Chương VI

NGŨ LỰC
(Pañca-bala)

Gọi là lực (balāni) vì có khả-năng áp đảo các trạng-thái đối nghịch.

Trong Paṭisambhidāmagga có giải thích: "gọi là lực do ý-nghĩa: không bị rung động (akampaṭṭhena) trước pháp đối nghịch".

Tương-tự như năm quyền là năm lực.

1- Tín-lực (sadhā bala): với ý-nghĩa không rung động trước sự vô-tín.
2- Tấn-lực (vīriya bala): với ý-nghĩa không rung động trong sự biếng nhác.
3- Niệm-lực (saṭi bala): với ý-nghĩa không rung động trong sự dể-duôi (pamāda).
4- Ðịnh-lực (samādhi bala): với ý-nghĩa không rung động trong sự tán-loạn.
5- Tuệ-lực (paññā bala): với ý-nghĩa không rung động trong mê-muội, lầm lẫn. Ở đâu có quyền ở đó có lực.

Trong Tương-ưng kinh, phẩm Tương-ưng quyền, đức Phật có dạy:

-"Này chư tỳ-khưu! cái gì là tín-quyền, cái ấy là tín-lực, cái gì là tín-lực, cái ấy là tín-quyền...
Cái gì là tuệ-quyền, cái ấy là tuệ-lực, cái gì là tuệ-lực, cái ấy là tuệ-quyền...
".

Ở đây, bản chất pháp thực-tính của năm quyền và năm lực là một, chỉ khác nhau về khía cạnh tác-dụng: quyền có ý-nghĩa là cai quản kiểm-soát, còn lực là sự không rúng động, áp đảo pháp nghịch. Ví như gạo tẻ nấu thành cháo cho người bệnh dùng, nấu thành cơm cho người khỏe mạnh dùng, cơm hay cháo tuy khác tên gọi, nhưng bản chất cũng là gạo tẻ, tuy bản chất như nhau nhưng công dụng khác nhau.

Năm lực cũng giống như năm dũng tướng đang nỗ lực, hăng say tiêu diệt vương-quốc đối nghịch là vùng tùy-miên, trước tiên là thành-trì thân-kiến.

Ðây là năm lực mà hàng xuất-gia cũng như tại gia cần tin cậy.

Tín-lực (saddhā bala)

Tương-tự như tín-quyền, tín-lực cũng có hai loại:

- Tín-lực thông-thường (pakaṭi saddhā).
- Tín-lực tu-tập (bhāvanā saddhā).

Sức-mạnh của đức-tin bình thường giống như cây yếu mọc trên đất mềm, dễ bị gió làm lay động, để rồi đánh bật cả gốc rễ. Cũng vậy, thường tín-lực không có sự tu-tập qua pháp-hành đặc biệt, thường tín-lực ấy dễ bị sức mạnh của ái-dục xuyên qua một trong năm trần-cảnh hay pháp khả-ái khả-lạc xâm nhập vào. Và thế là đức-tin ấy chỉ tạo những thiện-nghiệp bình thườnh như: bố-thí, trì-giới ...

Sự bố-thí với ước muốn được có nhiều tài-sản vật-chất hay trì-giới để được sống lâu, được an lạc... đó là do sức mạnh của ái-dục dẫn dắt.

Sức mạnh đức-tin loại này, không thể chống lại hay khắc-chế ái-dục được, ngược lại chính ái-dục điều khiển đức-tin bình thường, đức-tin bị dẫn dắt như thế gọi là đức-tin không có lực. Chính cái lạc trong vật-chất là vũ khí đắc lực của ái-dục dùng để khống chế đức-tin bình thường.

Những bài kinh Pāli nêu ra rất rõ ràng về bốn pháp-hành của bậc trí là truyền-thống của bậc Thánh (ariyavaṃsa):

- Tri-túc trong vật-thực.
- Tri-túc trong y phục.
- Tri-túc trong chỗ cư ngụ.
- Thỏa thích trong tu-tập (Chỉ hay Quán).

Bốn lãnh-vực này là vương quốc rộng lớn của đức-tin, đức-tin ẩn náu trong bốn lãnh-vực này.

Hiện-tại, chúng-sanh vui thích trong những điều-kiện vật-chất (paccayāmisa) như tiền tài, địa vị, quyền tước, danh vọng ... họ vui thích trong đời sống khoái-lạc vật-chất, tầm cầu tài-sản thuộc về thế-gian, quyền lực (vaṭṭāmisa) ... Và trong vương-quốc ái-dục có đầy đủ những loại này, vương-quốc ái-dục càng rộng mở thì vương-quốc đức-tin ngày càng thu hẹp, giống như nước đại-dương lấp dần hải-đảo, hải-đảo ngày càng thu nhỏ, trái lại đại-dương càng lúc càng nới rộng. Ðiều này cho thấy sự yếu ớt của đức-tin bình thường.

