Kinh sáu sáu
(Chachakka Sutta)

I. TOÁT YẾU

The Six Sets of Six.

An especially profound and penetrating discourse on the contemplation of all the factors of sense experience as not-self.

Sáu bộ sáu.

Một bản kinh hết sức thâm thúy sâu xa dạy cách quán mọi yếu tố thuộc kinh nghiệm giác quan đều là phi ngã.

II. TÓM TẮT

Phật gọi các tỷ kheo giảng về 6 nội xứ, 6 ngoại xứ, 6 thức, 6 xúc, 6 thọ, 6 ái. Thức do duyên căn và trần. Sự gặp gỡ của căn trần thức gọi là xúc. Do 6 xúc có 6 thọ. Do 6 thọ có 6 ái. Nói mắt, sắc hay nhãn thức là tự ngã là không hợp lý vì sự sinh diệt của chúng đã được thấy rõ. Phải đi đến kết luận rằng tự ngã sinh và diệt ở nơi tôi. Mắt, sắc và nhãn thức đều vô ngã, nên nhãn xúc cũng vậy. Cũng vậy là thọ và ái từ đấy sinh ra. Với tai mũi lưỡi thân ý (6 căn) cho đến 6 trần, 6 thức, 6 xúc, 6 thọ, 6 ái cũng thế, đều vô ngã. Ai thấy những pháp ấy là của tôi, là tôi, là tự ngã của tôi, thì đấy là sự tập khởi của thân kiến. Ai quán các pháp ấy không phải của tôi, không là tôi hay tự ngã của tôi, thì đấy là sự đoạn diệt của thân kiến.

Do duyên xúc giữa ba pháp căn trần thức, khởi lên các cảm thọ. Do cảm xúc lạc thọ, một người hoan hỷ, tán thán, ái trước, và tham tùy miên tăng. Do xúc khổ thọ, vị ấy sầu muộn, than khóc, và sân tùy miên tăng. Do cảm xúc bất khổ bất lạc, không như thật biết sự tập khởi, đoạn diệt, vị ngọt, nguy hiểm và giải thoát khỏi cảm thọ ấy, vô minh tùy miên tăng. Chính do không đoạn tận tham tùy miên đối với lạc thọ, không xả trừ sân tùy miên đối với khổ thọ, không đoạn tận vô minh tùy miên đối với bất khổ bất lạc thọ, không làm cho minh sanh khởi, nên vị ấy không thể chấm dứt khổ đau. Nếu khi lạc thọ khởi lên vị ấy không ái trước tham đắm, khổ thọ khởi lên vị ấy không sầu muộn than van, và khi bất khổ bất lạc khởi lên vị ấy như thật biết sự tập khởi, đoạn diệt, vị ngọt, nguy hiểm và giải thoát khỏi cảm thọ ấy, thì tham sân si tùy miên nơi vị ấy không tăng thêm. Do đoạn tận tham sân si tùy miên đối với cả ba thọ, vị ấy có thể ngay trong hiện tại, chấm dứt khổ đau. Do vậy, thánh đệ tử yểm ly căn trần thức xúc thọ ái. Do yểm ly, ly tham. Do ly tham, được giải thoát, và biết được tâm đã giải thoát. Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này.

Sau khi Thế tôn giảng như vậy, có sáu mươi tỷ kheo được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không còn chấp thủ.

III. CHÚ GIẢI

Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý là sáu nội xứ, tiếp xúc với sáu ngoại xứ là sắc thanh hương vị xúc pháp, khởi lên sáu loại nhận thức. Do xúc giữa căn trần thức khởi lên 6 loại cảm thọ, do 6 loại thọ khởi sáu loại ái, gọi là sáu bộ sáu. Phật phân tích như thế để cho thấy trong đó không có một bản ngã cố định bất biến, nhờ thấy vậy nên không có những khuynh hướng thầm kín (tùy miên) tham, sân, si đối với loại thọ. Nhờ ly tham nên giải thoát. Kinh này cũng gần giống kinh 149 Ðại lục xứ, chỉ trình bày hơi khác.

IV. PHÁP SỐ
V. KỆ TỤNG

Phật gọi các tỷ kheo
Giảng 6 nội ngoại xứ
Thức, xúc, thọ, và ái
Mỗi thứ đều gồm sáu.
Thức do duyên căn trần,
Căn trần thức gặp gỡ
Thành ra có sáu xúc.
Từ xúc sinh thọ, ái.
Mắt, sắc và nhãn thức
Ðều không phải tự ngã
Vì sinh diệt của chúng
Ðã được thấy rõ ràng.
Phải đi đến kết luận:
Tự ngã sinh và diệt
Ngay chính ở nơi tôi.
Mắt, sắc và nhãn thức
Quả thực đều vô ngã,
Nên nhãn xúc cũng vậy.
Cũng vậy thọ và ái
Từ xúc mà sinh ra.
Tai mũi lưỡi thân ý
Năm căn kia cũng vậy
Cũng vậy là 6 trần,
6 thức và 6 xúc,
6 thọ cùng 6 ái
Tất cả đều vô ngã.
Ai thấy những pháp ấy
Là của tôi, là tôi
Là tự ngã của tôi:
Thì thân kiến tập khởi.
Ai quán các pháp ấy
Không của tôi, không tôi
Hay tự ngã của tôi:
Thân kiến ấy đoạn diệt.
Căn trần thức xúc tiếp,
Khởi lên các cảm thọ.
Do đắm trước lạc thọ,
Tham tùy miên tăng lên.
Do sầu than khổ thọ,
Sân tùy miên tăng lên.
Cảm súc không khổ lạc:
Vô minh tùy miên tăng,
Vì không như thật biết
Sự tập khởi, đoạn diệt,
Vị ngọt và nguy hiểm
Cùng với sự giải thoát
Khỏi các cảm thọ ấy.
Chính do không đoạn tận
Tham tùy miên lạc thọ,
Không trừ sân tùy miên
Ðối với các khổ thọ,
Không đoạn si tùy miên
Bất khổ bất lạc thọ,
Không làm minh sanh khởi,
Nên vị ấy không thể
Dứt khổ đến tận cùng.
Nếu không tham lạc thọ
Không buồn sầu khổ thọ
Và khi không khổ lạc
Như thật biết sinh diệt,
Vị ngọt cùng nguy hiểm
Và giải thoát cảm thọ,
Tham sân si tùy miên
Nơi vị ấy không tăng.
Do đoạn tận tùy miên
Ðối với cả ba thọ,
Vị ấy ngay hiện tại,
Chấm dứt được khổ sầu.
Do vậy, thánh đệ tử
Yểm ly căn trần thức
Cho đến xúc thọ ái.
Do yểm ly, ly tham.
Do ly tham, giải thoát,
Và tự mình biết được
Tâm đã được giải thoát.
Sanh tận, phạm hạnh thành,
Việc nên làm đã làm,
Một đi không trở lại.
Sau khi Thế tôn giảng
Có sáu mươi tỷ kheo
Giải thoát không chấp thủ
Thành lậu tận La hán.

-ooOoo-

PHẦN CHÁNH KINH

Như vầy tôi nghe.

Một thời, Thế Tôn trú ở Savatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà Lâm) tại tinh xá ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc).

Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo".

-- "Thưa vâng, Bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.

Thế Tôn nói như sau:

-- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng pháp cho các Ông, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn. Ta sẽ nói lên Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn, thanh tịnh, tức là sáu sáu. Hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ giảng.

-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

(Tóm lược)

Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

-- Sáu nội xứ cần phải được biết. Sáu ngoại xứ cần phải được biết. Sáu thức thân cần phải được biết. Sáu xúc thân cần phải được biết. Sáu thọ thân cần phải được biết. Sáu ái thân cần phải được biết.

(Liệt kê)

Khi được nói đến: "Sáu nội xứ cần phải được biết", do duyên gì được nói đến như vậy? Nhãn xứ, nhĩ xứ, tỷ xứ, thiệt xứ, thân xứ, ý xứ. Khi được nói đến: "Sáu nội xứ cần phải được biết ", chính do duyên này được nói đến như vậy. Ðây là sáu sáu thứ nhất.

Khi được nói đến: "Sáu ngoại xứ cần phải được biết", do duyên gì được nói đến như vậy? Sắc xứ, thanh xứ, hương xứ, vị xứ, xúc xứ, pháp xứ. Khi được nói đến: "Sáu ngoại xứ cần phải được biết", chính do duyên này được nói đến như vậy. Ðây là sáu sáu thứ hai.

Khi được nói đến: "Sáu thức thân cần phải được biết", do duyên gì được nói đến như vậy? Do duyên mắt và do duyên các sắc, khởi lên nhãn thức. Do duyên tai và do duyên các tiếng, khởi lên nhĩ thức. Do duyên mũi và do duyên các hương, khởi lên tỷ thức. Do duyên lưỡi và do duyên các vị, khởi lên thiệt thức. Do duyên thân và do duyên các xúc, khởi lên thân thức. Do duyên ý và do duyên các pháp, khởi lên ý thức. Khi được nói đến: "Sáu thức thân cần phải được biết", chính do duyên này được nói đến như vậy. Ðây là sáu sáu thứ ba.

Khi được nói đến: "Sáu xúc thân cần phải được biết", do duyên gì được nói đến như vậy? Do duyên mắt và do duyên các sắc, khởi lên nhãn thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên tai và do duyên các tiếng, khởi lên nhĩ thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên mũi và do duyên các hương, khởi lên tỷ thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên lưỡi và do duyên các vị, khởi lên thiệt thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên thân và do duyên các xúc, khởi lên thân thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên ý và do duyên các pháp, khởi lên ý thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Khi được nói đến: "Sáu xúc thân cần phải được biết", chính do duyên này được nói đến như vậy. Ðây là sáu sáu thứ tư.

Khi được nói đến: "Sáu thọ thân cần phải được biết", do duyên gì được nói đến như vậy? Do duyên mắt và do duyên các sắc, khởi lên nhãn thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên xúc là thọ. Do duyên tai và do duyên các tiếng, khởi lên nhĩ thức... Do duyên mũi và do duyên các hương, khởi lên tỷ thức... Do duyên lưỡi và do duyên các vị, khởi lên thiệt thức... Do duyên thân và do duyên các xúc, khởi lên thân thức... Do duyên ý và do duyên các pháp, khởi lên ý thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên xúc là thọ. Khi được nói đến: "Sáu thọ thân cần phải được biết", chính do duyên này được nói đến như vậy. Ðây là sáu sáu thứ năm.

Khi được nói đến: "Sáu ái thân cần phải được biết", do duyên gì được nói đến như vậy? Do duyên mắt và duyên các sắc, khởi lên nhãn thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên xúc là thọ. Do duyên thọ là ái. Do duyên tai và do duyên các tiếng, khởi lên nhĩ thức... Do duyên mũi và do duyên các hương, khởi lên tỷ thức... Do duyên lưỡi và do duyên các vị, khởi lên thiệt thức... Do duyên thân và do duyên các xúc, khởi lên thân thức... Do duyên ý và do duyên các pháp, khởi lên ý thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên xúc là thọ. Do duyên thọ là ái. Khi được nói đến: "Sáu ái thân cần phải được biết", chính do duyên này được nói đến như vậy. Ðây là sáu sáu thứ sáu.

(Giảng về vô ngã)

Nếu ai nói rằng: "Mắt là tự ngã", như vậy là không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của mắt đã được thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt củ mắt đã được thấy, nên phải đưa đến kết luận: "Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi". Do vậy, nếu ai nói rằng: "Mắt là tự ngã", như vậy là không hợp lý. Như vậy, con mắt là vô ngã.

Nếu ai nói rằng: "Các sắc là tự ngã", như vậy là không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của các sắc đã được thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt của các sắc đã được thấy, nên phải đưa đến kết luận: "Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi". Do vậy, nếu ai nói rằng: "Các sắc là tự ngã", như vậy là không hợp lý. Như vậy, con mắt là vô ngã, các sắc là vô ngã.

Nếu ai nói rằng: "Nhãn thức là tự ngã", như vậy là không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của nhãn thức đã được thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt của nhãn thức đã được thấy, nên phải đưa đến kết luận: "Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi". Do vậy, nếu ai nói rằng: "Nhãn thức là tự ngã", như vậy là không hợp lý. Như vậy, con mắt là vô ngã, các sắc là vô ngã, nhãn thức là vô ngã.

Nếu có ai nói rằng: "Nhãn xúc là tự ngã", như vậy là không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của nhãn xúc đã được thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt của nhãn xúc đã được thấy, nên phải đưa đến kết luận: "Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi". Do vậy, nếu ai nói rằng: "Nhãn xúc là tự ngã", như vậy là không hợp lý. Như vậy, con mắt là vô ngã, các sắc là vô ngã, nhãn thức là vô ngã, nhãn xúc là vô ngã.

Nếu có ai nói rằng: "Thọ là tự ngã", như vậy là không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của thọ đã được thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt của thọ đã được thấy, nên phải đưa đến kết luận: "Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi". Do vậy, nếu ai nói rằng: "Thọ là tự ngã", như vậy là không hợp lý. Như vậy, con mắt là vô ngã, các sắc là vô ngã, nhãn thức là vô ngã, nhãn xúc là vô ngã, thọ là vô ngã.

Nếu có ai nói rằng: "Ái là tự ngã", như vậy là không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của ái đã được thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt của ái đã được thấy, nên phải đưa đến kết luận: "Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi". Do vậy, nếu ai nói rằng: "Ái là tự ngã", như vậy là không hợp lý. Như vậy, con mắt là vô ngã, các sắc là vô ngã, nhãn thức là vô ngã, nhãn xúc là vô ngã, thọ là vô ngã, ái là vô ngã.

Nếu có ai nói rằng: "Tai là tự ngã"...; nếu có ai nói rằng: ""Mũi là tự ngã"...; nếu có ai nói rằng: "Lưỡi là tự ngã"...; nếu có ai nói rằng: "Thân là tự ngã"...; nếu có ai nói rằng: "Ý là tự ngã", như vậy là không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của ý đã được thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt của ý đã được thấy, nên phải đưa đến kết luận: "Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi". Do vậy, nếu ai nói rằng: "Ý là tự ngã", như vậy là không hợp lý. Như vậy, ý là vô ngã.

Nếu có ai nói rằng: "Các pháp là tự ngã", như vậy, là không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của các pháp đã được thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt của các pháp đã được thấy, nên phải đưa đến kết luận: "Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi". Do vậy, nếu ai nói rằng: "Các pháp là tự ngã", như vậy là không hợp lý. Như vậy, ý là vô ngã, các pháp là vô ngã. Nếu có ai nói rằng: "Ý thức là tự ngã", như vậy là không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của ý thức đã được thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt của ý thức đã được thấy, nên phải đưa đến kết luận: "Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi". Do vậy, nếu ai nói rằng: "Ý thức là tự ngã", như vậy là không hợp lý. Như vậy, ý là vô ngã, các pháp là vô ngã, ý thức là vô ngã.

Nếu có ai nói rằng: "Ý xúc là tự ngã ", như vậy là không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của ý xúc đã được thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt của ý xúc đã được thấy, nên phải đưa đến kết luận: "Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi". Do vậy, nếu có ai nói rằng: "Ý xúc là tự ngã", như vậy là không hợp lý. Như vậy, ý là vô ngã, các pháp là vô ngã, ý thức là vô ngã, ý xúc là vô ngã.

Nếu có ai nói rằng: "Thọ là tự ngã", như vậy là không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của thọ đã dược thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt của thọ đã được thấy, nên đưa phải đưa đến kết luận: "Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi". Do vậy, nếu có ai nói rằng: "Thọ là tự ngã", như vậy là không hợp lý. Như vậy, ý là vô ngã, các pháp là vô ngã, ý thức là vô ngã, ý xúc là vô ngã, thọ là vô ngã.

Nếu có ai nói rằng: "Ái là tự ngã", như vậy là không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của ái đã được thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt của ái đã được thấy, nên phải đưa đến kết luận: "Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi". Do vậy, nếu có ai nói rằng: "Ái là tự ngã", như vậy là không hợp lý. Như vậy, ý là vô ngã, các pháp là vô ngã, ý thức là vô ngã, ý xúc là vô ngã, thọ là vô ngã, ái là vô ngã.

(Nguồn gốc và đoạn diệt thân kiến)

Này các Tỷ-kheo, nhưng đây là con đường đưa đến sự tập khởi của thân kiến. Ai quán mắt là: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi". Ai quán các sắc... Ai quán nhãn thức... Ai quán nhãn xúc... Ai quán thọ... Ai quán ái... Ai quán tai... Ai quán mũi... Ai quán lưỡi... Ai quán thân... Ai quán ý... Ai quán các pháp... Ai quán ý thức... Ai quán ý xúc... Ai quán ái: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi".

Nhưng này các Tỷ-kheo, đây là con đường đưa đến sự đoạn diệt của thân kiến. Ai quán mắt: ""Cái này không phải là của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải là tự ngã của tôi". Ai quán sắc... Ai quán nhãn thức... Ai quán nhãn xúc... Ai quán thọ... Ai quán ái... Ai quán tai... Ai quán mũi... Ai quán lưỡi... Ai quán thân... Ai quán ý... Ai quán các pháp... Ai quán ý thức... Ai quán ý xúc... Ai quán thọ... Ai quán ái: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".

(Ba độc tùy miên)

Này các Tỷ-kheo, do duyên mắt và do duyên các sắc, khởi lên nhãn thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên xúc, khởi lên lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ. Vị ấy do cảm xúc lạc thọ, mà hoan hỷ, tán thán, trú ở ái trước; tham tùy miên của vị ấy tùy tăng. Vị ấy do cảm xúc khổ thọ, mà sầu muộn, than van, than khóc, đập ngực, rơi vào bất tỉnh; sân tùy miên của vị ấy tùy tăng. Vị ấy do cảm xúc bất khổ bất lạc thọ, mà không như thật biết sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly khỏi cảm thọ ấy; vô minh tùy miên của vị ấy tùy tăng. Này các Tỷ-kheo, vị ấy chính do không đoạn tận tham tùy miên đối với lạc thọ, do không tẩy trừ sân tùy miên đối với khổ thọ, do không nhổ lên vô minh tùy miên đối với bất khổ bất lạc thọ, không đoạn tận vô minh, không làm cho minh khởi lên, có thể ngay trong hiện tại là người chấm dứt đau khổ, sự kiện như vậy không xảy ra.

Này các Tỷ-kheo, do duyên tai và do duyên các tiếng, khởi lên nhĩ thức... Này các Tỷ-kheo, do duyên mũi và do duyên các hương, khởi lên tỷ thức... Này các Tỷ-kheo, do duyên lưỡi và do duyên các vị, khởi lên thiệt thức... Này các Tỷ-kheo, do duyên thân và do duyên các xúc, khởi lên thân thức... Này các Tỷ-kheo, do duyên ý và do duyên các pháp, khởi lên ý thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên xúc, khởi lên lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ. Vị ấy do cảm xúc lạc thọ, mà hoan hỷ, tán thán, trú ở ái trước; tham tùy miên của vị ấy tùy tăng. Vị ấy do cảm xúc khổ thọ mà sầu muốn, than van, than khóc, đập ngực, rơi vào bất tỉnh; sân tùy miên của vị ấy tùy tăng. Vị ấy do cảm xúc bất khổ bất lạc thọ, mà không như thật biết sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly khỏi cảm thọ ấy; vô minh tùy miên của vị ấy tùy tăng. Này các Tỷ-kheo, vị ấy chính do không đoạn tận tham tùy miên đối với lạc thọ, do không tẩy trừ sân tùy miên đối với khổ thọ, do không nhổ lên vô minh tùy miên đối với bất khổ bất lạc thọ, không đoạn tận vô minh, không làm cho minh khởi lên, có thể ngay trong hiện tại là người chấm dứt đau khổ, sự kiện như vậy không xảy ra.

(Ðoạn tận ba độc)

Này các Tỷ-kheo, do duyên mắt và do duyên các sắc, khởi lên nhãn thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên xúc, khởi lên lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ. Vị ấy cảm xúc lạc thọ, mà không hoan hỷ, tán thán, trú ở ái trước; tham tùy miên của vị ấy không tùy tăng. Vị ấy cảm xúc khổ thọ, mà không sầu muộn, than van, than khóc, đập ngực, rơi vào bất tỉnh; sân tùy miên của vị ấy không tùy tăng. Vị ấy cảm xúc bất khổ bất lạc thọ, mà như thật biết sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly khỏi cảm thọ ấy; vô minh tùy miên của vị ấy không tùy tăng. Này các Tỷ-kheo, vị ấy chính do đoạn tận tham tùy miên đối với lạc thọ, do tẩy trừ sân tùy miên đối với khổ thọ, do nhổ lên vô minh tùy miên đối với bất khổ bất lạc thọ, đoạn tận vô minh, làm cho minh khởi lên, có thể ngay trong hiện tại là người chấm dứt đau khổ, sự kiện như vậy xảy ra.

Này các Tỷ-kheo, do duyên tai và do duyên các tiếng, khởi lên nhĩ thức... Này các Tỷ-kheo, do duyên mũi và do duyên các hương, khởi lên tỷ thức... Này các Tỷ-kheo, do duyên lưỡi và do duyên các vị, khởi lên thiệt thức... Này các Tỷ-kheo, do duyên thân và do duyên các xúc, khởi lên thân thức... Này các Tỷ-kheo, do duyên ý và do duyên các pháp, khởi lên ý thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên cảm xúc, khởi lên lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ. Vị ấy cảm xúc lạc thọ mà không hoan hỷ, tán thán, trú ở ái trước; tham tùy miên của vị ấy không tùy tăng. Vị ấy cảm xúc khổ thọ mà không sầu muộn, than van, than khóc, đập ngực, rơi vào bất tỉnh; sân tùy miên của vị ấy không tùy tăng. Vị ấy cảm xúc bất khổ bất lạc thọ mà như thật biết sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly khỏi cảm thọ ấy; vô minh tùy miên của vị ấy không tùy tăng. Này các Tỷ-kheo, vị ấy chính do đoạn tận tham tùy miên đối với lạc thọ, do tẩy trừ sân tùy miên đối với khổ thọ, do nhổ lên vô minh tùy miên đối với bất khổ bất lạc thọ, đoạn tận vô minh, làm cho minh khởi lên, có thể ngay trong hiện tại là người chấm dứt đau khổ, sự kiện như vậy xảy ra.

(Giải thoát)

Này các Tỷ-kheo, do thấy vậy, vị Ða văn Thánh đệ tử yếm ly mắt, yếm ly các sắc, yếm ly nhãn thức; yếm ly nhãn xúc, yếm ly thọ, yếm ly ái. Vị ấy yếm ly tai, yếm ly các tiếng...; yếm ly mũi, yếm ly các hương...; yếm ly lưỡi, yếm ly các vị...; yếm ly thân, yếm ly các xúc...; yếm ly ý, yếm ly các pháp; yếm ly ý thức, yếm ly ý xúc, yếm ly thọ, yếm ly ái.

Do yếm ly, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát là sự hiểu biết: "Ta đã được giải thoát". Và vị ấy tuệ tri: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy. Trong khi sự thuyết giảng này được nói lên, tâm của sáu mươi Tỷ-kheo ấy được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ.

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt