Hàng ma
I. TOÁT YẾU
Màratajjanìya Sutta - The rebuke to Màra.
Màra attempts to harass the venerable Moggallàna, but the latter relates a story of the distant past to warn Màra of the dangers in creating trouble for a disciple of the Buddha.
Hàng phục Ác ma.
Ác ma cố quấy nhiễu tôn giả Mục kiền liên, Ngài bèn thuật lại một câu chuyện từ quá khứ lâu xa để cảnh cáo cho Ác ma biết những nguy hiểm xảy đến khi quấy rối một đệ tử của Phật.
II. TÓM TẮT
Trong vườn Lộc uyển, tôn giả Mục kiền liên đang kinh hành ngoài trời, bỗng dưng cảm thấy bụng nặng. Ngài trở vào ngồi thiền quán, thấy ác ma đang ở trong bao tử. Ngài bảo ác ma không nên quấy nhiễu đệ tử Phật, sẽ mang họa lâu dài. Khi ác ma đi ra, tôn giả kể cho nghe thuở xa xưa, dưới thời đức Phật Câu lưu tôn [Kakusandha] Ngài cũng là ác ma tên Dusi, còn ác ma bây giờ thuở ấy là con trai của chị Ngài, gọi Ngài bằng cậu. Phật Câu lưu tôn có hai đệ tử xuất sắc tên Vidhura giỏi thuyết pháp và Sanjiva giỏi chứng thiền. Ác ma Dusi nhập vào các gia chủ, dùng những lời thô ác để thóa mạ những tỳ kheo giới đức. Phần lớn gia chủ này sau khi chết phải đọa vào cõi dữ. Các tỳ kheo được Phật Câu lưu tôn dạy biến mãn tâm từ không hận không sân, nên không bị ảnh hưởng bởi những lời phỉ báng. Khi ấy ác ma Dusi đổi phương pháp, nhập vào các gia chủ đến đảnh lễ tôn trọng cúng dường các tỳ kheo giới đức, hầu mong chi phối những vị này. Các gia chủ ấy sau khi chết được sinh vào cõi lành. Còn các tỳ kheo được Phật Câu lưu tôn dạy tu thiền quán bất tịnh, vô thường để sinh tưởng nhàm chán, nên không bị chi phối vì cung kính lợi dưỡng. Ác ma Dusi không hại được tôn giả Vidhura bằng phỉ báng cũng như tán dương, nên nhập vào một đứa trẻ khiến nó liệng đá vỡ đầu tôn giả, máu chảy đầm đìa, trong khi Ngài đang đi sau lưng đức Phật. Khi Phật quay lại nhìn, nghĩ rằng ác ma này thật sự đã làm điều quá đáng, liền khi ấy ác ma Dusi mạng chung, đọa vào đại địa ngục cọc sắt, bị nấu sôi hàng vạn năm.
Tôn giả Mục kiền liên kể xong, Ác ma thất vọng biến mất tại chỗ.
III. CHÚ GIẢI
Dùsì tên của ác ma, có nghĩa là kẻ hư hỏng, hoặc kẻ làm hư hỏng.
Vidhura có nghĩa là Vô song.
Sanjìva là Người sống sót. Những mục đồng thấy Ngài nhập Diệt định ở giữa rừng, tưởng là thây chết, đốt thân Ngài bằng cỏ khô và phân bò rồi bỏ đi. Sau khi xuất định, Ngài ôm bát đi khất thực, chúng tưởng Ngài sống lại.
IV. PHÁP SỐ
Bốn phạm trú.
V. KỆ TỤNG
Trong ngôi rừng Lộc uyển,
Tôn giả Mục kiền liên
Ðang kinh hành lui tới
Bỗng cảm thấy bụng nhói.
Ngài trở vào tọa thiền
Quan sát thấy ác ma
Ðã chui vào bao tử
Liền khuyên hãy đi ra.
Ngài kể chuyện đời trước
"Thời Phật Câu lưu tôn
Ta cũng là ác ma
Với tên "Kẻ xấu xa"
Còn ngươi vào thuở ấy
Là con trai chị ta
Vậy ngươi là cháu ta
Có họ hàng ruột thịt.
Hai đệ tử xuất sắc
Của Phật Câu lưu tôn
Một là Vidhura
Vô song về thuyết pháp
Vị kia Sanjiva
Giỏi nhập Diệt thọ tưởng.
Dusi, Kẻ Xấu Xa
Nhập vào các gia chủ
Dùng toàn lời thô ác
Thóa mạ đệ tử Phật.
Phần lớn gia chủ này
Chết đọa vào địa ngục.
Các tỳ kheo bị nhục
Biến mãn mười phương cõi
Từ tâm không hận sân
Nên không bị chi phối.
Ma nhập vào gia chủ
Ðến đảnh lễ cúng dường
Các tỳ kheo giới đức
Ðể phá hạnh sa môn.
Các gia chủ cúng dường
Chết sinh vào cõi tốt.
Tỳ kheo được lợi dưỡng
Quán bất tịnh, vô thường
Sinh nhàm chán, yểm ly
Tâm không hề lay động.
Tôn giả Vidhura
Ðang theo sau đức Phật
Ác ma tiền thân ta
Liền nhập vào đứa trẻ
Liệng đá làm bể đầu
Máu chảy ra lai láng.
Khi Phật quay lại nhìn
Và nghĩ "thật quá quắc
Là ác ma Dusi"
Ta mạng chung tức thì
Ðọa vào đại địa ngục
Bị nấu hàng vạn năm."
Mục kiền liên kể xong
Ác ma bèn ẩn mất.
-ooOoo-
PHẦN CHÁNH KINH
Như vầy tôi nghe.
Một thời Tôn giả Maha Moggallana trú giữa dân chúng Bhagga, tại Sumsumaragira, rừng Bhessakalavana, vườn Lộc Uyển.
Lúc bấy giờ, Tôn giả Maha Moggallana đang đi kinh hành ngoài trời. Khi ấy Ác ma đi vào bụng Tôn giả Maha Moggallana, ở trong bao tử. Rồi Tôn giả Maha Moggallana nghĩ như sau: "Nay sao bụng của Ta lại nặng nặng như có gì chồng chất quá đầy?" Rồi Tôn giả Maha Moggallana từ chỗ kinh hành bước xuống, đi vào tự viện, và ngồi trên chỗ đã soạn sẵn.
Sau khi ngồi, Tôn giả Maha Moggallana tự chánh niệm. Tôn giả Maha Moggallana thấy Ác ma, sau khi đi vào trong bụng, đang ở trong bao tử. Thấy vậy, Tôn giả liền nói với Ác ma:
-- Hãy đi ra, Ác ma! Hãy đi ra, Ác ma! Chớ có phiền nhiễu Như Lai và đệ tử Như Lai. Chớ có khiến cho Ngươi bị bất hạnh, đau khổ lâu dài!
Rồi Ác ma suy nghĩ: "Vị Sa-môn này không biết ta, không thấy ta, lại nói như sau: "Hãy đi ra, Ác ma! Hãy đi ra Ác ma! Chớ có phiền nhiễu Như Lai, và đệ tử Như Lai. Chớ có khiến cho Ngươi bị bất hạnh, đau khổ lâu dài". Chính vị Bổn sư cũng chưa biết ta mau như vậy, làm sao vị đệ tử này có thể biết ta được?"
Rồi Tôn giả Maha Moggallana lại nói với Ác ma như sau:
-- Này Ác ma, ta biết Ngươi. Ðừng có nghĩ rằng: "Vị ấy không biết ta". Ngươi là Ác ma. Này Ác ma, Ngươi nghĩ như sau: "Vị Sa-môn này không biết ta, không thấy ta, lại nói như sau: "Hãy đi ra, Ác ma! hãy đi ra Ác ma! Chớ có phiền nhiễu Như Lai và đệ tử Như Lai. Chớ có khiến cho Ngươi bị bất hạnh, đau khổ lâu dài!" Chính vị Bổn sư cũng không biết ta mau như vậy, làm sao vị đệ tử này có thể biết ta được?"