Chính đức-tin tu-tập qua pháp niệm như niệm hơi thở, niệm thân trong thân... đó là loại đức-tin cần phải trau dồi, làm cho sung-mãn, đức-tin ấy có sức mạnh áp-chế, khắc-phục những dao-động, bất-ổn của tâm, cho đến khi chúng biến mất.

Chính đức-tin có sức-mạnh như thế, mới có thể loại trừ ái-dục, không thích-thú hân-hoan trong lợi-dưỡng về vật-thực, y phục, trú-xứ ...

Dạ xoa Ālavaka hỏi đức Phật rằng:

Kaṭhamsu ṭaraṭi oghaṃ
Kaṭhamsu ṭaraṭi annavaṃ
Kaṭhamsu dukkhaṃ acceṭi
Kaṭhaṃ parisujjhaṭi.

Nghĩa là:

"Vượt qua bốn dòng nước xoáy bằng cái gì?
Vượt khỏi đại-dương bằng cái gì?
Giải-thoát khổ bằng cái gì?
Làm thế nào tâm được trong sạch".

Ðức Phật dạy rằng:

Saddhāya ṭaraṭi oghaṃ
Appamādena annavaṃ
Viriyena dukkha acceṭi
Paññāya parisujjhaṭi.

Nghĩa là:

"Ðức-tin vượt dòng nước lũ
Không dể-duôi thoát khỏi đại-dương
Giải-thoát khổ nhờ tinh-tấn
Trí-tuệ khiến tâm trong sạch".

Chính đức-tin tu-tập giúp cho hàng xuất-gia lẫn tại gia thoát ra bốn dòng nước xoáy quá sâu đậm (ogha) trong hiện-tại lẫn tương-lai, không còn bị bốn dòng nước ấy cuốn trôi vào đại dương khổ luân-hồi. Bốn dòng nước ấy là:

1) Kāmogha: bị ngũ-dục cuốn trôi (dục-bộc).
2) Bhavogha: bị cảnh giới cuốn trôi, là có ước vọng thụ-hưởng khoái-lạc ở những kiếp sau (hữu-bộc).
3) Diṭṭhogha: bị tà-kiến cuốn trôi (kiến-bộc).
4) Avijjogha: bị sự mê-muội, lầm-lạc cuốn trôi (vô-minh bộc).

Nói gọn hơn, chính đức-tin tu-tập giúp cho người có nguyện vọng giải-thoát cái khổ, ra khỏi ba loại ái là: dục-ái, hữu-ái và phi-hữu ái. Ái chính là nguồn gốc của đau-khổ, là nhân sanh ra mọi khổ-lụy trên đời, đức-tin tu-tập chính là hải đảo an-toàn vượt thoát khổ-cảnh.

Ðức-tin tu-tập được biểu hiện qua bốn pháp-hành thuộc truyền-thống ở trên.

Tấn-lực (vīriya bala) cũng có hai loại như tấn-quyền: Tinh-tấn thông-thường và tinh-tấn tu-tập.

Tinh-tấn thông-thường là loại tinh-tấn không đủ sức chế-ngự lười-biếng (kosajja), tuy tinh-tấn này vẫn tạo ra những thiện-nghiệp khi có cơ hội, có dịp thuận tiện, nhưng cũng chỉ là thiện-nghiệp thông-thường như bố-thí, trì-giới, nghiên cứu, học hỏi phật-pháp ... Loại tinh-tấn này chỉ thực-hiện trong những điều-kiện thuận lợi dễ-dàng mà thôi, nếu gặp phải chướng-ngại sẽ thối thất, sinh ra biếng nhác ngay.

Như vào ngày Uposaṭha (bố-tát) là ngày đến chùa nghe pháp, nhưng nếu gặp thời-tiết xấu như có mưa chẳng hạn, lập tức sẽ có lý do để không đi nghe pháp, hoặc đến thời tụng kinh, nhưng vừa làm xong việc gì đó, nại cớ là còn đang mệt, nghỉ khoẻ rồi hãy tụng kinh và thời tụng kinh ấy được gác lại cho đến hôm sau.

Tinh-tấn bình thường bị lười-biếng điều khiển do tám cách:

1. Kammaṃ kāṭabbaṃ hoṭi: sắp phải làm việc gì đó.
2. Kammaṃ kaṭaṃ hoṭi: Vừa làm xong việc gì đó.
3. Maggo ganṭabbo hoṭi: Sắp phải đi đường xa.
4. Maggo gaṭo hoṭi: Vừa đi xa về còn đang mệt mỏi.
5. Gāmaṃ vā nigamaṃ vā piṇdāya caronṭo hoṭi: Sắp phải đi vào thôn xóm để khất thực, nên mệt nhọc ...
6. Gāmaṃ vā nigamaṃ vā piṇdāya caronṭo alaṭihaṃ lākhassa vā paṇīṭassa vā hoṭi: đi khất thực vừa xong, còn mệt nhọc.
7. Uppanno hoṭi appamaṭṭako ābādho hoṭi: Vừa khỏi bệnh nên cần phải nghỉ cho khỏe.
8. Gilānā vuṭṭhiṭo hoṭi: Vừa khỏi bệnh xong, cần nghỉ ngơi cho khỏe.

Ðây là tám nhân sanh lười-biếng.

Chúng-sanh gặp được giáo-pháp của đức Phật, nên hiểu rằng: "Trong quá-khứ vô tận của luân-hồi, họ bị sa đọa vào bốn khổ-cảnh do thân-kiến cùng ác-nghiệp, tuy có ước muốn thoát khỏi bốn khổ-cảnh, nhưng nỗ-lực tinh-tấn để đạt ước muốn ấy lại không có".

Họ chỉ mong muốn được như bà Visākhā, ông Anāṭhapiṇḍika ... chỉ cần nghe một thời pháp, chứng đạt đạo-quả, nhưng họ không biết rằng: "Ðược như vậy, những vị này đã trải qua thời gian trăm ngàn kiếp trái đất và trong quá-khứ cũng từng tinh-tấn hành pháp".

Một số khác, hiểu được điều này, lại có sự thất vọng rằng: "có hành pháp tinh-tấn cho mấy cũng không đạt được đạo-quả, vì thiếu ba-la-mật". Những người này, làm sao biết mình thiếu ba-la-mật nhỉ?

Hai suy nghĩ trên là do vô-minh cùng sự lười-biếng điều khiển.

Ngay khi quyết định khai-thị pháp giác-ngộ đến những người có duyên lành, Ðức Thế-tôn tuyên bố rằng:

"Apāruṭā ṭesaṃ amaṭassa dvārā
Ye soṭavanṭā pamuñcaṭu saddhaṃ

Cửa vô sanh bất tử đã mở cho chúng-sanh,
cho những ai có tai muốn nghe, đặt trọn niềm tin".

Phương thưc loại trừ biếng nhác là thỏa thích trong pháp-hành .

Ðối với vị tỳ-khưu, vào lúc xuất-gia, có bốn pháp nên nương (nissaya dhamma) là:

- Nuôi mạng bằng cách đi khất thực.
- Mặc y phấn tảo.
- Ở dưới cội cây.
- Trị bệnh bằng nước tiểu bò đen.

Ðó là những vị thuốc trị bệnh lười nhác, ngoài ra còn có muời ba pháp đầu-đà, đây là sự tinh-tấn để loại trừ những bất-thiện phát-sinh lên từ sự dể-duôi, biếng nhác. Và đó cũng là những pháp được nêu trong lãnh-vực tinh-tấn.

Hiện-tại sự tinh-tấn nằm trong vùng lu mờ, chí đến vị tỳ-khưu hiện thời, tuy vẫn biết mình là hạng chúng-sanh còn thân-kiến, ác-nghiệp, không khéo sẽ rơi vào ác khổ địa. Thế nhưng, họ vẫn sống trong những trú-xứ nhộn nhịp của thành thị, thị trấn, họ vui thích thọ lãnh những vật thí có giá trị cao, hay những lễ nghi được tổ chức linh đình ... Họ không thể sống xa cách hội-chúng, càng lúc càng mong mỏi có đông đồ chúng. Tất cả những điều ấy là nơi ẩn náo của tâm trong ngôi nhà lười-biếng, cho thấy tính-chất yếu-đuối của tinh-tấn bình thường.

Chỉ có tinh-tấn tu-tập như: ít ngủ, tỉnh-giác, năng động, không e dè sợ-hãi, can đảm, thực-hành Chỉ hay Quán. Sự tinh-tấn này có năng-lực áp chế, khai trừ biếng nhác. Trong 37 pháp trợ giác-ngộ, tinh-tấn tu-tập là pháp cần đạt được.

Tương-tự như thế đối với niệm-lực, định-lực, tuệ-lực.

Niệm-lực (sati bala)

Niệm cũng có hai loại: Niệm thông-thường và niệm tu-tập.

Niệm thông-thường không thể khắc chế được vọng niệm hay thất niệm (muṭṭhasacca). Vọng-niệm là sự chú ý, ghi nhận không đúng phương-pháp.

Khi hành-giả tu-tập chỉ hay quán, trong giai-đoạn đầu, thường xuất hiện những ảo cảnh (māyārammaṇa), những cảnh này do tưởng tạo ra, với mục-đích đưa tâm trở lại vào vùng ngự-trị của chúng. Như có số hành-giả thấy mình giao tiếp được với chư-thiên, được chư-thiên trò chuyện ... để rồi tâm cứ bám theo những hình ảnh ấy, xa lìa đề mục ban đầu như hơi thở ... Ðó là vọng-niệm

Mặc dù những cảnh ấy là ấn-tướng của thiện-pháp bởi nương sanh lên từ đức-tin, nhưng nếu tâm dính mắc vào những cảnh ấy, tâm đang bị ái trói-buộc , khiến hành-giả quên đi mục-đích chính là: " đạt được cảnh Níp-bàn tịch tịnh ". Nếu nhận thấy mình bị cảnh tốt đẹp ấy quyến-rũ, không muốn lìa nó, hành-giả cần hiểu rằng: "đang bị ái chi phối", đồng thời niệm-lực không đủ sức mạnh, vì rằng: "Niệm-lực có ý-nghĩa là không rung động trong sự dể-duôi". Tâm dính mắc trong cảnh tốt đẹp là tâm dể-duôi, bị ái dẫn dắt.

"Sabbe dhammā anaṭṭā’ṭi: Các pháp đều là vô-ngã ".

Hành-giả cần tác-ý rằng: "Cảnh tốt đẹp ấy dù là cảnh thiện-pháp cũng chẳng phải của ta, đó là vật vay mượn của ái luân-hồi, hãy nhanh chóng lìa bỏ nó, hãy hướng tâm đến Níp-bàn". Nói gọn hơn: vọng niệm là do những cảnh thiện-pháp sanh-khởi, tâm dính mắc vào những cảnh ấy, nên xa lìa đề mục chính.

Còn thất niệm? Chữ muṭṭhasacca nghĩa là sự bỏ quên, lãng-quên. Thất-niệm là bất lực trong sự chú ý ghi nhận, không thể tập trung bằng sự kiểm-soát tâm, tâm chạy theo cảnh, quên-lãng đề mục thiền.

Niệm bình thường không có sức mạnh để áp đảo sức mạnh của phóng-dật, khiến niệm không thể khắn khít vào đề mục thiền, chính niệm tu-tập được làm cho sung-mãn mới loại trừ được vọng-niệm hay thất-niệm.

Ðịnh-lực (samādhi bala).

Ðịnh cũng thế, có hai loại là định thông-thường và định tu-tập.

Ðịnh thông-thường không thể áp chế được sự quấy nhiểu (vikkhepa) của phóng dật, đó là những tư-tưởng lang thang trong sự tưởng-tượng mông lung, hành-giả không thể gom tâm vào đề mục, không thể tập trung, kiểm-soát được tâm, tâm không thể yên-lặng khi hành thiền, nó chạy theo cảnh không dừng nghỉ.

Ðịnh thông-thường không thể loại trừ trạng-thái tán-loạn của tâm, chỉ có định tu-tập làm cho sung-mãn mới làm được điều ấy.

Tuệ-lực (paññā bala).

Tuệ cũng có hai là tuệ thông-thường và tuệ tu-tập.

Ðối tượng cần áp đảo của tuệ là mê-muội (sammoha), mê-muội là một chi nhánh của vô-minh. Vô-minh ngoài nghĩa mê tối, còn có ý-nghĩa là lầm-lạc. Không biết các pháp hữu-vi đều là vô-thường, khổ, vô-ngã đã là tai hại, nhưng lầm-lạc trong vô-thường cho là thường, khổ cho là hạnh-phúc, vô-ngã cho là ta, lại càng tai hại hơn nữa. Chẳng khác nào một người bị vết thương trên thân, dùng nước dơ nhiễm độc, cho rằng nước ấy là sạch, là tinh-khiết để rửa ráy, vết thương. Vết thương chẳng những không lành mà còn phát-triển khiến người ấy có thể mạng chung.

Trạng-thái mê-muội là bóng tối che phủ tâm, trí-tuệ bình thường không thể xua tan bóng tối ấy, ngay cả trí thông-suốt tam-tạng pháp-học cũng không thể loại trừ bóng tối ấy, trí bình thường cũng ví như ánh sáng đom đóm, ánh sáng đống lửa, nó không thể soi sáng cả vùng đen tối rộng lớn. Chỉ có ánh sáng thái dương mới đẩy lùi bóng tối đang bao phủ cánh đồng rộng mênh mông.

Ánh sáng mặt trời ví như trí tu-tập, chỉ có trí tu-tập mới đoạn trừ tận gốc rễ vô-minh ngủ-ngầm. Tuệ-lực là một sức mạnh xua đuổi tối tăm, giúp hành-giả nhận thấy rõ ba tướng: Vô-thường, khổ, vô-ngã của pháp hữu-vi, đồng thời áp chế được các pháp điên-đảo: thường -lạc -ngã -tịnh.

Năm pháp đối nghịch với năm lực là:

1. Ái đối nghịch với tín-lực.
2. Giãi-đãi (kosajja) đối nghịch với tấn-lực. Giãi-đãi là sự bất lực hay thiếu nhiệt-tâm trong sự hành pháp.
3. Thất-niệm đối nghịch với niệm-lực
4. Sự tán-loạn (vikkhepa) đối nghịch với định-lực.
5. Si-mê đối nghịch với tuệ-lực.

Năm lực có sung mãn mới áp chế, đẩy lùi và trừ diệt được chúng. Ở mức độ trung-bình năm lực là sự không rung động trước năm nghịch pháp ấy. Nếu một lực nào yếu kém, không thể loại trừ pháp nghịch của nó thì pháp thiền dù là Chỉ hay Quán cũng không thể thành-công đối với hạng người Neyya.

Hiện nay, một số người đã thoát ra lãnh-vực của ái nhờ nương nhờ vào tín-lực của chính họ. Chính tín-lực giúp những người này thoát ra khỏi sự đam mê vật-chất, không còn dính mắc trong quyền lực, địa vị, danh vọng tài-sản của thế-gian một cách sâu đậm như trước đây. Nhưng vì thiếu bốn lực kia, nên không tiến cao hơn trong trong lãnh-vực tri-túc, vì đó là những điều-kiện cho sự sống của họ.

Người thoát ra mãnh lực của ái cùng sự lười-biếng là do tín-lực, tấn-lực của người ấy mạnh, những người này thường duy trì đời sống tri-túc, vững-chắc bám ở những khu vắng người như rừng núi, đồi ... thực-hành những pháp bojjhaṅga, nhưng vì ba lực kia yếu kém, nên không thể thực-hành pháp niệm thân, niệm hơi thở ... được tốt đẹp, hoặc sự thực-hành Chỉ hay Quán tiến-bộ rất chậm.

Có số người mạnh về tín-lực, tấn-lực, niệm-lực, có thể thực-hành pháp thiền Chỉ hay thiền Quán, đạt được sự tập trung, tâm được yên-lặng, ấn-tướng rất rõ ràng, sự chú ý đến đề mục rất dễ-dàng, nhưng yếu về định-lực và tuệ-lực nên không thể đắc định hay tuệ-quán, nhất là tuệ Sinh-diệt không sanh lên.

Những người đạt được các tầng thiền của thiền Chỉ-tịnh nhưng tuệ-quán không sanh-khởi là do yếu về tuệ-lực. Có người mạnh về tuệ-lực, như tinh thông pháp, thuộc lòng ba tạng, rành mạch về chân pháp, nhưng thiếu sự hỗ-trợ của bốn lực kia, do đó không thoát ra được ái, lười-biếng, vọng niệm, tán tâm, họ sống và chết giữa ranh giới thiện và bất-thiện pháp.

Nói chung, khi thiếu một lực nào đó, hành-giả không thể vượt lên trên lãnh vực của pháp đối nghịch ấy. Trong năm lực: tấn-lực và tuệ-lực là hai pháp như-ý túc, nếu hai lực này mạnh đứng chung nhau sẽ đạt được tuệ-quán, cho dù yếu ba lực kia.

Vì không biết những phận-sự của pháp quyền, lực, như-ý, nên không hiểu vì sao sự nhiệt-tâm tinh-tấn hành pháp Chỉ hay Quán không đạt kết quả như mong muốn, không áp chế được những lực đối nghịch (paṭipakkha).

Cũng như, khi bị tấn công bởi những lực đối nghịch, hành-giả không biết đó là những pháp nào? Phương-pháp khắc chế, đối trị chúng ra sao? Phải tu-tập pháp nào để diệt trừ chúng? Những hành-giả không nắm vững những đặc-tính của tâm tu-tập, do đó không có ước muốn làm sanh-khởi những đặc-tính ấy, nên những đặc-tính này không sanh-khởi. Chính vì vậy, truyền-thống thực-hành của bậc Thánh gần như bị phai mờ trong thời hiện-tại.

Có một ví dụ để minh họa như sau: Có loại bò tên là Usabha, đó là giống bò chúa, có giá trị hơn ngàn con bò bình thường. Nếu như những đặc điểm, những đặc-tướng của bò Usabha không được người chủ nhận ra do ngu dốt hay thiếu hiểu biết trong lãnh-vực này, người chủ sẽ không chăm-sóc, nuôi dưỡng bò Usabha đứng mức, chỉ nuôi nó một cách bình thường như những con bò tầm thường khác.

Do đó, những chi thể của nó không thể phát-triển, sức mạnh cùng năng-lực của nó bị khiếm khuyết, bị bào mòn hay bị chôn vùi. Thế là, bò Usabha sẽ sống rồi chết như những con bò tầm thường khác. Trái lại, người chủ có trí thông thạo trong lãnh-vực xem tướng bò, y sẽ nhận ra: "đây là giống bò chúa Usabha".

