Ðạo Phi Ðạo Tri Kiến Thanh Tịnh
(Maggàmagga - Nanadassana - Visuddhi - Niddesa)
-ooOoo-
1. Trí được lập nhờ biết đạo và phi đạo như sau: "Ðây là đạo, đây là phi đạo", gọi là "Thanh tịnh nhờ đạo phi đạo tri kiến".
2. Một người muốn hoàn tất việc này trước hết cần chuyên chú về tuệ quy nạp gọi là "hiểu biết bằng nhóm". Tại sao? Vì đạo phi đạo tri kiến xuất hiện liên kết với sự xuất hiện của bào quang (obhàsa), v.v... (xem Ch. XX, 105) nơi một người bắt đầu có tuệ. Vì chính sau khi ánh sáng, v.v... xuất hiện nơi người bắt đầu có tuệ, mà đạo phi đạo tri kiến xuất hiện. Và sự hiểu theo nhóm là khởi đầu của tuệ, do đó nó được kể kế tiếp đoạn nghi. Ngoài ra, đạo phi đạo tri kiến sanh khi sự thấu hiểu hoàn toàn, gọi là suy đạt phát sanh, và suy đạt này đến kế tiếp sự hiểu biết trọn vẹn cái được biết. Vậy đấy là lý do tại sao một người muốn thanh tịnh nhờ đạo phi đạo tri kiến, trước hết phải chuyên chú vào sự tìm hiểu theo nhóm.
3. Sau đây là sự trình bày. Có ba loại tuệ thế gian, là tuệ kể như sở-tri, tuệ kể như suy đạt, và tuệ kể như từ bỏ. Về điểm này đã được nói như sau: "Tuệ kể như thắng trí (direct-knowledge) là trí theo nghĩa sở tri. Tuệ kể như liễu tri, là trí theo nghĩa suy đạt. Tuệ kể như từ bỏ là trí theo nghĩa xả ly". (Ps. i, 87)
Ở đây, tuệ phát sinh do quan sát biệt tướng các pháp như sau: "Sắc có đặc tính bị bức não, thọ có đặc tánh bị cảm nhận", gọi là tuệ sở tri. Tuệ kể như sự thấy rõ tổng tướng, phát sinh khi gán tổng tướng cho những pháp sở tri như "Sắc là vô thường, thọ là vô thường", thì gọi là tuệ suy đạt. Tuệ lấy các đặc tính (tổng tướng) ấy làm đối tượng, phát sinh kể như sự từ bỏ thường tưởng v.v... nơi các pháp ấy, gọi là tuệ từ bỏ.
4. Ở đây, loại tuệ thứ nhất gồm từ Ðịnh giới các hành (Ch. XVIII) cho đến phân biệt duyên (Ch. XIX), vì trong khoảng này sự thâm nhập biệt tướng các pháp chiếm ưu thế. Bình diện loại tuệ thứ hai (suy đạt) gồm từ sự hiểu theo nhóm đến trí quán sanh diệt (Ch. XXI, đ.3) vì trong giai đoạn này, sự thâm nhập tổng tướng chiếm ưu thế. Bình diện tuệ thứ ba (từ bỏ) gồm từ sự quán tan rã trở đi (Ch. XXI, 10), vì từ đấy trở đi, bảy lối quán để từ bỏ thường tưởng v.v... chiếm ưu thế như sau: "(1) Quán các hành vô thường, vị ấy từ bỏ thường tưởng. (2) Quán các hành là khổ, vị ấy từ bỏ lạc tưởng. (3) Quán chúng là vô ngã, vị ấy từ bỏ ngã tưởng. (4) Quán vô dục, vị ấy từ bỏ thích thú. (5) Quán ly tham vị ấy từ bỏ tham. (6) Quán diệt, vị ấy từ bỏ sanh. (7) Quán xả ly, vị ấy từ bỏ chấp thủ. (Ps.i, 58)
[Chú thích: "quán vô thường" là quán các hành ở khía cạnh vô thường. "Thường tưởng" là cái tưởng sai lạc rằng chúng trường tồn bất diệt. Các loại tâm tương ưng tà kiến cần xem là bao gồm dưới mục "tưởng". "Quán vô dục" là thấy các hành với thái độ vô dục nhờ quán vô thường vân vân. "Thích thú" là tham câu hữu với hỉ. "Quán ly tham" là quán cách nào để cho tham (ràga) đối với các hành không sanh, khiến cho lòng tham phai nhạt (vinaffana). "Quán diệt" là quán thế nào để các hành chỉ có diệt mà không sanh trở lại trong tương lai qua một hữu mới. "Quán từ bỏ" là nhờ cách này mà vị ấy không còn chấp thủ các hành; hay vị ấy từ bỏ xem chúng là thường lạc, v.v... - Pm. 780]
5. Như vậy trong ba loại tuệ này thiền giả chỉ mới đạt được thứ tuệ kể như sở tri, hai loại kia còn phải chứng. Do vậy mà trên đây nói rằng "Ngoài ra, đạo phi đạo tri kiến khởi lên khi tuệ kể như suy đạt sanh", và tuệ suy đạt thì đến kế tiếp trí biết sở tri. Ðấy là lý do một người muốn hoàn tất sự thanh tịnh nhờ đạo phi đạo tri kiến, trước hết cần phải chú tâm vào việc tìm hiểu theo nhóm.
6. Kinh văn: "Thế nào tuệ phân biệt các pháp quá khứ, vị lai và hiện tại bằng cách tổng hợp, là trí tổng tướng?
"Bất cứ sắc nào quá khứ vị lai hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, hạ liệt hay thù thắng, xa hay gần, hành giả định rõ tất cả sắc ấy là vô thường: đây là một loại tổng tướng. Vị ấy định rõ nó là khổ: Ðây là một loại tổng tướng. Vị ấy định rõ nó vô ngã. Ðây là một loại tổng tướng. Bất cứ thọ nào... bất cứ tưởng nào... bất cứ hành nào... bất cứ thức nào, vị ấy định rõ nó là vô thường, vô ngã: đây là một loại tổng tướng."
7. Tuệ phân biệt tổng tướng như sau; "Sắc quá khứ, vị lai hay hiện tại, là vô thường vì hoại diệt, là khổ vì đáng khủng khiếp, là vô ngã vì không có lõi", đó là trí tổng tướng". Tuệ phân biệt tổng tướng như "Thọ... thức... . con mắt... Già chết, quá khứ hiện tại vị lai... (như trên): đây là trí tổng tướng.
"Tuệ phân biệt tổng tướng như sau: "Sắc quá khứ hiện tại vị lai là vô thường, duyên sanh, bị hoại diệt, rơi rụng, chấm dứt: đó là trí tổng tướng. Tuệ phân biệt thọ tưởng hành thức, mắt,... già chết, qki hiện tại vị lai là vô thường, hữu vi, duyên sanh, hoại diệt, rơi rụng, chấm dứt, là trí tổng tướng.
8. Tuệ phân biệt "Do duyên sanh, có già chết, nếu không có sanh làm duyên, thì không có già chết, đó là trí tổng tướng. Tuệ phân biệt: "Trong quá khứ, trong tương lai, do duyên sanh nên có già chết, nếu không có sanh làm duyên thì không có già chết, đó là trí tổng tướng. Tuệ phân biệt: "Do duyên hữu có sanh... Do duyên vô minh có hành, không có vô minh làm duyên, thì không có hành, đó là trí tổng tướng. Tuệ phân biệt: "Trong quá khứ, vị lai, do duyên vô minh mới có hành, nếu không có vô minh làm duyên thì không có hành, đó là trí tổng tướng.
"Trí là nói theo nghĩa cái được biết, còn tuệ là theo nghĩa hành vi hiểu biết. Do đó Patisambhidà nói; "Tuệ phân biệt các pháp quá khứ vị lai hiện tại bằng phương pháp quy nạp, là trí tổng tướng". (Ps. i, 53).
9. Sự nói vắn tắt trên đây "mắt, v.v... già chết" cần xem là đại biểu cho những pháp kể dưới:
1. Các pháp sanh ở các cửa tâm, cùng căn môn và đối tượng | 13. Sáu giới |
2. Năm uẩn | 14. Mưới biến xứ (Kasina); |
3. Sáu căn 15. | 15. 32 khía cạnh của thân xác; |
4. Sáu trần 16. | 16. 12 xứ; |
5. Sáu thức 17. | 17. 18 giới; |
6. Sáu xúc 18. | 18. 22 căn; |
7. Sáu thọ 19 . | 19. ba giới; |
8. Sáu tưởng | 20. 9 hữu; |
9. Sáu tư | 21. 4 thiền; |
10. Sáu ái | 22. bốn vô lượng; |
11. Sáu tầm | 23. bốn vô sắc; |
12. Sáu tứ | 24. 12 nhân duyên |
10. Vì điều này được nói trong Patisambhidà, trong phần mô tả về những pháp cần phải thắng tri: "Này các tỷ kheo, những gì cần được thắng tri? Ðó là:
(1). Mắt, sắc, nhãn thức,... nhãn xúc... thọ do nhãn xúc sanh gồm ba loại lạc, khổ, không lạc không khổ, là những pháp cần được thắng tri.
11.
(2). Sắc thọ tưởng hành thức.
(3). Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.
(4). Sắc thanh hương vị xúc và ảnh tượng trong tâm (pháp).
(5). Nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiẹät thức, thân thức, ý thức.
(6). Nhãn xúc cho đến ý xúc.
(7). Thọ (cảm giác) do nhãn xúc,... ý xúc sanh.
(8). Tưởng về sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.
(9). Sáu loại hành (tư) về sắc, thanh... pháp. [Chú thích: khác với sáu tưởng, vì ở đây các đối tượng tự động sanh khởi trong tâm, như vọng tưởng trong lúc ngồi yên.]
(10). Sáu ái đối với sắc, thanh...
(11). Tâm tư duy về sáu đối tượng.
(12). Tứ (tư duy sâu xa) về sáu đối tượng.
(13). Ðịa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới.
(14). Biến xứ đất nước lửa v.v...
(15). Tóc lông... nước tiểu.
(16). Nhãn xứ... pháp xứ.
(17). Nhãn giới... ý thức giới.
(18). Nhãn căn... cụ tri căn.
(19). Dục giới, sắc giới, vô sắc giới.
(20). Dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu, tưởng hữu, vô tưởng hữu, phi tưởng phi phi tưởng hữu, hữu mọät uẩn, bốn uẩn và năm uẩn.
(21). Sơ thiền, nhị, tam, tứ thiền.
(22). Từ tâm giải thoát, Bi, Hỉ, Xả tâm giải thoát.
(23). Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ định.
(24). Vô minh phải được thắng tri,... già chết phải được thắng tri." (Ps. i, 5)
12. Vì tất cả chi tiết này đã được đề cập nên ở đây chỉ nói lược. Nhưng những gì nói lược bao gồm các tâm siêu thế. Ở giai đoạn này các pháp siêu thế chưa nên bàn tới, vì không thể lĩnh hội được. Về những gì có thể lĩnh hội được, ta nên khởi đầu bằng những pháp nào rõ rệt nhất và dễ phân biệt đối với hành giả.
Hiểu Theo Nhóm - Áp Dụng Kinh Văn
13. Ðây là áp dụng những chỉ dẫn đề cập các uẩn: "Bất cứ sắc nào, (1-3:) quá khứ, hiện tại hay vị lai, (4-5:) nội hay ngoại, (6-7:) thô hay tế, (8-9:) hạ liệt hay thù thắng, (10-11:) xa hay gần, vị ấy định rõ tất cả sắc là vô thường: đây là một tổng tướng. Vị ấy định rõ nó là khổ: đây là một tổng tướng. Vị ấy định rõ nó là khổ: đây là một tổng tướng. Vị ấy định rõ nó là vô ngã: đây là một tổng tướng." (đ. 6) Ở điểm này, vị tỷ kheo gom tất cả sắêc được mô tả không tách riêng loại nào, bằng danh từ "bất cứ", và sau khi định giới hạn các sắc theo 11 trường hợp như trên, vị ấy định rõ "tất cả sắc là vô thường". Vô thường như thế nào?