Rồi Ác ma suy nghĩ như sau: "Vị Sa-môn này biết ta, thấy ta và nói như sau: "Hãy đi ra, Ác ma! Hãy đi ra, Ác ma! Chớ có phiền nhiễu Như Lai và đệ tử Như Lai. Chớ có khiến cho Ngươi bị bất hạnh, đau khổ lâu dài"". Rồi Ác ma từ miệng Tôn giả Maha Moggallana bước ra, và đứng dựa nơi cửa miệng. Tôn giả Maha Moggallana thấy Ác ma đứng dựa nơi cửa miệng, bèn nói Ác ma:
-- Ác ma, ở đây, ta cũng thấy Ngươi. Ngươi chớ có nghĩ rằng: "Vị ấy không thấy ta". Này Ác ma, nay Ngươi đang đứng dựa nơi cửa miệng. Này Ác ma, thuở xưa, ta là Ác ma tên là Dusi, và chị ta tên là Kali. Ngươi là con trai chị ta. Như vậy Ngươi là cháu ta.
Này Ác ma, lúc bấy giờ, Thế Tôn Kakusandha, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác ra đời. Thế Tôn Kakusandha, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác có hai vị đệ tử tên là Vidhura, và Sanjiva, hai bậc tối thượng, hai bậc Hiền giả. Này Ác ma, đối với các vị đệ tử của Thế Tôn Kakusandha, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác không một ai ở đây có thể bằng Tôn giả Vidhura về thuyết pháp. Này Ác ma, vì lý do này, Tôn giả Vidhura được gọi là Vidhura (Vô song). Còn Tôn giả Sanjiva là vị đi rừng, đi gốc cây, đi các chỗ không người và chứng Diệt thọ tưởng định không khó khăn gì.
Này Ác ma, thuở xưa, Tôn giả Sanjiva đang ngồi nhập Diệt thọ tưởng định dưới một gốc cây. Này Ác ma, các người chăn bò, chăn thú, làm ruộng, các lữ hành thấy Tôn giả Sanjiva đang ngồi nhập Diệt thọ tưởng định dưới một gốc cây, thấy vậy liền nói với nhau như sau: "Thật vị diệu thay, này các Tôn giả! Thật hy hữu thay, này các Tôn giả! Vị Sa-môn này chết mà vẫn ngồi. Chúng ta hãy hỏa táng ngài!" Rồi này Ác ma, các người chăn bò, chăn thú, làm ruộng, các lữ hành liền thâu lượm cỏ, củi và phân bò chồng lên thân Tôn giả Sanjiva, đốt lửa và bỏ đi.
Này Ác ma, Tôn giả Sanjiva, sau khi đêm ấy đã tàn, liền xuất định, phủi áo, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát vào làng khất thực. Này Ác ma, các người chăn bò, chăn thú, làm ruộng, các lữ hành thấy Tôn giả Sanjiva đang đi khất thực, thấy vậy liền nghĩ: "Thật vị diệu thay, này các Tôn giả! Thật hy hữu thay, này các Tôn giả! Vị Sa-môn này chết mà vẫn ngồi, nay được sống lại". Này Ác ma, vì lý do này, Tôn giả Sanjiva được xưng danh là Sanjiva, Sanjiva.