Người chủ sẽ tách ly con bò chúa Usabha ra khỏi những con bò tầm thường, cho nó ở trong chuồng đặc biệt. Nền chuồng rãi một lớp cát sạch, chuồng cao ráo rộng-rãi, có mái che, có trần nhà kín đáo. Chuồng bò chúa luôn giữ gìn sạch sẽ, thoáng mát. Người chủ cho bò ăn lúa mạch, đậu giống như vật-thực dùng cho con người, ông tắm rửa cho bò mỗi ngày.

Dần dần, bò lớn mạnh, các chi thể đặc biệt phát-triển, sức mạnh cùng năng-lực của bò sung-mãn. Khi ấy, bò chúa Usabha có thể canh giữ cả trăm chuồng gia súc, ngăn ngừa, chống lại cả hổ báo bất ngờ tấn công. Bò chúa Usabha cần phải được chăm-sóc, nuôi dưỡng đúng mức ví như năm lực cần phải tu-tập làm cho sung-mãn đúng mức, người chủ ví như hạng người Neyya.

Những bài kinh giải về những đặc-tướng của bò chúa Usabha trong Tam tạng:

* Các bài kinh trong bộ Vibhaṅga của tạng Diệu-pháp:

Saṭipaṭṭhānavibhaṅga (phân-tích niệm-xứ).
Sammappadhāna vibhaṅga (phân-tích chánh-cần).
Iddhipāda vibhaṅga (phân-tích như-ý túc).
Indriya vibhaṅga (phân-tích quyền)
Magga vibhaṅga (đạo phân-tích).

* Các bài kinh trong bộ Tương-ưng kinh:

Saṭipaṭṭhāna saṃyuṭṭa (tương-ưng niệm-xứ).
Sammappadhāna saṃyuṭṭa (tương-ưng chánh-cần).
Iddhipāda saṃyuṭṭa (tương-ưng như-ý túc),.
Indriya saṃyuṭṭa (tương-ưng quyền),
Bala saṃyuṭṭa (tương-ưng lực),
Bojjhaṅga saṃyuṭṭa (tương-ưng giác-chi).
Kinh Saṭipaṭṭhāna.

Sự nuôi dưỡng, chăm-sóc bò chúa Usabha ví như sức mạnh cũng như đặc-tính của các pháp dẫn đến giác-ngộ được tu-tập, được làm cho sung-mãn có thể chống lại sức mạnh của phiền-não ví như hổ báo. Ngoài ra, khi năm lực được sung-mãn có thể đưa đến bất tử giới (amaṭadhāṭu), đoạn tận luân-hồi.

Người chủ bò thiếu trí hay ngu dốt, ví như hạng người Neyya bị vô-minh ngự-trị, không cố-gắng nỗ-lực tu-tập pháp thiền Chỉ -quán. cứ thỏa mãn những thành quả thấp thỏi trong giáo-pháp là bố-thí, trì-giới, pháp-học ... là người không biết nuôi dưỡng bò chúa Usabha, để rồi họ chẳng có được lợi-ích gì có giá trị thực tiển trong đời sống được duyên lành gặp giáo-pháp của đức Phật.

Trong thế gian, có nhiều công việc như kinh doanh, y dược, kiến thức ... có những công việc được thành-tựu do sức mạnh của cải, có những công việc được thành-tựu do sức mạnh của kiến-thức, cũng có những công việc khởi đầu là sức mạnh của cải, kế đến là sức mạnh của kiến thức. Có những công việc khởi đầu là sức mạnh kiến thức rồi đến sức mạnh của cải. Và sự học tập, nghiên cứu là bước đầu tích lũy sức mạnh kiến thức.

Cũng vậy, trong giáo-pháp của đức Phật, việc thành-tựu thiền Chỉ -Quán, đắc được đạo-quả, thành-đạt Níp-bàn đều nương vào năm loại sức mạnh. Chỉ khi nào năm sức mạnh này được tích lũy, những việc trong đại kia, khi tiến hành mới đạt kết quả tốt.

Những người không có lực nào, không thể khởi dậy ước muốn thực thi những việc trọng đại như tu-tập thiền Chỉ, thiền Quán, chứng-đắc các pháp của bậc thượng-nhân, đạt được thượng trí ... và kết quả là họ không thể thành-đạt những điều này.

Nếu được người hướng dẫn, thuyết-phục, giảng giải cho họ nghe những lợi-ích đặc biệt của pháp-hành thiền Chỉ hay Quán, chỉ dẫn ra những phương-pháp hành-trì để có thể thành-tựu mục-đích thoát khỏi khổ, họ không muốn nghe, hoặc tìm lý lẽ chống đối lại sự hành thiền, hoặc nghe ậm ờ rồi cho trôi xuôi, những người này không biết rằng, vì không có năm lực nên họ có những tư-tưởng cố chấp như thế, đồng thời tìm cớ chối quanh bằng lý lẽ: Thiếu ba-la-mật, là người nhị-nhân, hoặc bây giờ là thời không thích-hợp ...

