Chương Bốn - Bốn Pháp

Phẩm I

(C) (Cat. I) (It. 101)

Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:

Này các Tỷ-kheo, Ta là Bà-la-môn, người được đến yêu cầu, tay luôn luôn thanh tịnh, mang thân cuối cùng, vô thượng y sĩ chữa trị, y sĩ giải phẫu. Các Thầy thật là con của Ta từ miệng sanh, từ Pháp sanh, từ Pháp tạo thành, thừa tự Pháp, không thừa tự tài vật.

Này các Tỷ-kheo, có hai loại bố thí. Bố thí tài vật và bố thí Pháp. Này các Tỷ-kheo, đây là tối thượng trong hai bố thí này, tức là bố thí Pháp. Này các Tỷ-kheo, có hai loại phân phát này, phân phát tài vật và phân phát Pháp. Này các Tỷ-kheo, đây là tối thượng trong hai phân phát này, tức là phân phát Pháp.

Này các Tỷ-kheo, có hai nhiêu ích này, nhiêu ích tài vật và nhiêu ích Pháp. Này các Tỷ-kheo, đây là tối thượng trong hai nhiêu ích này, tức là nhiêu ích Pháp. Này các Tỷ-kheo, có hai loại tế tự này. Tế tự tài vật và tế tự Pháp. Này các Tỷ-kheo, đây là tối thượng trong hai tế tự này, tức là tế tự Pháp.

Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.

Ai tế tự Chánh pháp,
Tế tự, không xan tham,
Như Lai có lòng từ,
Ðối tất cả sinh vật,
Bậc tối thắng như vậy,
Giữa chư Thiên loài Người,
Chúng sanh kính đảnh lễ,
Vị đã vượt qua được,
Vượt qua dòng sanh hữu,
Ðến được bờ bên kia.

Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.

(CI) (Cat. 2) (It. 102)

Này các Tỷ-kheo, có bốn pháp này ít oi, dễ được và không có phạm lỗi. Thế nào là bốn? Trong các loại y, này các Tỷ-kheo, y phấn tảo lượm từ đống rác là ít oi, dễ được và không phạm lỗi. Trong các loại, để ăn, này các Tỷ-kheo, đi khất thực từng miếng là ít oi, dễ được và không có phạm lỗi. Trong các sàng tọa, này các Tỷ-kheo, gốc cây là ít oi, dễ được và không có phạm lỗi. Trong các loại dược phẩm, này các Tỷ-kheo, nước tiểu hôi là ít oi, dễ được, không có phạm lỗi. Này các Tỷ-kheo, có bốn loại ít oi, dễ được, không có phạm lỗi nào. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo biết đủ, với các loại ít oi, dễ được này, Ta tuyên bố rằng đây là một chi phần Sa-môn hạnh của vị ấy.

Biết đủ với sự vật,
Ít oi, dễ tìm được,
Lại không có phạm tội,
Tâm không bị phiền nhiễu,
Về vấn đề sàng tọa,
Y áo và ăn uống;
Tâm không bị lo lắng,
Về phương hướng phải đi,
Các pháp được tuyên bố,
Thuận lợi Sa-môn hạnh,
Họ được có đầy đủ,
Với Tỷ-kheo biết đủ,
Với vị không phóng dật.

(CII) (Cat. 3) (It. 103)

Này các Tỷ-kheo, Ta thuyết sự diệt tận các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy, không phải cho người không biết, cho người không thấy. Và này các Tỷ-kheo, cho người biết gì, cho người thấy gì là sự diệt tận các lậu hoặc?

Này các Tỷ-kheo, cho người biết, cho người thấy rằng: "Ðây là Khổ ", là sự diệt tận các lậu hoặc. Này các Tỷ-kheo, cho người biết, cho người thấy rằng: "Ðây là Khổ tập ", là sự diệt tận các lậu hoặc. Này các Tỷ-kheo, cho người biết, cho người thấy rằng: "Ðây là khổ diệt " Là sự diệt tận các lậu hoặc. Như vậy, này các Tỷ-kheo, cho người biết, cho người thấy, "Ðây là Con đường đưa đến khổ diệt ". là sự diệt tận các lậu hoặc. Như vậy này các Tỷ Kheo cho người biết cho người thấy là sự diệt tận các lậu hoặc.

Vị hữu học học tập,
Hành trì đường chánh trực,
Trong diệt tận ác pháp,
Là trí bậc thứ nhất,
Tiếp đến là chánh trí,
Chánh trí này vô thượng,
Tiếp theo chánh trí ấy,
Chính là sự giải thoát,
Giải thoát trí vô thượng,
Trong diệt tận, trí khôn,
Với các loại, kiết sử,
Ðược đoạn tận ở đây,
Không phải kẻ biếng nhác,
Kẻ ngu, không biết gì,
Có thể chứng ngộ được
Niết-bàn vô thượng này,
Sự giải thoát hoàn toàn,
Tất cả mọi trói buộc
.

(CIII) (Cat. 4) (It. 104)

Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào không như thật quán tri: "Ðây là Khổ", không như thật quán tri: "Ðây là Khổ tập", không như thật quán tri: "Ðây là Khổ diệt", không như thật quán tri: "Ðây là Con đường đưa đến khổ diệt". Những Sa-môn, Bà-la-môn ấy, này các Tỷ-kheo, không được Ta chấp nhận là Sa-môn trong các hàng Sa-môn, hay là Bà-la-môn trong các Bà-la-môn. Và các vị Tôn giả ấy, ngay trong hiện tại cũng không tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú mục đích Sa-môn hạnh hay mục đích Bà-la-môn hạnh.

Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, như thật quán tri: "Ðây là Khổ", như thật quán tri: "Ðây là Khổ tập", như thật quán tri: "Ðây là Khổ diệt", như thật quán tri: "Ðây là Con đường đưa đến khổ diệt", thời này các Tỷ-kheo, các Sa-môn hay Bà-la-môn ấy được Ta chấp nhận là Sa-môn trong các hàng Sa-môn, hay Bà-la-môn trong các hàng Bà-la-môn. Và các vị Tôn giả ấy ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú mục đích Sa-môn hạnh hay mục đích Bà-la-môn hạnh.

Những ai không quán tri,
Khổ và khổ hiện hữu,
Ở đấy, khổ hoàn toàn,
Ðược đoạn tận, không dư,
Và không biết đường ấy,
Ðưa đến chỉ tịnh khổ,
Những vị ấy không có
Tâm và tuệ giải thoát,
Họ không thể chấm dứt,
Phải đi đến sanh già.

Những vị nào quán tri,
Khổ và khổ tập khởi,
Ở đấy, khổ hoàn toàn,
Ðược đoạn tận, không dư;
Rõ biết con đường ấy,
Ðưa đến chỉ tịnh khổ,
Tâm giải thoát thành tựu,
Và cả tuệ giải thoát,
Họ có thể chấm dứt,
Không đi đến sanh già
.

(CIV) (Cat. 5) (It. 106)

Này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo nào đầy đủ giới, đầy đủ định, đầy đủ tuệ, đầy đủ giải thoát, đầy đủ giải thoát tri kiến, những vị giáo giới, những vị giảng dạy, những vị tuyên bố, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, những bậc xứng đáng thuyết minh diệu pháp, này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng chỉ thấy các vị như vậy là lợi ích nhiều cho các Tỷ-kheo ấy; này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng chỉ nghe các vị như vậy là lợi ích nhiều cho các Tỷ-kheo ấy; này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng chỉ đi đến yết kiến các vị như vậy là lợi ích nhiều cho các Tỷ-kheo ấy; này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng chỉ thân cận các vị như vậy là lợi ích nhiều cho các Tỷ-kheo ấy; này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng chỉ nhớ nghĩ đến các vị như vậy là lợi ích nhiều cho các Tỷ-kheo ấy. Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng chỉ tùy theo các vị như vậy xuất gia là lợi ích nhiều cho các Tỷ-kheo ấy. Vì cớ sao?

Này các Tỷ-kheo, khi phục vụ, chia sẻ, thân cận những Tỷ-kheo như vậy, thời giới uẩn chưa được đầy đủ đi đến được tu tập đầy đủ, định uẩn chưa được đầy đủ đi đến được tu tập đầy đủ, tuệ uẩn chưa được đầy đủ đi đến tu tập đầy đủ, giải thoát uẩn chưa được đầy đủ, đi đến được tu tập đầy đủ, giải thoát tri kiến uẩn chưa được đầy đủ đi đến được tu tập đầy đủ. Này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo như vậy được gọi là những bậc Ðạo sư, được gọi là những người cầm đầu đoàn lữ hành, được gọi là những vị đã từ bỏ những nguyên nhân tác hại, được gọi là những vị quét sạch tối tăm, được gọi là những vị tác thành minh, được gọi là những vị tác thành quang; được gọi là những vị tác thành ánh sáng, được gọi là những vị cầm bó đuốc, được gọi là những vị phóng quang, được gọi là những bậc Thánh, được gọi là những người có mắt.

Ðây là căn cứ địa
Những vị phóng hào quang,
Chính nhờ hiểu biết vậy,
Tức là, đối tự ngã,
Những vị có tu tập,
Là những bậc Hiền Thánh,
Sống đúng theo Chánh pháp,
Họ chói sáng diệu pháp,
Họ nói lên diệu pháp,
Họ phóng được hào quang
Là những bậc có trí,
Tác thành ra ánh sáng,
Họ là người có mắt,
Họ từ bỏ nguyên nhân
Tạo ra điều tác hại,
Bậc trí với chánh trí,
Nghe lời dạy vị ấy,
Do thắng tri sanh diệt,
Không đi đến tái sanh.

(CV) (Cat. 6) (It. 109)

Này các Tỷ-kheo, có bốn sự sanh khởi này của ái, ở đây ái sanh khởi lên cho Tỷ-kheo. Thế nào là bốn? Do nhân y áo, này các Tỷ-kheo, ái sanh khởi cho Tỷ-kheo. Do nhân đồ ăn khất thực, này các Tỷ-kheo, ái khởi sanh cho Tỷ-kheo. Do nhân sàng tọa, này các Tỷ-kheo, ái khởi sanh cho Tỷ-kheo. Do nhân sanh hữu, không sanh hữu, này các Tỷ-kheo, ái sanh khởi cho Tỷ-kheo. Này các Tỷ-kheo, có bốn sự sanh khởi này của ái. Ở đây, ái sanh khởi lên cho Tỷ-kheo.

Người có ái làm bạn,
Bị luân hồi dài dài,
Nó không vượt luân hồi,
Ðời này qua đời khác.
Do biết nguy hại vậy,
Ái tác thành ra khổ,
Không còn có khát ái,
Không còn có chấp trước,
Vị Tỷ-kheo chánh niệm
Du hành khắp đó đây
.

(CVI) (Cat. 7) (It. 109)

Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, trong ấy các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận ngang bằng với Phạm thiên. Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, trong ấy các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận như các đạo sư thời xưa. Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, trong ấy con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận là đáng được cúng dường.

Phạm thiên, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Các đạo sư thời xưa, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Ðáng được cúng dường, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Vì cớ sao? Giúp đỡ rất nhiều, này các Tỷ-kheo, là mẹ cha đối với con cái, nuôi chúng lớn, dưỡng dục chúng, giới thiệu chúng vào đời.

Mẹ cha gọi Phạm thiên,
Bậc Ðạo Sư thời trước,
Xứng đáng để con cháu,
Nuôi dưỡng và cúng dường.
Do vậy, bậc hiền triết,
Ðảnh lễ và tôn trọng,
Dâng đồ ăn đồ uống,
Vải mặc và giường nằm,
Thoa bóp cả thân mình,
Tắm rửa cả chân tay,
Với sở hành như vậy,
Ðối với mẹ và cha,
Ðời này người hiền khen,
Dời sau hưởng Thiên lạc
.

Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.

(CVII) (Cat. 8) (It. 111)

Này các Tỷ-kheo, các Bà-la-môn gia chủ rất có lợi ích cho các Thầy, chính họ đã sắp đặt y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh cho các Thầy. Này các Tỷ-kheo, các Thầy cũng rất có lợi ích cho các người Bà-la-môn gia chủ, vì các Thầy thuyết pháp cho họ, pháp ấy sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa có văn, nói lên Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Phạm hạnh này được sống, do tương duyên với nhau, với mục đích vượt qua dòng nước mạnh, đoạn tận khổ đau.

Có nhà và không nhà,
Cả hai nương tựa nhau,
Chứng đạt được diệu pháp,
Ách an ổn, vô thượng,
Từ các vị có nhà,
Vị không nhà nhận được
Y áo, các vật dụng,
Giường nằm và chỗ ngồi,
Nhờ vậy tránh khỏi được,
Các nguy hiểm nhọc nhằn.
Các vị trú gia đình,
Ước mong mến gia đình,
Nương tựa bậc Thiện Thệ,
Lòng tin bậc Ứng Cúng,
Lòng tin Thánh trí tuệ,
Họ tu tập thiền định,
Ở đây, hành trì pháp,
Con đường đến cõi lành,
Hân hoan trong thiên giới,
Họ sống được hoan hỷ,
Như điều họ mong muốn
.

(CVIII) (Cat. 9) It. 112)

Này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo nào lừa đảo ngoan cố, lắm mồm, lắm miệng, buông thả hỗn hào vô lễ không định tỉnh, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo ấy không phải đệ tử của Ta; này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo ấy rơi khỏi Pháp và Luật này; và này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo ấy không đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, tăng rộng trong Pháp và Luật này. Và này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo nào không lừa đảo, không lắm mồm, lắm miệng, nghiêm trang, không ngoan cố, khéo định tĩnh; này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo ấy là đệ tử của Ta; này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo ấy không rơi khỏi Pháp và  Luật này; và này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo ấy đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, tăng rộng trong Pháp và Luật này.

Lừa đảo và ngoan cố,
Lắm mồm và buông thả,
Hỗn hào không định tĩnh,
Những hạng người như vậy,
Không lớn mạnh trong Pháp,
Ðược bậc Chánh giác giảng.
Không lừa đảo lắm mồm,
Nghiêm trang và bình tĩnh
Không ngoan cố, khéo định,
Họ lớn mạnh trong Pháp,
Ðược bậc Chánh giác giảng.

(CIX) (Cat. 10) (It. 113)

Này các Tỷ-kheo, ví như có người bị dòng sông cuốn trôi, dòng sông đẹp đẽ, dễ thương. Có người có mắt, đứng trên bờ thấy người ấy, nói rằng: "Này người kia, tuy người bị cuốn trôi bởi dòng sông đẹp đẽ dễ thương nhưng ở dưới kia có một cái hồ, đầy sóng và nước xoáy, đầy cá sấu và quỷ Dạ-xoa; nếu Ông đến chỗ ấy, Ông sẽ bị chết, hay đau khổ gần như chết. Rồi người ấy, sau khi nghe tiếng của người kia, liền với tay và với chân, bơi ngược dòng".

Này các Tỷ-kheo, Ta ví dụ này là để giải thích ý nghĩa. Ở đây, ý nghĩa là như sau: "Dòng sông, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với ái. Sắc khả ái dễ thương, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với sáu nội xứ. Cái hồ ở dưới, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với năm hạ phần kiết sử. Sóng, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với phẫn nộ, ưu não. Nước xoáy, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với năm dục tăng trưởng. Cá sấu, với quỷ Dạ-xoa, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với đàn bà; ngược dòng, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa xuất ly. Tinh tấn với tay với chân là đồng nghĩa với tinh cần tinh tấn. Người có mắt đứng trên bờ, này các Tỷ-kheo, là Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác".

Cùng với sự đau khổ,
Hãy từ bỏ các dục,
Mong cầu trong tương lai,
An ổn khỏi khổ ách,
Chơn chánh hiểu biết rõ,
Tâm khéo được giải thoát,
Tại đấy, ở tại đấy,
Cảm xúc được giải thoát,
Vị ấy đạt hiểu biết,
Phạm hạnh được thành tựu,
Ðến tận cùng thế giới,
Ðến được bờ bên kia.
Vị ấy được gọi vậy.

(CX) (Cat. 11) (It. 115)

Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo khi đang đi khởi lên dục tầm, sân tầm hay hại tầm, nếu Tỷ-kheo chấp nhận không có từ bỏ, không có tẩy sạch, không có chấm dứt, không đi đến, không hiện hữu. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo đang đi có sở hành như vậy, vị ấy được gọi là người không có nhiệt tình, không có sợ hãi, liên tục thường hằng biếng nhác, tinh tấn hạ liệt.

Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo khi đang đứng.... khi đang ngồi... khi đang nằm thức khởi lên dục tầm, hay sân tầm, hay hại tầm. Nếu Tỷ-kheo chấp nhận, không có từ bỏ, không có tẩy sạch, không có chấm dứt, không đi đến, không hiện hữu, này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo khi đang nằm thức có sở hành như vậy, vị ấy được gọi là vị không có nhiệt tình, không có sợ hãi, liên tục thường hằng biếng nhác, tinh tấn hạ liệt.

Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo khi đang đi khởi lên dục tầm, sân tầm hay hại tầm; nếu Tỷ-kheo không chấp nhận, từ bỏ, tẩy sạch, chấm dứt, đi đến không hiện hữu; thì này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo khi đang đi có sở hành như vậy, vị ấy là có nhiệt tình, có sợ hãi, liên tục thường hằng tinh cần tinh tấn, siêng năng. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo khi đang ngồi. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo khi đang nằm thức khởi lên dục tầm, sân tầm hay hại tầm, nếu Tỷ-kheo không chấp nhận, từ bỏ, tẩy sạch, chấm dứt, đi đến không hiện hữu... thì này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo khi đang nằm thức có sở hành như vậy, vị ấy được gọi là vị có nhiệt tình, có sợ hãi, liên tục thường hằng tinh cần tinh tấn, siêng năng.

Khi đi hoặc khi đứng,
Khi ngồi hay khi nằm,
Khởi lên ác tâm tư,
Liên hệ đến gia đình,
Thực hành theo ác đạo,
Mờ ám bởi si mê,
Vị Tỷ-kheo như vậy,
Không chứng Vô thượng giác.
Ai khi đi, khi đứng,
Khi ngồi hay khi nằm,
Tập trung được tâm tư,
Ưa thích tầm chỉ tịnh,
Vị Tỷ-kheo như vậy,
Chứng được Vô thượng giác.

(CXI) (Cat. 12) (5 It. 118)

Này các Tỷ-kheo, hãy sống đầy đủ giới, đầy đủ giới bổn Pàtimokkha, được chế ngự với chế ngự giới bổn Pàtimokkha. Hãy sống đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp. Ðã sống đầy đủ giới, này các Tỷ-kheo, đầy đủ giới bổn Pàtimokkha, được chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Pàtimokkha, sống đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp, còn có gì cần phải làm thêm nữa?

Nếu Tỷ-kheo trong khi đi, tham, sân được từ bỏ, hôn trầm thụy miên được từ bỏ, trạo hối được từ bỏ, nghi được đoạn tận, tinh cần tinh tấn, không có thụ động, niệm được an trú không có thất niệm, thân được khinh an không có cuồng nhiệt, tâm được định tĩnh nhất tâm. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo trong khi đi có sở hành như vậy, vị ấy được gọi là người có nhiệt tâm, có sợ hãi liên tục thường hằng tinh tấn, siêng năng.

Nếu Tỷ-kheo trong khi đứng... nếu Tỷ-kheo trong khi ngồi... nếu Tỷ-kheo trong khi nằm, thức, tham được trừ bỏ, sân được từ bỏ, hôn trầm thụy miên được từ bỏ, trạo hối được từ bỏ, nghi được đoạn tận, tinh cần tinh tấn, không có thụ động, niệm được an trú, không có thất niệm, thân được khinh an, không có cuồng nhiệt, tâm được định tĩnh, nhất tâm. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo trong khi đang nằm thức có sở hành như vậy, vị ấy được gọi là người nhiệt tâm, có sợ hãi, liên tục thường hằng, tinh tấn, siêng năng.