Này Ác ma, rồi Ác ma Dusi nghĩ như sau: "Ta không biết chỗ đến và chỗ đi của các vị Tỷ-kheo có giới hạnh và thiện pháp này. Vậy nay ta hãy nhập vào hàng Bà-la-môn gia chủ và nói như sau: "Hãy đến phỉ báng, mạ lị, thống trách và nhiễu hại các vị Tỷ-kheo có giới hạnh và thiện tánh. Do bị phỉ báng, mạ lị, thống trách và nhiễu hại bởi các Người, các vị ấy có thể đổi tâm và như vậy, Ác ma Dusi mới có dịp để chi phối họ. "
Rồi này Ác ma, Ác ma Dusi nhập vào hàng Bà-la-môn gia chủ và phỉ báng, mạ lị, thống trách và nhiễu hại các vị Tỷ-kheo có giới hạnh và thiện tánh như sau: "Những kẻ trọc đầu, Sa-môn giả hiệu, tiện nô, hắc nô, sanh tự gót chân này. Họ nói: "Chúng tôi tu thiền, chúng tôi tu thiền" và với hai vai thụt xuống, với mặt cúi xuống, mê mê dại dại, tu thiền, mê thiền, si thiền, dại thiền. Ví như con cú đậu trên cành cây, khi đang rình chuột; tu thiền, mê thiền, si thiền, dại thiền; cũng vậy, những kẻ trọc đầu, Sa-môn giả hiệu, tiện nô, hắc nô, sanh tự gót chân này. Chúng nói: "Chúng tôi tu thiền, chúng tôi tu thiền". Và với hai vai thụt xuống, với mặt cúi xuống, mê mê dại dại, tu thiền, mê thiền, si thiền, dại thiền. Ví như con giả can trên bờ sông, khi đang rình cá; tu thiền, mê thiền, si thiền, dại thiền; cũng vậy, những kẻ trọc đầu, Sa-môn giả hiệu, tiện nô, hắc nô, sanh tự gót chân này. Họ nói: "Chúng tôi tu thiền, chúng tôi tu thiền" và với hai vai thụt xuống, với mặt cúi xuống, mê mê dại dại, tu thiền, mê thiền, si thiền, dại thiền. Ví như con mèo ngồi bên đống rác, khi đang rình chuột; tu thiền, mê thiền, si thiền, dại thiền; cũng vậy, những kẻ trọc đầu, Sa-môn giả hiệu, tiện nô, hắc nô, sanh tự gót chân này. Họ nói: "Chúng tôi tu thiền, chúng tôi tu thiền" và với hai vai thụt xuống, với mặt cúi xuống, mê mê dại dại, tu thiền, mê thiền, si thiền, dại thiền. Ví như con lừa, gánh nặng được đặt xuống, đang tu thiền, mê thiền, si thiền, dại thiền; cũng vậy, những kẻ trọc đầu, Sa-môn giả hiệu, tiện nô, hắc nô, sanh tự gót chân này. Chúng nói: "Chúng tôi tu thiền, chúng tôi tu thiền", và với hai vai thụt xuống, với mặt cúi xuống, mê mê dại dại, tu thiền, mê thiền, si thiền, dại thiền". Này Ác ma lúc bấy giờ, phần lớn những người ấy sau khi thân hoại mạng chung phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
Rồi này Ác ma, Thế Tôn Kakusandha, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác gọi các Tỷ-kheo:
"-- Này các Tỷ-kheo, những Bà-la-môn gia chủ bị Ác ma Dusi nhập vào và nói: "Hãy đến phỉ báng, mạ lị, thống trách và nhiễu hại các Tỷ-kheo có giới hạnh và thiện tánh. Do bị phỉ báng, mạ lị, thống trách và nhiễu hại bởi các Người, các vị ấy có thể đổi tâm, và như vậy Ác ma Dusi mới có dịp để chi phối họ".
Này các Tỷ-kheo, hãy đến biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ, rồi an trú, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Với tâm câu hữu với bi... với tâm câu hữu với hỷ..., biến mãn một phương với tâm câu hữu với xả, rồi an trú; cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, an trú biến mãn với tâm câu hữu với xả, quảng đại, vô biên, không hận, không sân".
Rồi Ác ma, các Tỷ-kheo ấy được Thế Tôn Kakusandha, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác khuyến khích như vậy, khuyến giáo như vậy, đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, đi đến các chỗ không vắng, biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ rồi an trú; cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba; cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Với tâm câu hữu với bi... với tâm câu hữu với hỷ... biến mãn một phương với tâm câu hữu với xả rồi an trú; cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy, cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, an trú biến mãn với tâm câu hữu với xả, quảng đại, vô biên, không hận, không sân.
Này Ác ma, rồi Mara Dusi suy nghĩ như sau: "Làm như vậy, ta không thể biết chỗ đến hay chỗ đi của các Tỷ-kheo có giới hạnh và thiện tánh. Vậy ta hãy nhập vào các Bà-la-môn gia chủ và nói như sau: "Hãy đến tán thán, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường các Tỷ-kheo có giới hạnh và thiện tánh này. Do được tán thán, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường, các vị ấy có thể đổi tâm và như vậy, Ác ma Dusi mới có dịp để chi phối họ".
Rồi này Ác ma, Ác ma Dusi nhập vào các Bà-la-môn gia chủ và nói: "Hãy đến tán thán, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường các Tỷ-kheo có giới hạnh và thiện tánh. Những vị này được các Ngươi tán thán, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường có thể đổi tâm, và như vậy Ác ma Dusi mới có dịp để chi phối họ", Rồi này Ác ma, những Bà-la-môn gia chủ, bị Ác ma Dusi xâm nhập, tán thán, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường các Tỷ-kheo có giới hạnh và thiện tánh. Này Ác ma, sau một thời gian những vị này mạng chung và phần lớn sau khi thân hoại mạng chung được sanh lên thiện thú, Thiên giới và đời này.
Rồi này Ác ma, Thế Tôn Kakusamdha, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác gọi các Tỷ-kheo:
"-- Này các Tỷ-kheo, các Bà-la-môn gia chủ bị Ác ma Dusi xâm nhập và nói như sau: "Các Ngươi hãy đến tán thán, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường các Tỷ-kheo có giới hạnh và thiện tánh. Những vị này được các Ngươi tán thán, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường có thể đổi tâm và như vậy Ác ma Dusi mới có dịp để chi phối họ". Này các Tỷ-kheo, các Ngươi hãy sống quán bất tịnh trên thân, quán tưởng nhàm chán đối với các món ăn, quán tưởng bất khả lạc đối với tất cả thế gian, quán tánh vô thường đối với tất cả hành".
Và này Ác ma, những Tỷ-kheo ấy được Thế Tôn Kakusandha khuyến khích như vậy, khuyến giáo như vậy, đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, đi đến các chỗ trống vắng, sống quán (tánh) bất tịnh trên thân, (quán) tưởng nhàm chán đối với các món ăn, (quán) tưởng bất khả lạc đối với tất cả thế gian, quán tánh vô thường đối với tất cả hành.
Rồi này Ác ma, Thế Tôn Kakusandha, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, buổi sáng đắp y, mang y bát, với Tôn giả Vidhura là thị giả, đi vào làng để khất thực.
Rồi này Ác ma, Ác ma Dusi nhập vào một đứa trẻ, cầm một hòn đá, đánh trên đầu Tôn giả Vidhura khiến bể đầu. Rồi này Ác ma, Tôn giả Vidhura với đầu bị bể và với máu chảy, vẫn đi sau lưng Thế Tôn Kakusandha, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Rồi này Ác ma, Thế Tôn Kakusandha bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác nhìn xung quanh với cái nhìn con voi chúa và suy nghĩ như sau: "Thật vậy, Ác ma Dusi không biết sự vừa phải". Này Ác ma, khi Thế Tôn nhìn xung quanh, thì Ác ma Dusi liền từ chỗ ấy từ trần và sinh vào cõi địa ngục.
Này Ác ma, địa ngục ấy được ba tên gọi: Sáu xúc xứ địa ngục, Thiết qua địa ngục, Biệt thọ khổ địa ngục. Rồi các người giữ địa ngục đến ta và nói như sau: "Này Tôn giả, khi cọc sắt sẽ gặp cọc sắt trong tim của Ngươi, Ngươi mới hiểu như sau: "Ta sẽ bị trụng nước sôi một ngàn năm ở địa ngục.''
Và ta, này Ác ma, ta bị trụng nước sôi, trải nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm trong địa ngục. Trải qua một vạn năm trong đại địa ngục ấy, ta bị nấu sôi và cảm thọ cảm giác gọi là Vutthanima. Do vậy, này Ác ma, thân của ta là như vậy, thân như con người, và đầu ta là như vậy, đầu như con cá.
1. Ðịa ngục ấy thế nào
Dusi bị nấu sôi
Vì đánh Vidhura,
Ðệ tử Kakusandha.
Có trăm loại cọc sắt,
Tự cảm thọ riêng biệt
Ðịa ngục là như vậy,
Dusi bị nấu sôi.
Vì đánh Vidhura,
Ðệ tử Kakusandha
Tỷ-kheo đệ tử Phật,
Hiểu biết rõ như vậy.
Vì Ngươi đánh Tỷ-kheo,
Kanha chịu khổ thọ,
2. Dựng lên giữa biển cả,
Cung điện trải nhiều kiếp,
Bằng ngọc chói lưu ly,
Huy hoàng cùng chiếu diệu.
Tiên nữ múa tại đây,
Trang sức màu dị biệt.
Tỷ-kheo đệ tử Phật,
Hiểu biết rõ như vậy.
Vì Ngươi đánh Tỷ-kheo,
Kanha chịu khổ Thọ,
3. Ai Thế Tôn khuyến khích,
Ðược chư Tăng chứng kiến,
Với ngón chân rung chuyển,
Lâu đài Vijayanta!
Tỷ-kheo đệ tử Phật,
Hiểu biết rõ như vậy.
Vì Ngươi đánh Tỷ-kheo,
Kanha chịu khổ thọ,
4. Với ngón chân rung chuyển
Lâu đài Vijayanta?
Ðầy đủ thần thông lực,
Chư thiên cũng hoảng sợ.
Tỷ-kheo đệ tử Phật,
Hiểu biết rõ như vậy.
Vì Ngươi đánh Tỷ-kheo,
Kanha chịu khổ thọ,!
5. Ai hỏi vị Sakka,
Tại lầu Vijayanta,
Hiền giả, Người có biết,
Chứng ái tận giải thoát?
Sakka đã chân thành,
Trả lời câu được hỏi.
Tỷ-kheo đệ tử Phật,
Hiểu biết rõ như vậy.
Vì Ngươi đánh Tỷ-kheo,
Kanha chịu khổ thọ,
6. Ai từng hỏi Phạm thiên,
Tại hội chúng Thiện pháp,
Hiền giả nay vẫn chấp,
Các tà kiến thuở xưa,
Có thấy cảnh huy hoàng,
Phạm thiên cảnh Thiên giới?
Brahmà đã chân thành,
Tiếp tục đáp câu hỏi:
Tôn giả, tôi không chấp,
Các tà kiến thuở xưa!
Tôi thấy sự huy hoàng,
Phạm thiên cảnh Thiên giới!
Sao nay tôi nói được,
Tôi thường hằng thường tại?
Tỷ-kheo đệ tử Phật,
Hiểu biết rõ như vậy.
Vì Ngươi đánh Tỷ-kheo,
Kanha chịu khổ thọ!
7. Ai với sự giải thoát,
Cảm xúc Cao sơn đảnh,
Rừng Ðông Videha,
Và người nằm trên đất,
Tỷ-kheo đệ tử Phật,
Hiểu biết rõ như vậy.
Vì Ngươi đánh Tỷ-kheo,
Kanha chịu khổ thọ.
8. Thật sự lửa không nghĩ:
"Ta đốt cháy kẻ ngu",
Kẻ ngu đột kích lửa,
Tự mình bị thiêu cháy.
Cũng vậy, này Ác ma,
Ngươi đột kích Như Lai.
Tự mình đốt cháy mình
Như kẻ ngu chạm lửa,
Ác ma tạo ác nghiệp,
Do nhiễu hại Như Lai,
Ngươi nghĩ chăng, Ác ma,
"Ác quả không đến ta".
Ðiều ác Ác ma làm,
Chất chứa đã lâu rồi,
Ác ma, hãy tránh Phật,
Chớ vọng tưởng Tỷ-kheo!
Tỷ-kheo chống Ác ma,
Tại rừng Bhesakala,
Vị Dạ xoa, thất vọng,
Biến mất tại chỗ ấy.
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt