(I) (91) Các A Tu La
- Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?
A-tu-la với quyến thuộc A-tu-la, A-tu-la với quyến thuộc chư Thiên; chư Thiên với quyến thuộc A-tu-la; chư Thiên với quyến thuộc chư Thiên.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người A-tu-la với quyến thuộc A-tu-la?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người ác giới, theo ác pháp, hội chúng của người ấy cũng ác giới, theo ác pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người A-tu-la với quyến thuộc A-tu-la.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người A-tu-la với quyến thuộc chư Thiên?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người ác giới, theo ác pháp, nhưng hội chúng của người ấy có giới, theo pháp hành. Như vậy này các Tỷ-kheo, là hạng người A-tu-la với quyến thuộc chư Thiên.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người chư Thiên với quyến thuộc A-tu-la?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người giữ giới, theo pháp lành, còn hội chúng của người ấy ác giới, theo ác pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người chư Thiên với quyến thuộc A-tu-la.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng chư Thiên với quyến thuộc chư Thiên?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người có giới, theo pháp lành, và hội chúng của người ấy cũng có giới, theo pháp lành. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người chư Thiên với quyến thuộc chư Thiên.
Bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời.
(II) (92) Ðịnh (1)
- Có bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người được nội tâm chỉ, nhưng không được tăng thượng tuệ pháp quán. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người được tăng thượng tuệ pháp quán, nhưng không được nội tâm chỉ. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không được nội tâm chỉ, cũng không được tăng thượng tuệ pháp quán. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người được nội tâm chỉ và cũng được tăng thượng tuệ pháp quán.
Này các Tỷ-kheo, bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời.
(III) (93) Ðịnh (2)
- Có bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người được nội tâm chỉ, không được tăng thượng tuệ pháp quán. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người được tăng thượng tuệ pháp quán, nhưng không được nội tâm chỉ. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không được nội tâm chỉ, không được tăng thượng tuệ pháp quán. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người được nội tâm chỉ, cũng được tăng thượng tuệ pháp quán.
Tại đấy, này các Tỷ-kheo, hạng người này được nội tâm chỉ, không được tăng thượng tuệ pháp quán. Sau khi người ấy an trú nội tâm chỉ, chú tâm thực hành tăng thượng tuệ pháp quán, người ấy, sau một thời gian được nội tâm chỉ, và được tăng thượng tuệ pháp quán.
Tại đấy, này các Tỷ-kheo, hạng người này được tăng thượng tuệ pháp quán, không được nội tâm chỉ. Sau khi người ấy an trú trên tăng thượng tuệ pháp quán, chú tâm thực hành nội tâm chỉ; người ấy sau một thời gian được tăng thượng tuệ pháp quán, và được nội tâm chỉ.
Tại đấy, này các Tỷ-kheo, hạng người này, không được nội tâm chỉ, không được tăng thượng tuệ pháp quán. Người ấy, này các Tỷ-kheo, để chứng đắc các thiện pháp ấy, cần phải thực hiện tăng thượng ý muốn, tinh tấn, cố gắng, nỗ lực, tâm không thối chuyển, chánh niệm, tỉnh giác.
Ví như, này các Tỷ-kheo, khi khăn bị cháy hay đầu bị cháy, và để dập tắt khăn và đầu, cần phải thực hiện tăng thượng ý muốn, tinh tấn, cố gắng, nỗ lực, tâm không thối chuyển, chánh niệm, tỉnh giác. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, người ấy, để chứng đắc các thiện pháp ấy, cần phải thực hiện tăng thượng ý muốn, tinh tấn, cố gắng, nỗ lực, tâm không thối chuyển, chánh niệm, tỉnh giác. Sau một thời gian, vị ấy thành người có được nội tâm chỉ và tăng thượng tuệ pháp quán.
Tại đấy, này các Tỷ-kheo, hạng người này có được nội tâm chỉ, có được tăng thượng tuệ pháp quán, người ấy, này các Tỷ-kheo, sau khi an trú trong các thiện pháp ấy, cần phải chú tâm tu tập hơn nữa để đoạn diệt các lậu hoặc.
