Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hành tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Ta sẽ nói cho các ngươi biết về bảy nơi mà bậc thiện nhân đi đến và Vô dư Niết-bàn[02]. Các ngươi hãy lắng nghe và hãy suy nghĩ kỹ”.

Bấy giờ các Tỳ-kheo vâng lời lắng nghe.

Phật dạy:

“Những gì là bảy? Tỳ-kheo nên thực hành như vầy: ‘Ta không có ta, cũng không có cái của ta[03]. Trong tương lai không có ta, cũng không có cái của ta. Cái đã có thì đoạn[04]’. Sau khi đoạn, chứng đắc xả. Có lạc mà không nhiễm, hiệp hội mà không đắm trước[05]. Thực hành như thế, sẽ do tuệ mà thấy được đạo lộ tịch tĩnh vô thượng[06], nhưng vẫn chưa được chứng ngộ[07]. Tỳ-kheo thực hành như thế sẽ đi đến đâu? Ví như đốt trấu, vừa nhen đã tắt. Nên biết, Tỳ-kheo kia cũng thế, chút ít mạn chưa trừ hết[08], nhưng năm hạ phần kết[09] đã đoạn hết, chứng Trung Bát-niết-bàn[10]. Đó là nơi đi đến của bậc thiện nhân thứ nhất, thế gian quả thực có người như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo nên thực hành như vậy: ‘Ta không có ta, cũng không có cái của ta. Trong tương lai không có ta, cũng không có cái của ta. Cái đã có thì đoạn’. Sau khi đoạn, chứng đắc xả. Có lạc mà không nhiễm, hiệp hội mà không đắm trước. Thực hành như thế, sẽ do tuệ mà thấy được đạo lộ tịch tĩnh vô thượng, nhưng vẫn chưa được chứng ngộ. Tỳ-kheo thực hành như thế sẽ đi đến đâu? Ví như đem sắt đốt cháy hừng hực rồi lấy búa đập, lửa đóm tung lên không; vừa lên liền tắt. Nên biết, Tỳ-kheo kia cũng lại như vậy; còn chút mạn chưa trừ hết, nhưng năm hạ phần kết đã đoạn hết, chứng Trung Bát-niết-bàn. Đó là chỗ đi đến của bậc thiện nhân thứ hai, thế gian quả thực có người như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo nên thực hành như vầy: ‘Ta không có ta, cũng không có cái của ta. Trong tương lai không có ta, cũng không có cái của ta. Cái đã có thì đoạn’. Sau khi đoạn, chứng đắc xả. Có lạc mà không nhiễm, hiệp hội mà không đắm trước. Thực hành như thế, sẽ do tuệ mà thấy được đạo lộ tịch tĩnh vô thượng, nhưng vẫn chưa được chứng ngộ. Tỳ-kheo thực hành như thế sẽ đi đến đâu? Ví như đem sắt đốt cháy hừng hực rồi lấy búa đập, lửa đóm tung lên không, rồi từ không rơi trở lại; rơi chưa đến đất liền tắt. Nên biết, Tỳ-kheo kia cũng giống như thế, còn chút mạn chưa đoạn hết, nhưng năm hạ phần kết đã đoạn hết, chứng Trung Bát-niết-bàn. Đó là chỗ đi đến của bậc thiện nhân thứ ba, thế gian quả thực có người như vậy.[11]

“Lại nữa, Tỳ-kheo nên thực hành như vầy: ‘Ta không có ta, cũng không có cái của ta. Trong tương lai không có ta, cũng không có cái của ta. Cái đã có thì đoạn’. Sau khi đoạn, chứng đắc xả. Có lạc mà không nhiễm, hiệp hội mà không đắm trước. Thực hành như thế, sẽ do tuệ mà thấy được đạo lộ tịch tĩnh vô thượng, nhưng vẫn chưa được chứng ngộ. Tỳ-kheo thực hành như thế sẽ đi đến đâu? Ví như đem sắt đốt cháy hừng hực rồi lấy búa đập, lửa đóm tung lên không, rồi rơi xuống, tới đất thì tắt. Nên biết, Tỳ-kheo kia cũng giống như thế, còn chút mạn chưa đoạn hết, nhưng năm hạ phần kết đã đoạn hết, chứng Sanh Bát-niết-bàn[12]. Đó là chỗ đi đến của bậc thiện nhân thứ tư, thế gian quả thực có người như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo nên thực hành như vầy: ‘Ta không có ta, cũng không có cái của ta. Trong tương lai không có ta, cũng không có cái của ta. Cái đã có thì đoạn’. Sau khi đoạn, chứng đắc xả. Có lạc mà không nhiễm, hiệp hội mà không đắm trước. Thực hành như thế, sẽ do tuệ mà thấy được đạo lộ tịch tĩnh vô thượng, nhưng vẫn chưa được chứng ngộ. Tỳ-kheo thực hành như thế sẽ đi đến đâu? Ví như đem sắt đốt cháy hừng hực rồi lấy búa đập, lửa đóm tung lên không, rồi rơi xuống trên nhúm cỏ, liền bốc khói hoặc phụt cháy; cháy hết mới tắt. Nên biết, Tỳ-kheo kia cũng giống như thế, còn chút mạn chưa đoạn hết, nhưng năm hạ phần kết đã đoạn hết, chứng Hành Bát-niết-bàn[13]. Đó là chỗ đi đến của bậc thiện nhân thứ năm, thế gian quả thực có người như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo nên thực hành như vầy: ‘Ta không có ta, cũng không có cái của ta. Trong tương lai không có ta, cũng không có cái của ta. Cái đã có thì đoạn’. Sau khi đoạn, chứng đắc xả. Có lạc mà không nhiễm, hiệp hội mà không đắm trước. Thực hành như thế, sẽ do tuệ mà thấy được đạo lộ tịch tĩnh vô thượng, nhưng vẫn chưa được chứng ngộ. Tỳ-kheo thực hành như thế sẽ đi đến đâu? Ví như đem sắt đốt cháy hừng hực rồi lấy búa đập, lửa đóm tung lên không, rồi rơi xuống trên nhiều đám cỏ, liền bốc khói hoặc phụt cháy, cháy hết mới tắt. Nên biết, Tỳ-kheo kia cũng giống như thế, còn chút mạn chưa đoạn hết, nhưng năm hạ phần kiết đã đoạn hết, chứng Vô hành Bát-niết-bàn[14]. Đó là chỗ đi đến của bậc thiện nhân thứ sáu, thế gian quả thực có người như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo nên thực hành như vầy: ‘Ta không có ta, cũng không có cái của ta. Trong tương lai không có ta, cũng không có cái của ta. Cái đã có thì đoạn’. Sau khi đoạn, chứng đắc xả. Có lạc mà không nhiễm, hiệp hội mà không đắm trước. Thực hành như thế, sẽ do tuệ mà thấy được đạo lộ tịch tĩnh vô thượng, nhưng vẫn chưa được chứng ngộ. Tỳ-kheo thực hành như thế sẽ đi đến đâu? Ví như đem sắt đốt cháy hừng hực rồi lấy búa đập, lửa đóm tung lên không, rồi rơi xuống trên nhiều đám cỏ, liền bốc khói hoặc phụt cháy, cháy luôn cả thôn ấp, thành quách, rừng núi, đồng nội, hoặc đến đường đi, hoặc mé nước, cho đến đất bằng thì tắt. Nên biết, Tỳ-kheo kia cũng giống như thế, còn chút mạn chưa đoạn hết, nhưng năm hạ phần kết đã đoạn hết, chứng Thượng lưu A-ca-nị-trá Niết-bàn[15]. Đó là chỗ đi đến của bậc thiện nhân thứ bảy, thế gian quả thực có người như vậy.

“Vô dư Niết-bàn là gì? Tỳ-kheo nên thực hành như vầy: ‘Ta không có ta, cũng không có cái của ta. Trong tương lai không có ta, cũng không có cái của ta. Cái đã có thì đoạn’. Sau khi đoạn, chứng đắc xả. Có lạc mà không nhiễm, hiệp hội mà không đắm trước. Thực hành như thế, sẽ do tuệ mà thấy được đạo lộ tịch tĩnh vô thượng, và đã được chứng ngộ. Ta nói rằng Tỳ-kheo kia không đi đến phía Đông, không đi đến phía Tây, Nam, Bắc, tứ duy hay thượng, hạ, mà ngay trong đời này[16] chứng được đạo lộ tịch tĩnh, diệt độ[17].

“Ta đã nói về nơi đi đến của bảy bậc thiện nhân và Vô dư Niết-bàn xong. Nhân đó mà nói”.

