Đại Thừa Bách Pháp Minh Môn Luận

GIÁO TRÌNH MÔN DUY THỨC HỌC
(Dùng để giảng dạy trong các Trường Trung Cấp Phật Học)
LỜI NÓI ĐẦU

Giáo trình này là một sự cố gắng giải thích về tác phẩm “Đại thừa bách pháp minh môn luận” của Bồ Tát Thế Thân, thuộc Tạng luận chuyên nghiên cứu về giáo lý Duy Thức Học của Đạo Phật.

Trong giáo trình này, chúng tôi đã có sự tham khảo nhiều sách dịch và giải thích về duy thức học của các bậc Tiền bối, trong đó chính yếu dựa trên cuốn Duy Thức Nhập Môn của HT Thích Thiện Hoa vì đây chính là chiếc chìa khóa để chúng ta mở cửa bước vào tòa nhà đồ sộ của duy thức học.

Vĩnh Long, ngày 10-11- 2008

THÍCH LONG VÂN

Kính ghi

 

BÀI I: KHÁI QUÁT VỀ HỌC THUYẾT DUY THỨC

Duy thức học là môn học chuyên nghiên cứu và khảo sát về nhân sinh và vũ trụ thuộc hệ thống của nền triết học Phật giáo. Theo sự phân tích của các Học giả Phật học, người ta cho rằng triết học Phật giáo có thể chia ra làm 3 hệ thống tư tưởng :

  • Tư tưởng của Ngài Long Thọ (Nagarjuna) chủ trương ‘không’ tức là nội tâm và ngoại cảnh đều không thật có.
  • Tư tưởng của Ngài Vô Trước (Asanga) và Thế Thân (Vasubandhu) chủ trương duy thức.
  • Học thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ (savartivada) bao gồm: Kinh Lượng Bộ (sautratika) và Đại Tỳ Bà Sa (Vaibhasaka) Kinh Lượng Bộ căn cứ vào bộ Thành Thật Luận làm căn bản và Tỳ Bà Sa căn cứ vào Câu Xá Luận làm căn bản .

Nhất thiết Hữu bộ chủ trương thực hữu.

Duy thức học không chấp nhận quan điểm tất cả điều hiện hữu của Nhất thiết Hữu bộ, hay tất cả đều không có gì của Trung Quán. Học thuyết Duy Thức ra đời, xuất hiện bằng tư tưởng coi như đứng giữa 2 chủ thuyết trên. Tức là không phủ nhận hoàn toàn triệt để các tư tưởng trên mà chấp nhận cái có lý và phủ nhận cái không có lý, lập trường của duy thức đồng quan niệm với Trung quán luận là chủ trương tất cả các pháp ngoại cảnh không thật có. Nhưng duy thức khẳng định sự hiện hữu của vạn vật ngoại cảnh là cho sự phân biệt của thức. Tuy nhiên Duy thức học không đồng quan điểm với Trung quán là tâm thức cũng giã hữu không thực có. Vì thức là năng phân biệt, năng liễu tri. Nếu tâm thức là giã hữu thì làm sao phân biệt được ngoại cảnh, làm sao thấy được chân lý.

Duy thức học đồng quan điểm với phái Nhất Thiết Hữu Bộ ở chỗ mặt dầu sự vật nội tâm có thật, là giả danh nhưng bản chất sự vật là thật có. Thế nhưng duy thức học phủ nhận ngoại cảnh là giả hữu, đối lập nhất thiết hữu bộ cho là thật có.

Tóm lại, tuy nhận thức về lời Phật dạy có khác nhau, thuyết thì hữu thuyết thì vô, thuyết thức có cảnh không… nhưng đều đúng với chân lý Phật giáo cả, tuy sự trình bày có khác nhau nhưng tất cả hướng dẫn chúng sanh tu tập để trở về cứu cánh Niết bàn (nirvana) Trung Quán luận dạy chúng sanh tu tập từ bỏ chấp thủ chứng nhập tánh không, còn Duy Thức học dạy chúng sanh chuyển thức phân biệt thành trí vô phân biệt chứng nhận duy thức tánh .

 

BÀI II: LƯỢC SỬ VỀ DUY THỨC HỌC

Duy thức học hay Pháp tướng tông được giảng dạy ngay khi Đức Phật còn tại thế được ghi lại trong sáu bộ Kinh như :

  1. Kinh Lăng già
  2. Kinh Giải thâm mật
  3. Kinh Như lai xuất hiện công đức trang nghiêm
  4. Kinh A tỳ đạt ma
  5. Kinh Hoa nghiêm
  6. Kinh Mật nghiêm

Khoảng 900 năm sau khi Đức Phật diệt độ, có 2 luận sư Phật học nổi tiếng là Ngài Vô trước và Thế Thân lập ra trường phái Duy thức học. Tương truyền rằng ngài Vô Trước nhập định lên cõi trời Đâu xuất (Tusita heaven) nghe Bồ Tát Di Lặc dạy về duy thức bao gồm các tác phẩm như : Du già sư địa luận, Đại thừa trang nghiêm kinh luận, Thập địa kinh luận và Biện trung biên luận và sau này ngài Vô trước làm ra các bộ luận như :

1. Hiển dương Thánh giáo luận

2. Nhiếp đại thừa luận

3. Đại thừa A tỳ đạt ma tạp luận

Sau đó ngài Thế Thân, em của ngài Vô Trước sáng tác thêm gồm :

Duy thức tam thập tụng

Duy thức nhị thập tụng

Đại thừa bách pháp minh môn luận.

Duy thức học do hai anh em Vô Trước lập ra và sau đó lan tràn khắp ấn độ cho đến thế kỉ 6 tức 200 năm sau kể từ khi học thuyết này ra đời có nhiều luận sư duy thức học xuất hiện như:

Hỏa Biện - Thân Thắng - Đức Tuệ - Trần Na - An Tuệ - Nan Đà - Hộ Pháp - Huyền Trang - Khuy Cơ

Từ đây, Duy thức học lan tràn khắp đất nước Trung hoa, sang Nhật rồi khắp miền á đông.

Tại Nhật bản, học thuyết duy thức đã phát triển mạnh mẽ và trở thành một nước đứng đầu về duy thức học trên thế giới.

 

BÀI III: TIỂU SỬ BỒ TÁT THẾ THÂN

Bồ Tát Thế Thân (Vasubandhu) sanh tại Bá Lộ Sa (Purusapura).Ngày nay là thành phố Peshawar, Vương quốc Gandhara (nơi tạc tượng Phật nổi tiếng) vào năm 316 tức 860 năm sau khi Đức Phật diệt độ. Ngài là người con thứ hai trong gia đình Bà La Môn cha là Kiều Thi Ca (Kausika) mẹ là Tỷ Lân Trì (Vikica)

Ngài sinh ra được một năm sau khi anh của ngài là Vô Trước trở thành tu sĩ Phật giáo

Vasubandhu có nghĩa là vị thân thuộc của Thiên Đế Thích nên dịch ra tiếng việt là Thế Thân (The Kinsman of God)

Thời niên thiếu, Ngài tiếp nhận nền triết lý Bà La Môn từ người cha của mình và sau đó ngài tu theo tiểu thừa Phật Giáo với học phái Nhứt Thiết Hữu Bộ, lấy luận Tỳ Bà Sa làm căn bản. Sau khi nghiên cứu bộ luận này, ngài có một ít nghi ngờ về giá trị và sự thích hợp. Sau đó ngài đi đến cái vùng Kasmir (Trung tâm của Nhứt thiết hữu bộ)để nghiên cứu thêm bốn năm nữa.

Sau khi nghiên cứu, ông ta cho rằng luận Tỳ Bà Sa này không phải là cứu cánh của Đạo Phật và trở về quê nhà sáng tác 600 bài kệ được gọi là Câu Xá Luận và trở thành giáo chủ của trường phái Nhất Thiết Hữu Bộ. Từ đó, Ngài đi du phương hoằng hóa truyền bá tư tưởng tiểu thừa Phật Giáo và đả phá tư tưởng Đại thừa Phật giáo.

Biết được thái độ của người em mình như vậy nên ngài Vô Trước quyết định đưa em mình vào con đường đại thừa.

Vô Trước sai hai người đệ tử mang kinh luận đại thừa đến đọc cho Thế Thân nghe. Sau khi nghe đọc hết các kinh luận đại thừa, Thế Thân nhận ra Phật Giáo đại thừa rất thâm sâu về cả lý thuyết lẫn thực hành. Hối hận vì xưa kia hủy báng Đại thừa. Ngài định “cắt lưỡi để tạ tội”. Các đệ tử của ngài Vô Trước thấy thế khuyên Thế Thân nên đến gặp Ngài Vô Trước. nghe lời khuyên Thế Thân đến gặp anh mình và tại đây một sự thảo luận về Tư tưởng Đại thừa Phật Giáo được diễn ra giữa hai anh em.

Vô Trước khuyên Ngài Thế Thân nên sử dụng cái lưỡi và sự hiểu biết của mình để nghiên cứu và truyền bá Phật Giáo Đại thừa. Từ đó Ngài chuyên tâm sáng tác Đại thừa luận, Duy thức luận, xiển dương chánh nghĩa đại thừa.

Khi Ngài còn tu bên Tiểu thừa, Ngài đã sáng tác được 500 bộ luận và khi hướng theo Đại thừa, ngài sáng tác thêm được 500 bộ luận nữa nên người đời gọi Ngài là “Thiên Bộ Luận Sư”

BÀI IV: PHẦN I - CHÁNH VĂN

Hỏi: Như lời Phật dạy: “Tất cả các pháp đều vô ngã”.Vậy cái gì là “tất cả các pháp” và sao gọi là “vô ngã”?

Đáp: Tất cả các pháp tuy nhiều nhưng tóm lại có một trăm pháp, chia làm 5 loại:

I. Tâm Vương: có 8 món

II. Tâm Sở Hữu Pháp: có 51 món

III. Sắc Pháp: có 11 món

IV. Tâm Bất Tương Ưng Hành Pháp: có 24 món

V. Vô Vi Pháp: có 6 món

 

GIẢNG GIẢI: 

I. TÂM PHÁP hay TÂM VƯƠNG ( 8 món)

1. Nhãn Thức (cái biết của con mắt)

2. Nhĩ Thức (cái biết của lỗ tai)

3. Tỷ Thức (cái biết của lỗ mũi)

4. Thiệt Thức (cái biết của lưỡi)

5. Thân Thức (cái biết của thânthể)

6. Ý Thức (cái biết của ý). Ý thức là phạm vi của cái biết, ý thức làm chủ 5 thức trên đặc tánh của nó là phân biệt.

7. Mạt Na Thức: Chấp ngã hay còn gọi là Ý căn

8. A Lại Da Thức: Tích tập, chứa nhóm.

Tám thức này còn gọi là Bát thức tâm vương, vì tám món tâm này có công năng thù thắng hơn hết như ông vua có oai quyền thế lực thống trị thiên hạ nên gọi là nhứt thiết tối thắng cố.

 

II . TÂM SỞ

Tâm sở xuất phát từ câu “Tâm vương chi sở hữu pháp” để chỉ cho các pháp đó là pháp sở hữu của tâm vương.

Tâm Sở Hữu Pháp lược gồm có 51 món, phân làm 6 nhóm:

1. Biến Hành Tâm sở có 5: Xúc, Tác ý, Thọ, Tưởng và Tư

2. Biệt Cảnh Tâm Sở có 5: Dục, Thắng giải, Niệm, Định và Tuệ

3. Thiện Tâm sở có 11: Tín, Tàm, Quý, Vô tham, Vô sân, Vô si, Tinh tấn, Khinh an, Bất phóng dật, Hành xã và Bất hại.

4. Căn Bản Phiền Não có 6: Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi và Ác kiến (bất chánh kiến)

Ác kiến có 5: Thân kiến, Biên kiến, Tà kiến, Kiến thủ và Giới cấm thủ

5. Tùy Phiền Não có 20 được chia làm 3 loại:

a. Tiểu Tùy có 10: Phẩn, Hận, Phú, Não, Tật, San, Cuống, Xiểm, Hại, Kiêu.

b. Trung Tùy có 2: Vô tàm, Vô quý.

c. Đại Tùy có 8: Trạo cử, Hôn trầm, Bất tín, Giải đãi, Phóng dật, Thất niệm, Tán loạn, Bất chánh tri.

6. Bất Định có 4: Hối, Miên, Tầm, Tứ

III. SẮC PHÁP

Sắc Pháp là do hai món tâm vương và tâm sở mà hiện ra cảnh tượng gọi là sắc pháp (nhị sở hiện ảnh cố)

Sắc pháp lược có 11 món:

+ Năm căn: Nhãn căn, Nhĩ căn, Tỷ căn, Thiệt căn và Thân căn.

+ Sáu trần: Sắc trần, Thinh trần, Hương trần, Vị trần, Xúc trần và Pháp trần.

IV. TÂM BẤT TƯƠNG ƯNG HÀNH PHÁP

Do 3 món Tâm vương, Tâm sở và Sắc pháp mà thành ra 24 món sai khác gọi là Tâm bất tương ưng hành. Lược gồm 24 món:

Đắc, Mạng căn, Chúng đồng phận, Dị sanh tánh, Vô tưởng định, Diệt tận định, Vô tưởng báo, Danh thân, Cú thân, Văn thân, Sanh, Trụ, Lão, Vô thường, Lưu chuyển, Định dị, Tương ưng, Thế tốc, Thứ đệ, Thời, Phương, Số, Hòa hiệp tánh và Bất hòa hiệp tánh.

V. VÔ VI PHÁP

Do bốn món Tâm vương, Tâm sở, Tâm bất tương ưng hành và sắc pháp nên hiện ra 6 pháp Vô vi. Vô Vi pháp lược giải gồm có 6:

Hư Không vô vi, Trạch diệt vô vi, Phi trạch diệt vô vi, Bất động diệt vô vi, Tưởng thọ diệt vô vi và Chơn như vô vi.

 

BÀI V: PHẦN II - Vô Ngã

Luận chủ trả lời câu hỏi thứ hai: “sao gọi là vô ngã ?”

Vô Ngã gồm có 2: Nhơn vô ngã (Bổ đặc già la vô ngã) và Pháp vô ngã.

1. Nhơn Vô ngã:

Chữ ngã gọi là chủ thể. Thông thường, chữ ngã nghĩa là: "Ta", "Tôi" thuộc ngôi thứ nhất của đại danh từ, tức là chỉ một con người nào đó được gọi là chủ tể. Chủ là tự tại, Tể là sai xử phán đoán.

Người đời chấp có ngã như chấp có thân mạng sống, thấy mình được tự tại, tự chủ và tự quyền sai khiến phán đoán.

Theo Thánh giáo, cái được gọi là Ngã cần phải hội đủ những yếu tố sau đây:

- Chủ tể: Nghĩa là không bị chi phối và lệ thuộc bất cứ một thế lực nào.

- Cái đoán: Tự nó là tự nó, không một lý do nào, một sự kiện nào làm cho nó tốt hoặc xấu đi được.

- Bất biến: Vô thỉ cũng thế mà vô chung cũng thế. Không có lúc sanh cũng không có lúc diệt.

- Tự tại: bất động, như như.

Như vậy chữ ngã theo Thánh giáo hoàn toàn thoát ra khỏi sự chi phối của vô thường, biến dị của không gian và thời gian.

2. Pháp Vô Ngã:

Pháp gọi là Quỹ Trì (Nhậm Trì tự tánh, Quỹ sanh vật giải). Quỹ nghĩa là có khuôn mẫu nhất định, dễ khiến người ta hiểu biết được. Trì là giữ gìn tính chất của nó chưa bị hư mất.

Ví dụ: Cái bàn, Cái ghế… mỗi thứ là một pháp, không cái nào lẫn lộn với cái nào.

Mỗi Pháp có 3 đặc điểm: Thật, Đức và Nghiệp.

a. Thật : có sự thật, thật có.

b. Đức : Tính chất, mỗi pháp đều có tính chất riêng.

c. Nghiệp : dùng làm gì?

Chữ Pháp theo Thánh giáo gồm những sở tu như: Tứ đế, Ngũ uẩn, Thập Nhị Nhân Duyên v.v…

Những pháp sở chứng như A la Hán, Bồ đề, Niết bàn… cũng chỉ là giả mà nói.

Như vậy, chúng sanh chấp thân và tâm này là thật, là ta nên gọi là nhân ngã, chấp núi sông, đất liền, tất cả sự vật bên ngoài đều thật có, như thế gọi là pháp ngã .

Vì nhơn không thật mà pháp cũng không thật có, nên Phật gọi là tất cả pháp vô ngã. Duy Thức Học thuyết minh, ngã và pháp đều do Duy thức biến hiện.

 

BÀI VI: 5 nhóm Pháp

Nguyên Văn:

“Nhứt thế pháp giả,

Lược hữu ngũ chủng

Nhứt giả tâm pháp

Nhị giả tâm sở hữu pháp

Tam giả sắc pháp

Tứ giả tâm bất tương ưng hành pháp

Ngũ giả vô vi pháp”

Dịch nghĩa:

Hết thảy các pháp lược có 5 loại:

Một là tâm pháp

Hai là tâm sở hữu pháp

Ba là sắc pháp

Bốn là tâm bất tương ứng hành pháp

Năm là vô vi pháp

 

Giải Thích:

Tâm - Ý – Thức

Chữ “Tâm” có rất nhiều nghĩa nhưng tóm lại có 6 nghĩa:

1. Tập khởi: Chứa nhóm và phát khởi. Nghĩa này thuộc về thức thứ 8 ( A lại Da thức). Vì thức này có công nặng chứa nhóm chủng tử của các pháp rồi phái khởi ra hiện hành.

2. Tích tập: nghĩa này thuộc về 7 thức trước (nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức và mạt na thức). Vì bảy thức trước này có công năng chứa nhóm các pháp hiện hành để huân vào tàng thức.

3. Duyên lự: Duyên cảnh khởi ra sự phân biệt. Tám thức đều tự duyên cảnh rồi khởi ra phân biệt

4. Thức: Là hiểu biết, phân biệt. Cả tám thức đều có công dụng hiểu biết và phân biệt về đối tượng sở duyên (cảnh).

5. Ý: Sanh diệt tương tục không gián đoạn. Cả tám thức đều niệm niệm sanh diệt tương tục không gián đoạn.

6. Tâm- Ý- Thức: Theo đặc tính của mỗi thức thì thức thứ 8 nghĩa là Tích tập gọi là Tâm. Thức thứ 7 sanh diệt tương tục nên gọi là Ý, 6 thức trước gọi là Tiền lục thức gọi là Thức.

 

BÀI VII: BỐN PHẦN

 Các Tâm vương và Tâm sở khi tiếp xúc với đối tượng ngoại cảnh gồm có bốn phần:

1. Tướng phần(images)

2. Kiến phần (activities)

3. Tự chứng phần.

4. Chứng tự chứng phần

 

1. Tướng phần: Là phần thuộc về hình tướng, ngoại cảnh, phần đối tượng sở duyên của kiến phần thức.

Ví dụ: Tướng phần của nhãn thức là phần hình ảnh thuộc về sắc trần (visible from) của một sự vật .(thuộc cảnh tướng)

Đệ Thất thức(thức thứ 7) lấy kiến phần của thức thứ 8 gồm tướng trạng của ngã và pháp làm tướng phần sở duyên của nó. (thuộctâm tướng)

Đệ Bát thức lấy chủng tử, căn thân, và khí thới giới làm tướng phần sở duyên của nó (tâm tướng)

2. Kiến phần: Là phần tác dụng năng duyên, khả năng sự nhận thức của thức.

Ví dụ: Nhãn thức, kiến phần là phần tác dụng của tâm thức để nhìn thấy hình tướng sự vật qua con mắt.

Thân thức, kiến phần là phần tác dụng của tâm thức để cảm biết về sự xúc chạm của sự vật qua thân thể.

3. Tự Chứng phần: Là tính tự chứng tri của thức, dùng để chứng biết cái phần năng duyên (kiến phần) là sai hay không sai, đúng hay không đúng.

4. Chứng Tự Chứng phần: Tính chứng tri của thức dùng để xác định cái phần minh kiến của tự chứng phần.

Như thế, một khi thức tiếp xúc, duyên với một đối tượng liên quan đến ngoại cảnh, muốn nhận thức một cách đích xác, đúng đắn cần phải trải qua bốn phần. Hai phần: Kiến và Tướng là phần ngoài của thức và còn phần Tự chứng phần và Chứng tự chứng phần là phần bên trong của thức.

 

BÀI VIII: BA CẢNH

Ba cảnh là: Tánh cảnh, Độc ảnh cảnh và Đới chất cảnh

1. Tánh Cảnh: Là cảnh có tính chất thật, khi tâm thức duyên ngay nơi tự tướng của cảnh ấy mà không có trải qua sự phân biệt nên gọi là Tánh cảnh

2. Độc ảnh cảnh: gồm có 2 loại: Vô chất độc ảnh cảnh và Hữu chất độc ảnh cảnh.

Vô chất độc ảnh cảnh: Là cảnh không có thực chất chỉ do trí tưởng tượng biến ra, như ma quỷ, Ngọc hoàng, Thượng đế.

Hữu chất độc ảnh cảnh: Là ý thức duyên nơi chủng tử và hiện hành của 5 thức trước là tiền ngũ thức mượn đó làm chất mà biến ra cảnh tượng, hoặc khi tâm thức duyên cảnh vô vi. Cảnh này tuy không có hình sắc nhưng nó vẫn có thể tướng của nó nên cũng gọi là Hữu chất độc ảnh cảnh.

3. Đới chất cảnh: có 2 loại: Chơn đới chất và tợ đợi chất

Chơn đới chất cảnh: Là cảnh thuộc về cảnh của tâm duyên tâm, như thức thứ 7 lấy kiến phần của thức thứ 8 làm chất cảnh, những cảnh này thuộc nội giới nên gọi là chơn đới chất cảnh.

Tợ đới chất cảnh: Là phần cảnh thuộc về tâm giới duyên sắc, như ý thức duyên cảnh ngũ trần bên ngoài, lấy tướng đó làm cảnh sở duyên của mình nên gọi là đới chất, bởi duyên cảnh này từ sự phân biệt mà có không thuộc về hiện lượng nên gọi là tợ đới chất cảnh.

BÀI IX: BA LƯỢNG – BA TÁNH

I. Ba Lượng:

Ba Lượng gồm có: Hiện Lượng, Tỷ Lượng, Phi Lượng.

“Lượng” tức là sự phân biệt, so đo, hiểu biết. Khi Tâm vương và Tâm sở đo lường các cảnh có tướng trạng khác nhau:

1. Hiện Lượng: 

Hiện lượng là lượng biết không phân biệt đối với các cảnh, lìa sự phân biệt về danh nghĩa, chủng loại, dùng chánh trí hiển hiện mà nhận thức gọi là hiện lượng.

2. Tỷ lượng: “Tỷ” có nghĩa là so sánh, suy luận, đối chiếu, suy đoán. Tỷ lượng là lượng biết nhờ các duyên tương tợ mà xét đoán ra.

Chân Tỷ lượng là lượng suy đoán đúng

Tợ Tỷ lượng là lượng suy đoán sai.

3. Phi lượng: Là lượng biết sai lầm, có vẻ giống như hiện lượng tỷ lượng mà không phải hiện lượng tỷ lượng. Sự biết tợ hiện lượng, tợ tỷ lượng gọi là Phi lượng.

 

II. Ba Tánh

Ba Tánh gồm có: Thiện tánh, Ác tánh và Vô Ký tánh.

Thiện tánh: Là những gì có lợi cho mình và người trong hiện tại cũng như trong vị lai.

Ác tánh: Là những gì làm tổn hại cho mình và người trong hiện tại hoặc tương lai

Vô Ký tánh: Là pháp làm cho mình và người trong hiện tại hoặc trong tương lai không nhất định chịu sự thuận nghịch vui khổ.

 

BÀI X: BA THỌ - NĂM THỌ

Thọ Tâm sở chia làm 3 loại: Khổ thọ, Lạc thọ và Xả thọ. Hoặc 5 loại: Khổ thọ, Lạc thọ, Ưu thọ, Hỷ thọ và Xả thọ.

Thọ khổ và Thọ ưu đều lãnh nạp cảnh tướng nghịch, cảm giác bức bách về thân là khổ thọ. Bức bách về tâm gọi là Ưu thọ

Thọ hỷ và Thọ lạc đều lãnh nạp cảnh tướng thuận.

Cảm giác làm cho thân vui thích gọi là Lạc thọ, làm cho tâm vui thích gọi là Hỷ thọ.

Xả thọ lãnh nạp cảnh trung dung, đối với thân và tâm không vui thích hay bức bách, cho nên gọi là bất khổ bất lạc thọ.

 

BÀI XI: CHÍN DUYÊN VỚI CÁC THỨC

 Chín duyên bao gồm:

1. Không gian: Như khi con mắt tiếp xúc với đối tượng, giữa mắt và đối tượng có một khoảng cách không gian mới có thể nhận biết được cảnh một cách rõ ràng.

2. Minh: Là ánh sáng, nhờ ánh sáng mà mắt thấy rõ được sự vật

3. Căn: Nhờ Phù trần căn tiếp xúc với đối tượng mới phát sinh ra thức phân biệt

4. Cảnh: Có đối tượng

5. Tác ý: Là khởi ý tiếp xúc với đối tượng

6. Phân biệt y: Nhờ ý thức phân biệt

7. Nhiễm tịnh y: Một phần nương thức thứ bảy( Mạt na thức)

8. Căn bản y: Nương theo thức thứ 8 (A lại gia thức)

9. Chủng tử y: Chủng tử nào thì thân sanh hiện hành chủng tử ấy.

 

TÁM THỨC VÀ CHÍN DUYÊN

1. Nhãn thức có 9 duyên:

Hư không, ánh sáng, căn, cảnh, tác ý, phân biệt y, nhiễm tịnh y, căn bản y và chủng tử y.

2. Nhĩ thức có 8 duyên:

Các duyên đồng như Nhãn thức chỉ trừ một duyên là ánh sáng.

3. Ba thức Tỷ, Thiệt, Thân có 7 duyên:

Tỷ, Thiệt và Thân chỉ còn 7 duyên, các duyên đồng như nhãn thức chỉ bớt hai duyên là hư không và ánh sáng.

5. Ý thức có 5 duyên:

Căn, cảnh, tác ý, căn bản y và chủng tử

6. Mạt Na thức có 3 duyên:

Cảnh, tác ý và chủng tử

7. A lại gia thức có 4 duyên:

Căn (mạt na), cảnh, tác ý và chủng tử

 

BÀI KỆ HỌC THUỘC LÒNG

Nhãn thức cửu duyên sanh

Nhĩ thức duy tùng bát

Tỷ thiệt thân tam, thất

Hậu tam, ngũ, tam, tứ

Nghĩa:

Nhãn thức có chín duyên

Nhỉ thức chỉ còn tám

Tỷ thiệt thân còn bảy

Ba thức sau năm ba bốn.

 

Bài XII: TAM GIỚI CỬU ĐỊA

Tam giới gồm có: cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc.

Cửu địa có khi còn gọi là Cửu hữu hoặc cửu chúng sanh cư hoặc cữu tình cư. Nghĩa là chỗ cư trú của các loài hữu tình.

Tam Giới Cửu Địa

Dục giới:

  • Ngũ thú tạp cư địa

Sắc giới:

  • Ly, sanh hỷ lạc địa
  • Định sanh hỷ lạc địa
  • Ly hỷ diệu lạc địa
  • Xả niệm thanh tịnh địa

Vô Sắc giới:

  • Không vô biên xứ địa
  • Thức vô biên xứ địa
  • Vô sở hữu xứ địa
  • Phi tưởng phi phi tưởng xứ địa

 

Bồ Tát : Tam Hiền Thập Thánh

Hiền

  1. Tư lương vị: 
    • 1. Thập trụ
    • 2. Thập hạnh
    • 3. Thập hồi hướng
  2. Tứ gia hạnh vị: 
    • 1. Noãn
    • 2. Đảnh  
    • 3. Nhẫn
    • 4. Thứ đệ nhất

Thánh

1. Hoan hỷ địa, 2. Ly cấu địa, 3. Phát quang địa, 4. Diệm huệ địa, 5. Nan thắng địa, 6. Hiện tiền địa, 7. Viễn hành địa, 8. Bất động địa, 9. Thiện huệ địa, 10. Pháp Vân địa.

 

BÀI XIII: TÂM VƯƠNG - 5 Căn Thức

 I. Định nghĩa:

Tâm vương hay còn gọi là Tâm pháp là tự tánh của thức gồm 8 món. Tám món này rất thù thắng, tự tại và tự chủ giống như 8 ông Vua có quyền hành cai trị đất nước nên gọi là Tâm vương.

Tám Tâm Vương là:

Tiền Ngũ Thức (Năm thức trước)

Năm thức trước là năm sự hiểu biết hiển bày ra nơi ngoài thân thể con người.

1. Nhãn thức:

Nhãn là con mắt, thức là hiểu biết. Như vậy hiểu biết qua con mắt gọi là nhãn thức, thức này nương nhãn căn khởi ra tác dụng phân biệt vế sắc trần.

2. Nhĩ thức:

Nhĩ là lỗ tai, thức là hiểu biết. Hiểu biết qua lổ tai gọi là nhĩ thức. Thức này nương nơi nhĩ căn khởi ra tác dụng phân biệt về thinh trần.

3. Tỷ thức:

Tỷ là lỗ mũi, thức là hiểu biết. Hiểu biết qua lỗ mũi gọi là tỷ thức. Thức này nương nơi tỷ căn khởi ra phân biệt về hương trần.

4. Thiệt thức:

Thiệt là cái lưỡi, thức là hiểu biết. Hiểu biết qua miệng lưỡi gọi là thiệt thức. Thức này nương nơi thiệt căn khởi ra tác dụng phân biệt vị trần.

5. Thân thức:

Thân là thân thể, thức là hiểu biết. Hiểu qua toàn bộ thân thể gọi là thân thức. Thức này nương nơi thân căn, khởi ra tác dụng phân biệt về xúc trần.

II . Bài Tụng Thứ Nhất:

Âm:

Tánh cảnh, hiện lượng, thông tam tánh

Nhãn, nhĩ, thân tam nhị địa cư

Biến hành, biệt cảnh, thiện thập nhất

Trung nhị, đại bát, tam, sân, si.

Nghĩa:

Tánh cảnh, hiện lượng, thông ba tánh

Nhãn, nhĩ, thân ba ở nhị địa

Biến hành, Biệt cảnh, Thiện mười một

Trung hai, Đại tám, tham sân si.

 

GIẢI NGHĨA:

Năm thức này đối với 3 cảnh (Tánh cảnh, Độc ảnh cảnh, Đới chất cảnh) thì chỉ có Tánh cảnh.

Trong 3 Lượng (Hiện lượng, Tỉ lượng, Phi lượng) thì chúng chỉ có Hiện lượng.

Trong 3 Tánh thì chúng có Đủ cả 3 (Thiện tánh, Ác tánh, Vô ký tánh )

Ở cõi Sơ địa (dục giới) có đủ mặt cả năm thức nhưng lên tới cõi Nhị địa thì chỉ còn ba thức là nhãn, nhĩ và thân.

Đối với Tâm sở thì 3 thức này tương ứng với 34 món tâm sở

Năm món biến hành (xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư), năm món Biệt cảnh (dục, thắng giải, niệm, định, huệ), mười một món Thiện (tín, tàm, quý, vô tham, vô sân, vô si, tinh tấn, khinh an, bất phóng dật, hành xã, bất hại), hai món Trung tùy (Vô tàm, vô quý), tám món Đại tùy (trạo cữ, hôn trầm, bất tín, giải đải, phóng dật, thất niệm, tán loạn, bất chánh tri), ba món Căn bản phiền não là tham, sân, si.

 

III . Bài Tụng Thứ Hai:

Âm :

Ngũ thức đồng y như tịnh sắc căn

Cửu duyên, bát, thất hảo tương lân

Hiệp tam, ly nhị, quán trần thế

Ngu giả nan phân thức dữ căn.

 

Nghĩa :

Năm sắc cùng nương tịnh sắc căn

Chín, tám, bảy duyên ưa gần nhau

Ba hiệp, hai rời duyên trần cảnh

Kẻ ngu khó phân thức và căn

 

GIẢI NGHĨA

Căn là giác quan, năm căn là 5 giác quan của sự hiểu biết.

Căn có hai: Phù trần căn và Tịnh sắc căn.

- Phù trần căn: là những giác quan hiển bày ra bên ngoài thân thể, khiến cho mọi người có thể nhìn thấy được một cách dễ dàng. Những giác quan này như: Mắt, tai, mũi, lưỡi, miệng, toàn bộ thân thể và chúng được gọi là phù trần căn.

- Tịnh sắc căn: hay còn gọi là Thắng nghĩa căn là những giác quan rất tinh tế và nhạy bén nằm ở phía bên trong thân thể của con người. Tịnh sắc căn ở đây tức chỉ cho hệ thống thần kinh của mắt, tai, mũi, lưỡi và toàn bộ thân thể.

Năm Thức trước đều nương 5 cái tịnh sắc căn nhờ đó mà các duyên mới sanh ra được.

Nhãn thức có 9 duyên

Nhĩ thức có 8 duyên

Tỷ, Thiệt và Thân chỉ có 7 duyên

Trong 3 thức: Tỷ, Thiệt và Thân hiệp trần cảnh mới duyên được cảnh.

Nhãn thức và Nhĩ thức phải hở trần cảnh thì mới duyên được cảnh.

Người phàm phu và hàng nhị thừa do vì chấp pháp nặng nề cho nên khó phân biệt cái nào là Thức, cái nào là Căn. Do vậy, đều gọi là Ngu giả.

 

IV. Bài Tụng Thứ Ba:

 Âm:

Biến tướng quán không duy hậu đắc

Quả trung du tự bất thuyên chơn

Viên minh sơ phát thành vô lậu

Tam loại phân thân tức khổ luân.

 

Nghĩa:

Trí hậu đắc biến tướng, không quán

Khi chứng quả còn chẳng nói chơn

Viên minh vừa phát thành vô lậu

Phân thân ba loại dứt khổ luân.

 

GIẢI NGHĨA

Năm thức trước không có Căn bản trí mà chỉ có Hậu đắc trí, khi duyên với chân như thì nó chỉ biến lại tướng phần của 2 món chân như là ngã không, pháp không mà duyên.

Khi thức thứ 8 trở nên vô lậu và chuyển thành Đại viên cảnh trí, thì năm thức trước cũng thành vô lậu và chuyển thành Thành sở tác trí. Trí huệ mà họ đạt được đều áp dụng vào mục đích làm lợi lạc cho tất cả quần sanh nên Họ thị hiện ra ba loại thân:

  1. Thân đại hoá: Tức Thắng ứng thân, Thân này dùng để giáo hóa hàng Đại thừa bồ tát.
  2. Thân tiểu hóa: Tức Liệt ứng thân, Thân này giáo hóa hàng Tam hiền bồ tát, Nhị thừa, Phàm phu.
  3. Thân tùy loại hóa: Thân này tùy theo loại chúng sanh mà hóa hiện.

BÀI XIV: Ý THỨC

Thức thứ 6 còn gọi là Ý thức. Thức này nương vào Ý căn (mạt na thức) mà khởi ra tác dụng phân biệt về pháp trần nên gọi là ý thức.

Trong tám thức, thức thứ 6 rất lanh lẹ và khôn ngoan hơn hết (độc hữu nhứt cá tối linh ly), nó đóng vai trò chủ chốt trong việc tạo tác nghiệp dẫn mãn. Mọi suy nghĩ để làm việc thiện thì nó đứng đầu, mưu kế toan tính hại người thì nó trên hết (công vi thủ tội vi khôi). Thức này cũng có công năng chấp ngã và chấp pháp.

Thức thứ sáu là cơ quan đầu não, trung tâm của cảm giác. Trong khi năm thức trước tiếp xúc với 5 đối tượng ngoại cảnh, nếu không có thức thứ 6 cộng tác trợ giúp thì cảm giác đó không được minh liễu. Vì thế thức thứ 6 có hai chiều hướng hoạt động:

  1. Khi năm căn tiếp xúc với 5 cảnh bên ngoài, ý thức căn cứ vào đối tượng của 5 căn mà có sự phân biệt, lúc đó gọi là ngũ câu ý thức.
  2. Chỉ riêng một mình ý thức hoạt động riêng lẽ tự tưởng tượng cảnh và tự duyên mà không cần sự cộng tác của 5 căn hoặc giác quan gọi là đầu độc ý thức.

 

4 trường hợp ý thức hoạt động riêng lẽ:

-Tán vị ý thức: Nghĩa là ý thức hoạt động trong lúc tâm hồn phân tán (không có định).

-Mộng trung ý thức: Nghĩa là ý thức hoạt động trong lúc nằm mơ.

-Loạn trung ý thức: là ý thức hoạt động trong lúc điên loạn.

-Định trung ý thức: là ý thức hoạt động trong lúc thiền định.

 

5 trường hợp ý thức không hiện khởi :

1. Sanh về cõi trời Vô tưởng

2. Người tu Vô tưởng định thì thức thứ 6 không hiện hành

3. Người tu Diệt tận định thì diệt hết tiền thất thức

4. Ngủ mê không chiêm bao

5. Chết giấc

 

I. Bài Tụng Thứ Nhất:

Âm:

Tam tánh, tam lượng, thông tam cảnh

Tam giới luân thời dị khả tri

Tương ưng tâm sở ngũ thập thất

Thiện ác lâm thời biệt phối chi

 

Nghĩa:

Ba tánh, Ba lượng và Ba cảnh

Luân chuyển ba cõi dễ thấy biết

Tương ưng năm mươi mốt món tâm sở

Thiện ác đến thời riêng phối hiệp.

 

GIẢI NGHĨA:

- Thức thứ 6 đối với Ba cảnh thì còn đủ 3 cảnh: Tánh cảnh, Đới chất cảnh, Độc ảnh cảnh.

- Đối với Ba lượng thì có đủ Ba lượng: Hiện lượng, Tỷ lượng, Phi lượng.

- Đối với Ba tánh: Thiện tánh, Ác tánh, Vô ký tánh có đủ ba.

- Đối với Ba cõi và chín địa thì ý thức đều có mặt .

- Trong 9 duyên thức thứ 6 chỉ có 5 duyên là căn, cảnh, tác ý, căn bản, và chủng tử.

- Đối với Tâm sở thì nó tương ứng với 51 món tâm sở gồm có 5 món Biến hành, 5 Biệt cảnh, 11 Thiện, 6 Căn bản phiền não, 20 Tùy phiền não và 4 Món bất định.

- Khi thức này nghĩ tới thiện thì chỉ riêng Thiện tâm sở phối hợp. Còn nếu thức này nghĩ tới việc ác thì 6 căn bản phiền não và 20 món tùy phối hợp tác chiến.

 

II. Bài Tụng Thứ Hai:

Âm:

Tánh, Giới, Thọ tam hằng chuyển dịch

Căn, Tùy, Tín đẳng tổng tương liên

Động thân phát ngữ độc vi tối

Dẫn, mãn năng chiêu nghiệp lực khiên.

Nghĩa:

Tánh, Giới, Thọ ba thường biến đổi

Căn, Tùy, Tín chung nhau liên tiếp

Thân động, miệng nói nó hơn hết

Dẫn nghiệp, mãn nghiệp thọ quả báo.

 

GIẢI NGHĨA

Thức thứ 6 đối với Ba tánh (thiện, ác, vô ký), đối với ba giới (dục, sắc, vô sắc), đối với năm Thọ (lạc, hỷ, khổ, ưu, trung tính) thì nó luôn luôn thay đổi như lúc thiện lúc ác, lúc ở cõi này lúc ở cõi kia, lúc vui, lúc buồn không có định. Trong 51 món tâm sở chẳng hạn như: Căn bản phiền não, Tùy phiền não… luôn cùng nhau phối hợp với thức này làm cho thân động miệng nói. Do vậy, thức này là hơn hết cho nên nó tạo ra dẫn nghiệp và mãn nghiệp để thọ lấy quả báo về sau.

 

III. Bài Tụng Thứ Ba:

Âm:

Phát khởi sơ tâm Hoan hỷ địa

Cu sanh du tự hiện triền miên

Viễn hành địa hậu thuần vô lậu

Quán sát viên minh chiếu đại thiên

Nghĩa:

Khi đạt sơ tâm Hoan hỷ địa

Cu sanh ngã, pháp hiện vẫn còn

Viễn hành về sau thuần vô lậu

Quán sát tròn đầy khắp đại thiên

 

GIẢI NGHĨA:

Có 3 thời kỳ Ý thức đoạn diệt phiền não trở thành vô lậu:

1. Khi lên bật Sơ địa tức Hoan Hỉ Địa thì phân biệt ngã chấp và pháp chấp (do sự chấp trước của mạt na thức cộng với ý thức) được đoạn diệt. Nhưng câu sanh ngã chấp (do thức thứ 7 và thức thứ 8 hợp tác hoặc là kết hợp mà các hiện tượng vạn pháp trong thế gian đều phát khởi) và pháp chấp vẫn còn hiện hành và tiềm tàng trong A lại gia thức, chưa có thể chinh phục và đoạn trừ được.

2. Khi lên đến Viễn Hành Địa (thất địa) thức vô biên xứ trở lên thì mới đoạn trừ được chủng tử câu sanh của ngã chấp và chinh phục được hiện hành của pháp chấp. Lúc bấy giờ thì thức thứ 6 mới thuần vô lậu.

3. Khi lên tới quả vị Phật thì đoạn trừ được chủng tử câu sanh của pháp chấp. Lúc này thức thứ 6 chuyển thành Diệu Quan Sát Trí, quán sát chiếu soi cả tam thiên đại thiên thế giới và tùy theo căn cơ của mỗi loài chung sanh mà thuyết pháp hóa độ.

BÀI XV: MẠT NA THỨC

 

I. Định nghĩa:

Mạt na tiếng Phạn gọi là Manas, còn gọi là ý căn bởi vì thức này làm căn (giác quan) của ý thức, thức thứ 6 nương vào thức này mà phát sanh. Còn gọi là thức thứ Bảy, và Truyền tống thức vì thức này có công năng truyền các pháp hiện hành vào Tàng thức và đưa ra ngoài các chủng tử khởi ra hiện hành.

Tánh chất của Thức Mạt na là luôn luôn so đo và tính toán, tướng trạng của Mạt na thức là luôn luôn chấp ngã và chấp pháp một cách kiên cố, do vì nó duyên với kiến phần của thức A lại da.

 II. Bài Kệ Thứ Nhất:

Âm:

Đới chất, hữu phú thông tình bản

Tùy duyên chấp ngã lượng vi phi

Bát Đại, Biến hành, Biệt cảnh huệ

Tham, si, ngã kiến, Mạn, tương tùy

Nghĩa:

Đới chất, hữu phú thông Bảy Tám

Tùy duyên chấp ngã thuộc phi lượng

Tám đại, biến hành, biệt cảnh huệ

Tham, si, ngã mạn, thường theo nhau.

 

GIẢI NGHĨA:

Thức Mạt na đối với Ba cảnh, thức này chỉ có đới chất cảnh. Đối với Ba tánh thức này chỉ thuộc về hữu phú vô ký tánh. Hữu phú có nghĩa là nhận tất cả tánh dù thiện hay ác và không phân biệt nên gọi là Vô ký tánh (phi thiện, phi ác).

Thông Tình bản là khi thức Thứ bảy duyên với thức thứ Tám, kiến phần năng duyên của đệ thất thức thuộc tánh hữu phú vô ký thông về tình.Tướng phần sở duyên (kiến phần của đệ bát thức) từ nơi bản chất của đệ bát thức mà có, thuộc tánh vô phú vô ký thông về phần bản.

Tùy duyên chấp ngã lượng vi phi: Mạt na thức nương vào kiến phần của thức A lại gia mà tạo ra một cái sở duyên của riêng mình. Do vậy mà Mạt na thức ái chấp A lại gia như một đối tượng của bản ngã, trong Ba lượng thức này thuộc về phi lượng.

Bát đại, Biến hành, Biệt cảnh huệ : Về tâm sở, thức này tương ưng với 18 món : 5 Tâm sở Biến hành (xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư) 8 món Đại tùy Phiền não (trạo cữ, hôn trầm, bất tín, giải đãi, phóng dật, thất niệm, tán loạn và bất chánh tri) và Tâm sở Huệ trong 5 món Biệt cảnh

Huệ tâm sở có 2 loại : Chánh huệ và Cuồng huệ, Mạt na vọng chấp ngã pháp cho nên chỉ tương ưng với cuồng huệ. Và cuối cùng là tương ưng với 4 món Căn bản phiền não là Tham, Si, Mạn, Ngã kiến

III. Bài Kệ Thứ Hai:

 Âm:

Hằng thẩm tư lương ngã tương tùy

Hữu tình nhựt dạ trấn hôn mê

Tứ hoặc, Bát đại tương ưng khởi

Lục chuyển hô vi “ Nhiễm tịnh y”

Nghĩa:

Luôn xét đo lường theo chấp ngã

Hữu tình ngày đêm bị mê mờ

Bốn Hoặc, Tám Đại chung nhau khởi

Sáu thức gọi là “Nhiễm tịnh y”

 

GIẢNG NGHĨA:

Thẩm có nghĩa là Tư lượng: Tức là luôn có sự thẩm sát, so đo, tính toán ở bên trong nội tâm gọi là thẩm.

Hằng là sự hoạt động luôn luôn không ngừng nghĩ. Trong tám thức, thức thứ 8 có hằng mà không có thẩm, Thức thứ 7 vừa thẩm lại vừa hằng, Thức thứ 6 có thẩm mà không hằng, Tiền ngũ thức không hằng cũng không thẩm.

Do vì thức thứ Bảy chấp ngã một cách kiên cố cho nên hữu tình chúng sanh bị trôi lăng trong sanh tử và không tự nhận biết được.

Thức Mạt na tương ưng với 4 Căn bản phiền não và tám Đại tùy phiền não.

Nhiễm tịnh y tức là căn bản của sự nhiễm và tịnh. Y tức là chỗ y cứ, là nền tảng là căn bản. Thức thứ 7, nó là nền tảng nhiễm tịnh cho 6 thức trước.

Nếu mạt na thức bị che lấp và bị si mê quá nhiều thì Thức thứ 6 và 5 Thức trước sẽ bị nhiễm nhiều. Còn nếu thức thứ 7 được giải thoát nhẹ nhàng thì 6 thức trước cũng nhẹ nhàng giải thoát. Vì thế cho nên gọi là nhiễm tịnh y.

 

IV. Bài Kệ Thứ Ba:

Âm:

Cực hỷ sơ tâm, bình đẳng tánh

Vô công dụng hạnh ngã hằng thôi

Như Lai hiện khởi tha thọ dụng

Thập địa bồ tát sở bị côi.

Dịch nghĩa:

Đến sơ địa thành Bình đẳng trí

Đến vô công dụng thì phá ngã

Như Lai hiện thân tha thọ dụng

Giáo hóa hàng Thập địa Bồ tát

 

GIẢI NGHĨA

Khi tu chứng đến bậc Hoan Hỷ địa (sơ địa) thì Mạt Na thức chuyển thành Bình Đẳng Tánh trí và khi đến Bất Động địa (cõi thứ 8) cũng gọi là Vô công dụng hạnh. Lúc bấy giờ người tu mới diệt trừ được chủng tử ngã và pháp. Khi chứng đến qủa Phật thì thức phân biệt trở thành Trí Vô Phân biệt mà hiện ra ba thân thọ dụng đến giáo hóa hàng Thập địa Bồ Tát.

 

BÀI XVI: A LẠI DA THỨC

 

Thức A Lại Da, tiếng Phạn gọi là Alayavijnana. Nó có nhiều tên gọi khác nhau:

1. Đệ Bát thức: Tức là thức thứ 8 theo thứ tự từ nhãn thức, nhĩ, tỷ thức… cho đến thức Thứ tám là Đệ bát thức.

2. A Lại Da Thức: Trung Hoa dịch là Tàng thức. Chữ Tàng có 3 nghĩa:

a. Năng tàng: Năng có nghĩa là khả năng, công năng giữ gìn. Tàng có nghĩa là bảo trì và cất chứa và duy trì những hạt giống của vạn pháp.

b. Sở tàng: Là chổ bị chứa chủng tử của các pháp hay chính A Lại Da là toàn bộ các chủng tử đó.

c. Ngã ái chấp tàng: Thức A Lại Da bị Đệ thất thức Mạt na chấp trước kiến phần làm tự ngã nên thường luyến ái.

 

I. Bài Tụng Thứ Nhất

Âm:

Tánh duy vô phú ngũ biến hành

Giới, địa tùy tha nghiệp lực sanh

Nhị thừa bất liễu, nhơn mê chấp

Do thử năng hưng luận chủ tranh

Nghĩa:

Tánh vô phú và năm biến hành

Ba cõi chín địa tùy nghiệp sanh

Nhị thừa không rõ sanh mê chấp

Bởi thế nên chi luận chủ tranh

 

GIẢI NGHĨA

Thức A Lại Da đối với 3 tánh thuộc về Vô phú vô ký tánh.

Trong 51 món Tâm sở hữu pháp thức này chỉ tương ưng với 5 món biến hành.

Trong ba thọ chỉ tương ưng với xã thọ

Trong ba cảnh thì chỉ có tánh cảnh.

Trong 3 lượng thì chỉ có hiện lượng.

Tùy theo nghiệp lực dẫn dắt mà thức này sanh vào trong ba cõi và chín địa.

Hàng Nhị thừa (Thanh văn) không hiểu rõ nên chấp thức này là không có. Bởi vậy nên các luận chủ Duy thức đưa ra nhiều luận cứ để chỉ rõ và quyết định là có thức thứ tám.

 

II. Bài Tụng Thứ Hai

Âm:

Hạo hạo tam tàng bất khả cùng

Uyên thâm thất lãng cảnh vi phong

Thọ huân trì chủng căn thân khí

Khí hậu lai tiên tác chủ ông.

Nghĩa:

Vơi vơi ba tàng không cùng tận

Vực sâu bảy sóng cảnh làm gió

Chịu huân trì chủng và thân cảnh

Đến trước, đi sau làm chủ ông.

 

GIẢI NGHĨA

Ba tàng là năng tàng, sở tàng và ngã ái chấp tàng. Thể (tánh) của thức này là vơi vơi không cùng (rộng) Tướng của thức này như vực sâu. Thể và dụng của thức này sâu rộng vô cùng, hàng Phàm phu và Nhị thừa không thể thấu tột. Hữu tình chúng sanh từ vô thỉ đến nay cũng do thức này mà sanh tử liên tục không dứt. Thức thứ tám gồm có 4 duyên: căn, cảnh, chủng tử và tác ý.

Biển tàng thức rất sâu rộng một khi gió 4 duyên thổi vào thì sóng của bảy thức trước nhấp nhô và trổi dậy.

Thọ huân trì chủng căn thân khí: Thọ huân nghĩa là tiếp nhận và huân tập, thức này tiếp nhận và huân tập tất cả những kinh nghiệm, sự hiểu biết của mình đi vào tàng thức từ các giác quan: nghe, thấy, ngửi, nếm, xúc để trở thành những hạt giống.

Trì chủng tức là duy trì bảo tồn những hạt giống mà không cho nó mất mất hư hao.

Căn là thân thể một trong sáu căn nó là thân căn.

Khí là khí thế gian: Khung cảnh mà các loài hữu tình sinh sống

Ví dụ: sông, núi, đất liền, không khí…

Như vậy, căn thân, khí thế gian, con người và các loài vật tất cả được tiếp nhận và duy trì A Lại Da Thức.

Thức này làm ông chủ nhà vì khi chúng hữu tình chết thì nó đi sau khi sanh thì nó đi trước.

Trong Du già Sư địa luận có một bài kệ nói lên trạng thái của người chết trong lúc thần thức sắp rời khỏi thân xác:

Âm:

Đảnh Thánh, nhãn sanh thiên

Nhơn tâm, ngạ quỷ phúc

Bàng sanh, tất cái ly

Địa ngục, khước tâm xuất

Nghĩa:

Thánh đầu, trời tại mắt

Người tim, ngạ quỷ bụng

Súc sanh, hai chân xuống

Địa ngục bàn chân ra

GIẢI NGHĨA

  • Nóng tại đầu sanh lên cõi Thánh
  • Nóng hai con mắt sanh ở cõi trời
  • Nóng tại tim sanh ở cõi người
  • Nóng tại bụng sanh ở ngạ quỹ
  • Nóng hai chân trở xuống sanh ở súc sanh
  • Nóng hai lòng bàn chân sanh ở địa ngục.

 

III. Bài Tụng Thứ Ba

Âm:

Bất động địa tiền tài xã tạng

Kim cang đạo hậu dị thục không

Đại Viên vô cấu đồng thời phát

Phổ chiếu thập phương trần sát trung

Nghĩa:

Đến Đệ Bát địa thì bỏ tên tàng

Chứng Kim Cang đạo, Dị thục không

Gương trí sáng soi đồng thời phát

Chiếu khắp mười phương vô số cõi.

 

GIẢI NGHĨA:

A Lại Da Thức có nhiều tên: Nhất thiết chủng, Dị thục thức, Năng tàng, Sở tàng, Ngã ái chấp tàng, A đà na thức...Nhưng khi tu đạt đến Bất động địa, thì thức này xã bỏ tên Tàng thức còn lại Dị thục thức. Khi đến bậc Đẳng giác được Kim Cang Đạo thì thức này không còn gọi tên là Dị thục thức nữa. Lúc bấy giờ tất cả các chủng tử hữu lậu, ô nhiễm đã diệt hết và chuyển thành vô lậu nên gọi là Bạch Tịnh Thức, hoặc Vô cấu thức. Đây là hai tên mới của của Tàng thức khi được giải thoát và khi Tàng thức trở thành vô lậu thì những sanh diệt khổ đau trở thành ra giải thoát, giác ngộ, an lạc nên gọi là Đại Viên Cảnh Trí.

Đại là lớn, Viên là tròn đầy, đây là một thứ trí huệ giống như một tấm gương lớn tròn đầy chiếu khắp cả mười phương thế giới và hiện ra Báo thân phật và Hóa thân Phật để hóa độ chúng sanh.

 

Bài Kệ tóm tắt Tám Thức Tâm Vương

Âm:

Bát cá đệ huynh nhất cá si

Độc hữu nhất cá tối linh ly

Ngũ cá môn tiền tác mãi mãi

Nhất cá gia trung tác chủ y

Nghĩa:

Trong tám anh em một gã si (Mạt na)

Một chàng lanh lợi tối linh ly (Ý thức)

Năm em đon đã mời đưa khách (Năm thức trước)

Một chị hiền trung ở giữa nhà (A Lại da thức)

 

BÀI XVII: TÂM SỞ

I. Định nghĩa:

Tâm Sở là những hiện tượng tâm lý phụ thuộc tâm vương, yểm trợ và giúp đỡ Tâm vương trong việc hiểu biết vạn pháp. Từ tâm sở xuất phát từ câu “tâm vương chi sở hửu pháp” để chỉ cho các pháp là pháp sở hữu của tâm vương. Ba tiêu chuẩn của tâm sở là:

Hằng y tâm khởi

Dữ tâm tương ưng

Hệ thuộc ư tâm

Nghĩa là tâm sở phát khởi từ tâm vương, tương ưng với tâm vương và tùy thuộc ở tâm vương.

Theo tính chất và giá trị khác nhau của các loại tâm sở mà Duy thức học chia tâm sở thành 51 loại và phân làm 6 nhóm:

1. Biến hành có 5 loại

2. Biệt cảnh có 5 loại

3. Thiện có 11 loại

4. Căn bản phiền não có 6 loại

5. Tùy phiền não có 20 loại

6. Bất định có 4 loại

Đặc tính chung của 6 loại tâm sở ví như 6 nhóm quần thần. Trong đó có loại giao liên trình công văn lấy chữ ký như 5 tâm sở Biến hành; Có loại chỉ lo việc riêng tư không cộng tác với nhau, dựa bệ để lãnh lương như 5 loại Biệt cảnh; Cũng có hạng siêng năng cần mẫn xây dựng cơ đồ như 11 tâm sở Thiện; Có loại tham ô, móc hoặc, hủ hóa làm bại hoại giang sơn đất nước như 26 tên Phiền não, trong đó có 6 loại chủ mưu nguy hiểm như 6 Căn bản phiền não và bè lũ phe phái như 20 món Tùy phiền não; Có loại chỉ gật gù ba phải như 4 loại Bất định. Tất cả những loại tâm sở như thế hiện hữu và phục vụ cho 8 thức tâm vương.

1. Tâm Sở Biến Hành:

Tâm vương là ông vua, Tâm sở biến hành là thừa tướng luôn luôn hầu cận ông vua. Tâm vương sinh hoạt để hiểu biết vạn pháp không thể thiếu mặt của tâm sở biến hành, cũng như ông vua dều hành đất nước không thể thiếu người hầu cận.Biến nghĩa là cùng khắp, Hành nghĩa là có mặt. Biến hành tâm sở nghĩa là năm tâm lý này chúng hiện hành khắp bốn vị trí như sau:

  1. Khắp tất cả thời gian (quá khứ, hiện tại, vị lai)
  2. Khắp tất cả không gian (là xứ bao gồm: bốn phương, tám hướng, ba cõi và chín địa)
  3. Khắp tất cả thức (tám thức tâm vương)
  4. Khắp tất cả tánh (thiện, ác, vô ký tánh)

Năm Tâm Sở Biến Hành là:

1. Xúc: Tiếp xúc, gặp gỡ. Là cảm xúc, nghĩa là cảm giác qua sự tiếp xúc giữa căn (chủ thể) cảnh (đối tượng). Tính chất của tâm sở xúc là làm cho tâm vương, tâm sở tiếp xúc với cảnh. Tác dụng của nó làm cho chổ y cứ (nương) cho thọ, tưởng, tư, phát sanh.

2. Tác Ý: Là sự móng tâm chú ý vào đối tượng. Tâm sở này có ba tác dụng:

  • Đánh thức chủng tử tâm vương, tâm sở và sắc pháp
  • Tâm chưa phát sanh thì làm cho phát sanh
  • Tâm đã phát sanh dẫn tâm đến đối tượng. Tác dụng của nó là dẫn tâm đến duyên tự cảnh.

3. Thọ: Là lãnh thọ, cảm thọ về cảm giác. Tánh của tâm sở này là lãnh thọ những cảnh thuận, nghịch, không thuận không nghịch. Nghiệp dụng của nó là mong muốn có 6 loại thọ thông qua 3 cảnh: Thân thọ: lạc thọ, khổ thọ; Tâm thọ: ưu thọ, hỷ thọ và Xã thọ.

4. Tưởng: là tưởng tượng, nhớ tưởng. Tánh của tâm sở này là tưởng tượng hình tượng của cảnh vật.Nghiệp dụng của nó là bịa đặt ra những danh từ để gọi.

5. : Là suy tư, tính toán, lo nghĩ. Tánh của tâm sở này khiến cho tâm lo nghĩ tạo tác. Nghiệp dụng của nó là sai tâm làm việc lành, việc dữ, hoặc không lành dữ.

 

2. Tâm Sở Biệt Cảnh

Biệt Cảnh là cảnh riêng biệt, năm loại tâm sở này chúng khởi tác dụng trong từng hoàn cảnh thích ứng riêng biệt. Sự hiện hữu của tâm sở này không liên quan gì tới tâm sở khác và mỗi món duyên mỗi cảnh khác nhau. 

Năm Tâm sở Biệt cảnh là:

1. Dục: Là mong muốn. Tánh tâm sở này luôn luôn mong muốn duyên những cảnh ưa thích. Nghiệp dụng làm chổ y cứ cho siêng năng.

2. Thắng giải: Là nhận định, hiểu biết, chắc chắn rõ ràng. Tánh của tâm sở này là hiểu biết rõ ràng không còn nghi ngờ. Nghiệp dụng của nó là quyết định không thay đổi.

3. Niệm: Là nghĩ nhớ, hồi tưởng. Tánh của tâm sở này khiến cho tâm nghĩ nhớ rõ ràng những cảnh đã qua. Nghiệp dụng của tâm sở này làm chổ nương cho Định.

4. Định: Là chuyên chú, tập trung ý. Tánh của tâm sở này khiến cho tâm duyên với cảnh không tán loạn, thuần nhất và tương tục. Nghiệp dụng làm chổ nương cho Huệ.

5. Huệ: Là quán sát, phân tích, chọn lựa rõ ràng. Tánh của tâm sở này đối với cảnh sáng suốt không mơ hồ, không nghi ngờ.

 

3. Thiện Tâm Sở

Thiện là lương thiện, hiền lành. Tâm sở thiện có 11 loại, bản tánh của 11 tâm sở thiện là thường ưa thích và chuyên cần làm những việc lợi ích cho chúng sanh nên gọi là Thiện tâm sở. Nó cũng chính là nền tảng căn bản cho sự giác ngộ và giải thoát.

1. Tín: Là tin tưởng. Tánh của tâm sở này thường khiến con người luôn luôn tin tưởng một cách chân chánh. Tâm sở này có 3 tính chất: Thật, Đức, Năng

a. Thật: Nghĩa là chân thật. Thật gồm có: Sự thật và Lý thật

b. Đức: Là đức tánh là giá trị của sự thật và lý thật.

c. Năng: Là năng lực của sự thật và lý thật.

Nghiệp dụng của tâm sở Tín làm cho tâm được thanh tịnh. Tâm sở Tín dùng để đối trị tâm lý Bất tín.

2. Tinh Tấn: Là siêng năng, hăng hái tiến tới mãi không ngừng. Tánh của Tâm sở này khiến cho con người ta siêng năng chuyên cần đoạn trừ việc ác và làm các việc lành. Nghiệp dụng là đối trị tâm lý giải đãi.

3. Tàm: Là sự biết xấu hổ chính mình. Tánh của tâm sở này là mỗi khi làm việc gì sai quấy tội lỗi tự mình biết xấu hổ những lỗi lầm mà mình đã gây tạo. Nghiệp dụng của nó là đối trị tâm lý Vô Tàm và ngăn ngừa các việc ác không cho chúng phát sanh.

4. Quý: Là hổ thẹn với người. Tánh của Tâm sở này mỗi khi làm những điều tội lỗi họ cảm thấy xấu hổ trước mọi người. Nghiệp dụng của nó là dùng để đối trị tâm lý Vô Quý và ngăn ngừa những việc ác không cho phát sinh.

5. Vô Tham: Là không tham lam . Tánh của Tâm sở này không tham đắm những cảnh dục lạc trong ba cõi. Nghiệp dụng của nó là đối trị tâm lý Tham và khiến cho con người say mê thích thú làm việc lành.

6. Vô Sân: là không sân hận, không nóng giận, không hận thù đối với cảnh trái nghịch. Tâm vô sân là tâm bình tĩnh an nhiên tự tại giải thoát. Nghiệp dụng của tâm sở này là đối trị tâm lý sân và chặn đứng không cho nó phát sanh.

7. Vô Si: Không ngu si, mê muội. Tánh của tâm sở này đối với vạn pháp về mặt sự tướng cũng như về mặt lý tánh đều sáng suốt và hiểu biết một cách rõ ràng không mờ ám, lầm lẫn. nghiệp dụng của nó đối trị tâm si mê.

8. Khinh An: Nhẹ nhàng, thơ thới. Tánh của Tâm sở này làm cho thân và tâm nhẹ nhàng và thư thái tự tại với mọi hoàn cảnh. Nghiệp dụng của nódu2ng để đối trị tâm lý hôn trầm.

9. Bất Phóng Dật: Không buông lung, phóng túng, không dễ duôi, dễ ngươi. Tánh của tâm sở này khiến con người luôn kiềm chế thân tâm và luôn làm việc lành không cho phóng túng. Nghiệp dụng của nó dùng để đối trị tâm lý phóng dật.

10. Hành Xả: Nghĩa là hành động tạo tác mà không chấp trước. Tánh của Tâm sở này khi làm việc thiện không chấp trước khoe khoang và khiến tâm an trụ nơi vô công dụng. Nghiệp dụng của nó đối trị tâm lý trạo cữ không cho phát sanh.

11. Bất Hại: Tức là không làm tổn hại, tổn thương đến kẻ khác. Tánh của tâm sở này thường hay thương xót và không làm tổn hại đến sinh mạng của tất cả chúng hữu tình. Nghiệp dụng của nó là từ bi thương xót mọi loài và đối trị tâm lý tổn hại.

 

4. Căn Bản Phiền Não

Căn bản Phiền não gồm có 6 món, sáu món này là gốc rễ của vô minh là nguyên nhân của sanh tử luân hồi, còn gọi là câu sanh phiền não. Những tâm sở này là nguồn sanh ra các tâm sở phiền não chi mạt khác cho nên gọi là Căn bản phiền não.

Sáu căn bản phiền não là:

1. Tham: Tức là tham lam. Tánh tâm sở này thường say đắm nhiễm trước về ngũ dục lạc của thế gian. Nghiệp dụng của nó làm chướng ngại tâm lý vô tham phát sanh.

2. Sân: là nổi nóng, giận dữ. Tánh của tâm sở này thường phát sinh sự tức giận thù ghét khi gặp phải những hoàn cảnh trái nghịch. Nghiệp dụng của nó là cho thân tâm không yên ổn, chướng ngại tâm vô sân.

3. Si: là ngu si mê muội hoặc gọi là vô minh (không sáng suốt) Tánh của tâm sở này thường khiến con người trở nên ngu si mê muội không biết tốt xấu, đúng sai phải quấy. Nghiệp dụng của nó sanh ra các pháp tạp nhiễm và chướng ngại tâm lý vô si.

Ba món phiền não Tham, sân, si làm chướng ngại 3 món tam vô lậu học Giới - Định – Huệ.

4. Mạn: Là khinh mạn, ngạo mạn. Tánh của tâm sở này thường tỏ ra thái độ cao ngạo khinh khi, hống hách đối với mọi người. Nghiệp dụng của nó làm nhân sanh ra tội lỗi và trở ngại tánh không khinh mạn.

5. Nghi: là nghi ngờ và do dự. Tánh của tâm sở này hay nghi ngờ không tin những việc phải, chân chánh. Nghiệp dụng của nó làm trở ngại những việc lành và chặn đứng không cho tâm sở tín phát sanh.

6. Ác Kiến: Ác là những điều xấu xa tội lỗi. Kiến là sự thấy biết. Ác kiến là sự nhận biết một cách sai lầm .tánh của tâm sở này đối với vạn pháp hiểu biết điên đảo không đúng chân lý. Nghiệp dụng của nó gây tạo khổ đau và làm chướng ngại hiểu biết chơn chánh.

Ác Kiến gồm có 5 loại:

  • Thân kiến: Chấp ngã về thân thể.
  • Biên kiến: Chấp trước một bên. Bên kiến có hai loại: chấp thường và chấp đoạn.
  • Tà kiến: là chấp theo tà thuyết ngoại đạo, mê tín dị đoan.
  • Kiến thủ: là bảo thủ ý kiến sai lầm của mình.
  • Giới cấm thủ: là chấp giữ theo những giới cấm không chơn chánh của ngoại đạo và không phù hợp với lý nhân quả.

 

5.Tùy Phiền Não

Tùy phiền não là những tâm lý tùy thuộc vào 6 căn bản phiền não đồng thời chúng cũng được sinh ra từ nơi sáu căn bản phiền não. Phạm vi sinh hoạt của những tâm sở này không giống nhau cho nên duy thức phân chia những tâm sở này thành ba nhóm khác nhau: Tiểu tùy, Trung tùy và đại tùy phiền não.

1. Tiểu Tùy: gồm 10 món và mỗi món tự sinh hoạt một cách độc lập và hoạt động trong phạm vi nhỏ hẹp cho nên gọi là Tiểu. Tiểu Tùy bao gồm:

a. Phẩn: là tức giận phẩn nộ. Tánh của tâm sở này thường thể hiện thái độ bực tức mỗi khi gặp cảnh trái nghịch. Nghiệp dụng của nó làm tổn hại đến người và vật đồng thời ngăn chặn không cho tâm lí vô sân phát sanh.

b. Hận: là hờn mát, thù hận. Tánh của tâm sở này khiến cho con người ôm ấp oán hận trong lòng và tìm cách trả thù. Nghiệp dụng là nóng nảy buồn phiền cản trở không cho tâm lí vô sân phát sanh.

c. Phú: là che giấu. Tánh của tâm sở này sợ mất danh giá và mất quyền lợi riêng tư của mình nên che giấu tội lỗi không cho người khác biết. nghiệp dụng của nó là không ăn năn, không tự thú nhận tội lỗi của mình và làm chướng ngại tánh vô phú.

d. Não: là buồn phiền. Tánh của tâm sở này khiến nhớ lại những hoàn cảnh trái ngang bất hạnh, phủ phàng rồi sanh tâm buồn phiền. Nghiệp dụng của nó làm chướng ngại tánh không buồn phiền.

e. Tật: Là tật đố, ganh ghét, ganh tỵ. Tánh của tâm sở này thường ganh ghét đố kỵ những gì người ta hơn mình. Nghiệp dụng của nó làm chướng ngại tánh không tật đố.

f. San: là bỏn xẻn. Tánh của tam sở này là keo kiệt, bủn xỉn, rít rấm không bố thí. Nghiệp dụng của nó giả bộ nghèo khổ để tích lũy tài sản và làm chướng ngại tánh không bỏn xẻn.

g. Cuống: dối trá, giả dối, lừa dối. Tánh của tâm sở này là dối gạt người khác để được lợi mình. Nghiệp dụng của nó là làm việc không chơn chánh để sinh sống và làm chướng ngại tánh không dối gạt.

h. Siểm: là bợ đở, nịnh hót. Tánh của tâm sở này là nịch hót bợ đỡ người khác để được tài lợi danh vị…Nghiệp dụng của nó là không nghe lời dạy bảo chân chánh của thầy bạn.

i. Hại: là làm tổn hại. Tánh của tâm sở này là làm tổn hại đến các loại hữu tình. Nghiệp dụng của nó làm chướng ngại tâm bất hại và từ bi.

k. Kiêu: Kiêu căng, kiêu mạn. Tánh của tâm sở này xúi dục con người kiêu căng ngạo nghễ. Nghiệp dụng của nó là nhân sanh ra các tội lỗi và làm ngăn cản tánh không kiêu căng.

 

2. Trung Tùy: có hai món là Vô Tàm và Vô Quý. Phạm vi hoạt động của chúng rất lớn và hợp tác với một vài tâm sở bất thiện khác. Do vậy mà chúng được gọi là Trung Tùy.

a. Vô Tàm: Không tự biết xấu hổ. Tánh của tâm sở này không biết thẹn với lương tâm. Nghiệp dụng của nó là tăng trưởng nghiệp ác và ngăn chặn tâm lý tàm phát sanh.

b. Vô Quý: Là không biết thẹn với người. Tánh của tâm sở này khiến người ta không biết hổ thẹn với người khi làm việc xấu xa tội lỗi. Nghiệp dụng của nó làm tăng trưởng việc xấu ác và ngăn chặn tánh Thẹn phát sanh.

 

3. Đại Tùy: gồm 8 món. Phạm vi hoạt động của nó khắp các tâm sở bất thiện cho nên gọi là Đại Tùy.

a. Trạo Cử: là lao đao. Tánh của tâm sở này khiến cho thân và tâm luôn chao động không yên ổn. Nghiệp dụng của nó là chướng ngại cho thiền định và hành xã.

b. Hôn Trầm: mờ mịt, tối tăm. Tánh của tâm sở này khiến cho tâm trí mờ mịt không sáng suốt mỗi khi quan sát mọi cảnh. Nghiệp dụng của nó làm chướng ngại cho huệ và khinh an phát sanh.

d. Phóng Dật: là buông lung phóng túng. Tánh của tâm sở này luôn buông lung phóng túng theo thói vui của trần tục. Nghiệp dụng của nó làm tăng trưởng các nghiệp ác và chướng ngại tánh tinh tấn phát sanh.

e. Thất Niệm: là mất chánh niệm. Tánh của tâm sở này hay quên lãng những việc đã qua. Nghiệp dụng của nó làm chướng ngại chánh niệm và sanh tâm lý tán loạn.

f. Bất Tín: là không tin tưởng. Tánh của tâm sở này không tin tưởng vào các pháp lành như nhân quả giải thoát. Nghiệp dụng của nó làm sanh ra tâm lý chướng ngại tin tấn và tăng trưởng tánh nhiễm ô.

i. Giãi Đãi: biếng nhác. Thân biếng gọi là giãi. Tâm lười biếng gọi là đãi. Tánh của nó là biếng nhác không lo tu tập. Nghiệp dụng của nó là chướng ngại tinh tấn.

k. Tán Loạn: rối loạn tâm trí. Tánh của tâm sở này làm cho tâm phân tán rối loạn. Nghiệp dụng của nó là chướng ngại cho chánh định và sanh ra cuồng huệ.

l. Bất Chánh Tri: là không hiể biết một cách chân chánh. Tánh của tâm sở này khiến hiểu biết mập mờ, hiểu biết sai lầm về vạn pháp. Nghiệp dụng của nó làm chướng ngại về hiểu biết chân chánh.

 

Sự khác nhau của Bốn Tâm sở : Sân, Phẩn, Hận và Não

- Sân là nổi nóng dụ như lửa rơm

- Phẩn là giận dụ như lửa củi

- Hận dụ như lửa than

- Não buồn dụ như lửa tro.

 

Sự khác nhau của Ba món tâm sở: Trạo cử, Tán Loạn và Phóng dật:

- Trạo cử lao chao như con ngựa đứng trong chuồng không yên đầu lắc qua lắc lại.

- Tán loạn là rối loạn giống như con ngựa chạy lăng xăng trong chuồng.

- Phóng dật là buông lung giống như con ngựa thoát ra khỏi chuồng ăn lúa mạ của người ta.

 

6. Tâm Sở Bất Định

Bốn loại tâm sở này không nhất định là thiện hay ác mà phải dựa trên tính chất hay kết quả của nó mới có thể xác định được.

a. Hối: Hối hận, ăn năn. Tánh của tâm sở này khiến tâm sanh ăn năn hối hận những việc làm đã qua. Nghiệp dụng của nó làm cho định phát sanh.

b. Miên: là ngủ nghỉ. Tánh của tâm sở này làm cho tâm mờ mịt không sáng suốt. Nghiệp dụng của nó làm chướng ngại cho sự quán tưởng.

c. Tầm: là tìm cầu. tánh của tâm sở này khiến cho tâm lo nghĩ tìm cầu những hành động những dữ kiện liên quan tới một vấn đề. Nghiệp dụng của nó làm cho thân và tâm chẳng yên.

d. Tứ: là chín chắn xác đoán. Tánh của tâm sở này làm cho tâm đối với cảnh danh ngôn của ý thức, sanh khởi tế nhị.

 

Hằng ngày chúng ta làm việc lành việc ác và lãnh chịu quả báo sung sướng hay khổ đau không vượt ra ngoài Tám thức tâm vương và 51 món Tâm sở!

 

BÀI XVIII: SẮC PHÁP

 

Sắc pháp là những pháp thuộc về sắc chất. Sắc gồm có hai loại:

  1. Hình sắc: dài, ngắn, vuông, tròn, nhỏ lớn…
  2. Màu sắc: xanh vàng đỏ tím…

Sắc pháp gồm có 11 món (5 căn và 6 trần). Sắc pháp do cảnh tượng của tâm vương và tâm sở mà có cho nên được gọi làNhị sở hiện ảnh cố.

Năm Căn:

  1. Nhãn căn là con mắt dùng để chiếu soi các sắc.
  2. Nhĩ căn là cái lổ tai dùng để nghe các thứ tiếng
  3. Tỷ căn là cái lổ mũi dùng để ngữi các thứ mùi
  4. Thiệt căn là cái lưỡi dùng để nếm các thứ vị
  5. Thân căn là thân thể dùng để xúc chạm với cảnh như nhám trơn, mát lạnh…

Sáu trần:

a. Sắc trần: là cảnh tượng mà bị con mắt nhìn thấy được. Sắc trần bao gồm 25 món: Xanh, Vàng, Đỏ, Trắng, Dài, Ngắn, Tròn, To, Nhỏ, Cao, Thấp, Ngay, Xiên, Ánh sáng, Bóng, sáng, Tối, Khói, Bụi, Mây, Mù, Cực lược sắc và Cực hánh sắc, Biểu sắc, Sắc hư không.

b. Thinh trần: là tiếng bị nghe của lổ tai. Có 12 loại tiếng: Tiếng: cái tướng bị nghe của lổ tai, Tiếng vừa ý, Tiếng không vừa ý, Tiếng bình thường, Tiếng loài hữu tình, Tiếng loài vô tình, Tiếng thuộc cả hữu tình lẫn vô tình, Tiếng thuộc về thế tục nói, Tiếng thuộc về thánh giả nói, Tiếng của ngoại đạo nói, Tiếng nói chân chánh, Tiếng vang.

c. Hương trần: Là mùi vị ngửi của lổ mũi. Có 6 thức mùi: Mùi thơm, mùi hôi, mùi không thơm không hôi, mùi từ bản chất mà sanh, mùi do chế tạo mà có và mùi do sự biến đổi mà sanh.

d. Vị trần: là cảnh bị nếm của lưỡi. Có 12 loại vị: Vị đắng, vị chua, vị ngọt, vị cay, vị mặn, vị lạt, vị vừa ý, vị không vừa ý, vị bình thường, vị từ bản chất sanh, vị do hòa hiệp chế tạo mà có và vị do biến đổi mà sanh.

e. Xúc trần: là xúc, cảnh bị biết của thân. Xúc trần có 26 món: đất, nước, lửa, gió, nhẹ, nặng, nhám, trơn, hưởn, gấp, lạnh, nóng, cứng, mền, đói, khát, no, sức lực, yếu, buồn, ngứa, dính, già, bịnh, chết, ốm.

f. Pháp trần: là cảnh tượng của năm trần còn lưu dấu lại trong ý thức. Nghĩa là khi mắt không còn thấy sắc, tai không còn nghe tiếng…thân không còn xúc chạm mà ấn tượng vẫn còn lưu lại trong ý thức của mình. Trong duy thức gọi là ‘ lạc tạ ảnh tử’. Đây là cảnh bị biết của ý thức. pháp trần có 5 loại:

1. Cực lược sắc: là sắc rất nhỏ như vi trần ví như chúng ta phân tích một cục đá hay một cục đất phân tích đến khi nhỏ mắt không nhìn thấy được nữa đó là cực lược sắc.

2. Cực hoánh sắc: là sắc rất xa ví như chúng ta phân tích về bóng ánh sáng khi phân tích đến khi chúng ta không thể thấy được nữa gọi là cực hoánh sắc.

3. Định sở sắc: còn gọi là định sở sanh sắc là do định lực của chúng ta mà biến ra những cảnh sắc.

4. Vô biểu sắc: Tức là sắc không biểu hiện ra bên ngoài còn gọi là thọ sở dẫn sắc là một thứ năng lực được sản sinh khi chúng ta thọ giới.

5. Biến kế sở chấp sắc: là sắc do vọng tưởng phân biệt mà sanh ra như lông rùa, sừng thỏ không thật có.

 

BÀI XIX: TÂM BẤT TƯƠNG ƯNG HÀNH PHÁP

Tâm bất tương ưng hành pháp gọi tắt là tâm bất tương ưng hành. Chữ Hành pháp là chỉ cho các pháp thuộc về hành uẩn. Hành uẩn có hai loại:

  1. Tương ưng hành uẩn
  2. Bất tương ưng hành uẩn

Chúng bao gồm 24 món. Hai mươi bốn món này là phân vị của Tâm Vương, tâm sở và sắc pháp mà có (tam phân vị sai biệt cố).

Hai mươi bốn món là:

1. Đắc: là được. Được ở đây là do nhãn thức cộng với ý thức cộng với tâm sở xúc và tác ý mà chúng ta được một cái gì đó.

2. Mạng căn: là thân mạng. Do nghiệp đời trước dẫn dắt làm cho thần thức thọ sanh ra thân mạng sống trong khoảng thời gian nào đó gọi là mạng căn.

3. Chúng đồng phận: là đồng loại các loài chúng sanh hữu tình hoạc vô tình loại nào đồng với loại nấy.

4. Dị sanh tánh: Tức là loài người khác với Thánh nhơn hay là phàm phu khác với người chứng quả.

5. Vô tưởng định: Định này diệt hết các tâm vương và tâm sở của 6 thức trước (tiền lục thức)

6. Diệt tận định: Định này không những diệt hết tam vương và tâm sở của 6 thức trước mà dứt luôn tâm vương và tâm sở của thức thứ 7. Đây là định của Thánh nhơn.

7. Vô tưởng báo: người ở cõi dục giới tu định vô tưởng sau khi chết được sanh về cõi trời vô tưởng.

8. Danh thân: Tên gọi hay danh từ. danh từ gồm có danh từ đơn và danh từ kép.

9. Cú thân: Câu do ráp nhiều từ lại mà thành câu. Câu có câu dài câu ngắn.

10. Văn thân: Chữ. Chữ là chổ y cứ của danh từ và câu.

11. Sanh: là sanh ra. Nghĩa là từ xưa tới giờ chưa có nay mới có.

12. Trụ: là những gì đã sanh ra rồi nhưng còn lưu lại một thời gian chưa bị hoại diệt.

13. Lão: già yếu, gần chết.

14. Vô thường: Luôn luôn thay đổi, biệt danh của chết.

15. Lưu chuyển: là xoay vần nhơn với quả trước sau nối nhau không dứt.

16. Định vị: định là cố định. Nhơn quả lành dữ khác nhau không lẫn lộn được.

17. Tương ưng: là ưng thuận với nhau. Nhơn nào quả nấy.

18. Thế tốc: là pháp hữu vi xoay vần mau lẹ.

19. Thứ đệ: tức là thứ lớp trật tự không có lộn lạo.

20. Thời: là thời gian. Thời gian gồm quá khư, hiện tại và vị lai.

21. Phương: là chỉ cho không gian gồm bốn phương và tám hướng.

22. Số: là số lượng như: 1, 2, 3, 4…

23. Hòa hiệp tánh; các duyên hòa hợp không có chống trái nhau.

24. Bất hòa hiệp tánh: là những pháp luôn chống trái nhau không có hòa hợp.

Tóm lại, trong 94 pháp gồm 8 món tâm vương, 51 món tâm sở, 11 món sắc pháp và 24 món tâm bất tương ưng hành thuộc PHÁP HỮU VI. Tức là những pháp sanh diệt biến dị.

 

BÀI XX: VÔ VI PHÁP

 

Vô vi pháp là pháp không sanh, không diệt, không biến đổi khác với pháp hữu vi (tâm vương, tâm sở, sắc pháp, tâm bất tương ưng hành) có sanh diệt biến đổi. Do các pháp hữu vi diệt rồi thì pháp vô vi mới xuất hiện (tứ sở hiện thị cố).

Thật ra, Vô vi pháp chỉ có một, nhưng vì tùy theo khía cạnh của nó cho nên người ta giải thích có sáu tên gọi khác nhau. Vô vi pháp chỉ cho chơn như hay bản thể tuyệt đối….

Sáu Pháp vô vi là:

1. Hư không vô vi: Chơn như hay pháp tánh không thể dùng lời nói mà diễn bày được lại không thể dùng suy nghĩ mà biết được (ly ngôn thuyết tướng, ly tâm duyên tướng). Nó thuộc về phi sắc phi tâm không sanh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm cho nên gọi là vô vi. Nó là vô ngã vô pháp rổng rang như hư không vượt ra ngoài tất cả các chướng ngại nên gọi là hư không vô vi.

2. Trạch diệt vô vi: Nhờ trí tuệ vô lậu diệt trừ hết tất cả phiền não nhiễm ô hiển bày chơn như cho nên gọi là Trạch diệt vô vi.

3. Phi trạch diệt vô vi: Từ cõi tứ thiền trở lên diệt được tam tai và bát nạn và không còn thất tình lục dục(mừng, giận, thương, sợ, yêu, ghét, muốn) không còn lựa chọn diệt trừ các phiền não. Có hai loại:

a. Tánh chơn như vốn thanh tịnh nên không cần lựa chọn diệt trừ các phiền não nhiễm ô mới có được nên gọi là phi trạch diệt vô vi.

b. Các pháp hữu vi không có đủ duyên nên không sanh khởi cũng rõ bày tánh chơn như.

4. Bất động diệt vô vi: Từ cõi tứ thiền trở lên lìa được 3 định dưới ra khỏi tam tai không còn lục dục thất tình làm dao động nơi tâm nên gọi là bất động diệt vô vi.

5. Thọ tưởng diệt vô vi: Người tu tập khi chứng được diệt tận định. Hai tướng tâm sở tưởng và tâm sở thọ đều bị diệt trừ nên hiển bày chơn như cho nên gọi là thọ tưởng diệt vô vi.

6. Chơn như vô vi: Chính là cái bản thể chơn thật thường hằng của chúng hữu tình vượt ra ngoài ý nghĩa nhơn không và pháp cũng không vì nó là như như bất động rõ bày bản tánh tuyệt đối nên gọi là chơn như vô vi.

Sáu thức vô vi này trong năm thứ trước tùy duyên mà đặt cho cái tên cho nên chúng giả lập mà có.

 

BÀI XXI: NÓI “ KHÔNG THẬT”

Nói không thật gồm có hai:

- Nhơn (người) không thật

- Pháp (vật) không thật.

Người thế gian chấp có tức là chấp về nhơn thật và pháp thật. Chấp về ‘nhơn’ thật tức là chấp thân này là thật có. Chấp pháp thật tức là chấp tất cả các ngoại cảnh đều là thật có. Do vì chấp sai lầm như vậy cho nên phiền não sanh khởi tạo nghiệp luân hồi trong lục đạo. Chính vì vậy, Đức Thế Tôn dạy rằng tất cả các pháp là không thật. Tất cả pháp là chỉ chung cho các loài hữu tình lẫn vô tình.

Hữu tình không thật gọi là ngã không.

Vô tình không thật gọi là pháp không.

KẾT LUẬN: Từ trước đến nay lược nói có 100 pháp bao gồm cả nhơn và pháp. Hàng phàm phu cho rằng cả nhơn và pháp là thật, còn hàng Nhị thừa chấp pháp là thật có. Cho nên Đức Thế Tôn dạy rằng tất cả các pháp là không thật mà chỉ do THỨC BIẾN.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

Sách Tiếng việt: 

  1. HT Thiện Hoa, Duy Thức Nhập Môn, Hương Đạo, 1971.
  2. HT Thiền Tâm, Duy Thức Cương Yếu, 1995.
  3. HT Nhất Hạnh, Duy Biểu Học, Lá Bối, 1996.
  4. HT Tuệ Quang, Duy thức học, Sài gòn, 1967.
  5. HT Quảng Liên, Duy Thức học, NXB Tôn Giáo, 2004.

 Sách Tiếng Anh:

  1. Dr Swati Ganguly, Treatise in Thirty Verse on Mere- consciousenss, Motilal Banarsidass, Delhi, 1992.
  2. Wei Tat, The Doctrine of Mere- Consciousness, Hong Kong, 1973.