Tôi nghe như vầy:

Một thời, sau khi Phật nhập Niết-bàn không bao lâu, Tôn giả Bạc-câu-la[02] du hóa[03] tại thành Vương xá, trong Trúc lâm vườn Ca-lan-đa.

Bấy giờ có một người dị học[04], vốn là bằng hữu thân thiết với Tôn giả Bạc-câu-la khi ngài chưa xuất gia, vào buổi xế, loanh quanh đi đến chỗ Tôn giả Bạc-câu-la, chào hỏi rồi ngồi sang một bên. Dị học nói rằng:

“Hiền giả Bạc-câu-la, tôi có điều muốn hỏi; có thể cho tôi được hỏi chăng?”

Tôn giả Bạc-câu-la trả lời:

“Này dị học, tùy điều ông hỏi, tôi nghe rồi suy nghĩ.”

 Dị học hỏi:

“Hiền giả Bạc-câu-la, ngài đã theo học trong chánh pháp luật này được bao lâu?”

Tôn giả Bạc-câu-la trả lời:

“Này dị học, tôi theo học trong chánh pháp luật này đến nay đã là tám mươi năm.”

Dị học hỏi rằng:

“Hiền giả Bạc-câu-la, ngài đã theo học trong chánh pháp luật này đến nay là tám mươi năm; Ngài nhớ có lần nào ngài làm việc dâm dục chăng?”

Tôn giả Bạc-câu-la bảo dị học rằng:

“Ông đừng hỏi như vậy, mà hãy hỏi một cách khác: ‘Hiền giả Bạc-câu-la, ngài học đạo trong chánh pháp luật này được tám mươi năm, ngài nhớ có lần nào khởi lên dục tưởng[05] chăng?’ Ông nên hỏi như vậy.”

Bấy giờ dị học liền nói như vầy:

“Tôi nay lại hỏi rằng: ‘Hiền giả Bạc-câu-la, ngài học đạo trong chánh pháp luật này được tám mươi năm, ngài nhớ có lần nào khởi lên dục tưởng chăng?’”

Bấy giờ Tôn giả Bạc-câu-la nhân người dị học hỏi như vậy, liền nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Này chư Hiền, tôi đã học đạo trong chánh pháp luật này đến nay là tám mươi năm, nếu nhân đó khởi cống cao, ý tưởng đó hoàn toàn không có.”

Nếu Tôn giả Bạc-câu-la nói như vậy; đó là pháp vị tằng hữu của Tôn giả Bạc-câu-la.

Lại nữa, Tôn giả Bạc-câu-la nói như vầy:

“Này chư Hiền, tôi đã học đạo trong chánh pháp luật này đến nay là tám mươi năm, chưa từng khởi dục tưởng.”

 Nếu Tôn giả Bạc-câu-la nói như vậy; đó là pháp vị tằng hữu của Tôn giả Bạc-câu-la.

Lại nữa, Tôn giả Bạc-câu-la nói như vầy:

“Này chư Hiền, tôi thọ trì y phấn tảo[06] đến nay là tám mươi năm. Nếu tôi nhân đó mà khởi tâm cống cao, ý tưởng đó hoàn toàn không có.”

 Nếu Tôn giả Bạc-câu-la nói như vậy; đó là pháp vị tằng hữu của Tôn giả Bạc-câu-la.

Lại nữa, Tôn giả Bạc-câu-la nói như vầy:

“Này chư Hiền, tôi thọ trì y phấn tảo đến nay là tám mươi năm; tôi nhớ chưa từng thọ y của người cư sĩ[07], chưa từng cắt may y, chưa từng nhờ người khác may hộ y, chưa từng dùng kim khâu y, chưa từng dùng kim khâu túi, dù là một sợi chỉ.”

 Nếu Tôn giả Bạc-câu-la nói như vậy; đó là pháp vị tằng hữu của Tôn giả Bạc-câu-la.

Lại nữa, Tôn giả Bạc-câu-la nói như vầy:

“Này chư Hiền, tôi khất thực đến nay là tám mươi năm; nếu tôi nhân đó mà khởi tâm cống cao, ý tưởng đó hoàn toàn không có.”

Nếu Tôn giả Bạc-câu-la nói như vậy; đó là pháp vị tằng hữu của Tôn giả Bạc-câu-la.

Lại nữa, Tôn giả Bạc-câu-la nói như vầy:

“Này chư Hiền, tôi khất thực đến nay là tám mươi năm; tôi nhớ, chưa hề nhận lời mời của cư sĩ, chưa hề khất thực vượt thứ tự[08], chưa hề khất thực nơi các nhà lớn để nhận các thứ đồ ăn loại cứng, loại mềm[09] rất dồi dào, rất tinh khiết và mỹ vị; chưa hề nhìn ngắm người nữ; chưa hề vào khu vực Tỳ-kheo-ni, chưa hề cùng Tỳ-kheo-ni hỏi chuyện, cho đến cũng chưa hề nói chuyện giữa đường.”

Nếu Tôn giả Bạc-câu-la nói như vậy; đó là pháp vị tằng hữu của Tôn giả Bạc-câu-la.

Lại nữa, Tôn giả Bạc-câu-la nói như vầy:

“Này chư Hiền, tôi ở trong chánh pháp luật này học đạo đã tám mươi năm, chưa hề nuôi Sa-di, chưa hề thuyết pháp cho bạch y; cho đến chưa hề nói cho họ chỉ bốn câu tụng.”

Nếu Tôn giả Bạc-câu-la nói như vậy; đó là pháp vị tằng hữu của Tôn giả Bạc-câu-la.

Lại nữa, Tôn giả Bạc-câu-la nói như vầy:

“Này chư Hiền, tôi ở trong chánh pháp luật này học đạo đã tám mươi năm, chưa hề có bệnh, cho đến dù chỉ nhức đầu trong khoảng búng ngón tay; chưa hề uống thuốc, cho đến dù chỉ một Ha-lê-lặc[10].”

Nếu Tôn giả Bạc-câu-la nói như vậy; đó là pháp vị tằng hữu của Tôn giả Bạc-câu-la.

Lại nữa, Tôn giả Bạc-câu-la nói như vầy:

“Này chư Hiền, trong tám mươi năm qua, khi tôi ngồi kiết già, chưa từng dựa vào vách hay dựa vào cây.”

Nếu Tôn giả Bạc-câu-la nói như vậy; đó là pháp vị tằng hữu của Tôn giả Bạc-câu-la.

Lại nữa, Tôn giả Bạc-câu-la nói như vầy:

“Này chư Hiền, trong vòng ba ngày ba đêm, tôi chứng đắc ba minh đạt[11].”

 Nếu Tôn giả Bạc-câu-la nói như vậy; đó là pháp vị tằng hữu của Tôn giả Bạc-câu-la.

Lại nữa, Tôn giả Bạc-câu-la nói như vầy:

“Này chư Hiền, tôi sẽ ngồi kiết già để vào Niết-bàn.”

Nếu Tôn giả Bạc-câu-la nói như vậy; đó là pháp vị tằng hữu của Tôn giả Bạc-câu-la.

Tôn giả Bạc-câu-la thuyết như vầy. Các Tỳ-kheo và người dị học sau khi nghe Tôn giả Bạc-câu-la thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli: M.124 Bakkulasuttam.
[02] Bạc-câu-la 薄 拘 羅. Pāli: Bakkula, Bākula, hay Vakkula; nguyên quán ở Kosambi, một trong bốn đệ tử có đại trí thông (abhiñña). Ngài được coi là vị đệ tử khổ hạnh, không thuyết pháp.
[03] Xem cht.1 Kinh số 1.
[04] Dị học 異 學. Pāli: acela-Kassapa, một tu sĩ lõa thể tên là Kassapa.
[05] Hán: dục tưởng 欲 想. Pāli: kāma-saññā.
[06] Phấn tảo y 糞 掃 衣. Pāli: paṃsulaku, y may bằng vải lượm từ các đống rác. Bakkula tu hạnh đầu-đà, chỉ mặc y phấn tảo (Paṃsukulika).
[07] Tức nhận vải từ cư sĩ để may y.
[08] Hán: siêu việt khất thực 超 越 乞 食. Theo phép, khất thực phải đi lần lượt từng nhà, bất luận giàu hay nghèo.
[09] Hán: thực đạm hàm tiêu 食 噉 含 消; thức ăn cần phải nhai, và loại chỉ ngậm cho tiêu.
[10] Ha-lê-lặc 訶 梨 勒. Pāli: harītaka, loại quả dùng lam thuốc (Terminalia citrina).
[11] Hán: tam đạt chứng 三 達 證. Tức sự chứng đắc ba minh: túc mạng minh, thiên nhãn minh và lậu tận minh. Pāli: tisso vijjā: pubbenivāsānussati-ñāṇa-vijjā, cutūapāte-ñāṇa-vijjā, āsavā-khaya-ñāṇa-vijjā.