14. Ðó là "Tất cả sắc quá khứ vị lai hay hiện tại, đều vô thường, theo nghĩa hoại diệt" vì nó đã bị hủy diệt trong quá khứ, không đi đến hữu này. Và sắc vị lai là vô thường theo nghĩa hoại diệt, vì nó được sanh trong hữu kế tiếp và cũng hủy diệt, không đi đến một hữu sau đó. Sắc hiện tại là vô thường theo nghĩa hoại diệt, vì nó bị hủy diệt ở đây và không đi vị ấy hơn, Và vị ấy quán nội sắc là vô thường theo nghĩa hoại diệt, vì nó bị hủy diệt kể như nội sắc, không đi đến tình trạng ngoại sắc. Vị ấy quán ngoại sắc... thô... tế... xa... gần... hạ liệt... thù thắng... là vô thường theo nghĩa hoại diệt" vì nó bị hủy diệt ở đấy, không đi tới trạng thái khác. Do vậy, theo cách này, có một loại tổng tướng, nhưng phân tích thành 11 kiểu.
15. Và tất cả sắc ấy là khổ theo nghĩa khủng khiếp. Khủng khiếp, vì cái gì vô thường thì đem lại nỗi sợ hãi, như nó làm chư thiên hoảng sợ trong kinh Sihopanna. Như vậy, sắc còn là khổ theo nghĩa khủng khiếp. Do đó, còn có một loại tổng tướng theo cách này, nhưng phân tích thành 11 khía cạnh.
16. Và không những tất cả sắc là khổ, mà còn là "vô ngã", theo nghĩa không có một trung tâm nào của nó được thấy là một cái ngã, người trú, người làm, người cảm thọ, chủ nhân ông, vì cái gì vô thường là khổ, không thể thoát khỏi tính vô thường, sinh diệt, bức bách, bởi thế làm sao có thể có một trạng thái của người làm, v.v... ? Do vậy mà nói: "Này các tỷ kheo, nếu sắc là ngã, thì nó đã không đem lại đau buồn." (S. iii, 66) Vậy, sắc còn là vô ngã theo nghĩa không có lõi hay trung tâm. Như vậy còn một loại tổng tướng theo cách này, phân tích thành 11 kiểu.
Phương pháp tương tự cũng áp dụng cho thọ, v.v...
17. Nhưng cái gì vô thường đương nhiên được xếp vào loại hữu vi, v.v... bởi thế, để nêu lên những tiếng đồng nghĩa với vô thường, để chứng tỏ sự tác ý vô thường được làm theo những các khác nhau, nên kinh văn lại nói: "Sắc, dù thuộc quá khứ vị lai hay hiện tại, đều vô thường, hữu vi, duyên sinh, phải hoại diệt, phải rơi rụng, phải tàn tạ, phải chấm dứt." Phương pháp tương tự cũng áp dụng cho thọ, v.v...
Tăng Cường Cách Hiểu Vô Thường v.v... Theo 40 Kiểu
18. Khi đức Thế Tôn giảng trí thuận thử (anuloma), ngài đặt câu hỏi: "Do 40 khía cạnh nào mà vị ấy đạt được sự ưa thích trí thuận thứ? Bằng 40 khía cạnh nào, vị ấy thể nhập chánh tánh quyết định?
[Chú thích: "Liking that is in conformity" là một sự ưa thích đối với trí thuận thứ (thích hợp với sự) chứng đạo. Bản thân trí ấy gọi là nhẫn (khanti) vì nó kham nhẫn (khamati), nó chịu khó phân tích, đi sâu vào sự tánh của đối tượng. "Chánh tánh quyết định - the certainty of rightness - là Thánh đạo, vì thánh đạo gọi là chánh khởi từ chánh kiến, và còn gọi là quyết định tánh, vì không thể đảo ngược.]
Ðể trả lời, ngài đã đưa ra sự hiểu vô thường, v.v... một cách phân tích như sau: "Thấy 5 uẩn là vô thường khổ, như bệnh, cục bướu, như mũi tên, mối họa, sầu, xa lạ, phân hóa, cơn dịch, tai ương, khủng bố, đe dọa, phù duyên, khả hoại, không bền, vô hộ, không chỗ trú, không chỗ nương, trống rỗng, vô vị, không, vô ngã, nguy hiểm, bị biến đổi, không có tâm điểm, (lõi), gốc rễ của tai ương, sát nhân, phải đi đến đoạn diệt, hữu lậu, hữu vi, mồi của ma, phải bị sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, ưu não, bị cấu uế. Thấy năm uẩn là vô thường, vị ấy có được sự ưa thích thuận thứ. Và khi thấy rằng sự chấm dứt năm uẩn là Niết bàn thường trú, vị ấy thể nhập chánh tánh quyết định". (Ps. ii, 238) Vậy để tăng cường sự thấu hiểu vô thường khổ ngã trong năm uẩn, thiền giả còn phải quán năm uẩn theo cách trên.
19. Vị ấy làm việc này như thế nào? Bằng cách quán vô thường, v.v... được nói chi tiết như sau vị ấy quán mỗi uẩn là vô thường vì nó không phải vô tận, nó có bắt đầu và kết thúc, là khổ vì bị bức bách bởi sanh diệt, và là căn cứ cho khổ; là bệnh vì phải được các duyên duy trì, và là gốc của bệnh tật: là ung nhọt phát sinh do sự châm chích của khổ, sôi sục với cấu uế của phiền não, sưng lên vì sanh, chín mùi vì già, vỡ tung vì tán hoại. Nó như mũi tên vì tạo ra sự bức ép, vì đâm sâu vào trong vì khó nhổ. Nó như tai họa vì dáng quy lỗi cho nó, vì nó gây thiệt hại, và vì nó là căn cứ cho tai họa. Nó là sầu não vì nó hạn chế tự do, và là nền tảng của tai ương. Nó xa lạ vì không thể nào làm chủ được nó, và vì tính cách bất trị (intractability) của nó. Nó tan rã vì sụp đổ với già, bệnh, chết. Nó như cơn dịch vì đem lại đủ thứ phá sản. Nó như ương ách vì mang lại nhiều đối thủ vô hình, và là căn cứ cho mọi ương ách. Nó là khủng bố vì là kho chứa mọi thứ kinh hoàng, và vì nó ngược lại niềm an lạc tối thượng gọi là sự tịnh chỉ mọi đau khổ. Nó đe dọa vì gắn liền với đủ thứ đối nghịch, vì nó bị đe dọa bởi đủ thứ bệnh, và vì nó không đáng được đón mời. Nó phù du vì không bảo đảm trước già, bệnh, chết, và những pháp thế gian như lợi, suy, hủy, dự, vinh, nhục, khổ, vui. Nó khả hoại vì bản chất là bị hoại diệt tự nhiên hay do bạo lực. Nó không bền vì có thể sụm bất cứ vào dịp bào, và vì thiếu vững chắc. Nó vô hộ vì không được che chở, thiếu an ninh. Nó không nơi trú ẩn vì không thể làm chỗ trú cho người cần chỗ trú; không thể nương vì không làm tiêu tan sợ hãi nơi người nào lệ thuộc vào nó; trống rỗng vì không thường, lạc, ngã tịnh như người ta tưởng, nó vô vị do tính chất rỗng ấy; hoặc do tính chất tầm thường của nó, vì thế gian gọi cái gì tầm thường là vô vị; nó là không vì không có chủ, người trú, người làm, người cảm thọ, người dẫn đạo. Nó vô ngã vì không sở hữu chủ, nó nguy hiểm vì nỗi khổ trong quá trình hữu, và nguy hiểm trong sự khổ, hoặc, nó nguy hiểm vì giống như khổ, tiến về sự khổ; nó biến đổi vì biến đổi theo hai cách, già và chết. Nó không có lõi vì yếu ớt, sớm tàn. Nó như gốc rễ mọi tai ách vì là nhân của tai ách. Nó sát nhân vì làm hỏng niềm tin, như kẻ thù giả bộ thân thiện; nó phải bị đoạn diệt vì hữu biến mất, phi hữu hiện ra. Nó hữu lậu vì là nhân gần của lậu hoặc, hữu vi vì do nhân và duyên; mồi của ma vì là mồi ngọn cho ma chết và ma phiền não; nó bị sanh, già, bệnh, chết, vì bản chất nó là như vậy; chịu sầu, bi, não vì là nhân cho sầu bi não; bị cấu uế vì là môi trường hoạt động cho các cấu uế như tham, tà kiến, tà hạnh.
20. Bây giờ, có 50 loại quán vô thường ở đây, bằng cách lấy 10 loại sau trong trường hợp mỗi uẩn: quán vô thường, tan rã, phù duyên, khả hoại, không bền, bị biến đổi, không có lõi, phải đoạn diệt, hữu vi, phải chết. Có 25 loại quán vô ngã bằng cách theo 5 pháp sau đây trong trường hợp mỗi uẩn: xa lạ, trống rỗng, vô vị, không, vô ngã. Có 125 loại quán khổ, bằng cách lấy 25 pháp còn lại nhân cho mỗi uẩn.
Như vậy, khi một người quán 5 uẩn là vô thường... theo 200 khía cạnh trên, thì sự hiểu thấu vô thường, khổ, vô ngã của vị ấy được tăng cường. Ðấy là những chỉ dẫn để quán cho phù hợp với kinh điển.
Chín Cách Làm Cho Căn Bén Nhạy
21. Trong khi chuyên chú vào tuệ quy nạp như vậy, nếu không thành công, hành giả nên mài giũa các căn (tín, v.v... ) theo chín cách là: 1. Chỉ thấy hoại diệt các hành đã sanh. 2. Bảo đảm đã làm việc ấy một cách cẩn thận. 3. Một cách kiên trì. 4. Một cách thích đáng. 5. Thấy được định tướng. 6. Làm quân bình các giác chi. 7. Không kể thân mạng. 8. Vượt qua khổ nhờ từ bỏ. 9. Nhờ không dừng lại nửa chừng. Hành giả nên tránh bảy điều không thích đáng đã nói ở phần Mô ta biến xứ Ðất (Chương IV, 55) và đào luyện bảy điều thích hợp, và nên quán sắc vào thời này, vô sắc vào thời khác.
22. Trong khi quán sắc, hành giả nên tìm hiểu sắc sanh như thế nào, nghĩa là thế nào sắc do bốn nhân: nghiệp, tâm, thời tiết, đồ ăn mà được sanh ra. Khi sắc được sanh ở một hữu tình, trước hết nó sanh do nghiệp. Vì vào lúc kiết sanh thực sự của một hài nhi trong thai, 30 loại sắc đầu tiên được sanh theo ba tương tục, đó là các thập pháp tâm-cơ (tim), thân và tánh; và ba thập pháp này sanh vào sát-na kiết sanh thức thực sự khởi lên. Và cũng như vào lúc sanh, lúc trú và diệt cũng vậy.
23. Ở đây sự diệt của sắc chậm chạp và biến đổi nặng nề, trong khi sự diệt của tâm thì nhanh chóng và biến đổi nhẹ nhàng. Do vậy Kinh nói: "Này các tỷ kheo, ta không thấy một pháp nào chuyển biến mau lẹ như tâm." (A. i, 10)
24. Vì tâm hữu phần khởi và diệt 16 lần, trong khi một sắc pháp còn tồn tại. Với tâm, thì ba thời: sanh, trú diệt, bằng nhau, trong khi với sắc thì chỉ có thời sanh và thời diệt là mau lẹ như tâm, còn thời gian trú của nó kéo dài cho đến 16 sát-na tâm (tức 16 lần sanh diệt của tâm).
25. Hữu phần thứ hai khởi lên với tâm cơ sanh trước đấy làm điểm tựa (tâm cơ này đã đạt đến trú vị, và khởi lên vào thời "sanh" của kiết sanh thức). Hữõu phần thứ ba khởi lên với sắc căn (hay tâm cơ) tiền sanh làm chỗ y cứ, sắc căn này đã đạt đến trú vị và nó sanh cùng với hữu phần tâm thứ hai. Sự sanh khởi của tâm thức xảy ra theo cách ấy suốt cả đời. Nhưng nơi một người đối diện cái chết, thì có 16 tâm sanh, chỉ nương vào một sắc căn (tâm cơ) tiền sanh duy nhất trong khi sắc này đã đạt đến trú vị.
26. Sắc sanh vào thời "sanh" của kiết sanh thức cũng diệt theo tâm sát-na thứ 16 sau kiết sanh thức. Sắc sanh vào trú thời của kiết sanh thức diệt, cùng lúc với tâm thứ 17 sanh. Sắc sanh vào thời "diệt" của kiết sanh thức cũng diệt khi tâm thứ 17 đạt đến trú thời của nó. Nó cứ tiếp diễn như vậy bao lâu dòng sinh tử còn tiếp diễn. Lại nữa, có 70 sắc pháp sanh cùng một cách ấy với bảy tương tục, khởi từ thập pháp mắt của loài hóa sanh.
27. Sự phân tích cần hiểu như sau: (1) nghiệp, (2) cái do nghiệp sanh, (3) cái có nghiệp làm duyên, (4) do tâm sanh, nhưng có nghiệp làm duyên, (5) do đồ ăn sanh, nghiệp làm duyên, (6) do thời tiết sanh, có nghiệp làm duyên. (Ch. XV, 111-115).
28. Ở đây,
(1) nghiệp là thiện và bất thiện tư tâm sở.
(2) do nghiệp sanh là các uẩn dị thục và 70 sắc kể từ mắt thập pháp.
(3) do nghiệp làm duyên giống như (2), vì nghiệp là thân y duyên cho cái nghiệp sanh.
29.
(4) do tâm sanh, có nghiệp làm duyên là sắc sanh bởi nghiệp dị thục tâm.
(5) do đồ ăn sanh, nghiệp làm duyên sở dĩ gọi thế là vì thực tố đạt đến trú thời trong các sắc do nghiệp sanh, lại sanh ra một nhóm tám khác, với thực tố thứ tám, và thực tố ở đây đã đạt đến trú thời lại sanh ra một nhóm 8 khác nữa, như vậy nó liên kết 4 hay 5 sự sanh khởi của nhóm 8 pháp.
(6) do thời sanh, nghiệp làm duyên, gọi như vậy là vì hỏa đại nghiệp sanh, khi đã đạt trú-vị, lại sanh ra một nhóm 8 với thực tố thứ tám, vốn do thời tiết sanh, và nhiệt độ trong đó lại sinh thêm một nhóm 8 khác, với thực tố thứ tám. Và như vậy nó liên kết 4 hay 5 sự sanh khởi các nhóm 8.
Ðấy là sự sanh của sắc do nghiệp sanh.
30. Về các loại do tâm sanh, sự phân tích cần hiểu như sau: (1) tâm, (2) do tâm sanh, (3) do duyên tâm, (4) do thực phẩm, có tâm làm duyên, (5) thời sanh, có tâm làm duyên.
31.
(1) Tâm là 89 loại tâm. Trong đó:
ba mươi hai tâm,
hăm sáu và mười chín
được kể là sanh ra sắc,
các uy nghi và thân biểu;
được xem là không sanh cái gì cả.
Về 32 tâm dục giới, tức 8 thiện tâm (1-8), 12 bất thiện (22-33), 10 tâm duy tác ý trừ giới (71-80), và hai duy tác và thiện tâm thuộc thắng trí, sanh ra sắc, uy nghi và thân biểu. 26 tâm tức 10 sắc giới tâm (9-13), (81-85) và tám tâm vô sắc giới (14-17), (86-89), loại trừ tâm dị thục trong cả hai trường hợp, và tám tâm siêu thế (18-21), (66-69), sanh ra sắc, uy nghi, nhưng không sanh thân biểu. 19 tâm gồm 10 hữu phần tâm ở dục giới (41-49), (56), năm tâm sắc giới (57-61), ba ý giới (39, 55, 70), và một dị thục ý thức giới vô nhân câu hữu với hỉ (40), chỉ sanh sắc, không sanh uy nghi hay biểu. Mười sáu loại, tức hai bộ năm tâm (34-38), (50-54) kiết sanh thức của tất cả chúng sanh, tử tâm của những vị đã diệt lậu hoặc, và bốn tâm dị thục thuộc vô sắc giới (62-65) không sanh sắc, uy nghi hay biểu. Và những tâm nào trong đây mà có sanh sắc, thì không sanh vào thời trú hay diệt, bởi vì tâm lúc đó yếu, nhưng nó mạnh vào thời sanh, nó chỉ sanh sắc vào lúc ấy, với tiền sanh sắc-căn làm chỗ y cứ.
32.
(2) Do tâm sanh là ba vô sắc uẩn kia, và sắc gồm 17 thứ là thanh cửu pháp, thân biểu, ngữ biểu, hư không giới, khinh khoái, nhu nhuyến, kham nhậm, tăng trưởng và tương tục.
(3) Do tâm làm duyên là sắc sanh từ 4 duyên như nói: "Các âm và tâm sở hậu sanh là duyên hậu-sanh cho cái thân tiền sanh này". (Ptn1, 5)
33.
(4) Do đồ ăn sanh, tâm làm duyên thực tố đã đạt trú vị trong các sắc do tâm sanh, sanh thêm một nhóm 8 khác nữa với thực tố thứ tám. Như vậy nối liền hai ba sự sanh của nhóm 8.
34.
(5) Do thời sanh, tâm làm duyên: thời tiết do tâm sanh đã đạt đến trú vị, lại sanh thêm một nhóm 8 nữa với thực tố thứ tám, và như vậy nối liền hai ba "sanh". Ðó là cách sanh của sắc do tâm sanh.
35. Cũng vậy, về các loại do đồ ăn sanh, cần phân tích như sau: (1) Ðoàn thực, (2) do đoàn thực sanh, (3) do duyên đoàn thực, (4) do đoàn thực sanh và do duyên đoàn thức, (5) do thời sanh, đoàn thực làm duyên.
36.
(1) Ðoàn thực là thức ăn vật chất.
(2) Do đoàn thực sanh là 14 sắc, tức nhóm 8 với thực tố thứ tám, được sanh do thực tố đã đạt trú vị nhờ duyên cái sắc hữu chấp do nghiệp sanh, y cứ vào đó; cọng thêm không giới, khinh khoái, nhu nhuyến, kham nhậm, tăng trưởng và tương tục.
[Chú thích: Nhờ duyên cái sắc hữu chấp thủ do nghiệp sanh nghĩa là thực tố phi-chấp-thủ bên ngoài không làm nhiệm vụ nuôi dưỡng sắc. Và "y cứ vào đó", nghĩa là sở dĩ nó có được một duyên và nhờ nó được nâng đỡ bởi sắc nghiệp sanh. Và "hữu chấp thủ" được đặc biệt nói để loại trừ nghi vấn "có một phương pháp nghiệp sanh", một phương pháp sanh ra loại sắc do tâm sanh có nghiệp làm duyên. Chỉ vì sắc ấy tình cờ có gốc ở nghiệp, chứ không có phương pháp nào như thế].
(3) Do đoàn thực làm duyên là sắc do 4 duyên sanh ra, như sau: "Ðoàn thực là một duyên, kể như thực duyên, cho thân này." (Ptn1, 5)
37.
(4) Do đoàn thực sanh, có đoàn thực làm duyên: thực tố đã đạt đến trú vị trong sắc do đoàn thực sanh, lại sanh thêm một nhóm 8 với thực tố thứ tám, và thực tố trong nhóm này lại sanh ra một nhóm 8 khác, liên kết các nhóm 8 sanh như vậy mười hoặc 12 lần. Thực phẩm ăn trong 1 ngày có thể duy trì sự sống bảy ngày. Nhưng thực tố của chư thiên thì có thể duy trì đến một hai tháng. Thức ăn do người mẹ ăn sanh ra sắc bằng cách thâm vào cơ thể hài nhi trong thai. Cũng vậy thức ăn bôi trên thân cũng sanh ra sắc. Ðoàn thực tố do nghiệp sanh là một tên chỉ đoàn thực hữu chấp thủ. Nó cũng sanh sắc khi đạt đến ưu vị. Và thực tố trong nó sanh ra một nhóm 8 khác. Như vậy, các nhóm 8 nối nhau sanh bốn năm lần.
38.
(5) Do thời tiết sanh, có đoàn thực làm duyên: hỏa giới do đoàn thực sanh đã đạt đến trú vị, lại sanh ra một nhóm 8 với thực tố thứ tám được sanh do thời tiết như vậy. Ở đây, đoàn thực là một duyên cho các sắc thực-sanh, đoàn thực là cái sanh ra sắc này. Ðối với những pháp còn lại, thì đoàn thực là duyên y chỉ, thực duyên, hữu duyên, và bất ly khứ duyên.
Ðấy là cách sanh của sắc do đoàn thực sanh, cần được hiểu.
39. Lại nữa, về các loại sắc do thời tiết sanh, sự phân tích như sau. (1) thời tiết, (2) do thời sanh, (3) có thời tiết làm duyên, (4) do thời sanh, có thời làm duyên, (5) do đoàn thực sanh, có thời làm duyên.
40. (1) "Thời tiết" ở đây là hỏa dai do bốn nguồn gốc sanh, nhưng có hai thứ thời tiết nóng và lạnh. (2) "do thời sanh" nghĩa là thời tiết [Chú thích: thân-nhiệt] thuộc 4 nguồn gốc sanh, mà đã đạt đến trú vị do duyên hữu chấp trú sanh ra trong sắc căn. Sắc này có 15 khía cạnh là thanh cửu pháp, hư không giới, khinh khoái, như nhuyến, kham nhậm, tăng trưởng, tương tục. (3) "Sắc có thời tiết làm duyên": thời tiết là một duyên cho sự sanh, diệt của sắc do bốn nguồn gốc sanh.
41. (4) Do thời sanh, thời làm duyên: Hỏa giới do thời sanh đã đạt trú vị, lại sanh thêm một nhóm tám với thực tố thứ tám, và thời tiết trong nhóm ấy sanh ra một nhóm 8 khác. Như vậy sắc thời sanh vừa tiếp tục sanh khởi một thời gian dài, vừa tự duy trì nó trong cái phi-chấp-thủ [Chú thích: cái phi chấp tủ là tóc lông móng răng da, những chỗ chai trên da, v.v... tách rời khỏi thịt trong một cơ thể đang sống].
42. (5) do đoàn thực sanh, có thời tiết làm duyên: thực tố thời sanh đã đạt trú vị lại sanh thêm một nhóm 8 với thực tố thứ tám, và thực tố trong nhóm này lại sanh thêm một nhóm 8 khác, nối tiếp như thế 10 hay 12 lần sinh các nhóm tám. Ở đây, thời tiết này là một duyên cho sắc do thời sanh, kể như chánh nhân. Với các sắc còn lại, thời tiết là y chỉ duyên, hữu duyên, và bất ly khứ duyên. Ðấy là cách sanh sắc do thời tiết sanh. Người thấy được sự sanh của sắc như vậy gọi là "hiểu rõ" trọn vẹn một lúc (xem đ.21)
[Chú thích: Khi đã thấy sự sanh khởi của sắc thì thấy luôn sựï tan rã của nó, nên gọi "trọn vẹn một lần", bởi tính chất ngắn ngủi của các pháp. Không phải chỉ thấy sự sanh khởi mà còn thấy cả sanh và diệt, mới gọi là hiểu rõ. Sự sanh của thọ, tưởng, hành, thức cũng vậy. -- Pm. 795]
44. Trong quá trình một hiện hữu, nhãn thức cùng các pháp tương ưng, được nâng đỡ bởi ánh sáng và do tác ý làm nhân, được sanh bởi vì con mắt còn nguyên vẹn vì đối tượng đã đi vào nhãn giới. Vì thực sự khi một sắc pháp đã đạt đến trú vị, nó mới tác động lên con mắt vào lúc có mặt của tịnh sắc mắt. Khi nó tác động như vậy, hữu phần khởi diệt hai lần, kế tiếp là duy tác ý giới với cùng một đối tượng, hoàn tất nhiệm vụ tác ý. Kế tiếp là nhãn thức hậu quả của thiện hay bất thiện nghiệp, thấy cùng một sắc pháp đó. Kế tiếp dị thục vô nhân ý thức giới suy đạt sắc pháp đó. Kế tiếp, duy tác vô nhân ý thức giới câu hữu xả, xác định sắc pháp đó. Kế tiếp, nó được sanh với tư cách một trong tám thiện tâm (1-8), hoặc 12 bất thiện tâm (22-33), hoặc duy tác (71, 73, 80) thuộc dục giới, hoặc một tâm vô nhân câu hữu xả (71), hoặc 5 hay 7 tốc hành tâm. Kế tiếp, trong trường hợp chúng sinh dục giới, nó được sanh kể như bất cứ loại nào trong 11 tâm đồng sở duyên cùng một đối tượng với những tốc hành tâm. Tương tự, với những căn môn còn lại. Nhưng trong trường hợp ý môn, các tâm đại hành cũng khởi lên. Ðây là cách vô sắc (tâm) sanh, trong trường hợp sáu môn. Một người thấy được sự sanh của vô sắc như thế, gọi là "quán vô sắc vào một thời khác" (đoạn 21).
45. Trên đây là cách làm thế nào một thiền giả hoàn tất việc tu tuệ, tuần tự, bằng cách quán sắc trước, quán vô sắc sau, gán cho chúng ba đặc tính.
Một người khác quán các hành bằng cách gán ba đặc tính cho chúng qua trung gian. Sắc bảy pháp và tâm bảy pháp.
46. Hành giả gán ba đặc tính theo bảy cách sau, gọi là quán bằng trung gian. Sắc bảy pháp, đó là: (1) lấy lên đặt xuống, (2) sự biến mất của những gì già lần qua từng giai đoạn, (3) do đoàn thực sanh, (4) do thời sanh, (5) do nghiệp sanh, (6) do tâm sanh, và (7) tự nhiên sắc.
47. (1) Lấy lên là kiết sanh, đặt xuống là chết. Như vậy, hành giả ấn định 100 năm cho sự lấy lên đặt xuống này, và gán ba đặc tính cho các hành. Như thế nào? Tất cả hành ở khoảng giữa hai giới hạn này là vô thường, vì sanh diệt, biến dịch, tạm bợ, không trường cửu. Nhưng vì các hành được sanh ra đạt đến trú vị, và khi trú, chúng bị ảnh hưởng bởi già, chúng nhất định tan rã, bởi thế, chúng là khổ vì tương tục bị bức bách, khó chịu, vì là căn để của khổ, vì loại trừ lạc. Và vì không ai làm gi được đối với các hành đã sanh, chẳng hạn, khiến chúng đừng đi đến trú, hay khiến các hành đã trú đừng già, hay khiến các hành đã già đừng chết. Tuyệt đối không một quyền năng nào có thể thi hành đối với chúng, bởi vậy chúng là vô ngã do sự trống rỗng, không sở hữu chủ, không thể chịu sự chi phối của một quyền năng, và loại trừ một tự ngã.
48. (2a) Sau khi đã gán ba đặc tính cho sắc hạn định một trăm năm cho sự lấy lên đãi xuống như vậy, kế tiếp, hành giả gán ba đặc tính theo sự biến mất của những gì già lần từng giai đoạn, chỉ cho sự biến mất của sắc già lần trong mỗi giai đoạn của đời sống. Vị ấy gán ba đặc tính bằng phương tiện ấy như sau.
49. Vị ấy chia 100 năm làm ba giai đoạn, đầu, giữa và cuối: 33 năm đầu, 34 năm giữa và 33 năm cuối. Chia thành ba giai đoạn xong, vị ấy gán ba đặc tính như sau: "Sắc sanh trong giai đoạn đầu chấm dứt tại đấy, không đi đến giai đoạn giữa, bởi thế nó là vô thường, cái gì vô thường là khổ, cái gì là khổ không phải ngã. Cũng vậy, sắc sanh ở giai đoạn giữa chấm dứt tại đất không đi đến đoạn cuối, bởi thế nó cũng vô thường, khổ, vô ngã. Cũng thế, không có sắc nào sinh trong 33 năm của giai đoạn cuối để có thể kéo dài ra khỏi cái chết, bởi thế sắc ấy cũng vô thường, khổ, vô ngã. Ðấy là cách gán ba đặc tính.
50. (2b) Sau khi gán ba đặc tính tùy theo "sự biến mất của những gì già lẫn từng giai đoạn" 33 năm, vị ấy lại gán ba đặc tính bằng phương tiệân mười thập niên như sau: thập niêm thơ ấu, thập niên thể thao, thập niên thẩm mỹ, thập niên sức mạnh, thập niên trí tuệ, thập niên suy tàn, thập niên cúi xuống, thập niên còng lưng, thập niên lẩm cẩm và thập niên nằm dài.
51. Trước tiên, mười năm đầu của một người thọ mạng 100 năm, gọi là thập niên thơ ấu, vì lúc ấy nó là một đứa trẻ chưa vững vàng. Mười năm kế tiếp gọi là thập niên thể thao, vì tuổi ấy vốn thích thể thao. Mười năm kế là thập niên thẩm mỹ vì dùng sắc con người trong giai đoạn này đạt đến tột đỉnh của nó. Mười năm kế gọi là thập niên sức mạnh, vì giai đoạn này sức mạnh và quyền năng đạt đến tối đa. Mười năm kế tiếp là thập niên trí tuệ vì giai đoạn ấy sự hiểu biết đã chín chắn. Ngay cả những người yếu kém về trí tuệ, vào tuổi này (từ 40-50 tuổi) dường như khôn ra chút đỉnh. Mười năm kế tiếp là thập niên suy tàn, vì sự ưa thích thể thao, sắc đẹp, sức khỏe và trí tuệ bắt đầu suy. Mười năm kế tiếp là thập niên cúi xuống vì con người vào tuổi này ưa cúi về trước. Mười năm kế tiếp là thập niên còng lưng, vì dáng người tuổi này cong như một cái cày. Mười năm kế tiếp là thập niên lẩm cẩm hay nói lảm nhảm và lẩn. Mười năm cuối là thập niên năm dài và người đến 100 tuổi thì dùng phần lớn thì giờ để nằm dài.
52. Ðể gán ba đặc tính theo "sự biến mất những gì già lần qua từng giai đoạn" bằng phương tiện thập niên, hành giả nên quán như sau: "Sắc sanh trong thập niên đầu chấm dứt tại đấy không đi đến thập niên sau, bởi thế nó là vô thường, khổ, vô ngã. Sắc sanh trong thập niên thứ hai... sắc sanh trong thập niên thứ chín chấm dứt tại đấy không đi đến thập niên thứ mười; sắc sanh trong thập niên thứ mười chấm dứt tại đấy không đi đến hữu kế tiếp: bởi thế nó là vô thưòng, khổ, không phải ngã". Ðấy là cách vị ấy gán ba đặc tính.
53. (2c) Sau khi gán ba đặc tính theo "sự biến mất của những gì già lẫn qua từng giai đoạn" bằng phương tiện thập niên như vậy, hành giả lại gán ba đặc tính theo "sự biến mất của những gì già lẫn qua từng giai đoạn" bằng cách chia 100 năm ra thành hai mươi phần năm năm một như sau.
54. Vị ấy quán: "Sắc sanh trong năm năm đầu chấm dứt tại đấy không đi đến năm năm kế tiếp: bởi thế nó là vô thường, khổ, không phải ngã. Sắc sanh trong năm năm thứ hai... thứ ba... thứ mười chín chấm dứt tại đấy không đi đến năm năm thứ hai mươi, và không có sắc nào sanh trong năm năm thứ hai mươi có thể kéo dài ra ngoài cái chết; bởi thế nó là vô thường, khổ, không phải ngã".
55. (2d) Sau khi gán ba đặc tính theo từng giai đoạn 5 năm như trên, vị ấy lại gán ba đặc tính theo từng giai đoạn bốn năm; (2e) ba năm; (2f) hai năm; (2g) một năm, (2h) Kế tiếp, vị ấy gán ba đặc tính theo "sự biến mất của những gì già lẫn qua từng giai đoạn" bằng phương tiện ba mùa, chín một năm làm ba phần, như sau.
56. Sắc sanh trong bốn tháng mùa mưa chấm dứt tại dấy không đi đến mùa đông, sắc sanh trong bốn tháng Ðông chấm dứt tại đấy không đi đến mùa Hạ. Sắc sanh trong bốn tháng Hạ chấm dứt tại đấy không đi đến mùa Mưa: bởi thế nó là vô thường, khổ, không phải ngã".
57. (2i) Vị ấy lại chia một năm thành sáu phần và gán ba đặc tính... như sau: "Sắc sanh trong hai tháng mưa chấm dứt tại đấy không đi đến mùa Thu, sắc sanh trong mùa Thu... mùa Ðông... mùa Mát... mùa Hạ chấm dứt tại đấy không đi đến mùa Mưa: bởi thế nó là vô thường, khổ, không phải ngã".
58. (2j) Kế tiếp, vị ấy gán ba đặc tính bằng phương tiện mỗi nửa tháng tối và nửa tháng sáng (trăng) như sau: "Sắc sanh trong nửa tháng tối trăng chấm dứt tại đấy không đi đến nửa tháng sáng; sắc sanh trong nửa tháng sáng chấm dứt tại đấy không đi đến nửa tháng tối: bởi thế nó là vô thường, khổ, không phải ngã".
59. (2k) Kế tiếp, vị ấy gán ba đặc tính một ngày, một đêm như sau: "Sắc sanh trong đêm chấm dứt tại đấy, không đi đến ngày; sắc sanh trong ngày chấm dứt tại đấy không đi đến đêm: bởi thế nó là vô thường, khổ, không phải ngã".
60. (2l) Kế tiếp, vị ấy gán ba đặc tính bằng cách chia ngày làm sáu thời như sau: "Sắc sanh buổi sáng chấm dứt tại đấy không đi đến buổi trưa; sắc sanh buổi trưa chấm dứt tại đấy không đi đến buổi chiều; sắc sanh buổi chiều chấm dứt tại đấy không đi đến canh giữa; sắc sanh canh giữa chấm dứt tại đấy không đi đến canh cuối; sắc sanh canh cuối chấm dứt tại đấy không đi đến sáng hôm sau: bởi thế nó là vô thườn0g, khổ, không phải ngã".
61. (2m) Sau khi gán ba đặc tính theo kiểu ấy, hành giả lại quán ba đặc tính ấy nơi sắc qua các cư động tới lui, nhìn lại, quay đi, co duỗi... như sau: "Sắc sanh trong động tác tới chấm dứt tại đấy không đi đến động tác lui, sắc sanh ở động tác lui chấm dứt tại đấy không đi đến động tác tới; sắc sanh ở đồng tác nhìn lại chấm dứt tại đấy không đi đến động tác quay đi... sắc sanh ở động tác co dừng lại ở đấy không đi đến động tác duỗi: bởi thế nó là vô thường, khổ, không phải ngã".
62. (2n) Kế tiếp, vị ấy chia bước đi thành sáu phần là nhấc lên, đưa tới, đưa sang bên, hạ thấp, đặt xuống, mắc vào.
63. Nhấc lên là dở chân khỏi mặt đất, đưa tới là đưa chân tới trước, đưa sang bên là di chuyển bàn chân qua một bên để tránh gai gốc v.v... ha thấp là đưa bàn chân xuống, đặt xuống là đặt bàn chân trên mặt đất; mắc vào là ấn trọn bàn chân xuống đất, trong khi bàn chân kia đang trên không.
64. Ở đây, trong động tác "nhấc lên", hai giới địa và thủy là phụ, chậm chạp còn hai giới kia chính và mạnh. Cũng vậy trong động tác đưa tới và đưa sang bên. Trong động tác "hạ thấp", hỏa, phong giới là phụ, chậm còn hai giới kia chính và nhanh, động tác "đặt xu?ng" và "mắc vào" cũng thế. Vị ấy gán ba đặc tính cho sắc theo "sự biến mất của những gì già lẫn qua từng giai đoạn" bằng sáu phần của bước chân như sau.
65. Vị ấy quán: "Các giới (đại) và sở tạo sắc sanh trong động tác "nhấc chân", đều chấm dứt tại đấy không đi đến động tác "đưa tới, bởi thế chúng là vô thường, khổ, không phải ngã. Cũng thế, sắc sanh trong động tác "đưa qua", "hạ thấp", đặt xuống", ... . chấm dứt tại đấy không đi đến động tác "mắc vào". Như thế các hành tiếp tục tan rã, như những hột mè nổ khi đặt trong chảo nóng, sanh đâu là diệt ngay tại đó, từng giai đoạn, từng thời kỳ, mỗi thời không đi đến thời kế tiếp, bởi thế chúng là vô thường, khổ, không phải ngã".
66. Khi hành giả quán hành từng giai đoạn như thế, với tuệ giác, thì sự quán về sắc của vị ấy trở nên vi tế, như ví dụ sau đây.
Một người ở biên địa đã quen với đuốc, củi, cỏ nhưng chưa từng thấy đèn, một hôm đến đô thị trông thấy một cây đèn đốt ở chợ, anh ta hỏi một người khác: "Cái vật xinh đẹp kia là cái gì?" Người kia bảo: "Có gì là đẹp? Nó là một cây đèn, khi dầu và bấc đã hết thì đèn ấy đi về đâu, chẳng ai biết được. "Một người khác bảo người ấy: "Nói vậy chưa được, vì ngọn đèn trong mỗi phàn ba của tim bấc khi nó dừng đốt cháy bấc, đã chấm dứt tại đấy không đi qua phần kia." Người khác bảo anh này: "Nói vậy cũng chưa được, vì ngọn đèn trong mỗi tấc bấc, nửa tấc, mỗi sợi chỉ, mỗi sơ tơ quấn chỉ, sẽ chấm dứt, không đi đến sợi khác, nhưng ngọn đèn không thể xuất hiện nếu không có sợi tơ ấy".
67. Ở đây khi một thiền giả gán tính vô thường khổ vô ngã cho sắc giới hạn 100 năm, ví như người nói về ngọn đèn "nó đi về đâu khi dầu, bấc hết, chả ai biết được". Người gán ba đặc tính theo "sự biến mất của những gì già lần từng giai đoạn" giới hạn bằng một phần ba của trăm năm, là như người nói: "Ngọn đèn trong mỗi phân bà cây đèn chấm dứt không đến phần khác." Người gán ba đặc tính cho sắc giới hạn thành từng thập niên, năm năm, bốn, ba, hai năm, là ví như người nói: "Ngọn đèn nơi mỗi tấc bấc chấm dứt không đi đến tấc khác." Người gán ba đặc tính cho sắc được giới hạn thành từng mùa bốn tháng, hai tháng, là như người nói: "Ngọn đèn trong nửa tấc bấc không đi đến nửa tấc khác." Thiền giả gán ba đặc tính theo từng nửa tháng, ngày, đêm, buổi sáng... từng phần sáu của ngày đêm, ví như người nói: "Ngọn đèn trong mỗi sợi chỉ chấm dứt không đi đến sợi khác". Thiền giả gán ba đặc tính cho sắc được giới hạn thành từng động tác chân bước như nhấc lên đưa tới... là như người nói: "Ngọn đèn trong mỗi sợi tơ làm thành chỉ bấc chấm dứt, không đi đến sợi khác".
68. (3-6) Sau khi gán ba đặc tính cho sắc bằng nhiều cách khác nhau theo "sự biến mất của những gì già lần từng giai đoạn" như vậy, hành giả phân tích sắc ấy, chia nó ra bốn phần là: "do đoàn thực sanh", v.v... và lại gán ba đặc tính cho mỗi phần.
Sắc do đoàn thực sanh trở nên rõ rệt với hành giả qua cơn đói và no, vì sắc sanh khi người đang đói thì khô khan vô vị, xấu xí dị hình như một khúc cây khô, sắc sanh khi đã hết đói thì phúng phính, tươi mát, mềm mại, láng lẩy, mịn màng. Khi phân biệt như vậy, hành giả gán ba đặc tính cho sắc như sau: "Sắc sanh khi đói chấm dứt tại đấy, không đi đến lúc hết đói. Sắc sanh lúc hết đói chấm dứt tại đấy, không đi đến lúc đói lại. Bởi thế nó là vô thường, khổ, không phải ngã."
69. Sắc do thời sanh trở nên rõ rệt qua nóng lạnh, vì sắc sanh khi nóng khi thì khô cháy,, vô vị, dị hình. Sắc sanh do thời tiết mát lạnh thì phúng phính, tươi mát, mềm mại láng lẩy mịn màng... Phân biệt như vậy, hành giả gán ba đặc tính cho sắc như sau: "Sắc sanh khi nóng chấm dứt tại đấy không đi đến lúc mát, sắc sanh lúc mát chấm dứt tại đấy không đi đến lúc nóng do vậy nó là vô thường, khổ, không phải ngã.
70. Sắc do nghiệp sanh trở nên rõ rệt qua các căn món nghĩa là các căn bản của tâm. Vì trong trường hợp mắt, có 30 sắc với ba thập pháp mắt, thân, và tánh, nhưng với 24 sắc do thời sanh, tâm sanh, thực sanh nâng đỡ chúng thành 54. Tương tự với tai, mũi, lưỡi. Và thân thì có 44 pháp, với các thập pháp thân, tánh và các pháp do thời sanh v.v... Vế ý môn cũng có 54 với các thập pháp tâm cơ, thân, tánh và các pháp do thời sanh, v.v... Phân biệt tất cả sắc ấy, hành giả gán ba đặc tính cho nó như sau: "Sắc sanh trong nhãn căn chấm dứt tại đấy không đi đến mũi, sắc sanh trong nhỉ..., tỉ..., thiệt..., thân chấm dứt tại đấy không đi đến ý môn, do vậy nó là vô thường, khổ, vô ngã".
71. Sắc do tâm sanh trở nên rõ rệt qua hành tướng một người đang vui hay buồn, vì sắc sanh vào lúc nó vui thì láng lẩy, mềm mại, tươi mát, mịn màng. Sắc sanh vào lúc nó buồn bực thì khô cháy vô vị xấu xí. Khi phân biệt như vậy hành giả gán ba đặc tính cho sắc như sau: "Sắc sanh vào lúc vui chấm dứt tại đấy không đi đến lúc buồn... và ngược lại. Bởi vậy, nó là vô thường, khổ, không phải ngã."
72. Khi hành giả phân biệt sắc do tâm sanh và gán ba đặc tính cho nó như vậy, ý nghĩa này trở nên rõ rệt;
Mạng sống con người, lạc, khổ: chỉ những thứ này
nối kết trong một sát-na tâm vút qua,
các vị trời, dù sống tám vạn bốn ngàn năm,
cũng không còn là một
trong hai sát-na kế tiếp,
Các uẩn đã diệt của người đã chết hay còn sống
đều giống nhau
một đi không trở lại,
Các uẩn hiện tại đang tan rã, và sẽ tan rã ở vị lai
không khác gì các uẩn đã diệt từ trước.
Không có thể giới sanh nếu tâm không sanh,
Khi tâm có mặt, thì thế giới hiện hữu,
Khi tâm diệt, thế giới hết hiện hữu.
Khái niệm này sẽ đưa đến ý nghĩa tối thượng,
Không có kho chứa các pháp đã tan rã
Cũng không có sự tồn trữ các pháp trong tương lai,
Các pháp sanh như đầu kim hạt cải
(hột cải đề trên đầu cây kim sẽ rớt xuống ngay)
Sự tan rã của các pháp là dĩ định từ lúc chúng mới sanh,
Các pháp hiện hữu suy tàn không lẫn với các pháp quá khứ,
Chúng không từ đâu đến, rồi tan rã
không biết về đầu
thoạt đến thoạt đi, như làm chớp.
(Nd.1, 42)
73. Sau khi gán ba đặc tính cho sắc do đoàn thực sanh v.v... hành giả lại gán ba đặc tính cho sắc trong thiên nhiên. "Tự nhiên sắc" là danh từ chỉ sắc ngoại giới, không gắn liền với các căn, và khởi lên cùng với thành kiếp, chẳng hạn kiếp sắc, đồng, thiếc, chì, vàng, bạc, ngọc trai, ngọc bích, xa cừ, thủy tinh, san hô, hổ phách, đất đá có cây, v.v... Ðiều này trở nên rõ rệt qua một mầm cây Asoka.
74. Cái mầm ấy mới đầu màu hồng nhạt, hai ba ngày sau trở màu đỏ sậm, ba ngày nữa màu đỏ nhạt, rồi màu nâu, màu đọt xoài, màu đọt xoài đã lớn, màu lá nhạt, rồi mày lá đậm. Sau đó nó có màu lá úa và cuối năm thì rời khỏi cành.
75. Phân biệt như vậy, hành giả gán ba đặc tính cho sắc ấy như sau: "Sắc sanh khi mầm cây còn màu hồng nhạt chấm dứt không đi đến thời kỳ đỏ đậm, sắc sanh khi nó đỏ đậm... đỏ nhạt... màu của đọt xoài non... của đọt cây lớn... màu xanh lá nhạt... sắc sanh khi màu lá nhạt... . xanh đậm... lá úa, sắc sanh lúc nó là lá úa chấm dứt tại đấy không đi đến lúc lá tách khỏi cành. Bởi thế, nó là vô thường, khổ vô ngã". Vị ấy quán sát tất cả sắc tự nhiên theo cách ấy. Ðấy là cách quán các hành bằng sự gán ba đặc tính cho chúng nhờ phương pháp bảy phép quán sắc.
76. Ðó là: (1) theo nhóm, (2) theo đôi, (3) theo sát-na, (4) theo loạt, (5) bằng cách trừ tà kiến, (6) trừ kiêu mạn, (7) chấm dứt ràng buộc.
77. (1) Theo nhóm là các pháp thuộc năm thứ xúc, thọ, tưởng, tư. Như thế nào? Ở đây, một tỷ kheo quán như sau; "Các pháp thuộc về 5 thứ xúc, v.v... khởi lên trong khi quán tóc là vô thường, khổ, vô ngã, trong khi quán lông... trong khi quán não là vô thường, khổ, vô ngã, tất cả những món này đều tan rã từng giai đoạn, thời kỳ, như hột mè nổ lách tách trên chảo nóng, hột này không đi đến hột kia. Bởi thế chúng là vô thường, khổ, vo ângã". Ðây trước hết là phương pháp nói trong bài giảng về thanh tịnh [Chú thích: tên của một bản Sở giải cũ ở Tích lan, không còn].
78. Nhưng theo Bài giảng về các Thánh tài thì: "Quán theo nhóm" là khi, bằng một tâm kế tiếp, hành giả quán "vô thường, khổ, vô ngã" cái tâm sanh trong khi quán sắc là vô thường, khổ vô ngã trong bảy lối thuộc sắc pháp nói trên. Vì phương pháp này thích hợp, nên chúng ta sẽ giới hạn vào đấy trong khi giải thích những gì còn lại.
79. (2) Theo đôi: Sau khi vị tỷ kheo đã quán vô thường khổ vô ngã, cái sắc của sự "nhấc lên đặt xuống" (đ.46). Vị ấy lại quán rằng cái tâm mà vị ấy dùng để quán sắc ấy cũng vô thường khổ vô ngã, bằng phương tiện một tâm kế tiếp. Sau khi hành giả đã quán vô thường khổ vô ngã, cái sắc thuộc "sự biến mất của những gì già lần qua từng giai đoạn", và sắc "do đoàn thực sanh", "thời sanh", "nghiệp sanh", "tâm sanh", và sắc "tự nhiên sanh", vị ấy quán cái tâm năng quán ấy cũng vô thường khổ vô ngã" bằng một tâm kế tiếp. Theo cách ấy, gọi là quán theo đôi.
80. (3) Theo sát-na: Sau khi vị ấy đã quán vô thường khổ vô ngã, cái sắc của sự lấy lên đặt xuống, vị ấy quán cái tâm đầu tiên đã quán sắc ấy cũng vô thường khổ vô ngã, bằng một tâm thứ hai, và quán tâm thứ hai này bằng một tâm thứ ba, quán tâm thứ ba bằng một tâm thứ tư, quán tâm thứ tư bằng một tâm thứ năm, và tâm thứ năm này vị ấy cũng quán nó là vô thường khổ vô ngã. Sau khi vị ấy đã quán vô thường khổ vô ngã, cái sắc thuộc "sự biến mất của những gì già lần từng giai đoạn", sắc "do đoàn thực sanh", thời sanh, nghiệp sanh, tâm sanh, và tự nhiên sanh, vị ấy lại quán cái tâm năng quán là vô thường khổ vô ngã bằng một tâm thứ hai, quán tâm thứ hai bằng một tâm thứ ba, quán tâm thứ ba bằng một tâm thứ tư, quán tâm thứ tư bằng một tâm thứ năm. Tâm thứ năm vị ấy cũng quán nó là vô thường khổ vô ngã. Như vậy, quán bốn tâm từ mỗi lối phân biệt sắc cách đó, gọi là quán theo sát-na.
81. (4) Theo loạt: Sau khi hành giả đã quán vô thường, khổ, vô ngã cái sắc của sự lấy lên đặt xuống, vị ấy quán cái tâm đầu tiên cũng vô thường khổ vô ngã, bằng một tâm thứ hai, quán tâm thứ hai này bằng một tâm thứ ba, quán tâm thứ ba bằng một tâm thứ tư, ... quán tâm thứ mười bằng tâm thứ 11, và tâm này vị ấy cũng quán là vô thường, khổ, vô ngã. Sau khi vị ấy đã quán là vô thường khổ vô ngã, cái sắc của "sự biến mất của những gì già lần từng giai đoạn", và sắc do thực sanh, thời sanh, nghiệp sanh, tâm sanh, và tự nhiên sanh, vị ấy quán cái tâm đầu tiên là vô thường khổ vô ngã bằng tâm thứ hai, quán tâm thứ hai bằng tâm thứ ba, ... tâm thứ mười bằng tâm thứ 11, và tâm thứ 11 này cũng vô thường khổ vô ngã, có thể quán tiếp tục như vậy đến suốt cả ngày. Nhưng cả đề mục sắc và vô sắc trở thành quen thuộc khi quán đến tâm thứ mười, do đó Luận về Thánh tài cho rằng có thể dừng lại ở tâm thứ 10. Quán như vậy gọi là quán theo loạt.
82. (5) Bằng cách trừ tà kiến, (6) kiêu mạn, (7) chấp thủ: Không có phương pháp đặc biệt cho các thứ này, nhưng khi hành giả đã phân biệt sắc và vô sắc (tâm) như trên thì thấy không có một hữu tình nào ở trong hay trên sắc và vô sắc. Khi vị ấy không thấy có một hữu tình (hay ngã, chúng sinh),nào thì ngã tưởng được từ bỏ, khi ấy tà kiến không khởi nơi vị ấy, gọi là trừ tà kiến. Khi vị ấy phân biệt các hành với cái tâm đã trừ ngã tưởng, thì kiêu mạn không khởi lên nơi vị ấy, và gọi là đã từ bỏ kiêu mạn. Khi vị ấy phân biệt các hành với cái tâm đã trừ kiêu mạn, thì tham ái không khởi nơi vị ấy, khi tham không khởi thì chấp thủ được gọi là đã chấm dứt. Ðấy là những gì được nói trong Luận về thanh tịnh (bản Sớ giải Tích Lan đã thất truyền).
83. Nhưng trong Luận về thánh tài, sau khi đề ra các mục "trừ tà kiến, kiêu mạn, chấp thủ", phương pháp sau đây đã được nói: "không có sự từ bỏ tà kiến nơi một người thấy rằng tôi đã thấy với tuệ quán của tôi, mà có sự từ bò tà kiến nơi một người thấy rằng chỉ có các hành thấy các hành với tuệ quán, phân biệt định nghĩa và định ranh giới chúng. Không có sự từ bỏ kiêu mạn nơi một người thấy như sau: Tôi đã thấy suốt với tuệ quán, tôi thấy rõ với tuệ quán; nhưng có sự từ bỏ kiêu mạn nơi một người thấy như sau: Chỉ có các hành thấy các hành với tuệ quán, phân biệt, định nghĩa và định ranh giới chúng. Không có sự chấm dứt ràng buộc (trừ chấp thủ) nơi một người mừng rỡ vì tuệ như sau: tôi có khả năng thấy với tuệ quán; nhưng có sự chấm dứt ràng buộc nơi người thấy rằng chỉ có các hành thấy các hành với tuẹä, quán sát, định nghĩa, phân biệt, và định giới hạn chúng.
84. "Có sự dứt bỏ tà kiến nơi một người thấy như sau: "Nếu các hành thực là ngã, thì xem chúng là ngã cũng được đi, nhưng trong khi chúng là phi ngã lại bị cho là ngã, bởi thế chúng không phải ngã theo nghĩa là không thể thi thố một quyền năng nào trên chúng, chúng vô thường nghĩa là có rồi không, chúng là khổ có nghĩa là chịu sự áp bức của sanh và diệt".
85. Có sự từ bỏ kiêu mạn nơi một người thấy như sau: "Nếu các hành là thường, thì cho rằng chúng thường cũng đúng, nhưng trong khi chúng vô thường, lại bị cho là thường. Bởi thế chúng là vô thường theo nghĩa có rồi không, là khổ theo nghĩa bị bức bách bởi sinh diệt, chúng vô ngã theo nghĩa không một quyền năng nào khả thi ở trên chúng".
86. Có sự chấm dứt ràng buộc (chấp thủ) nơi người thấy như sau: "Nếu hành là lạc thì xem chúng là lạc cũng đúng, song chúng bị cho là lạc trong khi thực sự là khổ. Bởi thế chúng là khổ theo nghĩa bị bức bách bởi sanh diệt, là vô thường, theo nghĩa có rồi không, là vô ngã theo nghĩa không một năng lực nào khả thi đối với chúng".
87. Như vậy có sự từ bỏ tà kiến nơi người thấy các hành là vô ngã, có sự từ bỏ kiêu mạn nơi người thấy chúng vô thường, có sự chấm dứt ràng buộc nơi người thấy chúng là khổ. Và tuệ giác này có giá trị trong mỗi trường hợp."
88. Ðây là cách quán các hành bằng lối gán ba đặc tính cho chúng theo bảy vô sắc.
Ở giai đoạn này, cả hai đề mục thiền sắc và vô sắc đã trở nên quen thuộc với hành giả.
89. Sau khi đã quen thuộc với các đề mục thiền vô sắc, và như vậy, đã thâm nhập một phần trong 18 tuệ quán - tức 18 loại trí sẽ được viên mãn về sau nhờ liễu tri kể như từ bỏ, khởi từ quán tan rã - kế tiếp, hành giả từ bỏ các pháp chướng ngại (cho những gì mình đã thâm nhập).
90. "Mười tám tuệ quán chính" là danh từ chỉ trí tuệ gồm các loại quán khởi từ quán vô thường. Về những loại này, (1) người tu tập quán vô thường từ bỏ thường tưởng, (2) người tu quán khổ từ bỏ lạc tưởng, (3) người tu quán vô ngã từ bỏ ngã tưởng, (4) người tu quán xả ly từ bỏ sự thích thú (5) quán ly tham trừ tham, (6) quán diệt từ bỏ sanh (7) quán xã từ bỏ chấp thủ, (8) quán hoại [Chú thích: là thấy sự tan rã các hành trong từng sát-na] từ bỏ tưởng về sự kiến cố, (9) quán sự sụp đổ của các hành từ bỏ tích lũy nghiệp, (10) quán biến đổi từ bỏ sự lâu bền, (11) quán vô tướng từ bỏ tướng, (12) Quán ly dục từ bỏ tướng, (13) quán Không từ bỏ tà giải (cố chấp); (14) người tu tập tuệ đi sâu vào các pháp thuộc tăng thượng tuệ, thì từ bỏ tà giải do chấp thủ một trung tâm (lõi), (15) người tu tập Chánh tri kiến từ bỏ tà giải (cố chấp) do mê muội, (16) người tu tập Quán nguy hiểm từ bỏ tà giải do tương tựa (Chú thích: vào các hành N.D.), (17) người tu tập Quán tư duy từ bỏ sự không tư duy, (18) người tu tập quán yểm ly ("quay đi' - turning away) từ bỏ tà giải do trói buộc. (Xem Ps. i, 32)
91. Bấy giờ vi hành giả đã thấy các hành qua ba đặc tính, nên vị ấy thâm nhập được các tuệ quán vô thường, khổ, vo ângã trong 18 tuệ quán này. Trong đây, quán vô thường (1) và quán vô tướng (11) là đồng nghĩa, chỉ có khác danh từ. Cũng vậy, quán khổ và quán ly dục, quán vô ngã và quán Không là đồng nghĩa. Do vậy, hành giả cũng thâm nhập luôn các pháp này. Nhưng tuệ về các pháp thuộc tăng thượng tuệ (số 14) là tất cả loại tuệ giác; và chánh tri kiến (15) là đoạn nghi thanh tịnh (Ch.XIX). Do vậy, hai pháp này cũng đã được vị ấy thâm nhập. Về các loại tuệ còn lại, thì có thứ đã thâm nhập, có thứ chưa, sẽ đề cập dưới đây (Ch. XXII, đ. 113).
92. Vì chính để chỉ những gì đã được thâm nhập mà trên kia (đ. 89) nói: "Sau khi đã quen thuộc với các đề mục thiền sắc, vô sắc và đã thâm nhập ở đây một phần của 18 tuệ quán chính, những trí về sau sẽ được đạt đến một cách toàn diện ở mọi khía cạnh nhờ sự liễu tri kể như từ bỏ khởi từ quán tan rã, hành giả từ bỏ được các pháp chướng ngại cho những gì đã được thâm nhập." (đ. 89)
93. Sau khi thanh lọc trí mình như vậy, bằng cách quán vô thường từ bỏ tưởng thường, v.v... hành giả đi đến trí tổng tướng, và khởi sự đạt đến sanh diệt trí được nói đến như sau: "Tuệ quán sự biến dịch của các pháp hiện tại" gọi là sanh diệt trí, (Ps. i, 1) và tuệ này tiếp theo trí tổng tướng.
94. Khi làm như vậy, vị ấy trước tiên quán vắn tắt. Thế nào tuệ quán biến dịch của các pháp hiện tại gọi là sanh diệt trí? Sắc hiện tại là sắc đã được sanh ra. Ðặc tính của sự sanh nó là sanh, đặc tính của sự biến đổi nó là diệt; quán là trí. Thọ hiện tại, tưởng, hành... thức... mắt... v.v... . hữu hiện tại là được sanh ra đặc tính sự sanh khởi của nó là sanh, đặc tính của sự biến đổi nó là diệt, quán là trí (Ps. i, 54).
[Chú thích: Sự giải thích về sanh và diệt phải được làm đối với một pháp hiện tại, theo tương tục hay theo sát-na, nhưng không được làm đối với một pháp quá khứ hay vị lai, đó là lý do nói của các pháp hiện tại. Sắc hiện tại được gọi là sắc được sanh, nó gồm trong ba sát-na sanh, trú và diệt, đó là điều muốn nói. Nhưng mới đầu thì khó phân biệt như vậy, nên sự giải bằng tuệ quán cần được thực hiện nhờ cái hiện tại theo tương tục. -- Pm. 808].
95. Theo phương pháp trong luận này, hành giả thấy đặc tính sanh, xuất sanh, khởi lên, đổi mới của sắc được sanh ra là sanh, và đặc tính biến đổi hủy hoại tan rã của nó là diệt.
96. Vị ấy hiểu như sau: không có tích lũy của danh-sắc chưa sanh (hiện hữu) trước khi nó sanh. Khi nó sanh, nó không đến từ một đống hay một kho chứa nào, và khi diệt, nó không đi về hướng nào cả. Không nơi nào có một chỗ chứa, một cái kho, một nơi tàng trữ cho những gì đã diệt. Không có một kho chứa nào cho âm thanh trước khi cây đàn được đánh lên âm thanh không đến từ một kho chứa nào khi nó trổi lên, cũng không đi về hướng nào khi nó dứt, nhưng trái lại, từ không nó trở thành có, nhờ cây đàn và nỗ lực thích nghi của người đánh đàn, và sau khi có nó trở thành không. Cũng vậy là tất cả sắc pháp và vô sắc pháp, từ không mà được sanh ra, sau khi hiện hữu, chúng tan biến.
97. Sau khi tác ý sanh diệt một cách vắn tắt như vậy, hành giả lại tác ý chi tiết theo duyên và sát-na, bằng cách thấy các đặc tính như được nói trong trình bày về trí sanh diệt ấy như sau: (1) Vị ấy thấy sự sanh của sắc uẩn theo nghĩa duyên sinh như sau: Cùng với sự sanh của vô minh có sự sanh của sắc. (2) Với sự sanh của ái. (3) Với sự sanh của nghiệp. (4) Vị ấy thấy sự sanh của sắc uẩn theo nghĩa duyên sinh như sau: "Với sự sanh của đoàn thực có sự sanh của sắc. (5) Một người thấy đặc tính của sanh, thấy sự sanh của sắc uẩn. Một người thấy sự sanh của sắc uẩn theo nghĩa duyên.
(1) Vị ấy thấy sự diệt của sắc uẩn theo nghĩa duyên diệt như sau: "Với sự chấm dứt của vô minh, có sự chấm dứt của sắc, (2) ... với sự chấm dứt của ái... (3) với sự chấm dứt của nghiệp... (4) vị ấy thấy sự diệt của sắc uẩn theo nghĩa duyên diệt như sau: "Với sự chấm dứt của đoàn thực, có sự chấm dứt của sắc. (5) Một người thấy đặc tính biến đổi, thì thấy được sự diệt của sắc uẩn, một người thấy được sự diệt của sắc uẩn thì thấy năm đặc tính này." (Ps. i, 55)
Cũng vậy: (1) Một người thấy sự sanh của thọ uẩn theo nghĩa duyên sinh như sau: " Với sự sanh của vô minh, có sự sanh của thọ, (2) Với sự sanh của ái... (3) Với sự sanh của thọ uẩn theo nghĩa duyên sinh như sau: "Với sự sanh của xúc, có sự sanh của thọ. (5) Một người thấy đặc tính của sanh, thì thấy được sanh khởi của thọ uẩn, một người thấy được sự sanh khởi của thọ uẩn, thấy được năm đặc tính này."
(1) Vị ấy thấy sự diệt của thọ uẩn theo duyên diệt như sau: " Với sự chấm dứt của vô minh, có sự chấm dứt của thọ: (2) với sự chấm dứt của ái... (3) Với sự chấm dứt của nghiệp... (4) Vị ấy thấy sự diệt của thọ uẩn theo nghĩa duyên biệt như sau: " Với sự chấm dứt của xúc có sự chấm dứt của thọ; (5) Người nào thấy đặc tính của biến đổi thì thấy sự diệt của thọ uẩn. Người nào thấy sự diệt của thọ uẩn, thấy năm đặc tính này," (Ps. i, 55)
Và cũng như trong trường hợp thọ uẩn, (nghĩa là, thay xúc bằng đoạn thực ở trường hợp sắc, các uẩn tưởng và hành cũng thế. Và cũng vậy đối với thức uẩn, với sự khác biệt này: những câu có xúc, thay bằng danh sắc như "với sự sanh của danh sắc... với sự diệt của danh sắc."
Như vậy, có 50 đặc tính., 10 cho mỗi uẩn do thấy sự sanh và diệt, bằng cách ấy hành giả tác ý cặn kẽ đến nó tùy theo duyên và sát-na như sau: "Sự sanh của sắc là như vậy, sự diệt của nó là như vậy, như vậy nó sanh, như vậy nó diệt."
98. Khi hành giả làm thế, trí trở nên sáng suốt như sau: "Như vậy, các pháp này dường như thể Từ Không Mà Có, Sau Khi Hiện Hữu, Chúng Lại Trở Thành Không " .
Khi hành giả thấy sự sanh diệt theo hai lối như vậy, theo duyên và theo sát-na thì nhiều chân lý, những khía cạnh của duyên sinh, phương pháp và đặc tính, trở nên rõ rệt với vị ấy.
99. Khi hành giả thấy sự sanh của các uẩn đi kèm với sự sanh của vô minh, và dự diệt của các uẩn khi vô minh diệt, thì đây là sự thấy của vị ấy về sanh diệt tùy theo duyên. Khi hành giả thấy sự sanh diệt của các uẩn bằng cách thấy những đặc tính của sanh và đặc tính của biến đổi (sanh và dị) thì đó là sự thấy sanh diệt theo sát-na. Và chỉ vào sát-na sanh mới có tướng sanh, và chỉ vào sát-na diệt mới có tướng biến đổi.
100. Như vậy, khi hành giả thấy sanh diệt theo hai cách duyên và sát-na, như trên, thì chân lý về sanh trở nên rõ rệt với vị ấy nhờ thấy sanh là do duyên, nhờ vị ấy đã khám pháp ra cái nguồn gốc sanh. Chân lý về khổ trở nên rõ rệt với vị ấy do thấy sanh diệt theo sát-na, nhờ vị ấy đã khám phá được nỗi khổ do sanh mà ra. Chân lý về diệt trở nên rõ rệt với vị ấy vì thấy diệt theo duyên, do khám phá rằng các pháp do duyên sanh sẽ không sanh nếu các duyên của chúng không sanh. Chân lý về khổ cũng trở nên rõ rệt với vị ấy nhờ thấy sự diệt theo từng sát-na do khám phá nỗi khổ trước cái chết. Và sự thấy của hành giả về sinh và diệt trở nên rõ rệt với vị ấy, kể như chân lý về đạo lộ: "Ðây là đao lộ thế gian" (đời là thế đấy) nhờ dứt bỏ được mê mờ về nó.
101. Duyên sinh theo chiều thuận trở nên rõ rệt với vị ấy, do thấy sanh theo duyên, nhờ khám phá rằng, "cái này có thì cái kia có" (M. i, 262). Duyên sinh theo chiều nghịch trở nên rõ rệt với hành giả do thấy sự diệt theo duyên, do khám phá "Cái này không, thì cái kia không" (M. i, 264). Các pháp duyên sinh trở nên rõ rệt với vị ấy do thấy sanh và diệt theo sát-na nhờ khám phá đặc tính các pháp hữu vi, vì các pháp có sanh và diệt đều là hữu vi, duyên sinh.
102. Phương pháp Ðồng nhất trở nên rõ rệt với vị ấy do thấy sự sanh theo duyên, nhờ khám pháp chuỗi tương tục không gián đoạn trong tương quan nhân quả. Khi ấy hành giả từ bỏ đoạn kiến một cách triệt để hơn. Phương pháp Dị biệt trở nên rõ rệt với vị ấy, do thấy sanh theo sát-na, nhờ khám phá rằng, mỗi pháp đổi mới khi nó sanh, khi ấy hành giã từ bỏ thường kiến một cách triệt để. Phương pháp Vô can trở nên rõ rệt do thấy sự sanh diệt tùy duyên nhờ khám phá rằng, các pháp không thể chịu quyền năng nào tác động trên chúng, khi ấy hành giả từ bỏ ngã kiến một cách triệt để hơn, phương pháp tất yếu trở nên rõ rệt do thấy sự sanh theo duyên, nhờ khám phá rằng, quả sanh khi có mặt các duyên thích hợp. Vị ấy từ bỏ triệt để kiến chấp "không có quả báo của các hành vi thiện ác".
103. Ðặc tính vô ngã trở nên rõ rệt do thấy sự sanh theo duyên, nhờ khám phá rằng, các pháp không có tánh tò mò, và hiện hữu chúng tùy thuộc vào các duyên. Ðặc tính vô thường trở nên rõ rệt với hành giả, do thấy sanh diệt từng sát-na nhờ khám phá rằng sau khi hiện hữu, chúng trở thành phi hữu, và nhờ khám phá rằng chúng tách biệt với quá khứ và vị lai. Ðặc tính khổ trở nên rõ rệt với hành giả do khám phá các pháp bị sanh tử áp bức. Và tự tánh của từng pháp (hay biệt tướng như địa thì rắn chắc, v.v...) cũng trở nên rõ rệt nhờ hành giả khám phá giới hạn của chúng do sanh và diệt. Và trong biệt tướng các pháp, tính cách tạm thời của đặc tính những gì hữu vi, trở nên rõ rệt do khám phá sự phi hữu của diệt vào lúc sanh, và sự phi hữu của sanh vào lúc diệt.
104. Khi nhiều chân lý, nhiều khía cạnh của duyên sinh nhiều phương pháp và đặc tính, đã rõ rệt với hành vi như vậy, thì các hành đối với vị ấy bây giờ dường như luôn luôn được đổi mới: "Thì ra là thế, các pháp này dường như trước đây không sanh, nay sanh, và sau khi sanh, chúng diệt." Và không những chúng luôn luôn mới mẻ, mà chúng lại còn có một đời sống ngắn ngủi như những giọt sương mai dưới ánh mặt trời, (A. iv, 37), như bọt (S. ii, 141) nổi trên nước, như đường vẽ trên mặt nước (A. iv, 137), như hột mè trên mủi dùi (Nd1, 42) như làn chớp (Nd1, 43). Và chúng không có lõi, như trò ảo thuật (S. iii, 141), như ảo giác (Dh. 46), như mộng (Sn. 807), như vòng lửa quay, như thành yêu quái (Càn-thát-bà thành), như bọt sủi (Dh. 46), như thân cây chuối (S. iii, 142) v.v...
Ở điểm này, hành giả đạt đến tuệ giác còn non, gợi là Sanh diệt trí, nhờ thâm nhập 50 đặc tính theo cách sau. "Chỉ có pháp nào phải bị diệt mới sanh được, và muốn sanh thì cần thiết phải diệt cái đã". Khi đạt đến chỗ này, hành giả được gọi là một "người khởi sự có tuệ giác."
105. Khi hành giả mới đắc tuệ giác còn non, có mười cấu uế sanh khởi nơi vị ấy. Vì các cấu uế này không sanh nơi bậc thánh đệ tử đã thế nhập chân lý, hay nơi những người lầm lạc về giới, xao lãng thiền định những kẻ làm biếng rong chơi. Chúng chỉ sanh khởi ở một thiện gia nam tử đi đúng hướng, chuyên chủ đề mục thiền quán một cách liên tục, và là một người mới đắc tuệ. Mười cấu uế là (1) hào quang (ánh sáng tỏa ra), (2) trí tuệ, (3) hỉ, (4) khinh an, (5) lạc, (6) quyết tâm (tín), (7) tinh tiến, (8) vững chải (9) xả. (10) ràng buộc.
106. Luận nói: "Thế nào là tâm bị tóm bởi trạo cử về các pháp tăng thượng? Khi một người tác ý các hành vô thường, ánh sáng sanh nơi vị ấy, vị ấy tác ý về ánh sánh ấy như sau đây là trạng thái của bậc thánh. Sự chia trí do việc này gây ra gọi là trạo cử. Khi tâm bị tóm bởi trạo cử, thì không hiểu đúng sự xuất hiện các hành là vô thường, không hiểu đúng sự xuất hiện của chúng khổ, là phi ngã. Cũng thế, khi hành giả tác ý là vô thường, trí sanh khởi nơi vị ấy. Hỉ... Khinh an... Lạc... Quyết tâm... Tinh tiến... Vững chải... Xả... Ràng buộc sanh khởi nơi vị ấy. Vị ấy tác ý đến chúng như sau đây là trạng thái của bậc thánh. Sự chia trí cho việc ấy gây ra gọi là trạo cử, khi tân bị chia phối bởi trạo cử, hành giả không thấy đúng sự xuất hiện của các hành là vô thường, khổ vô nhả." (Ps. ii, 100).
107. (1). Hào quang nói đây là quang sắc do tuệ sanh. [Chú thích: có hai thứ quang sắc, Quang sắc do tuệ sanh là quang sắc- luminuos materiality - được phát sinh bởi tuệ tâm sở, và quang sắc do thời tiết sanh nhưng do bản thân của hành giả mà thôi. Trong hai loại này, quang sắc do tuệ sanh thì sáng và chỉ trông thấy được nơi thân của thiền giả, còn quang sắc kia thì biệt lập với thân ông ta, tỏa khắp xung quanh bất cứ chổ nào có thể được trí biết đến. Quang sắc này cũng hiện rõ cho hành giả, và ông có thể thấy được mọi vật thể do quang sắc chạm tới. -- Pm.816]
Khi ánh sáng ấy sanh khởi, hành giả nghĩ: "Ánh sáng ấy chưa từng sanh nơi ta trước đây. Chắc chắn ta đã chứng đạo, đắc quả." Và như vậy, hành giả cho là đạo cái không phải đạo cho là quả cái không phảiø quả. Khi cho là đạo cái không phải đạo cho là quả cái không phải quả thì tiến trình của tuệ nơi hành giả bị gián đoạn. Vị ấy bỏ dở đề mục quán của mình để tọa hưởng ánh sánh ấy mà thôi.
108. Nhưng ánh sáng này có khi khởi lên nơi một tỷ kheo chỉ soi sáng nhiều lắm là chổ ông ta ngồi, ở vị khác, nó soi sáng khắp phòng, ở vị khác nó lan ra ngoài phòng, hoặc soi sáng khắp chùa... một phần tư lý, nữa lý, một lý, 2, 3 lý, hoặc vọt lên từ mặt đất cho đến phạm thiên giới. Ở đức thế tôn, thì quang sắc soi sáng mười ngàn thế giớibê.
109. Câu chuyện sau chứng tỏ quang sắc ấy khác nhau tùy mỗi người như thế nào. Có hai trưởng lão ngồi trong một gian phòng với hai lớp tường ở Cittalapabbata. Ngày ấy nhằm lễ Bố-tát nửa tháng tối trăng. Mọi phương hướng đều vây bủa bởi một tấm màn mây và ban đêm bóng tối ngự trị cả bốn bề. Một vị nói: "Hiền giả những hoa năm sắc trên sư tử tòa ở chánh điện đang hiện rõ trước mắt tôi". Vị kia nói; "Hiện giả cái đó không gì lạ. Thực sự cá và rùa dưới biển cách đây một lý đang hiện trước mắt tôi.'
110. Cấu uế của tuệ này thường xảy đến nơi một vị đã đắc định và tuệ. Vì nhưng cấu uế không lộ ra, bị đàn áp bởi sự chứng đắc, nên vị ấy nghĩ:" Ta là A-la-hán ". Như trưởng lão Mahànàga ? Uccavàlika, trưởng lão Mahàdata ? Hankana, trưởng lão Cukàsumana ? thiền thất Nikapenna tai Cittalababbata .
111. Có câu chuyện điển hình sau. Ðại diện Dhammadinna ở Talangara, một vị đã đoạn tận lậu hoặc, đã đặt các loại trí vô ngại, là người dạy một chúng đông tỷ kheo. Một hôm, trong khi ngồi nơi nhà trú ban ngày, ngài tự nhủ "Thầy ta, trưởng lão Mahànàga ở Uccavàloka không biết đã xong việc của sa môn chưa?" Ngài quán sát thấy ông vẫn còn là phàm phu, và biết nếu mình không đi đến thăm ông, ông sẽ chết trong địa vị phàm phu ấy. Bởi thế ngài thăng hư không bằng thần lực, đến bên vị trưởng lão. Ngài đảnh lễ thầy làm bổn phận của đệ tử xong, ngồi xuống một bên. Trưởng lão hỏi: "Sao con đến đột ngột như vậy?" Ngài đáp: "Con đến để hỏi thầy một câu". "Con cứ hỏi, nếu biết, ta sẽ trả lời." Ngài hỏi một ngàn câu.
112. Vị trưởng lão đáp rành rẽ không cấp câu nào. Ngài hỏi; "Bạch thượng tòa, trí ngài thật sắc bén. Ngài đã đạt đến tình trạng này bao lâu?" Trưởng lão nói: "Sáu mươi năm trước." - "Bạch thượng tòa, xin người hãy hóa phép làm một con voi". Trưởng lão biến hóa ra một thốt bạch tượng. - "Bây giờ, bạch thượng tòa, xin ngài hãy làm cho con voi ấy sấn tới nơi ngài, hai lỗ tai dang rộng, cái đuôi duỗi thẳng ra, vòi cho vào miệng, rống lên một tiếng dữ dội kinh hoàng". Vị trưởng lão làm theo lời yêu cầu của môn đệ, nhưng khi thấy con voi sấn tới quá nhanh với dáng điên khủng khiếp, trưởng lão vùng dậy toan chạy. Khi ấy vị tỷ kheo đã đoạn tận lậu hoặc đưa tay tóm lấy áo trưởng lão nói: "Bạch thượng tòa, một người đã đoạn tận lậu hoặc có còn sợ hãi hay không?"
113. Vị trưởng lão lúc đó nhận ra rằng mình vẫn còn là phàm phu. Ông quỳ dưới chân đại đức Dhammadinna nói: "Hãy giúp ta, hiền giả" - "Bạch thượng tòa, chính vì vậy mà con tới đây. Xin ngài chớ lo". Rồi đại đức giảng cho trưởng lão một đề mục thiền. Trưởng lão lấy đề mục ấy tiến về con đường kinh hành, đến bước thứ ba ngài đắc quả A-la-hán. Dường như vị này là người thuộc tánh sân. Những người như vậy thường giao động vị ánh sáng.
114. (2). Hiểu biết là hiểu biết do tuệ. Khi hành giả phán đoán các pháp sắc, vô sắc, tri thức có vẻ không lầm lạc, sắc bén, sanh khởi nơi vị ấy như một làn chớp.
115. (3). Hỉ là vui mừng do tuệ. Có thể vào lúc ấy năm thứ hỉ là tiểu hỉ, hỉ chốc lát, hỉ như mưa rào, hỉ nâng người lên, và hỉ biến mãn châu thân, sanh khởi nơi vị ấy.
116. (4). Khinh an là khinh an do tuệ. Khi vị ấy đang ngồi, bỗng thấy không một cơn mệt nhọc, nặng nề, cứng đở, hay thiếu kham nhậm nào cả, không có sự đau đớn cong quẹo nào nơi thân tâm, trái lại, thân thể và tâm hồn đều nhẹ nhàng nhu nhuyến, dễ sử dụng, hoàn toàn bén nhạy và ngay thẳng. Với thân và tâm khinh an như vậy, hành giả cảm thụ một khoái lạc siêu phàm. Về cảm giác này có đoạn:
Bước vào ngôi nhà trống.
Tỷ kheo tâm định tĩnh
Thọ pháp lạc siêu nhân
Tịnh quán theo chánh pháp
Người luôn luôn chánh niệm
Về sanh diệt các uẩn
Ðược hoan hỉ, hân hoan
Chỉ đấng bất tử biết (Dh. 373-4)
Ðấy là khinh an khởi lên đem lại khoái cảm siêu nhiên nơi hành giả.
117. (5). Lạc là lạc do tuệ. Vào lúc ấy, có thể khởi nơi hành giả biến mãn toàn thân.
118. (6). Quyết định là đức tin. Vì đức tin mãnh liệt khởi lên nơi hành giả tương ưng với tuệ dưới hình thức tín tột bực của tâm và tâm sở (tin với hết cả tâm hồn và hết cả da xương).
119. (7). Nỗ lực là tinh tiến khởi lên tương ưng với tuệ.
120. (8). Vững chải (an trú) là chánh niệm. Vì chánh niệm khéo an trú, sâu xa và bất động như sơn vương, khởi lên nơi hành giả tương ưng với tuệ, nên bất cứ đề mục nào vị ấy tác ý, động tới, chú tâm, quán sát, đều hiện rõ cho vị ấy nhờ chánh niệm. Chánh niệm đi vào đó như thế giới khác hiện ra cho người có thiên nhãn.
121. (9). Xả: vừa là xả về tuệ và xả trong sự tác ý.
[Chú thích: về tuệ là trung tính trong sự suy đạt các hành trong phạm vi đối tượng đã được suy đạt. Nhưng về ý nghĩa, khi nó sanh khởi như vậy, nó chỉ là trung tính. Tư tâm sở tương ưng với ý môn hướng tâm, gọi là "xả trong sự hướng tâm", vì xả này sanh khởi trong khi hướng tâm với tư cách nhìn ngắm. Xả về tuệ là trung tính về các hành khởi lên mãnh liệt nơi hành giả vào lúc ấy. Ðây cũng là xả trong tác ý ở ý môn. Vì bất cứ đề mục nào vị ấy hướng tâm đến tự hướng tâm của vị ấy hoạt động sắc bén như làn, chớp, như một chĩa sắt nung đỏ vùi vào một giỏ lá.]
122. (10). Ràng buộc là ràng buộc do tuệ. Vì khi tuệ vị ấy được tráng hoàng bằng ánh sáng v.v... sự bám víu khởi lên nơi vị ấy, có vẻ tinh tế và an ổn. Hành giả bám vào tuệ mà không phân biệt được rằng sự bám víu vào tuệ đó cũng là một cấu uế.
123. Và như trong trường hợp ánh sáng (hào quang) cũng vậy với trường hợp các cấu uế khác có thể khởi lên hành giả suy nghĩ: "Trí như vậy, hỉ như vậy, khinh an như vậy, ... . lạc, quyết định, nỗ lực, vững chải, xả, ràng buộc như vậy, chưa từng khởi nơi ta trước đây. Chắc chắn ta đã đắc đạo, đắc quả. Như vậy, vị ấy cho là đạo cái phi đạo, cho là quả các phiq uả. Khi cho là đạo cái phi đạo, cho là quả cái phi quả, thì tiến trình tuệ bị gián đoạn nơi vị ấy. Vị ấy bỏ dở đề mục và chỉ ngội tọa hưởng sự ràng buộc.
124. Và ở đây, quang sắc được gọi là cấu uế vì chúng là căn cứ cho những cấu uế, chứ không phải bản thân chúng bất thiện. Nhưng riêng sự bám víu thì vừa là căn bản cho cấu uế, vừa là một cấu uế.
125. Kể như căn bản cấu uế thì có 10 món, nhưng xét nhiều cách thì có tới 30. Ðó là, khi một người nghĩ: "Ánh sáng đã sanh khởi nơi ta", thì lối nhận định ấy là do tà kiến. Khi vị ấy nghĩ: "Ôi thật dễ chịu thay là ánh sáng đã sanh khởi như vậy". Các nhận định này là do kiêu mạn. Khi vị ấy thưởng thức ánh sáng ấy, cách hưởng thụ này là do tham ái. Tương tự, với những gì còn lại. Vậy có 30 loại cấu uế, vì có 3 lối nhận định cho mỗi loại trong 10 loại. Vì ảnh hưởng của chúng mà một thiện giả thiếu thiện xảo, không thận trọng bị giao động và chia trí về những hiện tượng ấy, và vị ấy thấy; "Ðây là của tôi, đây là tôi, đây là tự ngã của tôi". (N. i, 135)
126. Nhưng khi quang sắc, v.v... sanh, một thiền gia thiện xảo và thận trọng sẽ quán sát, phân biệt nó với tuệ như sau: "Ánh sáng này đã sanh. Nhưng nó là vô thường, hữu vi, duyên sinh, khả hoại, phải tan rã, phải hoại diệt, chấm dứt". Hoặc vị ấy nghĩ: "Nếu ánh sáng này là tự ngã, thì đừng để xem nó là tự ngã. Nhưng nó không phải tự ngã lại bị xem là ngã. Bởi thế nó không phải ngã theo nghĩa không có một năng lực nào có thể tác động lên nó, nó vô thường, vị có rồi không, nó là khổ, vì bị sinh diệt bức bách, ... Tất cả cần được làm chi tiết the phương pháp đã nói dưới mục bảy vô sắc, đ.83. Và như trường hợp quang sắc, những hiện tượng khác cũng thế.
127. Sau khi suy đạt như trên, hành giả thấy ánh sáng lá "Ðây không phải của ta, không phải là ta, không phải tự ngã của ta". Thấy như vậy, hành giả không bị giao động hay nao núng vì quang sắc, v.v...
128. Như thế, hành giả gỡ được cuộn chì rồi gom những cấu uế mà không làm mồi cho trạo cư. Hành giả định rõ cái gì là đại, cái gì là phi đạo như sau: "Các trạng thái như quang sắc, v.v... không phải là đạo, nhưng nó là trí tịnh quán không có cấu uế, và đang đi trên lộ trình của nó là đạo lộ".
129. Cái trí được an trú nơi hành giả do biết được đạo và phi đạo, gọi là thanh tịnh nhờ đạo phi đạo tri kiến.
130. Như vậy, ở điểm nay, sự định nghĩa ba chân lý đã được vị ấy làm xong. Như thế nào? Sự định nghĩa chân lý về khổ đã được vị ấy thực hiện nhờ định tõ danh-sắc trong phần thanh tịnh kiến. Ðịnh nghĩa chân lý về sanh thực hiện do phân biệt các duyên trong Ðoạn nghi thanh tịnh. Ðịnh nghĩa chân lý về đạo đã thực hiện nhờ nhấn mạnh chánh đạo trong đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh. Như vậy, sự định nghĩa ba chân lý đã được làm trước hết nhờ phương tiện thế gian trí mà thôi.
Chương thứ 20 gọi là "Mô tả về Ðạo phi đạo tri kiến thanh tịnh", trong sự tu tập Tuệ, trong luận Thanh tịnh đạo, được soạn thảo vì mục đích làm hoan hỉ những người lành.