Phật thuyết như thế. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Bản Hán, bắt đầu quyển 2. Tương đương Pāli: A. VII.52 Purisagati. Đề kinh theo Tống-Nguyên-Minh: “Thiện Nhân Vãng Lai Kinh” Câu-xá 24 (Đại 29, tr.124b, 125a): thiện sĩ thú 善 士 趣.
[02] Vô dư Niết-bàn, hoặc dịch là Vô dư y Niết-bàn 無 餘 衣 涅 槃. (Pāli: anupādisesa-nibbāna), trái với Hữu dư y Niết-bàn là sự chứng Niết-bàn với sự tồn tại của ngũ uẩn.
[03] Hán: ngã giả vô ngã, diệc vô ngã sở 我 者 無 我 亦 無 我 所. Pāli: no cassa no ca me siyā, “nó không hiện hữu, và nó không phải là của ta”. Bản Hán hiểu no là đại từ ngôi thứ nhất.
[04] Hán: dĩ hữu tiện đoạn 已 有 便 斷. Pāli: yadatthi yaṃ bhūtaṃ taṃ pahajāmi, “Với cái gì đã hiện hữu, ta đoạn trừ cái đó”.
[05] Hán: hữu lạc bất nhiễm, hiệp hội bất trước 有 樂 不 染 合 會 不 著. Pāli: so bhave na rajjati, sambahave na rajjati, “vị ấy không đắm trước hữu (không hoan lạc trong cái đang hiện hữu), không đắm trước sinh (không hoan lạc trong cái đang xuất sinh)”.
[06] Hán: vô thượng tức tích 無 上 息 跡. Pāli: atthuttariṃ padaṃ santaṃ sammapaññāya passati, “bằng chánh trí, vị ấy thấy con đường tịch tĩnh dẫn đến mục đích tối thượng”.
[07] Pāli: taṃ ca khvassa padaṃ na sabbena sabbaṃ sacchikataṃ hoti, “Nhưng không hoàn toàn thực chứng đạo lộ ấy”.
[08] Hán: thiểu mạn vị tận 少 慢 未 盡. Pāli: na sabbena sabbaṃ mānānusayo pahīno hoti, na sabbena sabbaṃ bhavarāgānusayo pahīno hoti, na sabbena sabbaṃ avijjānusayo pahīno hoti, “chưa hoàn toàn đoạn trừ mạn tùy miên; chưa hoàn toàn đoạn trừ hữu ái tùy miên; chưa hoàn toàn đoạn trừ vô minh tùy miên”.
[09] Hán: ngũ hạ phần kiết 五 下 分 結. Pāli: pañca orambhāgiya saṃyojana.
[10] Trung Bát-niết-bàn 中 般 涅 槃 trường hợp Thánh giả A-na-hàm, sau khi chết ở Dục giới, trước khi tái sinh Sắc giới, nhập Niết-bàn ở khoảng trung gian. Xem Câu-xá quyển 24 (Đại 29, tr.124b). Pāli: antarā-parinibbāna.
[11] Ba ví dụ trên tương ứng với ba cấp Trung Bát-niết-bàn: tốc, phi tốc và kinh cửu (nhanh, không nhanh và lâu); xem Câu-xá 24 (Đại 29, tr.125a).
[12] Sanh Bát-niết-bàn 生 般 涅 槃 vị A-na-hàm sau khi tái sanh Sắc giới một thời gian không lâu liền nhập Vô dư y Niết-bàn. Xem Tập dị 14 (Đại 26, tr.426a); Câu-xá 24 (Đại 29, tr.124b). Pāli: upahacca-parinibbāna, nhập Niết-bàn do rút ngắn tuổi thọ sau khi sanh Sắc giới. Từ Pāli upahacca có nghĩa là “làm tổn hại”. Bản Hán, theo từ gốc Skt. là upapadya (Pāli: upapajja) có nghĩa là “sanh”.
[13] Hành Bát-niết-bàn, hay Hữu hành Bát-niết-bàn 有 行 般 涅 槃 vị A-na-hàm sau khi sanh Sắc giới, trải qua một thời gian nỗ lực tu tập nữa rồi mới nhập Niết-bàn. Pāli: sasaṃkhāra-parinibbāna. Câu-xá 24 (Đại 29, tr.124b), Tập dị 14 (Đại 26, tr.426b).
[14] Vô hành Bát-niết-bàn 無 行 般 涅 槃 sau khi tái sanh Sắc giới, không do nỗ lực tu tập mà nhập Niết-bàn. Câu-xá 24 (Đại 26, tr.124b) cho rằng, trong Kinh tạng, Vô hành được kể trước Hữu hành, như vậy hợp lý hơn. Xem thêm Tập dị 14 (Đại 26, tr.426b). Pāli cũng kể Vô hành trước Hữu hành. Pāli: asaṃkhāra-parinibbāna.
[15] Thượng lưu A-ca-nị-trá Niết-bàn 上 流 阿 迦 吒 涅 槃 hay thượng lưu sắc cứu cánh Niết-bàn 上 流 色 究 竟 涅 槃 lần lượt tái sanh (trôi lên) từ các cõi Sơ thiền, cho đến cao nhất của Tứ thiền, rồi nhập Niết-bàn trong trạng thái đó. Câu-xá 24 (Đại 29, tr.124c), Tập dị 14 (Đại 26, tr.416b). Pāli: uddhaṃsoto akaniṭṭhagāmin.
[16] Hán: ư hiện pháp trung 於 現 法 中. Pāli: diṭṭtheva dhamme.
[17] Hán: tức tích diệt độ 息 跡 滅 度.