổ. Cái gì là nhân, cái gì là duyên cho thức sanh khởi; cái ấy cũng khổ. Thức đã được cái khổ làm cho sanh khởi, này các Tỷ-kheo, từ đâu có thể lạc được?
8) Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử yếm ly đối với sắc... "... không còn trở lui trạng thái này nữa".
IX. Có Nhân Là Vô Ngã (S.iii,23)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Cái gì là nhân, cái gì là duyên cho sắc sanh khởi; cái ấy cũng vô ngã. Sắc đã được cái vô ngã làm cho sanh khởi, này các Tỷ-kheo, từ đâu là ngã được?
4-6) Thọ... Tưởng... Các hành, này các Tỷ-kheo, là vô ngã...
7) Thức, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Cái gì là nhân, cái gì là duyên cho thức sanh khởi; cái ấy cũng vô ngã. Thức đã được cái vô ngã làm cho sanh khởi, này các Tỷ-kheo, từ đâu là ngã được?
8) Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử yếm ly đối với sắc... "... không còn trở lui trạng thái này nữa".
X. Ananda (S.iii,24)
1) Ở tại Sàvatthi... trong vườn...
2) Lúc bấy giờ Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
-- "Ðoạn diệt, đoạn diệt", bạch Thế Tôn, chúng con được nghe nói đến. Do đoạn diệt những pháp nào, bạch Thế Tôn, được gọi là đoạn diệt?
4) -- Sắc, này Ananda, là vô thường, hữu vi, do nhân duyên sanh khởi, chịu sự đoạn tận, chịu sự hoại diệt, chịu sự ly tham, chịu sự đoạn diệt. Sự đoạn diệt của sắc được gọi là đoạn diệt.
5) Thọ, này Ananda, là vô thường, hữu vi, do nhân duyên sanh khởi, chịu sự đoạn tận, chịu sự hoại diệt, chịu sự ly tham, chịu sự đoạn diệt. Sự đoạn diệt của thọ được gọi là đoạn diệt.
6-7) Tưởng, này Ananda, là vô thường... Các hành, này Ananda, là vô thường...
8) Thức, này Ananda, là vô thường, hữu vi, do nhân duyên sanh khởi, chịu sự đoạn tận, chịu sự hoại diệt, chịu sự ly tham, chịu sự đoạn diệt. Sự đoạn diệt của thức được gọi là đoạn diệt.
9) Sự đoạn diệt của những pháp này, này Ananda, được gọi là đoạn diệt.