1. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Có hai diệu pháp ủng hộ thế gian. Thế nào là hai? Nghĩa là có tàm, có quý. Này các Tỳ-kheo, nếu không có hai pháp này, thế gian sẽ không phân biệt có cha, có mẹ, có anh, có em, có vợ con, tri thức, tôn trưởng, lớn nhỏ; liền sẽ cùng lục súc heo, gà, chó, trâu, dê v.v... đồng một loại. Do thế gian có hai pháp này ủng hộ, nên thế gian ắt phân biệt có cha, có mẹ, anh em, vợ con, tôn trưởng, lớn nhỏ, cũng không đồng với lục súc. Thế nên, các Tỳ-kheo, nên tập có tàm, có quý. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

*

2. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Ðời có hai người không biết chán đủ mà bị mạng chung. Thế nào là hai người? Nghĩa là người được tài vật hằng cất giấu và người được vật mà thích cho người. Ðó là hai người không biết chán đủ mà bị mạng chung.

Bấy giờ có Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:

- Thế Tôn! Chúng con không hiểu nghĩa chỉ nói sơ lược này. Thế nào là được vật mà cất giấu? Thế nào là được vật mà cho người? Cúi mong Thế Tôn diễn rộng nghĩa này.

Thế Tôn dạy:

- Hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ! Ta sẽ vì các Thầy phân biệt nghĩa này.

- Xin vâng, bạch Thế Tôn.

Bấy giờ Phật dạy các Tỳ-kheo:

- Ở đây có người tộc tánh, học các kỹ thuật, hoặc tập làm ruộng, hoặc tập thư sớ, hoặc tập kế toán, hoặc tập thiên văn, hoặc tập địa lý, hoặc tập bói tướng, hoặc tập đi sứ phương xa, hoặc làm vương tá, chẳng tránh lạnh nóng, đói rét, cần khổ để tự mưu sống. Người ấy bỏ ra công sức này mà được tài vật, người ấy không dám ăn xài, cũng không cho vợ con, cũng chẳng cho nô tỳ, những người thân thuộc, cũng đều chẳng cho. Tài vật của người ấy hoặc bị vua cướp đoạt, hoặc bị giặc giã, hoặc lửa cháy, nước cuốn, phân tán chỗ khác, chẳng được lợi ích, hoặc ngay trong nhà có người phân tán tài vật này chẳng giữ mãi được. Ðó là, này Tỳ-kheo, người được tài vật mà che giấu.

Còn, thế nào là được tài vật mà phân phát? Có người có tộc tánh, học các kỹ thuật, hoặc tập làm vườn, hoặc tập thư sớ, hoặc tập kế toán, hoặc tập thiên văn, địa lý, hoặc tập bói tướng, hoặc học làm sứ phương xa, hoặc làm vương tá, chẳng tránh lạnh nóng, đói rét, cần khổ mà tự mưu sống. Người ấy ra công sức này mà thu hoạch tài vật, họ ban phát cho chúng sanh, cấp cho cha mẹ, nô tỳ, vợ con, cũng cấp rộng đến Sa-môn, Bà-la-môn, tạo các công đức, trồng phước cõi trời. Ðó là, này Tỳ-kheo, được vật mà bố thí. Ðó là, này Tỳ-kheo, hai người không biết chán đủ. Như người trước, được vật mà cất chứa, các Thầy hãy nhớ xa lìa. Người thứ hai được vật mà bố thí rộng rãi, các Thầy nên học nghiệp này. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

*

3. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Thường nên thí pháp, chớ tập thí thức ăn. Sở dĩ như thế vì ngày nay các Thầy có phước báo. Nếu đệ tử Ta cung kính đối với pháp thì không tham lợi dưỡng. Nếu người tham lợi dưỡng thì có lỗi lớn với Như Lai. Vì sao? Vì là chúng sanh không phân biệt pháp, phá hủy lời dạy của Thế Tôn. Ðã hủy lời dạy của Thế Tôn, về sau không đến đạo Niết-bàn được, Ta bèn phải hổ thẹn. Vì sao thế? Vì đệ tử Như Lai tham đắm lợi dưỡng, chẳng hành đúng pháp, chẳng phân biệt pháp, hủy lời dạy của Thế Tôn, chẳng thuận theo Chánh pháp. Ðã hủy lời dạy của Thế Tôn lại chẳng đến đạo Niết-bàn.

Nay Tỳ-kheo các Thầy, hãy nhớ pháp thí, chớ nghĩ dục thí, liền được danh dự nghe khắp bốn phương. Cung kính pháp, không tham tài vật, thì không bị xấu hổ. Sở dĩ như thế vì ưa pháp thí, không tham nghĩ về dục thí. Ðó là, này Tỳ-kheo, hãy nhớ pháp thí, chớ quen theo tài thí. Tỳ-kheo các Thầy, Ta thuyết nghĩa này là vì nghĩa nào mà nói duyên này?

Bấy giờ các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:

- Cúi mong Thế Tôn phân biệt mọi điều.

Bấy giờ Thế Tôn dạy các Tỳ-kheo:

- Lúc trước có một người thỉnh Ta đến để cúng dường. Rồi sau đó Ta còn một ít thức ăn có thể bỏ đi. Có hai Tỳ-kheo từ phương xa đến, thân hình mỏi mệt, nhan sắc biến đổi. Bấy giờ, Ta bèn bảo Tỳ-kheo ấy:

- "Có thức ăn thừa đáng lẽ bỏ đi, Thầy cần thì tùy thời có thể lấy để tự lo cho mình".

Thời một Tỳ-kheo liền nghĩ: "Hôm nay Thế Tôn có thức ăn dư có thể vứt bỏ, người tùy thời cần có thể lấy được. Nếu chúng ta không lấy ăn, thì sẽ đem thức ăn này trút chỗ đất sạch hoặc bỏ vào nước. Vậy nay chúng ta hãy lấy thức ăn này để lấp bụng đói, thêm khí lực".

Bấy giờ, Tỳ-kheo ấy lại nghĩ: "Phật cũng dạy: "Hãy hành pháp thí, chớ nghĩ đến dục thí". Sở dĩ như thế, vì bố thí hơn hết không gì qua tài thí. Sau đó, pháp thí là tôn trọng nhất. Nay ta kham chịu suốt ngày cũng xong, chẳng cần nhận phước của tài thí".

Bấy giờ Tỳ-kheo ấy bèn tự dừng ý, không lấy của thí kia, thân thể mỏi mệt, không thèm để ý đến mạng mình.

Bấy giờ, vị Tỳ-kheo thứ hai lại nghĩ: "Thế Tôn cũng có thức ăn dư đáng bỏ. Nếu chúng ta không lấy ăn thì sẽ mệt mỏi. Nay lấy thức ăn này để lấp bụng đói, được thêm khí lực, ngày đêm an ổn".

Bấy giờ Tỳ-kheo ấy liền lấy thức ăn, ngày đêm an ổn, khí lực sung túc.

Phật dạy các Tỳ-kheo:

- Tỳ-kheo ấy tuy lấy thức ăn cúng dường kia, trừ được đói thiếu, khí lực sung túc, nhưng chẳng bằng vị Tỳ-kheo trước đáng kính, đáng quý, rất đáng tôn trọng. Tỳ-kheo ấy tiếng tăm vang xa lâu dài, đối với luật tri túc dễ được đầy đủ. Các Tỳ-kheo hãy học pháp thí, chớ học nghĩ đến dục thí. Trước Ta nói là do nhân duyên này.

Bấy giờ Thế Tôn dạy như thế xong, liền rồi chỗ ngồi mà đi. Lúc này chúng Tỳ-kheo lại nghĩ: "Vừa rồi Thế Tôn nói lược cốt yếu, trọn không giảng rộng rãi, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy vào thất lặng lẽ. Nay trong chúng này, ai có thể kham nhận diễn nghĩa sơ lược này cho rộng rãi?"

Bấy giờ chúng Tỳ-kheo lại nghĩ: "Nay Tôn giả Xá-lợi-phất thường được Thế Tôn khen ngợi. Chúng ta hãy cùng đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất".

Lúc này chúng Tỳ-kheo liền đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, vái chào nhau rồi ngồi một bên. Ngồi một bên xong, các Tỳ-kheo mới đem việc đã nghe Thế Tôn dạy, kể lại cho Tôn giả Xá-lợi-phất.

Tôn giả Xá-lợi-phất bảo các Tỳ-kheo:

- Thế nào là đệ tử Thế Tôn tham đắm lợi dưỡng không tu hành pháp? Thế nào là đệ tử Thế Tôn không tham đắm lợi dưỡng tu hành pháp?

Bấy giờ các Tỳ-kheo bạch Tôn giả Xá-lợi-phất:

- Chúng tôi từ xa đến, thưa hỏi nghĩa này để tu hành. Tôn giả Xá-lợi-phất có đủ khả năng xin giảng rộng nghĩa này cho chúng tôi.

Tôn giả Xá-lợi-phất bảo:

- Hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ, tôi sẽ vì các Thầy nói rộng nghĩa này.

Các Tỳ-kheo thưa:

- Xin vâng.

Tôn giả Xá-lợi-phất bảo:

- Ðệ tử Thế Tôn học tịch tĩnh, niệm được an ổn mà đệ tử Thanh văn không học như thế. Thế Tôn dạy pháp nên diệt mà các Tỳ-kheo cũng chẳng chịu diệt, trong đó lại giải đãi khởi các loạn tưởng; điều nên làm, chẳng chịu làm; chỗ chẳng nên làm, lại tu hành. Bấy giờ, này chư Hiền, các bậc Tỳ-kheo trưởng lão, đối với ba chỗ có sự hổ thẹn. Thế nào là ba? Thế Tôn thường thích chỗ tịch tĩnh, bấy giờ Thanh văn chẳng học điều này. Tỳ-kheo trưởng lão bèn có hổ thẹn. Thế Tôn dạy người hãy diệt pháp này, mà Tỳ-kheo chẳng diệt pháp này. Tỳ-kheo trưởng lão liền có hổ thẹn. Trong đó khởi niệm loạn tưởng, ý không chuyên nhất. Tỳ-kheo trưởng lão liền có hổ thẹn.

Chư Hiền nên biết, Tỳ-kheo trung niên ở ba chỗ liền có hổ thẹn. Thế nào là ba? Thế Tôn thường thích chỗ tịch tịnh, bấy giờ Thanh văn chẳng học điều này. Tỳ-kheo bậc trung liền có hổ thẹn. Thế Tôn dạy người nên diệt pháp này, nhưng Tỳ-kheo ấy không diệt pháp này. Tỳ-kheo bậc trung liền có hổ thẹn. Trong đó khởi niệm loạn tưởng, ý không chuyên nhất. Tỳ-kheo trung niên liền có hổ thẹn.

Chư Hiền nên biết, Tỳ-kheo niên thiếu ở ba chỗ có sự hổ thẹn. Thế nào là ba? Ðệ tử Thế Tôn thường thích chỗ tịch tĩnh, bấy giờ Thanh văn chẳng học điều này. Tỳ-kheo niên thiếu liền có chỗ thẹn. Thế Tôn dạy người nên diệt pháp này, nhưng Tỳ-kheo ấy không diệt pháp này. Tỳ-kheo niên thiếu liền có hổ thẹn. Trong đó lại khởi niệm loạn tưởng, ý không chuyên nhất. Tỳ-kheo niên thiếu liền có hổ thẹn.

Ðó là, này chư Hiền, tham trước đối với tiền tài, không dính dáng đến pháp.

Các Tỳ-kheo bạch Tôn giả Xá-lợi-phất:

- Thế nào là Tỳ-kheo tham đắm vào pháp, không dính mắc tài lợi?

Tôn giả Xá-lợi-phất nói:

- Ở đây, này Tỳ-kheo, Thế Tôn thích chỗ tịch tĩnh, Thanh văn cũng học Như Lai thích chỗ tịch tĩnh. Thế Tôn thuyết nên diệt pháp này, các Tỳ-kheo liền diệt pháp này, chẳng giải đãi cũng chẳng loạn, điều nên làm liền tu hành; điều chẳng nên làm, liền chẳng làm.

Chư Hiền nên biết, Tỳ-kheo trưởng lão ở ba chỗ liền có danh xưng. Thế nào là ba? Ở đây, này Tỳ-kheo, Thế Tôn ưa thích chỗ tịch tĩnh, thời Thanh văn cũng ưa chỗ tịch tĩnh, thời Tỳ-kheo trưởng lão liền có danh xưng. Thế Tôn dạy người nên diệt pháp này, bấy giờ Tỳ-kheo liền diệt pháp này, thời Tỳ-kheo trưởng lão liền có danh xưng. Bên trong không khởi niệm loạn tưởng, ý thường chuyên nhất, thời Tỳ-kheo trưởng lão liền có danh xưng.

Chư Hiền nên biết, Tỳ-kheo trung niên ở ba nơi liền có danh xưng. Thế nào là ba? Ở đây, này Tỳ-kheo, Thế Tôn vui chỗ tịch tĩnh, Thanh văn cũng vui chỗ tịch tĩnh, thời Tỳ-kheo trung niên liền có danh xưng. Thế Tôn dạy người hãy diệt pháp này, bấy giờ Tỳ-kheo liền diệt pháp này, thời Tỳ-kheo trung niên liền có danh xưng. Bên trong không khởi niệm loạn tưởng, ý thường chuyên nhất, thời Tỳ-kheo trung niên liền có danh xưng.

Chư Hiền nên biết! Tỳ-kheo niên thiếu ở ba chỗ liền có danh xưng. Thế nào là ba? Ở đây, này Tỳ-kheo, Thế Tôn ưa chỗ tịch tĩnh, Tỳ-kheo niên thiếu cũng ưa chỗ tịch tĩnh, thời Tỳ-kheo niên thiếu liền có danh xưng. Thế Tôn dạy người hãy diệt pháp này, bấy giờ Thế Tôn niên thiếu liền diệt pháp này, thời Tỳ-kheo niên thiếu liền có danh xưng. Bên trong không khởi niệm loạn tưởng, ý thường chuyên nhất, thời Tỳ-kheo niên thiếu liền có danh xưng.

Chư Hiền nên biết, Tham là bịnh, tai họa rất lớn, sân giận cũng thế. Diệt được tham dâm, sân giận thì được trung đạo, nhãn sanh, trí sanh, các trói buộc dứt hết, đến được Niết-bàn. Xan lẫn, tật đố là bịnh cũng rất nặng, phiền não nung nấu, kiêu mạn cũng sâu, huyễn ngụy chẳng chân thật, không hổ không thẹn, chẳng thể xa lìa dâm dục, làm bại hoại sự ngay chánh, mạn và tăng thượng mạn cũng lại chẳng bỏ. Hai mạn này nếu diệt sẽ được ở trung đạo, nhãn sanh, trí sanh, các trói buộc dứt hết, đến được Niết-bàn.

Tỳ-kheo bạch:

- Tôn giả Xá-lợi-phất! Thế nào là ở trung đạo, nhãn sanh, trí sanh, các trói buộc dứt hết, đến được Niết-bàn?

Tôn giả Xá-lợi-phất nói:

- Chư Hiền nên biết, đó là Tám đạo phẩm của Hiền Thánh, nghĩa là Chánh kiến, Chánh trí (tư duy), Chánh ngữ, Chánh hạnh (nghiệp), Chánh mạng, Chánh phương tiện (tinh tấn), Chánh niệm, Chánh tam-muội (định). Này chư Hiền, đó là ở trung đạo, nhãn sanh, trí sanh, các trói buộc dứt hết, đến được Niết-bàn.

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Tôn giả Xá-lợi-phất dạy xong, vui vẻ vâng làm.

*

4. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở thành La-duyệt, tại vườn trúc Ca-lan-đà, cùng với chúng năm trăm đại Tỳ-kheo.

Bấy giờ Thế Tôn đến giờ đắp y, ôm bát vào thành La-duyệt khất thực tại một ngõ làng. Khi ấy ở làng đó, có vợ một Phạm chí muốn ăn cơm nhưng Bà-la-môn lại vừa ra khỏi cửa. Bà ta trông thấy Thế Tôn từ xa liền đến chỗ Thế Tôn mà hỏi:

- Ngài có thấy Bà-la-môn đâu không?

Khi ấy Tôn giả Ðại Ca-diếp đã ở ngõ đó trước rồi. Thế Tôn liền đưa tay chỉ, Ngài nói:

- Ðây là Bà-la-môn.

Bấy giờ vợ Bà-la-môn nhìn sửng mặt Như Lai, im lặng không nói.

Thế Tôn liền nói kệ:

Người không dục, không sân,
Bỏ ngu không có si,
A-la-hán lậu tận,
Ðó gọi là Phạm chí.
Người không dục, không sân,
Bỏ ngu, không có si,
Bỏ hết nhóm kiết sử,
Ðó gọi là Phạm chí.
Người không dục, không sân,
Bỏ ngu, không có si,
Ðã đoạn mạn ngô ngã,
Ðó gọi là Phạm chí.
Nếu người muốn biết pháp,
Của bậc Chánh Giác thuyết.
Chí thành tự quay về,
Ðấng Tối Tôn Vô Thượng.

Bấy giờ Thế Tôn bảoTôn giả Ca-diếp:

- Thầy nên đến vì vợ người Phạm chí này khiến cho bà ta ngay thân hiện tại thoát được tội cũ.

Lúc đó Tôn giả Ca-diếp vâng lời Phật dạy, đến nhà vợ Phạm chí, tới tòa mà ngồi. Lúc này vợ Bà-la-môn liền bày các thức ăn uống ngon ngọt cúng dường cho Tôn giả Ca-diếp. Tôn giả Ca-diếp liền nhận các thức ăn uống, vì muốn độ bà ta mà nói kệ:

Tế tự, lửa hơn hết,
Các sách, tụng tối thượng,
Vua là bậc người trọng,
Các dòng, biển là hơn.
Các sao, trăng đứng đầu,
Chiếu sáng, mặt trời nhất,
Bốn phía và trên dưới,
Ở các phương, cảnh vực.
Trời và người thế gian,
Phật là tối Tôn thượng.
Người muốn cầu phước này,
Nên quy y Chánh Giác.

Vợ Phạm chí kia nghe lời này xong, vui mừng hớn hở không kềm được, đến trước Tôn giả Ca-diếp bạch:

- Cúi mong Tôn giả, hằng nhận lời thỉnh của tôi mà đến nhà này thọ thực.

Tôn giả Ca-diếp nhận lời, thọ thực tại đó. Vợ Bà-la-môn thấy Tôn giản Ca-diếp ăn xong, bèn lấy một ghế thấp đến trước Tôn giả Ca-diếp ngồi. Tiếp đó, Tôn giả Ca-diếp liền thuyết pháp vi diệu cho bà ta, nghĩa là luận về thí, giới luận, luận về sanh thiên, dục là bất tịnh, dứt hết lậu hoặc là cao thượng, xuất gia là cần yếu.

Tôn giả Ca-diếp đã biết vợ Phạm chí tâm ý khai mở, lòng rất hân hoan. Những điều chư Phật thường thuyết pháp: Khổ, Tập, Diệt, Ðạo, Tôn giả Ca-diếp đều thuyết cho vợ Phạm chí hết. Vợ Phạm chí ở ngay tòa ngồi, dứt sạch các trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh. Ví như áo lót trắng mới tinh, không có bụi dơ, dễ nhuộm màu; vợ Phạm chí cũng lại như thế, ngay trên tòa ngồi được pháp nhãn thanh tịnh. Bà ta đã được pháp, thấy pháp, phân biệt pháp chẳng có hồ nghi, đã được vô úy, tự quy y ba bậc đáng tôn trọng là Phật, Pháp và Thánh chúng, thọ trì ngũ giới. Tôn giả Ca-diếp thuyết pháp vi diệu cho vợ Phạm chí một lần nữa, rồi từ chỗ ngồi đứng lên mà đi.

Ngài Ca-diếp đi chưa bao lâu, chồng bà ta ở xa về nhà. Bà-la-môn thấy nhan sắc người vợ vui tươi khác thường liền hỏi vợ. Người vợ đem nhân duyên này kể lại đầy đủ cho chồng. Bà-la-môn nghe xong, liền cùng vợ đi đến Tinh xá, đến chỗ Thế Tôn. Bà-la-môn cùng Thế Tôn chào hỏi xong, ngồi xuống một bên. Bà-la-môn bạch Thế Tôn:

- Vừa rồi có Bà-la-môn đến nhà tôi, nay ở đâu?

Bấy giờ Tôn giả Ca-diếp cách Thế Tôn chẳng xa, ngồi kiết-già, chánh thân, chánh ý, suy tư về diệu pháp.

Thế Tôn từ xa chỉ Ðại Ca-diếp, nói:

- Ðây là tôn trưởng Bà-la-môn.

Bà-la-môn nói:

- Thế nào Cù-đàm? Sa-môn tức là Bà-la-môn chăng? Sa-môn và Bà-la-môn há không khác sao?

Thế Tôn dạy:

- Muốn nói Sa-môn, chính là thân Ta. Sở dĩ như thế, vì Ta tức là Sa-môn. Có các giới luật mà Sa-môn phải tụng trì, Ta đều đã được. Như nay muốn luận về Bà-la-môn, thì cũng là thân Ta. Vì sao thế? Vì Ta tức là Bà-la-môn. Các Bà-la-môn thời quá khứ trì pháp hạnh nào, Ta đều đã biết hết.

Muốn luận Sa-môn, tức là Ðại Ca-diếp. Vì sao thế? Sa-môn có các luật, Tỳ-kheo Ca-diếp đều giữ hết. Muốn luận Bà-la-môn, cũng là Tỳ-kheo Ca-diếp. Vì sao thế? Bà-la-môn phụng trì các cấm giới, Tỳ-kheo Ca-diếp đều rõ biết hết.

Thế Tôn liền nói kệ:

Ta chẳng nói Phạm chí,
Là người rành chú thuật,
Xướng rằng sanh Phạm thiên,
Ðây là chưa rời trói,
Không trói, không đường sanh,
Hay thoát tất cả kiết,
Lại không xưng phước trời,
Tức Sa-môn, Phạm chí.

Bấy giờ Bà-la-môn bạch Thế Tôn:

- Nói là kết phược (buộc trói), những gì gọi là kết?

Thế Tôn dạy;

- Dục ái là kết, sân nhuế là kết, ngu si là kết. Như Lai không có dục ái này, diệt hẳn không sót; sân nhuế, ngu si cũng lại như thế. Như Lai chẳng còn kết này nữa.

Bà-la-môn nói:

- Cúi mong Thế Tôn nói pháp sâu mầu không có các kết phược này nữa.

Thế rồi đức Thế Tôn lần lượt thuyết luận vi diệu cho Bà-la-môn. Luận tức là thí luận, giới luận, luận sanh thiên; dục là bất tịnh; dứt hết lậu hoặc là hơn hết; xuất gia là cần yếu.

Bấy giờ Thế Tôn biết Bà-la-môn kia tâm ý khai mở, lòng rất hoan hỉ điều mà chư Phật thời xưa thường thuyết pháp: Khổ, Tập, Diệt, Ðạo. Bấy giờ Thế Tôn đều thuyết hết cho Bà-la-môn. Bà-la-môn ngay trên chỗ ngồi, dứt sách cách trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh. Ví như áo lót trắng tinh, không có bụi dơ, dễ nhuộm màu; Bà-la-môn cũng lại như thế, ngay trên chỗ ngồi được pháp nhãn thanh tịnh. Ông ta đã được pháp, thấy pháp, phân biệt pháp không có hồ nghi, đã đến chỗ vô úy, tự quy y Tam tôn: Phật, Pháp và Thánh chúng, thọ trì ngũ giới, làm đứa con chân thật của Như Lai, không còn lui sụt nữa.

Bấy giờ vợ chồng Bà-la-môn nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

*

5. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở thành La-duyệt, vườn trúc Ca-lan-đà cùng với chúng năm trăm đại Tỳ-kheo.

Bấy giờ vua A-xà-thế có con voi tên Na-la-kỳ-lê, vô cùng hung tàn bạo ngược, mạnh mẽ hay trừ dẹp oán thù. Nhờ sức voi đó, khiến cho không đâu không nép phục một nước Ma-kiệt.

Bấy giờ Ðề-bà-đạt-đa liền đến chỗ vua A-xà-thế, nói:

- Ðại vương nên biết! Nay con voi này tàn ác, có thể hàng phục các kẻ thù. Hãy đem rượu mạnh cho voi uống say, sáng sớm Sa-môn Cù-đàm ắt sẽ vào thành khất thực, hãy thả voi say này cho chà đạp chết đi!

Vua A-xà-thế nghe Ðề-bà-đạt-đa dạy liền ra lệnh trong nước: Sáng sớm mai sẽ thả voi say, cấm nhân dân đi lại trong làng xóm.

Lúc này Ðề-bà-đạt-đa nói với vua A-xà-thế:

- Nếu Sa-môn Cù-đàm kia có nhất thiết trí biết việc tương lai thì ngày mai ắt không vào thành khất thực.

Vua A-xà-thế nói:

- Ðúng như lời Ngài dạy. Nếu người có nhất thiết trí, sáng sớm mai sẽ không vào thành khất thực.

Bấy giờ nam nữ, già trẻ trong thành La-duyệt kính thờ Phật, nghe vua A-xà-thế sáng sớm mai sẽ thả voi say hại Như Lai. Nghe xong ai cũng lo buồn, liền đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi đứng một bên, bạch Thế Tôn:

- Sáng sớm mai xin Thế Tôn chớ có vào thành.

-Vì sao thế?

- Vì nay vua A-xà-thế có ban lệnh bắt 'nhân dân trong thành ngày mai chớ qua lại ở làng xóm, ta muốn thả voi say hại Sa-môn Cù-đàm. Nếu Sa-môn có Nhất thiết trí, sáng sớm mai sẽ không vào thành khất thực'.

Cúi mong Thế Tôn chớ có vào thành. Nếu Như Lai bị hại, người đời sẽ mất con mắt, không còn được cứu hộ.

Thế Tôn bảo:

- Thôi! Thôi! Các Ưu-bà-tắc chớ có sầu não. Vì sao thế? Thân của Như Lai chẳng phải là thân thế tục, nên chẳng bị người khác làm hại; hoàn toàn không có việc này. Các Ưu-bà-tắc nên biết, đất Diêm-phù-đề Ðông Tây rộng bảy ngàn do-tuần, Nam Bắc dài hai mươi mốt ngang do-tuần; đất Cù-da-ni bề ngang rộng tám ngàn do-tuần hình như nửa mặt trăng; đất Phất-vu-đệ bề ngang rộng chín ngàn do-tuần; đất đai vuông vức; đất Uất-đan-việt bề ngang rộng mười ngàn do-tuần, đất đai tròn như mặt trăng đầy. Ngay dù trong bốn thiên hạ này đầy voi say giống như lúa mè, lùm rừng, số như thế vẫn chẳng thể làm động một mảy lông của Như Lai, huống là hại được Như Lai; hoàn toàn không có việc này. Ngoài bốn thiên hạ ra, lại có cả ngàn thiên hạ, ngàn trời trăng, ngàn núi Tu-di, ngàn nước bốn biển, ngàn Diêm-phù-đề, ngàn Cù-da-ni, ngàn Phất-vu-đệ, ngàn Uất-đan-việt, ngàn Tứ thiên vương, ngàn trời Ba mươi ba, ngàn trời Ðâu-suất, ngàn trời Diệm thiên, ngàn trời Hóa tự tại, ngàn trời Tha hóa Tự tại, đây gọi là ngàn thế giới. Cho đến hai ngàn thế giới, đây gọi là trung thiên thế giới. Cho đến ba ngàn thế giới, đây gọi tam thiên đại thiên thế giới. Trong đó Long vương Y-la-bát đầy dẫy vẫn không thể làm động một mảy lông của Như Lai, huống là con voi này lại muốn hại Như Lai được sao? Hoàn toàn không có việc này. Vì sao thế? Thần lực của Như Lai chẳng thể nghĩ bàn. Như Lai ra đời, trọn chẳng bị người làm tổn hại. Các Ông nên trở về chỗ của mình. Như Lai sẽ tự biết đối phó việc này.

Bấy giờ Thế Tôn rộng thuyết pháp vi diệu cho bốn bộ chúng, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di nghe thuyết Chánh pháp xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng lên lễ Phật mà lui đi.

Sáng sớm Thế Tôn đắp y, ôm bát muốn vào thành La-duyệt khất thực. Khi ấy, Thiên vương Ðề-đầu-lại-tra cùng Càn-thát-bà v.v.. từ phương Ðông đến theo hầu Thế Tôn; Tỳ-lưu-lặc-vương cùng chúng Cưu-bàn-trà theo hầu Thế Tôn; phương Tây có Tỳ-lưu-ba-xoa cùng các chúng rồng theo hầu Như Lai; phương Bắc Thiên vương Câu-tỳ-la cùng chúng quỷ La sát theo hầu Như Lai. Bấy giờ Thích-đề-hoàn nhân đem vài ngàn vạn chúng thiên nhân, biến mất từ trời Ðâu-suất hiện đến chỗ Thế Tôn, rồi trời Phạm thiên vương cùng vài ngàn vạn chúng Phạm thiên từ cõi trời Phạm thiên đến chỗ Thế Tôn. Thích, Phạm, Tứ thiên vương và hai mươi tám Trời, đại quỷ thần vương, mọi người bảo nhau:

- Hôm nay chúng ta sẽ xem hai thần voi và rồng đấu với nhau, ai sẽ thắng, bại.

Bốn bộ chúng trong thành La-duyệt từ xa thấy Thế Tôn cùng chư Tỳ-kheo vào thành khất thực. Nhân dân trong thành đều cất tiếng hô hoán. Vua A-xà-thế nghe tiếng này, hỏi tả hữu:

- Ðây là tiếng vang của những gì mà lọt vào đây?

Thị thần đáp:

- Ðây là Như Lai vào thành khất thực, dân chúng trông thấy nên có tiếng này.

A-xà-thế nói:

- Sa-môn Cù-đàm không có Thánh đạo, chẳng biết tâm người mà đến thử đối phó.

Vua A-xà-thế liền sai tượng sư:

- Ông mau cho voi uống rượu mạnh, mũi đeo gươm bén thả cho nó chạy.

Bấy giờ Thế Tôn cùng các Tỳ-kheo đến cửa thành, vừa nhấc chân vào cửa thì trời đất chuyển động. Các bậc trời thần ở trên hư không tung các loại hoa. Năm trăm Tỳ-kheo thấy voi say đến, đều vùng chạy không biết đi đâu. Voi hung dữ kia thấy Như Lai ở xa liền xông tới.Thị giả A-nan thấy voi say đến, ở sau lưng Thế Tôn chẳng yên, bạch Thế Tôn:

- Voi này bạo ác, sợ sẽ hại mình, phải nên tránh xa nó.

Thế Tôn bảo:

- Chớ sợ, A-nan! Nay Ta sẽ dùng cánh tay thần của Như Lai để hàng phục voi này.

Như Lai quan sát con voi hung bạo, khi cách nó không gần cũng chẳng xa, Ngài liền hóa ra các sư tử vương ở hai bên, sau lưng voi hóa thành một hầm lửa lớn. Voi hung bạo kia thấy sư tử vương ở hai bên và thấy hầm lửa liền vãi phân tiểu không chỗ phóng chạy bèn sấn đến trước Thế Tôn. Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:

Mi chớ có hại rồng,
Rồng hiện rất khó gặp,
Do không có hại rồng,
Mà được sanh chỗ thiện.

Voi hung bạo nghe Thế Tôn nói kệ này, như bị lửa đốt, tự cởi kiếm hướng về Như Lai quỳ hai gối, phục xuống đất lấy vòi liếm chân Như Lai. Thế Tôn duỗi tay phải xoa đầu voi, nói:

Sân giận sanh địa ngục,
Cũng làm thân rắn rít,
Thế nên hãy bỏ sân,
Chớ thọ lại thân này.

Bấy giờ các bậc Trời thần ở trong hư không dùng trăm ngàn loại hoa tung trên Như Lai. Thế Tôn bèn thuyết pháp vi diệu cho bốn bộ chúng, Trời, Rồng, Quỷ, Thần. Bấy giờ hơn sáu vạn nam nữ thấy voi bị hàng phục, liền hết sạch trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh. Tám vạn thiên nhân cũng được pháp nhãn thanh tịnh.

Rồi trong thân voi say kia, gió đao nổi lên, thân hoại mạng chung, sanh lên cung trời Tứ thiên vương.

Bấy giờ Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di và Trời, Rồng, Quỷ, Thần nghe Thế Tôn dạy xong, vui vẻ vâng làm.

*

6. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Tôn giả Nan-đà, đắp y thật đẹp, màu sắc chói mắt, mang giày viền vàng, lại vẽ hai mắt, tay ôm bình bát định vào thành Xá-vệ.

Khi ấy rất đông chúng Tỳ-kheo từ xa trông thấy Tôn giả Nan-đà, khoát y cực đẹp vào thành Xá-vệ khất thực, liền đến chỗ Thế Tôn cúi lạy rồi ngồi một bên. Phút chốc, ngồi lui lại mà bạch Thế Tôn:

- Vừa rồi Tỳ-kheo Nan-đà đắp y cực đẹp, màu sắc chói mắt, vào thành Xá-vệ khất thực.

Khi ấy Thế Tôn bảo một Tỳ-kheo:

- Thầy mau đến chỗ Tỳ-kheo Nan-đà, nói rằng Như Lai gọi Thầy.

- Xin vâng, Thế Tôn.

Tỳ-kheo ấy nhận lời Thế Tôn dạy, cúi lạy rồi đi, đến chỗ Tỳ-kheo Nan-đà, nói với Nan-đà:

- Thế Tôn gọi Thầy.

Nan-đà nghe Tỳ-kheo nói, liền đến chỗ Thế Tôn, đến xong cúi lạy và ngồi một bên. Thế Tôn bảo Nan-đà:

- Nay Thầy vì sao đắp y cực đẹp, lại mang giày viền vàng vào thành Xá-vệ khất thực?

Tôn giả Nan-đà làm thinh chẳng đáp.

Thế Tôn lại nói nữa:

- Thế nào Nan-đà? Thầy há chẳng do niềm tin kiên cố, xuất gia học đạo sao?

Nan-đà đáp:

- Ðúng vậy, Thế Tôn.

Thế Tôn bảo:

- Này Thầy là con nhà vọng tộc, chẳng hành đúng luật, do lòng tin kiên cố, xuất gia học đạo, vì sao lại mặc áo cực đẹp, tô sửa hình vóc, muốn vào thành Xá-vệ khất thực, cùng bọn bạch y kia đâu có khác gì?

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:

Ngày nào thấy Nan-đà,
Hay trì hạnh tịch tĩnh,
Tâm vui pháp Sa-môn,
Ðầu đà đến bờ kia.

Nan-đà, nay Thầy chớ tạo hạnh như vậy!

Bấy giờ, Tôn giả Nan-đà và bốn bộ chúng nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

*

7. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Tôn giả Nan-đà chẳng kham hành Phạm hạnh, muốn cởi pháp y, tập hạnh bạch y. Khi ấy nhiều chúng Tỳ-kheo đến chỗ Thế Tôn cúi lạy rồi ngồi một bên. Các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:

- Tỳ-kheo Nan-đà chẳng kham hành Phạm hạnh, muốn cởi pháp phục, tập hạnh tại gia.

Thế Tôn bảo một Tỳ-kheo:

- Thầy đến chỗ Nan-đà bảo là Như Lai gọi Thầy.

- Xin vâng, Thế Tôn.

Tỳ-kheo ấy vâng lời Thế Tôn liền từ chỗ ngồi đứng lên, cúi lạy Thế Tôn rồi lui, đi đến chỗ Tỳ-kheo Nan-đà, nói:

- Thế Tôn gọi Nan-đà.

- Vâng.

Bấy giờ Tỳ-kheo Nan-đà theo Tỳ-kheo này đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi ngồi một bên. Thế Tôn bảo Nan-đà.

- Thế nào Nan-đà? Thầy chẳng ưa tu Phạm hạnh, muốn cởi pháp y, tập hạnh bạch y chăng?

Nan-đà đáp:

- Thưa vâng, Thế Tôn.

Thế Tôn nói:

- Vì sao thế, Nan-đà?

Nan-đà đáp:

- Vì con lòng dục lừng lẫy, kềm chẳng được.

Thế Tôn nói:

- Thế nào Nan-đà? Thầy không phải là con nhà vọng tộc xuất gia học đạo sao?

Nan-đà đáp:

- Ðúng vậy, Thế Tôn! Con là dòng dõi vọng tộc, do lòng tin kiên cố xuất gia học đạo.

Thế Tôn bảo:

- Nếu Thầy dòng dõi vọng tộc thì chẳng nên như thế. Vì bỏ nhà học đạo, tu hạnh thanh tịnh, tại sao lại bỏ Chánh pháp muốn tập ô uế? Nan-đà nên biết, có hai pháp không nhàm chán. Nếu có người học tập hai pháp này, trọn không nhàm chán. Thế nào là hai pháp? Nghĩa là dâm dục và uống rượu. Ðó là hai pháp này, trọn không nhàm chán. Do quả của hạnh này cũng không thể được chỗ vô vi. Thế nên, Nan-đà, hãy nghĩ nhớ bỏ hai pháp này, sau ắt sẽ thành quả báo vô lậu. Nan-đà! Nay Thầy khéo tu Phạm hạnh, hướng về đạo quả đều do đó cả.

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:

Lợp nhà không kín,
Trời mưa sẽ dột,
Người chẳng chịu hành,
Lọt dâm, nộ, si.
Lợp nhà khéo kín,
Trời mưa chẳng dột,
Người hay chuyên hành,
Không dâm, nộ, si.

Bấy giờ Thế Tôn lại nghĩ: 'Gã vọng tộc này ý dục rất nhiều. Nay Ta phải nên dùng lửa trừ lửa'.

Khi ấy Thế Tôn, liền lấy cánh tay thần lực nắm Nan-đà, ví như người có sức vừa co duỗi cánh tay đem Nan-đà lên núi Hương Sơn. Bấy giờ trên núi có một hang đá, lại có một con khỉ mù đang ở đó. Thế Tôn tay phải nắm Nan-đà bảo:

- Nan-đà! Thầy có thấy con khỉ mù này chăng?

- Vâng, Thế Tôn.

Thế Tôn nói:

- Cái nào đẹp? Tôn-đà-lợi họ Thích đẹp hay con khỉ mù này đẹp?

Nan-đà đáp:

- Ví như có người đánh dập lỗ mũi con chó xấu xí, lại còn bôi thêm độc vào nó, khiến càng xấu hơn. Ðây cũng như thế, cô gái họ Thích Tôn-đà-lợi, nay đem so với con khỉ mù này, không thể ví dụ. Ví như đống lửa lớn đốt cháy núi rừng còn bỏ thêm củi khô, lửa càng hừng hực. Ðây cũng thế, con nhớ cô gái họ Thích kia không lìa tâm.

Bấy giờ Thế Tôn như trong khoảng co duỗi cánh tay từ núi kia biến mất, liền đến cõi trời Ba mươi ba. Lúc ấy chư Thiên cõi trời Ba mươi ba đều tụ tập ở giảng đường Thiện Pháp. Cách giảng đường Thiện Pháp chẳng xa, lại có cung điện, năm trăm ngọc nữ vui đùa với nhau, toàn là con gái chẳng có con trai. Bấy giờ Nan-đà xa thấy năm trăm Thiên nữ ca hát kỹ nhạc vui đùa với nhau, thấy rồi hỏi Thế Tôn:

- Ðây là chỗ nào mà có năm trăm Thiên nữ hát xướng kỹ nhạc, vui đùa với nhau?

Thế Tôn bảo:

- Nan-đà! Thầy tự đi hỏi đi!

Tôn giả Nan-đà liền đến chỗ năm trăm Thiên nữ, thấy cung điện nhà cửa kia trải tọa cụ tốt đẹp hàng trăm thứ, toàn là con gái không có con trai. Tôn giả Nan-đà liền hỏi Thiên nữ:

- Các Người là Thiên nữ thế nào mà vui chơi khoái lạc với nhau như thế?

Thiên nữ đáp:

- Chúng tôi có năm trăm người đều thanh tịnh không có phu chủ (chồng). Chúng tôi nghe có đệ tử Thế Tôn tên là Nan-đà là con của di mẫu đức Phật. Ngài đang ở chỗ Như Lai thanh tịnh tu Phạm hạnh. Sau khi mạng chung sẽ sanh ở đây làm phu chủ của chúng tôi, cùng vui thú với nhau.

Tôn giả Nan-đà lòng rất vui mừng, kềm chẳng được, liền nghĩ: 'Nay ta là đệ tử Thế Tôn, lại cũng là con di mẫu. Các Thiên nữ này đều sẽ là vợ ta'.

Lúc ấy Nan-đà liền trở lui đến chỗ Thế Tôn. Thế Tôn nói:

- Thế nào Nan-đà, Ngọc nữ kia nói thế nào?

Nan-đà đáp:

- Ngọc nữ kia mỗi người nói: 'Mỗi người chúng tôi đều không chồng. Nghe có đệ tử Thế Tôn khéo tu Phạm hạnh, sau khi mạng chung sẽ sanh đến đây'.

Thế Tôn bảo:

- Nan-đà! Ý Thầy thế nào?

Nan-đà đáp:

- Bấy giờ con tự nghĩ: 'Ta là đệ tử Thế Tôn, lại là con di mẫu của Phật. Các Thiên nữ này đều sẽ là vợ ta'.

Thế Tôn bảo:

- Thích thay, Nan-đà! Hãy khéo tu Phạm hạnh, Ta sẽ tác chứng cho Thầy, khiến năm trăm nữ nhân đều cấp cho Thầy.

Thế Tôn lại nói:

- Thế nào Nan-đà? Cô gái họ Thích Tôn-đà-lợi đẹp hay năm trăm thiên nữ này đẹp?

Nan-đà đáp:

- Ví như con khỉ mù trên núi trước Tôn-đà-lợi, không có tươi nhuận cũng không có sắc. Ðây cũng như thế, Tôn-đà-lợi trước Thiên nữ kia cũng vậy, không có sáng tươi.

Thế Tôn bảo:

- Thầy khéo tu Phạm hạnh, Ta sẽ chứng cho Thầy được năm trăm Thiên nhân này.

Bấy giờ Thế Tôn liền nghĩ: 'Nay Ta sẽ dùng lửa diệt lửa của Nan-đà'.

Ví như người có sức trong khoảng co duỗi cánh tay, Thế Tôn tay phải cầm cánh tay Nan-đà đưa đến địa nguc. Bấy giờ chúng sanh trong địa ngục chịu biết bao khổ não. Lúc ấy, trong địa ngục kia có một vạc lớn trống rỗng, chẳng có người. Thấy rồi, Nan-đà liền sanh sợ hãi, lông áo dựng đứng, đến trước Thế Tôn, bạch:

- Ở đây các chúng sanh đều chịu đau khổ, chỉ riêng có vạc này bỏ trống không người.

Thế Tôn nói:

- Ðây gọi là địa ngục A-tỳ.

Bấy giờ Nan-đà càng thêm khủng khiếp, lông áo dựng đứng, bạch Thế Tôn:

- Ðây là địa ngục A-tỳ mà sao có ngục trống, không có tội nhân?

Thế Tôn nói:

- Nan-đà! Thầy hãy tự đến hỏi đi.

Tôn giả Nan-đà liền tự đi hỏi:

- Thế nào ngục tốt, đây là ngục gì mà trống, không có người?