Tuy nhiên, nếu những người này bắt đầu tu-tập thiền bốn Niệm-xứ, với một đề mục như hơi thở ra, hơi thở vào (anāpānasaṭi), đồng thời tu-tập cả ba lực: tín-lực, tấn-lực, niệm-lực, những tư-tưởng tiêu cực cố chấp sẽ biến mất, tất nhiên khi ấy là những tư-tưởng thiện sanh-khởi, thay thế cho những tư-tưởng tiêu cực, cố chấp kia. Khi tư-tưởng thiện càng sanh-khởi nhiều và sung-mãn, điều này nói lên: lực tu-tập được phát triễn.

Ðây là phương cách giúp cho lực được tu-tập và phát triễn đi đến sung-mãn, cho dù hành-giả chưa đạt được tuệ Phân-biệt danh-sắc, nhưng tín-lực ở mức độ yếu-đuối vẫn sanh lên qua nhận-thức của hành-giả: "Ta đang bị ái kìm chế, bị ái điều khiển tâm dính mắc vào những nhu cầu vật-chất (paccayāmisa), cùng những lợi-đắc thế-gian (lokāmisa)". Nghĩa là sao? Nghĩa là đức-tin đang sanh-khởi, đang bị ái dẫn dắt vì còn yếu, chưa có đủ sức mạnh.

Gọi là đức-tin bị ái kìm chế "không có nghĩa là: Ðức-tin và ái cùng có mặt, khi ái mạnh áp chế, ngự-trị thì đức-tin vắng mặt, khi ái muội lực, đức-tin sanh-khởi, ái vắng mặt, khi ấy hành-giả mới thấy rằng: "sự đeo bám vào những chất đó là ái". Nếu khi có ái hiện khởi thì tư-tưởng này không hề xảy ra. Ðây là đặc điểm để nhận ra đức-tin, giống như người xem tướng bò Usabha, từ đặc điểm y nhận ra một tướng tốt của bò Usabha và hiểu được ưu điểm đang tiềm-ẩn trong tướng ấy.

Nương theo đức-tin, người ta bố-thí, trì-giới ... đang lúc bố-thí hay trì-giới, tâm của người ấy không hề dính mắc vào vật-chất thế-gian, đó là lúc đức-tin hiển-lộ. Khi đã bố-thí, trì-giới ... người ấy mơ ước từ thiện-nghiệp này có được tài-sản thế gian như nhân sản, thiên sản (devaddhāna) ... đó là lúc đức-tin vắng mặt, ái hiện ra phô trương sức mạnh của nó. Và người có trí hiểu rằng: tín-lực còn yếu-đuối.

Tương-tự, tinh-tấn ở mức độ yếu ớt cũng sanh lên qua sự nhận-định của hành-giả: "có những lúc giãi-đãi, lười-biếng", sự giãi-đãi, lười-biếng trong thời tu-tập thiền là đặc điểm để nhận ra tinh-tấn. Tinh-tấn và biếng nhác là pháp đối nghịch nhau: "có anh không có tôi, có tôi không có anh". Ðức Phật có dạy: xa hơn tất cả là thiện pháp và bất-thiện pháp .

Khi giãi-đãi xuất hiện, đồng nghĩa là trước đó có tinh-tấn, nhưng vì tinh-tấn còn yếu ớt như đứa trẻ sơ sinh, nên giãi-đãi mới áp chế, đánh bật ra khỏi vị-trí, nó thay thế vào và phô trương sức mạnh. Nhưng khi hành-giả nhận ra sự giãi-đãi thì nó cũng mất rồi.

Cái gì nhận ra giãi-đãi? Là trí. trí nhận ra được sự giãi-đãi, nhưng thiếu đào sâu, nên không nhận ra tinh-tấn, cũng giống như người chủ bò, y nhìn bò chúa Usabha y biết rằng: đây là loại bò đặc biệt. Nhưng đặc biệt như thế nào? Đặc điểm nào xác định được "đây là con bò đặc biệt?", y không biết.

Niệm ở mức độ non yếu cũng sanh lên, qua sự biết được vọng-niệm hay thất-niệm có thời làm chủ tâm. Ðịnh và tuệ cũng vậy, nó được nhận biết qua pháp đối nghịch, tức là định được nhận diện khi hành-giả thấy được trạng-thái tán-loạn tâm. Trí được nhận diện khi bị trạng-thái lầm-lạc si-mê, ngự-trị, kiểm-soát tâm.