Ði đứng biết tự chế,
Ngồi nằm biết tự chế,
Tỷ-kheo biết tự chế,
Khi co tay, duỗi tay.
Phía trên, ngang, cùng khắp,
Xa cho đến cùng tột,
Bất cứ sanh thú nào,
Ở tại thế giới này,
Khéo quán sát sanh diệt,
Của tất cả pháp uẩn,
Sống như vậy nhiệt tâm,
Tâm chỉ tịnh, đúng pháp,
Tâm an tịnh, không động,
Thường xuyên chuyên học tập,
Liên tục, thường siêng năng,
Tỷ-kheo được gọi vậy.

(CXII) (Cat. 13) (It. 121)

Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến và tôi đã được nghe:

Này các Tỷ-kheo, thế giới được Như Lai Chánh đẳng giác. Như Lai không hệ lụy đối với đời. Này các Tỷ-kheo, thế giới tập khởi được Như Lai Chánh đẳng giác; thế giới tập khởi được Như Lai đoạn tận. Này các Tỷ-kheo, thế giới đoạn diệt được Như Lai chánh đẳng giác; thế giới đoạn diệt được Như Lai giác ngộ. Này các Tỷ-kheo, con đường đưa đến thế giới đoạn diệt được Như Lai chánh đẳng giác; con đường đưa đến thế giới đoạn diệt Như Lai đã tu tập.

Cái gì này các Tỷ-kheo, trong toàn thế giới với Thiên giới, Mạ giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, được thấy, được nghe, được thọ tưởng, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu, được ý tư sát, tất cả đều được Như Lai chánh đẳng giác. Do vậy được gọi là Như Lai. Này các Tỷ-kheo, từ đêm Như Lai chứng ngộ Vô thượng Chánh đẳng giác đến đêm Ngài nhập Niết-bàn không có dư y trong thời gian ấy, điều gì Ngài nói, tuyên bố, nêu rõ lên tất cả là như vậy, không có khác được. Do vậy Ngài được gọi là Như Lai.

Này các Tỷ-kheo, Như Lai nói gì làm vậy, làm gì nói vậy. Vì rằng nói gì làm vậy, làm gì nói vậy, nên Ngài được gọi Như Lai.

Này các Tỷ-kheo, trong toàn thể thế giới, Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, Như Lai là bậc chiến thắng, không bị ai chiến bại, toàn tri, toàn kiến, đại tự tại, do vậy Ngài được gọi là Như Lai.

Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây điều này được nói đến:

Thắng tri mọi thế giới,
Mọi thế giới như thật,
Ly hệ mọi thế giới,
Không giống mọi thế giới.
Thắng tất cả bậc trí,
Giải thoát mọi buộc ràng.
Cảm thọ tối thắng tịnh,
Niết-bàn, không sợ hãi,
Vị này đoạn lậu hoặc,
Bậc giác ngộ trí giả,
Không dao động nhiễu loạn,
Nghi ngờ được chặt đứt,
Ðạt diệt tận mọi nghiệp
Giải thoát diệt sanh y,
Là Thế Tôn, là Phật
Bậc Sư tử vô thượng,
Trong thế giới thiên giới
Chuyển bánh xe Phạm luân.
Như vậy loài Trời, Người,
Ðến quy y đức Phật,
Gặp nhau, đảnh lễ Ngài,
Vĩ đại không sanh hữu,
Ðiều phục, bậc Tối thượng,
Trong người được điều phục
An tịnh, bậc ẩn sĩ,
Những người được an tịnh.
Giải thoát bậc tối thượng,
Những người được giải thoát
Vượt qua bậc tối thắng,
Những người được vượt qua.
Như vậy họ lễ Ngài
Vĩ đại, không sanh hữu,
Thiên giới, thế giới này,
Không ai được bằng Ngài.

Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.