Ngục tốt đáp:

- Tỳ-kheo nên biết! Ðệ tử đức Phật Thích-ca tên là Nan-đà. Ông ta ở chỗ Như Lai, tịnh tu Phạm hạnh, thân hoại mạng chung sanh cõi lành, trên trời. Ở đó vị ấy sống lâu ngàn tuổi, khoái lạc vui thú, rồi lại ở đó chết, sanh vào địa ngục A-tỳ này. Cái vạc không này vì thế để trống.

Tôn giả Nan-đà nghe lời này xong, lòng hoảng sợ, lông áo dựng đứng, liền nghĩ: 'Cái vạc trống này chính là dành cho ta'.

Tôn giả Nan-đà vội đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy, bạch Thế Tôn:

- Mong cho con được sám hối lỗi chính con, do chẳng tu Phạm hạnh, xúc nhiễu Thế Tôn.

Bấy giờ Tôn giả Nan-đà liền nói kệ:

Ðời người không đủ quý,
Trời hết thọ cũng mất,
Ðịa ngục khổ chua cay,
Chỉ có Niết-bàn vui.

Thế Tôn bảo Nan-đà:

- Lành thay! Lành thay! Như lời Thầy nói. Niết-bàn rất là tịnh lạc. Nan-đà! Ta nhận cho Thầy sám hối, Thầy ngu, Thầy si, tự biết lỗi. Nay Như Lai nhận lời hối lỗi của Thầy, sau chớ phạm nữa.

Bấy giờ Thế Tôn trong khoảng co duỗi cánh tay, tay nắm Nan-đà từ địa ngục biến mất, đến thành Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo Nan-đà:

- Nan-đà, nay Thầy nên tu hai pháp. Thế nào là hai pháp? Ðó là Chỉ và Quán. Lại nên tu thêm hai pháp. Thế nào là hai pháp? Là sanh tử chẳng đáng ưa, biết Niết-bàn là vui. Ðó là hai pháp. Lại nên tu thêm hai pháp, đó là trí và biện.

Bấy giờ Thế Tôn đem những pháp này thuyết cho Nan-đà. Tôn giả Nan-đà nhận lời Thế Tôn dạy xong, từ chỗ ngồi đứng lên, cúi lạy Phật rồi lui đi. Ðến vườn An-đà, Tôn giả ngồi kiết-già dưới một gốc cây, chánh thân chánh ý buộc niệm ở trước, suy nghĩ lời dạy này của Như Lai. Tôn giả ở chỗ nhàn tĩnh, hằng suy nghĩ lời dạy của Như Lai, không rời một phút chốc. Do đó vị vọng tộc này do lòng tin kiên cố, xuất gia học đạo, tu Phạm hạnh vô thượng, sanh tử đã dứt, Phạm hạnh đã lập, việc phải làm đã làm xong, lại không còn thọ thân sau, như thật mà biết. Lúc ấy Tôn giả Nan-đà liền thành A-la-hán. Ðã thành A-la-hán rồi, Tôn giả liền từ chỗ ngồi đứng lên, sửa sang y phục đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy, ngồi một bên. Tôn giả Nan-đà bạch Thế Tôn:

- Thế Tôn trước hứa sẽ chứng cho đệ tử năm trăm thiên nữ, nay con xin bỏ hết.

Thế Tôn bảo:

- Nay Thầy sanh tử đã dứt, Phạm hạnh đã lập. Ta sẽ bỏ lời hứa.

Thế Tôn liền nói kệ:

Nay Ta thấy Nan-đà,
Tu hành pháp Sa-môn
Các ác đều đã dứt,
Ðầu đà không có mất.

Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Người đắc A-la-hán, nay là Tỳ-kheo Nan-đà. Không dâm, nộ, si cũng là Tỳ-kheo Nan-đà.

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

*

8. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Thích-si-sấu, Ca-tỳ-la-vệ, trong vườn Ni-câu-lưu cùng chúng năm trăm đại Tỳ-kheo.

Bấy giờ Ðại Ái Ðạo Cù-đàm-di, liền đến chỗ Thế Tôn cúi lạy rồi bạch Thế Tôn:

- Mong Thế Tôn hằng giữ gìn mạng sống để giáo hóa lâu dài cho bọn ngu tối.

Thế Tôn bảo:

- Cù-đàm-di, chớ nên nói lời này với Như Lai. Thọ mạng của Như Lai vô cùng, Ta hằng giữ gìn mạng này.

Bấy giờ Ðại Ái Ðạo Cù-đàm-di liền nói kệ:

Thế nào lễ tối thắng,
Thế gian không ai bằng?
Dứt được tất cả nghi,
Cho nên nói lời này.
Thế Tôn lại dùng kệ đáp:
Tinh tấn ý khó thiếu,
Hằng có tâm dũng mãnh,
Bình đẳng nhìn Thanh văn,
Ðây tức lễ Như Lai.

Bà Ðại Ái Ðạo bạch Thế Tôn:

- Từ nay về sau con sẽ lễ Như Lai. Nay Như Lai dạy lễ tất cả chúng sanh không có ý thêm, bớt. Trên Trời, loài Người, và A-tu-la, Như Lai là tối thượng.

Thế Tôn hứa khả lời bà Ðại Ái Ðạo nói, bà liền từ chỗ ngồi đứng lên, lễ Phật rồi lui đi.

Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Ðệ tử hiểu rộng biết nhiều bậc nhất trong hàng Thanh Văn của Ta là Ðại Ái Ðạo.

Các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ nâng làm.

*

9. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Có hai hạng người này ở trong chúng Như Lai mà lại khởi lên sự phỉ báng. Thế nào là hai người? Là pháp sai nói là pháp đúng; nói pháp đúng là pháp sai. Ðó là hai người phỉ báng Như Lai.

Lại có hai người không phỉ báng Như Lai. Thế nào là hai? Nghĩa là pháp sai (phi pháp) nói là pháp sai, pháp đúng (chân pháp) nói là pháp đúng. Ðó là hai người không phỉ báng Như Lai. Thế nên, các Tỳ-kheo, pháp sai hãy nói là pháp sai, pháp đúng hãy nói là pháp đúng. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

*

10. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Có hai hạng người gặt hái được phước vô lượng. Thế nào là hai? Với người đáng khen ngợi thì khen ngợi, người không đáng khen ngợi thì không khen ngợi. Ðó là hai người được phước vô lượng. Lại có hai người chịu tội vô lượng. Thế nào là hai? Nghĩa là người đáng khen ngợi lại phỉ báng, người không đáng khen ngợi mà lại khen ngợi. Các Tỳ-kheo, chớ học điều này!

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.