I. Sung Mãn(1) (S.v,399)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc này. Thế nào là bốn?
3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với Phật: "Ðây là bậc Ứng Cúng... Phật, Thế Tôn". Ðây là phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc thứ nhất. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với Pháp... đối với Tăng... thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính... đưa đến Thiền định. Ðây là phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc thứ tư. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là bốn phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc.
4) Với vị Thánh đệ tử thành tựu bốn phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc này, này các Tỷ-kheo, thật không dễ đếm được vô lượng phước đức: "Số lượng như thế này là phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc". Chúng chỉ có thể gọi được là vô số, vô lượng, đại uẩn phước đức.
5) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, thật không dễ đếm được số lượng nước trong biển lớn là có bao nhiêu thùng, hay có bao nhiêu trăm thùng, hay có bao nhiêu trăm ngàn thùng. Chúng chỉ có thể gọi được là vô số, vô lượng nước lớn tụ tập. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu bốn phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc này, thật không dễ gì đếm được số lượng phước đức: "Số lượng như thế này là phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc". Chúng chỉ có thể gọi được là vô số, vô lượng, đại uẩn phước đức.
6) Thế Tôn nói như vầy:
Là đại dương, đại hải,
Nước mênh mông rộng lớn,
Ðầy rẫy những hãi hùng,
Chứa vô lượng trân châu,
Phục vụ trăm ngàn người,
Các con sông lớn, nhỏ,
Chúng tuôn chảy ồ ạt,
Chúng đổ về bể khơi.
Cũng vậy là những người,
Thí đồ ăn, uống, vải,
Bố thí giường, chỗ ngồi,
Mền, nệm, các đồ nằm,
Vô lượng nguồn phước đức,
Từ kẻ trí tuôn chảy,
Như sông hồ đầy nước,
Chảy tuôn ra bể cả.
II. Sung Mãn(2) (S.v,401)
1) ...
2) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc này. Thế nào là bốn?
3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật... đối với Pháp... đối với chúng Tăng... trú ở gia đình, với tâm thoát khỏi cấu uế của xan tham, bố thí dễ dàng, bàn tay rộng mở, thích thú từ bỏ, đáp ứng điều yêu cầu, thích thú chia xẻ vật bố thí. Ðây là phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc thứ tư. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là bốn phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc.
4) ... (như đoạn số 4, kinh trên) ...
5) Ví như, tại chỗ mà các con sông lớn này gặp nhau, nhập vào một dòng với nhau, ví như sông Hằng, sông Yamunà, sông Aciravati, sông Sarabhuu, sông Mahi, thật không dễ gì đếm được số lượng nước tại chỗ ấy là có bao nhiêu thùng, bao nhiêu trăm thùng, bao nhiêu trăm ngàn thùng. Chúng chỉ có thể gọi được là vô số, vô lượng nước lớn tụ tập... đại uẩn phước đức.
6) Thế Tôn nói như vầy:
... (giống như hai bài kệ kinh trên) ...
III. Sung Mãn(3) (S.v,401)
1) ...
2) ... (như đoạn số 2, kinh trên) ...
3) ... (đoạn đầu giống kinh trên về đối với Phật, Pháp, Tăng... ) có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sanh diệt (các pháp), trí tuệ các bậc Thánh thể nhập (các pháp), đưa đến chơn chánh đoạn tận khổ đau. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là bốn phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc.
4) ... (như đoạn số 4, kinh trước) ...
5) Thế Tôn thuyết như vầy:
Ai ước muốn phước đức,
Vững trú trên điều thiện,
Tu tập theo con đường,
Ðưa đến đạt bất tử,
Chứng được lõi của pháp,
Thích thú đoạn lậu hoặc,
Vị ấy không run sợ,
Khi nghĩ đến thần chết.
IV. Rất Giàu Hay Giàu(1) (S.v,402)
1) ...
2) -- Thành tựu bốn pháp, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử được gọi là giàu, rất giàu, có tài sản lớn, có danh xưng lớn. Thế nào là bốn?
3) ... (như các kinh trước, nói về tịnh tín bất động đối với ba ngôi báu và các giới) ...
4) Thành tựu bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử được gọi là giàu, rất giàu, có tài sản lớn, có danh xưng lớn.
V. Rất Giàu Hay Giàu(2) (S.v,402)
... (giống như kinh trước) ...
VI. Tỷ-Kheo Hay Thanh Tịnh(S.v,403)
1) ...
2) -- Thành tựu bốn pháp, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ. Thế nào là bốn?
3) ... (như các kinh trước, nói về tịnh tín đối với ba ngôi báu và các giới) ...
4) Thành tựu bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ.
VII. Nandiya(S.v,403)
1) Nhân duyên ở Kapilavatthu.
2) Thế Tôn nói với họ Thích Nandiya đang ngồi một bên: "Thành tựu bốn pháp này, này Nandiya, vị Thánh đệ tử là bậc Dự lưu... giác ngộ. Thế nào là bốn?".
3) ... (thành tựu tịnh tín đối với Ba Ngôi Báu và các giới) ...
4) ... (như đoạn số 4, kinh trước) ...
VIII. Bhaddiya(S.v,403)
... (như kinh trước, chỉ khác, đây là họ Thích Bhaddiya ) ...
IX. Mahànàma(S.v,404)
... (như kinh trước, chỉ khác, đây là họ Thích Mahànàma ) ...
X. Phần(S.v,404)
1) ...
2) -- Có bốn Dự lưu phần này, này các Tỷ-kheo. Thế nào là bốn?
3) Thân cận bậc Chân nhân, nghe diệu pháp, như lý tác ý, thực hành pháp và tùy pháp.
4) Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là bốn Dự lưu phần.