MỤC LỤC TRƯỜNG BỘ CHÚ LƯỢC
Vài lời xin thưa trước.
Tam tạng kinh điển
Về Trường Bộ Kinh
Stt | Trường Bộ | Ý chánh |
I. Phẩm Giới-Uẩn | ||
01 | Kinh Phạm Võng (Brahmajàla Sutta) | Lưới Phạm-võng bao trùm 62 kiến-chấp |
02 | Kinh Sa-môn quả (Sàmanna-Phala Sutta) | Các lợi-ích thiết-thực của Quả-vi Sa-môn |
03 | Kinh A-ma-trú (Ambbattha Sutta) | Chớ hãnh-diện về dòng-họ và giai-cấp |
04 | Kinh Chủng Ðức (Sonadanda Sutta) | Thế nào mới xứng danh là Bà-la-môn |
05 | Kinh Cứu-la-đàn-đầu (Kutadanta Sutta) | Cách tế-lễ được nhiều phước-đức. |
06 | Kinh Ma-ha-li (Mahàli Sutta) | Thắc-mắc về Thiên-âm và về mạng-căn. |
07 | Kinh Xa-li-da (Jàliya Sutta) | |
08 | Kinh Ca-diếp Sư tử hống (Kassapa-Sihanàda Sutta) | Thiếu-sót của việc tu Phạm-chí khổ-hạnh quá ép-xác |
09 | Kinh Bố-sá-ba-lâu (Potthapàda Sutta) | Cách diệt-tận các tư-tưởng. |
10 | Kinh Tu-ba (Subha Sutta) | Ba Thánh-uẩn: Giới, Định, Huệ. |
11 | Kinh Kiên-cố (Kevaddha Sutta) | Ba loại Thần-thông, thắc-mắc về tứ-đại. |
12 | Kinh Lô-già (Lohicca Sutta) | Phá tà-kiến 'đừng nói pháp cho kẻ khác'. |
13 | Kinh Tam Minh (Tevijja Sutta) | Con đường thẳng-tắp đi đến cõi Trời Phạm. |
II. Đại phẩm | ||
14 | Kinh Ðại Bổn (Mahà-Padàna Sutta) | Huyền-sử về đức Phật Tỳ-bà-thi (Vipassi) |
15 | Kinh Ðại Duyên (Mahà-Nidàna Sutta) | Pháp Duyên-Khởi |
16 | Kinh Ðại Bát-niết-bàn (Mahà-Parinibbàna Sutta) | Các ngày cuối-cùng của Phật Thích-ca |
17 | Kinh Ðại Thiện Kiến Vương (Mahà-Sudassana Sutta) | Tiền-thân đức Phật là vua Đại-Thiện-Kiến. |
18 | Kinh Xa-ni-sa (Janavasabha Sutta) | Nhờ tu theo Pháp Phật được tái-sanh cõi Trời |
19 | Kinh Ðại Ðiên-tôn (Mahà-Govinda Sutta) | So-sánh lối tu lên Trời và pháp-tu giải-thoát |
20 | Kinh Ðại Hội (Mahà-Samaya Sutta) | Tên chư Thiên đến hội để chiêm-ngưỡng Phật |
21 | Kinh Ðế-thích Sơ Vấn (Sakka-Tanha Sutta) | Vua Trời hỏi Phật 6 câu về sân và giải-thoát. |
22 | Kinh Ðại Niệm Xứ (Mahà-Satipatthàna Sutta) | Bốn phép quán-niệm: thân, thọ, tâm, pháp. |
23 | Kinh Tệ Túc (Pàyàsi Sutta) | Phá tà-kiến ''chẳng có Luân-hồi, quả-báo''. |
III. Phẩm Ba-lê-tử | ||
24 | Kinh Ba-lê (Pàtika Sutta) | Thần-thông và Khởi-nguyên của thế-giới |
25 | Kinh Ưu-đàm-bà-la Sư Tử Hống (Udumbarika-Sihanàdà Sutta) | Tà-giáo chẳng biết nghe lời giảng-dạy như sư-tử rống của đức Phật. |
26 | Kinh Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống (Cakkavatti Sihanàda Sutta) | Vua Chuyển-Luân là bực tu-hành Thánh-vương, vì trị nước theo Chánh-Pháp. |
27 | Kinh Khởi Thế Nhân Bổn (Agganana Sutta) | Thế-giới: từ sơ-khai đến lúc thành bốn giai-cấp. |
28 | Kinh Tự Hoan Hỷ (Sampasàdaniya - Suttanta) | Lời ngưỡng-mộ Thế-Tôn, bực giác-ngộ vĩ-đại nhứt |
29 | Kinh Thanh Tịnh (Pàsàdika Sutta) | Khác phái loã-thể, Chánh Pháp đưa tới thanh-tịnh. |
30 | Kinh Tướng (Lakkhana Sutta) | 32 tướng đại-trượng-phu do công-đức tu đời trước |
31 | Kinh Giáo Thọ Thi-ca-la-việt (Singàlovàda Sutta) | Lễ sáu phương và các bổn-phận ở nhà, xã-hội |
32 | Kinh A-sá-nang-chi (Atànàtiya Suttanta) | Bản Hộ-Kinh giúp hộ-vệ các Tỳ-kheo. |
33 | Kinh Phúng Tụng (Sangiti Sutta) | Xếp Phật-pháp ra 10 loại từ 1 pháp tới 10 pháp |
34 | Kinh Thập Thượng (Dasuttara Sutta) | 100 pháp xếp ra 10 loại với tiêu-chuẩn Thập Thượng. |
Vài lời xin thưa trước
1) Kinh Phật vừa cao-siêu vừa phong-phú, có lẽ để cả đời cũng chưa đọc hết, hiểu thấu, và thực-hành theo cho thật đầy-đủ. Muốn có được một cách nhìn tổng-quát, chính-xác và rõ-ràng, cần phải có một bản tóm-lược vừa gọn, vừa trung-thực. Những trang sau đây là một cố-gắng nhỏ trong việc đi tìm một lối đi nhẹ-nhàng mà chắc-chắn theo con đường giác-ngộ và giải-thoát mà đấng Từ-phụ đã khai-quang.
2) Kinh Phật ghi lời vàng của Thế-Tôn, chẳng nên vì bất cứ lý-do gì sửa-đổi lời văn, thêm-bớt ý-tưởng khác vào, cho ngắn-gọn hơn; làm như thế là tỏ ra sự bất-kính đối với bậc Đại-Giác. Vì thế, đừng bao giờ tạm vừa-ý với các trang sau đây mà chẳng tìm dịp thuận-tiện đọc kỹ lại các bản Kinh trong Đại-Tạng.
3) Nếu các trang sau đây được xem như những bản nháp tạm dùng trong việc tìm hiểu và học tập Kinh Phật, thì đó thật là một hân-hạnh rất lớn-lao cho người viết.
Thiện Nhựt xin lưu-ý qúi vị vài điểm sau đây:
- Tiểu-mục ''Trong trường-hợp nào, bản Kinh được thuyết-giảng?'' là phần tóm-tắt đại-ý của bản Kinh;
- Tiểu-mục ''Nội-dung của bản Kinh'' là một cố-gắng tìm dàn-bài, với các ý quan-trọng, của bản Kinh;
- Tiểu-mục ''Trích đoạn'' chép nguyên-văn lời Phật, đồng thời ghi rõ thêm các ý quan-trọng trong Kinh;
- Tiểu-mục ''Học Kinh nầy, chú-ý điểm nào?'' là ý-kiến thô-thiển của Thiện-Nhựt mong-muốn người học Kinh chẳng bỏ qua phần lợi-lạc do bản Kinh đưa tới.
4) Muốn dùng tập sách HỌC KINH PHẬT nầy cho có hiệu-quả, xin, theo thứ-tự, làm các việc sau đây:
- Tìm đọc trước Nguyên-tác bản Kinh ghi trong Đại-Tạng;
- Đọc lướt qua phần Tóm-lược về bản Kinh trong tập sách nầy, để nắm vững ý-chánh cáclời giảng-dạy của đức Phật trong Kinh;
- Gặp các danh-từ chuyên-môn về Phật-học chưa hiểu rõ, nên tra các Từ-điển. Thiện Nhựt có soạn một cuốn Tiểu Từ-điển Phật-học thông-dụng (ấn-bản 2005, Montreal) ngắn gọn, đủ để tạm hiểu các chữ khó;
- Đọc lại, lần thứ hai, phần Tóm-lược về bản Kinh trong tập sách nầy, để đi sâu vào các điểm quan-trọng về lời dạy của Thế-Tôn. Phần Tóm lược nầy đã được soạn theo cách tiệm-tiến, đi từ ý-chánh quan-trọng rồi mới đến các chi-tiết phụ khác, nhằm khai-triển ý-chánh của bản Kinh. Tiểu-mục Trích-đoạn ghi lại đoạn văn nào trong nguyên-tác cần phải đọc kỹ, để nếm hương-vị của bản Kinh.
Thiện Nhựt kính-cẩn cầu mong các bực cao-minh chỉ-dạy thêm.
Montreal, 2006-03-27
Thiện Nhựt kính trình.
-ooOoo-
TRƯỜNG-BỘ KINH
001. TAM TẠNG KINH-ĐIỂN.
Giáo-Pháp của đức Phật được kết-tập lại thành Tam Tạng Kinh-Điển (Tipitaka) (tam tạng = ba cái giỏ đựng Kinh-sách), gồm có: (1) Luật-tạng, (2) Kinh-tạng, (3) Luận-tạng.
Luật-tạng ghi lại các giới-cấm của đức Phật dạy các Tỳ-kheo phải tuân theo. Kinh-tạng gồm rất nhiều bản Kinh do Phật thuyết-giảng về đường lối tu-hành. Luận-tạng bàn rộng thêm các vấn-đề được nói đến trong Kinh-tạng.
002. TRƯỜNG-BỘ KINH.
Đại-Tạng Việt-Nam, hệ Pali, riêng phần Kinh-kệ, gồm có năm Bộ-kinh lớn:
1. Trường-Bộ Kinh (Digha Nikaya),
2. Trung-Bộ Kinh (Majjhima Nikaya),
3. Tương-Ưng-Bộ Kinh (Samyutta Nikaya)
4. Tăng-Chi-Bộ Kinh (Anguttara Nikaya),
5. Tiểu-Bộ Kinh (Khuddaka Nikaya).
Trường-Bộ Kinh là bộ Kinh thứ nhứt trong Hệ Pali, Phật-Giáo Nguyên-Thủy, được Viện Nghiên-Cứu Phật-Học Việt-Nam ấn hành năm 1991, do Hoà-thượng Thích Minh-Châu soạn bản Việt-văn.
Trường-Bộ Kinh phân ra làm 3 Phẩm (Vagga), gồm có 34 bản Kinh; vì nội-dung mỗi bản Kinh khá dài so với các bản Kinh Phật khác, nên được kết-tập lại dưới nhan-đề Trường-Bộ Kinh.
1. Phẩm Giới-Uẩn (Silakkhandha Vagga Pali): 13 bản Kinh giảng về các cấp giới-luật: tiểu-giới dành cho mọi người; trung-giới và đại-giới dành cho bực tu-hành cao.
2. Đại-Phẩm (Mahà Vagga Pali): 10 bản Kinh quan-trọng nhứt về lịch-sử (như Kinh Bát-Đại Niết-bàn, Kinh Đại Bổn) và về giáo-lý (như Kinh Đại Duyên, Kinh Tứ niệm xứ).
3. Phẩm Ba-lê-tử (Pathika Vagga Pali) (Patikaputta, Ba-lê-tử là tên một tu-sĩ ngoại-đạo): 11 bản Kinh bàn về các vấn-đề khác nhau như vấn-đề vũ-trụ thành-hoại, vấn-đề bổn-phận công-dân trong xã-hội, vấn-đề tu khổ-hạnh của ngoại-đạo.
Sau đây, xin tóm-tắt nội-dung các bản Kinh, thuộc Trường-Bộ Kinh, theo thứ-tự được ghi trong ba Phẩm kể trên.