Này các Tỷ-kheo, bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời.
(IV) (94) Thiền Ðịnh
- Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người chứng được nội tâm chỉ, không chứng được tăng thượng tuệ pháp quán. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người chứng được tăng thượng tuệ pháp quán, không chứng được nội tâm chỉ. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không chứng được nội tâm chỉ, không chứng được tăng thượng tuệ pháp quán. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người chứng được nội tâm chỉ, chứng được tăng thượng tuệ pháp quán.
Tại đây, này các Tỷ-kheo, hạng người này chứng được nội tâm chỉ...(xem 93, 2).Sau khi đi đến hạng người chứng được tăng thượng tuệ pháp quán, người này cần phải nói như sau: "Thưa Hiền giả, các hành cần phải thấy thế nào, các hành cần phải biết thế nào, các hành cần phải quán thế nào?". Người ấy trả lời cho vị này: "Như đã được thấy, như đã được biết, như vậy, này Hiền giả, các hành cần phải được thấy; như vậy, các hành cần phải được biết; như vậy, các hành cần phải quán". Vị này sau một thời gian, chứng được nội tâm chỉ, chứng được tăng thượng tuệ pháp quán.
Tại đấy, này các Tỷ-kheo, hạng người này chứng được tăng thượng tuệ pháp quán, không chứng được nội tâm chỉ. Người này sau khi đi đến hạng người chứng được nội tâm chỉ này, cần phải nói như sau: "Thưa Hiền giả, tâm cần phải an lập thế nào? Tâm cần phải an trú thế nào. Tâm cần phải nhứt tâm thế nào? Tâm cần phải định tĩnh thế nào? Người ấy trả lời cho vị này: "Như đã được thấy, như đã được biết, như vậy, thưa Hiền giả, tâm cần phải an lập; như vậy, tâm cần phải an trú; như vậy, tâm cần phải nhứt tâm; như vậy, tâm cần phải định tĩnh." Vị ấy sau một thời gian, chứng được tăng thượng tuệ pháp quán, chứng được nội tâm chỉ.
Tại đấy, này các Tỷ-kheo, hạng người này không chứng được nội tâm chỉ, không chứng được tăng thượng tuệ pháp quán. Người này, này các Tỷ-kheo, sau khi đi đến hạng người chứng nội tâm chỉ, chứng được tăng thượng tuệ pháp quán, người này cần phải nói như sau: "Thưa Hiền giả, tâm cần phải an lập thế nào? Tâm cần phải an trú thế nào? Tâm cần phải nhứt tâm thế nào? Tâm cần phải định tĩnh thế nào? Các hành cần phải thấy thế nào? Các hành cần phải biết thế nào? Các hành cần phải quán thế nào?" Người ấy trả lời cho vị này: "Như đã được thấy, như đã được biết, như vậy, này Hiền giả, tâm cần phải an lập; như vậy, tâm cần phải an trú. Như vậy, tâm cần phải nhứt tâm; như vậy, tâm cần phải định tĩnh; như vậy, các hành cần phải thấy; như vậy, các hành cần phải biết; như vậy, các hành cần phải quán". Vị ấy, sau một thời gian chứng được nội tâm chỉ, chứng được tăng thượng tuệ pháp quán.
Tại đấy, này các Tỷ-kheo, hạng người này chứng được nội tâm chỉ, chứng được tăng thượng tuệ pháp quán. Vị này, này các Tỷ-kheo, sau khi an trú trong các thiện pháp, cần phải tu tập chú tâm vào sự đoạn diệt các lậu hoặc.
Này các Tỷ-kheo, bốn hạng người này có mặt hiện hữu ở đời.
(V) (95) Que Lửa
- Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?
Không hướng đến lợi mình, lợi người; hướng đến lợi người, không lợi mình; hướng đến lợi mình, không lợi người; hướng đến lợi mình và lợi người.