Tóm lại, tín, tấn, niệm, định, tuệ có năm pháp đối nghịch tiềm-ẩn: là ái, lười-biếng, vọng-niệm, tán-loạn và si-mê. Chính năm pháp đối nghịch ấy có năm pháp tín, tấn, niệm, định, tuệ tiềm-ẩn.

Khi năm pháp tín, tấn, niệm, định, tuệ trở thành năm lực sung-mãn, thì năm pháp đối nghịch không còn có cơ hội lộ diện, bị năm lực khắc chế hoàn toàn.

Khi năm lực còn yếu, năm pháp đối nghịch có cơ hội xuất hiện để nhiếp phục năm lực. Và đó là đặc điểm để nhận ra năm lực đang tiềm-ẩn trong chúng.

Khi những lực này sanh lên, chắc chắn phải có sự biến đổi trong tâm của hành-giả. Ví như người mang trọng bệnh, y không thích những công việc sinh hoạt thường ngày, cũng như uể-oải trong những công việc ấy. Nhưng sau khi uống đúng thuốc trị bệnh, đồng thời có sự chữa-trị đúng đắn, kiên-nhẫn kiêng khem những vật-thực không phù hợp trong việc chữa bệnh. Chứng trọng bệnh của y dần dần được thuyên-giảm, y thoát ra trạng-thái thụ-động, sinh-hoạt của y cũng biến đổi theo đó. Ðiều chắc chắn, y sẽ thích-thú trở lại với những sinh hoạt bình thường, khi bệnh dứt khỏi y sẽ hoạt động tích cực trong đời sống của mình.

Ở đây, người bệnh ví như tâm, năm pháp đối nghịch là ái-dục, lười-biếng, thất niệm,... ví như cơn trọng bệnh, việc thực-hành thiền Chỉ hay thiền Quán ví như công việc sinh hoạt thường ngày.

Tùy-quán niệm-xứ, niệm hơi thở ... ví như những phương thuốc trị bệnh, sự hành-trì quán niệm-xứ, niệm hơi thở,... ví như phương-pháp chữa trị đúng đắn, ở nơi thanh-vắng, yên-lặng ví như sự kiêng cử những vật-thực có tác hại làm tăng-trưởng cơn bệnh. Khi bệnh thuyên-giảm ví như năm lực đang sanh-khởi, khi năm lực này sanh lên, có sự biến đổi trong tâm ví như sự biến đổi của bệnh nhân trong sinh hoạt hằng ngày... khi bệnh dứt ví như năm lực được sung-mãn.

Ðức Phật có dạy trong Tương-ưng kinh phẩm Tương-ưng lực rằng:

"Này chư tỷ khưu! để thắng tri, liễu tri, đoạn-diệt năm thượng phần kiết sử, năm lực cần được tu-tập".

Có mười sợi dây cột trói (kiết sử) chúng-sanh vào luân-hồi là:

1. Sakkāyadiṭṭhi: thân-kiến.
2. Vicikicchā: hoài-nghi.
3. Sīlabbaṭṭapamārāsa: giới cấm thủ (là chấp theo lệ cúng tế thần thánh, mê tín dị đoan).
4. Kāmacchanda: mong ước trong dục.
5. Byāpāda: thù oán bất bình.

Ðây là năm sợi dây trói-buộc bậc thấp, gọi là hạ-phần kiết-sử, bậc Bất-lai đã diệt trừ trọn vẹn.

6. Rūparāga: mê thích trong cảnh sắc.
7. Arūparāga: mê thích trong vô-sắc.
8. Māna: ngã-mạng.
9. Uddhacca: phóng-tâm -tâm tán-loạn.
10. Avijjā: vô-minh.

Ðây là năm sợi dây trói-buộc bậc cao, gọi là thượng-phần kiết sử, bậc A-la-hán trừ diệt tận gốc.

Qua đoạn kinh trên, đức Phật dạy: năm lực được tu-tập làm cho sung-mãn, đưa đến diệt tận mọi sự trói-buộc trong luân-hồi, thành-đạt quả vô sinh A-la-hán.

Trong thế-gian này, người thợ xây-dựng cần có những dụng cụ tốt như: cưa, đục, rìu ... chỉ khi nào dụng cụ dùng trong nghề được tốt, họ mới bắt tay vào việc. Cũng vậy, sự tu-tập Chỉ -Quán trong giáo-pháp của đức Phật, năm lực ví như đồ nghề tốt của người thợ xây-dựng, năm lực này được trui rèn bằng một trong bốn pháp niệm-xứ, như niệm hơi thở, niệm tỉnh-giác ... Năm lực này là sức mạnh của hành-giả, đưa hành-giả đạt đến những kết quả mỹ-mãn trong giáo-pháp của đức Phật.

Ðây là ý-nghĩa của chữ bhāveṭi (vị ấy tu-tập) trong đoạn kinh ở trên.