Ví như, này các Tỷ-kheo, một que lửa lấy từ đống lửa thiêu xác, hai đầu đều cháy đỏ, ở giữa được trét với phân, không có tác dụng là đồ chụm lửa ở làng, hay ở rừng. Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng người này giống như ví dụ ấy, tức là người không hướng đến lợi mình và lợi người.
Tại đây, này các Tỷ-kheo, hạng người này hướng đến lợi người, không lợi mình. Người này so với hạng người kia, vi diệu hơn, thù thắng hơn. Ở đây, này các Tỷ-kheo, hạng người này hướng đến lợi mình, không lợi người. Hạng người này so với hai hạng người kia, vi diệu hơn thù thắng hơn. Tại đây, này các Tỷ-kheo, hạng người này hướng đến lợi mình và lợi người, hạng người này so với ba hạng người trên, là tối thượng, tối thắng, thượng thủ, vô thượng và cực thắng.
Ví như, này các Tỷ-kheo, từ bò có sữa, từ sữa có lạc, từ lạc có sanh tô, từ sanh tô có thục tô, từ thục tô có đề hồ và đây gọi là tối thượng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, hạng người này hướng đến lợi mình và lợi người, hạng người này so với ba hạng người trên là tối thượng, tối thắng, thượng thủ, vô thượng và cực thắng.
Bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời.
(VI) (96) Lợi Mình (1)
- Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?
Hạng người hướng đến lợi mình, không lợi người; hạng người hướng đến lợi người, không lợi mình; hạng người không hướng đến lợi mình, không hướng đến lợi người; hạng người hướng đến lợi mình và lợi người.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người hướng đến lợi mình, không lợi người?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người hướng đến nhiếp phục tham cho mình, không khích lệ người khác nhiếp phục tham, hướng đến nhiếp phục sân cho mình... nhiếp phục si cho mình, không khích lệ người khác nhiếp phục si. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người hướng đến lợi mình, không lợi người.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người hướng đến lợi người, không lợi mình?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không hướng đến nhiếp phục tham cho tự mình, khích lệ nhiếp phục tham cho người, không hướng đến nhiếp phục sân cho tự mình... không hướng đến nhiếp phục si cho tự mình, khích lệ nhiếp phục si cho người. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người hướng đến lợi người, không lợi mình.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người không hướng đến lợi mình, không hướng đến lợi người?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không hướng đến nhiếp phục tham cho tự mình, không khích lệ người khác nhiếp phục tham, không nhiếp phục sân cho tự mình, không khích lệ người khác nhiếp phục sân... không nhiếp phục si cho tự mình, không khích lệ người khác nhiếp phục si. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người không hướng đến lợi mình, không hướng đến lợi người.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người hướng đến lợi mình và lợi người?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người hướng đến nhiếp phục tham cho tự mình, và khích lệ người khác nhiếp phục tham, hướng đến nhiếp phục sân cho tự mình... hướng đến nhiếp phục si cho tự mình và khích lệ người khác nhiếp phục si. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người hướng đến lợi ích cho mình và cho người.
Này các Tỷ-kheo, bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời.
(VII) (97) Lợi Ích Cho Mình (2)
(Như kinh (96), đoạn đầu)
- Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người hướng đến lợi mình, không lợi người?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người, mau mắn nhận xét trong các thiện pháp, thọ trì các pháp đã được nghe, suy tư ý nghĩa các pháp đã được thọ trì, sau khi hiểu nghĩa, hiểu pháp, thực hành pháp, tùy pháp; nhưng không phải là người thiện ngôn, khéo nói, dùng những lời tao nhã, phát âm chính xác, rõ ràng, khiến cho nghĩa lý được minh bạch; không phải là người thuyết giảng, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ các vị đồng Phạm hạnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người hướng đến lợi mình, không có lợi người.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người hướng đến lợi người, không có lợi mình?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không mau mắn nhận xét trong các thiện pháp, không thọ trì các pháp đã được nghe, không suy tư ý nghĩa các pháp đã được thọ trì, không có sau khi hiểu nghĩa, hiểu pháp, thực hành pháp tùy pháp; là người thiện ngôn, khéo nói, dùng những lời tao nhã, phát âm chính xác rõ ràng, khiến cho nghĩa lý được minh bạch; là người thuyết giảng, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ các vị đồng Phạm hạnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người hướng đến lợi người, không có lợi mình.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người, không hướng đến lợi mình và lợi người?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không có mau mắn nhận xét trong các thiện pháp... không có sau khi hiểu nghĩa, hiểu pháp, thực hành pháp, tùy pháp; không phải là người thiện ngôn, khéo nói... làm cho hoan hỷ các vị đồng Phạm hạnh. Như vậy này các Tỷ-kheo, là hạng người không hướng đến lợi mình và lợi người.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người hướng đến lợi mình và lợi người?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người mau mắn nhận xét trong các thiện pháp... sau khi hiểu nghĩa, hiểu pháp, thực hành pháp, tùy pháp. Là người thiện ngôn, khéo nói... làm cho hoan hỷ các vị đồng Phạm hạnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người hướng đến lợi mình và lợi người.
Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người có mặt, hiện hữu ở đời.
(VIII) (98) Lợi Mình(3)
- Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?
Hướng đến lợi mình, không lợi người; hướng đến lợi người, không lợi mình; không hướng đến lợi mình, lợi người; hướng đến lợi mình, lợi người.
Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời.
(IX) (99) Những Học Pháp
- Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?
Hướng đến lợi mình, không lợi người; hướng đến lợi người, không lợi mình; không hướng đến lợi mình, lợi người; hướng đến lợi mình, lợi người.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người hướng đến lợi mình, không lợi người?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người tự mình từ bỏ sát sanh, không khích lệ người khác từ bỏ sát sanh; tự mình từ bỏ lấy của không cho, không khích lệ người khác từ bỏ lấy của không cho; tự mình từ bỏ tà hạnh trong các dục, không khích lệ người khác từ bỏ tà hạnh trong các dục;... tự mình từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu; nhưng không khích lệ người khác từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người hướng đến lợi mình, không lợi người.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người hướng đến lợi người, không lợi mình?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người tự mình không từ bỏ sát sanh, khích lệ người khác từ bỏ sát sanh; tự mình không từ bỏ lấy của không cho;... tự mình không bỏ tà hạnh trong các dục;... tự mình không từ bỏ nói láo... tự mình không từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu; khích lệ người khác từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người hướng đến lợi người, không lợi mình.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người không hướng đến lợi mình, lợi người?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người tự mình không từ bỏ sát sanh, không khích lệ người khác từ bỏ sát sanh; tự mình không từ bỏ lấy của không cho;... tự mình không từ bỏ tà hạnh trong các dục;... tự mình không từ bỏ nói láo... tự mình không từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu; không khích lệ người khác từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người không hướng đến lợi mình, lợi người.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người hướng đến lợi mình, lợi người?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người tự mình từ bỏ sát sanh, khích lệ người khác từ bỏ sát sanh; tự mình từ bỏ lấy của không cho... tự mình từ bỏ tà hạnh trong các dục... tự mình từ bỏ nói láo... tự mình từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu, khích lệ người khác từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người hướng đến lợi mình và lợi người.
Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời.
(X) (100) Potaliya
Rồi du sĩ Potaliya đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với du sĩ Potaliya đang ngồi một bên:
- Này Potaliya, có bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?
Ở đây, này Potaliya, có hạng người nói lời không tán thán đối với người không đáng được tán thán, đúng sự kiện, đúng sự thật, đúng thời; không nói lời tán thán đối với hạng người đáng được tán thán, đúng sự kiện, đúng sự thật, đúng thời. Ở đây, này Potaliya, có hạng người nói lên lời tán thán hạng người đáng được tán thán, đúng sự kiện, đúng sự thật, đúng thời; không nói lời không tán thán đối với hạng người không đáng được tán thán, đúng sự kiện, đúng sự thật, đúng thời. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không nói lời không tán thán đối với hạng người không đáng được tán thán, đúng sự kiện, đúng sự thật, đúng thời; không nói lời tán thán đối với hạng người đáng được tán thán, đúng sự kiện, đúng sự thật, đúng thời. Ở đây, này Potaliya, có hạng người nói lời không tán thán đối với hạng người không đáng tán thán, đúng sự kiện, đúng sự thật, đúng thời; và nói lời tán thán đối với hạng người đáng được tán thán, đúng sự kiện, đúng sự thật, đúng thời.
Này Potaliya, có bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời. Này Potaliya, trong bốn hạng người này hạng người nào Ông chấp nhận là vi diệu hơn, thù thắng hơn?
- Thưa Tôn giả Gotama, có bốn hạng người này, có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?
Ở đây, thưa Tôn giả Gotama, có hạng người nói lời không tán thán đối với hạng người không đáng được tán thán... không nói lời tán thán đối với người xứng đáng được tán thán, đúng sự kiện, đúng sự thật, đúng thời. Ở đây, thưa Tôn giả Gotama, có hạng người nói lời tán thán đối với hạng người đáng được tán thán... không nói lời không tán thán đối với hạng người không đáng được tán thán, đúng sự kiện, đúng sự thật, đúng thời. Ở đây, thưa Tôn giả Gotama, có hạng người không nói lời không tán thán đối với hạng người không đáng được tán thán... không nói lời tán thán đối với hạng người được tán thán, đúng sự kiện, đúng sự thật, đúng thời.
Ở đây, thưa Tôn giả Gotama, có hạng người nói lời không tán thán đối với hạng người không đáng được tán thán, đúng sự kiện, đúng sự thật, đúng thời; nói lời tán thán đối với hạng người đáng được tán thán, đúng sự kiện, đúng sự thật, đúng thời. Thưa Tôn giả Gotama, có bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời. Trong bốn hạng người này, thưa Tôn giả Gotama, hạng người này không nói lời không tán thán đối với hạng người không đáng được tán thán, đúng sự kiện, đúng sự thật, đúng thời; không nói lời tán thán đối với hạng người xứng đáng được tán thán, đúng sự kiện, đúng sự thật, đúng thời, hạng người này đối với tôi đáng được chấp nhận là vi diệu hơn, thù thắng hơn trong bốn hạng người trên. Vì cớ sao? Thưa Tôn giả Gotama, thật là vi diệu tức là xả này.
- Này Potaliya, có bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?... Này Potaliya, có bốn hạng người này... ở trong đời. Này Potaliya, trong bốn hạng người này, này Potaliya, hạng người này, nói lời không tán thán đối với hạng người không đáng được tán thán, đúng sự kiện, đúng sự thật, đúng thời; nói lời tán thán đối với hạng người đáng được tán thán, đúng sự kiện, đúng sự thật, đúng thời, hạng người này vi hơn, thù thắng hơn, đối với bốn hạng người trên. Vì cớ sao? Này Potaliya, thật là vi diệu, tức là tại đây, tại đây rõ biết đúng thời.
- Thưa Tôn giả Gotama, có bốn hạng người... hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?... Thưa Tôn giả Gotama, có bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời. Trong bốn hạng người này, thưa Tôn giả Gotama, hạng người nói lời không tán thán đối với hạng người không đáng tán thán... nói lời tán thán đối với hạng người đáng được tán thán, đúng sự kiện, đúng sự thật, đúng thời; hạng người này, tôi chấp nhận là vi diệu hơn, thù thắng hơn bốn hạng người trên. Vì cớ sao? Thưa Tôn giả Gotama, thật là vi diệu tức là tại đây, tại đây rõ biết đúng thời. Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thật hy hữu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thưa Tôn giả Gotama, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống... để cho người có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, pháp được Tôn giả Gotama tuyên thuyết với nhiều pháp môn. Con nay xin quy y Tôn giả Gotama... từ nay cho đến trọn đời, con xin quy ngưỡng.